Bài 5: Phát huy vai trò giám sát của chi bộ, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên để xây dựng chi bộ, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh

(Mặt trận) - Đảng bộ cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ trực thuộc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát, chú trọng giám sát đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ của đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Trong các nhiệm kỳ qua, các chi bộ thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, góp phần quan trọng ngăn ngừa những hạn chế, thiếu sót của đảng viên ngay từ cơ sở, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện để đảng viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật của Đảng, đồng thời động viên được những đảng viên tích cực có ý thức đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực.
V.I.Lênin đã viết: “Nếu có cái gì đó làm tiêu vong sự nghiệp của chúng ta thì đó chính là tệ nạn quan liêu trong bộ máy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”. Trong các chế độ cũ, nhà nước là bộ máy của giai cấp bóc lột dùng để thống trị và áp bức nhân dân; viên chức, quan lại tự xưng là “cha mẹ dân”, đè đầu cưỡi cổ dân. Trong chế độ dân chủ, Chủ tịch Hồ chí Minh khẳng định: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người học trò xuất sắc của V.I.Lênin cũng đã tiên đoán được sự tha hóa của bộ máy lãnh đạo, cầm quyền khi quyền lực mà nhân dân ủy thác cho những người có trách nhiệm điều hành xã hội đã không được sử dụng một cách có hiệu quả và đúng đắn, nhưng nhân dân lại không thể kiểm soát nổi tình hình đó. Quyền lực nằm trong tay những con người, những nhóm người cụ thể, nên luôn luôn có xu thế bị tha hóa, hoặc là bị buông lỏng để dẫn tới tình trạng vô chính phủ, kỷ cương xã hội bị buông lỏng, mở đường cho những hành động gây rối, phá hoại trật tự xã hội; hoặc là bị sử dụng vượt quá giới hạn cho phép, trở thành lộng quyền nhằm mục đích mưu cầu lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, làm tổn hại đến lợi ích chung của cộng đồng. Trong một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi tư duy sơ cứng nên bệnh chủ quan duy ý chí thấm sâu trong nhiều người đã tạo thành một căn bệnh khó sửa, đó là căn bệnh “độc quyền chân lý”. Căn bệnh này làm cho một số người thường chỉ có thói quen độc thoại mà không quen đối thoại.

Để dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, yếu tố quan trọng góp phần ngăn ngừa sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ cán bộ đảng viên của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật theo phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”. Đây là nhân tố bảo đảm cho sự thống nhất của Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo điều kiện để biến sức mạnh chính trị, tư tưởng và tổ chức thành sức mạnh vật chất của Đảng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường, có hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng”. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình sẽ góp phần thiết thực làm cho cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, các nghị quyết được tổ chức thực hiện tốt, qua đó khắc phục được tình trạng mất đoàn kết, tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều tổ chức đảng, góp phần giáo dục, bảo vệ đội ngũ đảng viên, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017, của Ban Bí thư về việc “Ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, đặc biệt là Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời xây dựng quy chế, chương trình làm việc của Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện thực tế của Đảng bộ và tổ chức thực hiện những quy định, chương trình làm việc đã đề ra để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ. Trên cơ sở chương trình kiểm tra, giám sát của Đảng ủy và Ủy ban kiểm tra Đảng ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy tham mưu xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm; chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ trực thuộc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát, chú trọng giám sát đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ của đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên các lĩnh vực công tác Mặt trận.

Trong các nhiệm kỳ qua, việc thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát của các chi bộ đã góp phần quan trọng ngăn ngừa những hạn chế, thiếu sót của đảng viên ngay từ cơ sở,… Về cơ bản cán bộ, đảng viên và quần chúng trong các chi bộ của Đảng bộ cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ, trong đó có nhiều đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tư tưởng, lập trường cán bộ, đảng viên và quần chúng luôn vững vàng; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế làm việc cơ quan; những quy định của địa phương nơi cư trú.

Trong năm qua, Đảng bộ, nội bộ các chi bộ luôn đoàn kết, cùng nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động, nhiệt tình trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đảng viên nào vi phạm kỷ luật.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta đang tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; khi công tác chống suy thoái trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đang có những kết quả khả quan thì việc phát huy vai trò của các chi bộ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó coi trọng công tác phát huy vai trò của các chi bộ trong giám sát cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống có ý nghĩa hết sức quan trọng vì chính các chi bộ sẽ đánh giá đúng hơn tình hình hoạt động của từng cán bộ, đảng viên; phát huy ưu điểm, cách làm hay, kịp thời chấn chỉnh, những lệch lạc trong nhận thức và hành động của đảng viên của chi bộ; giúp đối tượng được kiểm tra, giám sát tự đánh giá được kết quả hoạt động của mình, những ưu điểm để phát huy, nhận ra những hạn chế, thiếu sót để khắc phục, phấn đấu vươn lên; ngăn ngừa kịp thời những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Để phát huy vai trò giám sát của các chi bộ đối với đảng viên, Đảng ủy cơ quan cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò quan trọng của chi bộ nói chung, phát huy tác dụng tích cực của công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, xuôi chiều, ngại va chạm, nhất là đối với đảng viên có chức, có quyền hoặc có nhiều năm cống hiến.

Thứ hai, xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát ngay từ đầu nhiệm kỳ, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát theo chuyên đề đối với đảng viên, kết hợp cả giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp để có thông tin đầy đủ về đối tượng được giám sát. Các chi bộ phải phân công rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ cho đảng viên thì công tác giám sát mới phát huy tác dụng tích cực để nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ đảng viên.

Thứ ba, tăng cường giám sát đảng viên trong việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phong cách của cán bộ đảng viên theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ tư, triển khai thực hiện tốt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Đề cao việc tự kiểm tra, giám sát của các chi bộ và đảng viên để góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nguyễn Văn Thịnh

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan TW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều