An ninh con người - mục tiêu, động lực bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam

Đại hội XIII của Đảng đã đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo đảm an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 Lễ Chào cờ trên đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)_Ảnh: Vĩnh Thành
VẤN ĐỀ AN NINH CON NGƯỜI

Hiện nay, vấn đề an ninh con ngư­ời đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả, chính trị gia, nhà nư­ớc, tổ chức quốc tế và khu vực. Các nhà nghiên cứu đưa ra các quan niệm về an ninh con người hay an ninh, an toàn của con ngư­ời được hiểu khá tương đồng với nhau. Ở phạm vi hẹp, an ninh con người hầu hết đề cập đến bảo vệ cá nhân khỏi những mối đe dọa bạo lực, cụ thể như: xung đột vũ trang, bất hòa dân tộc, nhà nước không hoạt động như mong đợi, buôn lậu nhỏ có vũ trang... Ở phạm vi rộng, an ninh con người đề cập đến giải quyết một dãy những nhu cầu con người và tự do được xác định để bảo đảm hạnh phúc của cá nhân, cũng như bảo vệ các cá nhân khỏi những mối đe dọa.

Báo cáo phát triển con ngư­ời của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) năm 1994 đề cập một cách khá toàn diện đến khái niệm “an ninh con ngư­ời”. Theo đó, an ninh con ngư­­ời thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản: (1) An toàn tr­ước các mối đe dọa triền miên như­ đói khát, bệnh tật, áp bức...; (2) Con người phải đ­ược bảo vệ trước những biến động bất thư­ờng và có hại đối với cuộc sống hằng ngày, bất kể con ngư­ời đang sống trong môi trư­ờng nào. Báo cáo chỉ rõ, an ninh con ngư­ời có bốn đặc trư­ng cơ bản: Thứ nhất, an ninh con ng­ười mang tính chất phổ biến. Thứ hai, những yếu tố tạo thành, tác động, ảnh hưởng đến an ninh con ngư­ời đều có mối tương liên, phụ thuộc, tác động chuyển hóa lẫn nhau. Thứ ba, các nguy cơ, yếu tố tác động tới an ninh con ngư­ời cần phải đư­ợc ngăn ngừa sớm, phòng hơn chống. Thứ tư, an ninh con ng­ười đang được hầu hết các nhà nước - dân tộc xác định con ng­ười vừa là mục tiêu vừa là động lực, con người luôn là trung tâm. An ninh thế giới, an ninh quốc gia, an ninh xã hội, an ninh cộng đồng và an ninh con ngư­ời đều có quan hệ, suy cho cùng cũng là vì con ngư­ời, do con ngư­ời và cho con người.

Với ph­ương pháp tiếp cận trên về khái niệm, đặc trư­ng, nội hàm của an ninh con người, Liên hợp quốc đã đư­a ra bảy nhân tố cấu thành, tác động đến an ninh con người, bao gồm: (1) an ninh kinh tế; (2) an ninh lương thực; (3) an ninh sức khỏe; (4) an ninh môi trư­ờng; (5) an ninh cá nhân; (6) an ninh cộng đồng; (7) an ninh chính trị. Các nhân tố này chịu tác động, ảnh hưởng đến an ninh con người từ nhiều góc độ, phương diện khác nhau, tùy theo hoàn cảnh không gian, thời gian, điều kiện, môi trường, hoàn cảnh, ảnh h­ưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến từng người, cộng đồng người nhất định.      

Tóm lại, có thể hiểu, an ninh con người là việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người trước những nguy cơ xâm hại, đe doạ… Nhờ việc bảo vệ như vậy, mỗi cá nhân (nói riêng) và cộng đồng (nói chung) có được đời sống yên ổn và cơ hội phát triển”(1) .

Với cách tiếp cận trên, có thể nhận thấy; mục tiêu của an ninh con người là “tất cả vì con người”, “con người làm trung tâm trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia”. Theo đó, việc xây dựng tiêu chí, chỉ số đo lường về an ninh con người được dựa trên các nhân tố: an ninh kinh tế; an ninh sức khỏe; an ninh chính trị; an ninh môi trường; an ninh giáo dục... Những tiêu chí, chỉ số đo lường trong nội hàm an ninh con người luôn được bổ sung, mở rộng và cụ thể hóa tùy theo thời gian, môi trường, điều kiện, hoàn cảnh nhất định.

“An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”(2).

Để bảo đảm an ninh con người, các nhà nước cũng như các xã hội phải tạo ra được môi trường chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự, văn hóa, sinh thái... lành mạnh, phát triển. Các cơ chế đó phải đảm bảo được tiêu chí bảo vệ con người tránh khỏi những xâm lược từ bên ngoài và những mối đe dọa từ bên trong bởi tổ hợp của các nhân tố tiêu cực như đói nghèo, bệnh dịch, ô nhiễm môi trường, tội phạm, tệ nạn xã hội, sự mất an toàn trong cuộc sống, sự lo lắng trước những bất công, bạo lực…

ĐẢM BẢO AN NINH CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành; tình hình chính trị ổn định, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao... Kết quả ấy góp phần tạo lập nền tảng bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh con người. Tuy nhiên, trong điều kiện mới của quốc tế và khu vực, nước ta đang đứng trước hàng loạt các thách thức đặt ra cần giải quyết về an ninh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng - văn hóa, xã hội. Song song với đó, những vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội cũng diễn biến phức tạp như: tội phạm và tệ nạn xã hội chưa giảm, xu hướng bạo lực gia tăng, xảy ra nhiều vụ thảm án nghiêm trọng; các mối đe dọa từ môi trường như: thiên tai, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, rác thải, hóa chất tồn dư, gây nhiều bệnh tật cho con người và sức khỏe cộng động; vấn đề việc làm, nạn thất nghiệp, sự mất cân đối trong phát triển kinh tế, an toàn lao động, an toàn giao thông, an ninh cộng đồng, nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nạn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng, xung đột xã hội, dịch bệnh toàn cầu (COVID-19)… tất cả đã và đang đe  dọa nghiêm trọng đến an ninh xã hội, an ninh con người của nước ta. Tình hình trên cho thấy, vấn đề an ninh xã hội, an ninh con người đang được đặt ra là vấn đề hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nếu như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu ra một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nước ta là: “đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người gắn với an sinh xã hội”, thì Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh hơn nữa khi xác định: “An ninh con người là trung tâm để đảm bảo phát triển chính trị, xã hội”. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, xác định bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân.  Đồng chí cũng đã nêu những quan điểm mới trong nhận thức tư duy về an ninh quốc gia; những vấn đề mới về chủ trương, giải pháp trong bảo vệ an ninh quốc gia; một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhất là Báo cáo chính trị đã nêu những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia so với Đại hội XII, đó là “an ninh toàn cầu” và “an ninh con người”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến gặp gỡ, trò chuyện cùng các em học sinh tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Trường Phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh Nghệ An, tháng 12/2019.

Trong bối cảnh hiện nay, Đại hội XIII của Đảng đã xác định, những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hoà bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống; nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp, an ninh có lúc chưa thật chủ động; tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; an ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thật vững chắc, nhất là an ninh mạng, an ninh trong đầu tư nước ngoài; nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh , an toàn con người chưa được quan tâm giải quyết triệt để; xử lý khiếu kiện đông người về đất đai và một số tình huống phức tạp nảy sinh ở một số địa bàn, cơ sở có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng”. Do đó, vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng; khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh tài chính - tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường (thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước...), dịch bệnh; thậm chí cũng cần phải bàn đến “an ninh chính quyền”, “an ninh chế độ”… Đây là, những vấn đề an ninh nổi lên bắt nguồn từ những nguy cơ mới, tác động đa chiều của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển (3).

Trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII đưa ra tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030, theo đó, xác định định hướng nhiệm vụ quốc phòng với tầm nhìn dài hạn, nên để thực hiện mục tiêu an ninh con người thì việc xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh là hàng đầu. Đảng ta đã khẳng định, nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Để thực hiện mục tiêu “an ninh con người”, Đảng ta không những khẳng định vị trí “an ninh con người” là trung tâm mà còn đưa ra hệ thống những nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với những trọng tâm gắn với an ninh con người Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân”.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 của Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước ta gắn với an ninh con người trong thời gian tới. Theo đó, trước hết, Đảng ta xác định an ninh con người gắn với độc lập chủ quyền của quốc gia - dân tộc, của chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước” (4). Kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra các “điểm nóng”. Kịp thời đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, băng nhóm ma tuý….

Hai là, con người là trung tâm, nguồn lực của sự phát triển. Do đó, cần tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Ba là, bảo đảm an ninh con người cần phải tạo ra được ngày càng nhiều hơn những điều kiện vật chất và tinh thần để con người có được đời sống yên ổn và cơ hội phát triển. “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế rong xã hội, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả cơ hội thuận lợi từ cơ cấu dân số vàng; chủ động thích ứng với xu thế già hoá dân số. Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập và hiệu quả” (5).

Bốn là, phát triển đất nước giàu mạnh với nhân tố con người là trung tâm. Đại hội XIII xác định: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6). Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.

Năm là,quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng.

----------------------------------------------------                                                                              

(1) Trần Việt Hà: An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hoá, NXB.Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2020, tr.29-30.

(2) (3) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nhung-nhan-thuc-moi-tu-duy-moi-ve-an-ninh-quoc-gia-577421.html

(4) (5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, NXB.Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.67-68; 48; 46

Theo Trần Việt Hà-Lương Thị Thu Hường/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều