Bài học về kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu

Kiểm soát quyền lực là một điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong cơ chế vận hành của các thể chế chính trị nói chung, đồng thời cũng là yếu tố có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng nói riêng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ảnh: Noichinh.vn 

Công tác phòng chống tham nhũng những năm qua được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước ở các cấp; công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; tham nhũng “vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả…  

Ở nước ta hiện nay có nhiều thiết chế về kiểm soát quyền lực như các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Tuy nhiên, những vụ án xảy ra gần đây cho thấy các thiết chế về kiểm soát quyền lực, có nơi, có lúc còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Trong đó nguyên nhân chủ quan từ cán bộ, đảng viên do không nắm chắc được nhiệm vụ, quyền hạn, thậm chí đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp, kẽ hở trong quy định của Đảng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Vì thế, vấn đề kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát quyền lực của cán bộ công chức nói riêng phải được siết lại một cách chặt chẽ.

Đảng ta là Đảng cầm quyền, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, kiểm soát quyền lực là vấn đề khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ không có kết quả. Cho nên cần phải tập trung vào công tác cán bộ, bởi quyền lực gắn với con người cụ thể.

“Thành công trong việc công phá vào tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ có ý nghĩa rất lớn, làm rung chuyển các loại tham nhũng khác, là yếu tổ quyết định thành công của cuộc chiến chống tham nhũng”, PGS. TS Nguyễn Viết Thông khẳng định.

 Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Viết Tôn.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng nguyên nhân của mọi sự tha hóa quyền lực là công tác đánh giá, bổ nhiệm, giám sát nhân sự, đặc biệt là người đứng đầu, không chặt chẽ, chuẩn xác.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong theo dõi, quản lý lĩnh vực đầu tư, mua sắm công, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ ra thực trạng hiện nay hầu hết các cuộc thanh tra, kiểm tra chỉ tập trung xem xét ở khâu trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật mà về điểm này, các nhóm lợi ích đã chủ động tính toán, chuẩn bị rất kín kẽ trong hồ sơ để không bị bắt lỗi vi phạm, trong khi những thiệt hại rất rõ ràng, ai cũng nhìn thấy.  

Từ thực trạng này, ông Đặng Huy Đông đề nghị, nếu mục tiêu mua sắm công không đạt được thì đó là vi phạm Luật Đấu thầu. Dù chưa chỉ ra được có hành vi trục lợi cá nhân, vẫn cần quy trách nhiệm của những người liên quan đến quá trình mua sắm, đặc biệt người đứng đầu về mua sắm chi tiêu công không hiệu quả, gây thiệt hại kinh tế. Việc đầu tiên là điều chuyển công tác.

“Khi người đứng đầu không còn yên vị, sự thật dễ được phơi bày ra ánh sáng. Những cán bộ kiên trung trong hệ thống, thực sự là công bộc của dân mới dám lên tiếng”, ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Vân đề nghị cần phải đổi mới công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Trong đó lấy tiêu chí thực chứng, hiệu quả công việc được giao làm căn cứ để đánh giá cán bộ thay vì định tính. “Nếu định tính bằng bằng cấp, người ta sẽ mua bằng, nếu định tính bằng phiếu tín nghiệm, người ta sẽ mua phiếu. Như vậy việc đánh giá cán bộ sẽ không chuẩn. Việc đánh giá cán bộ không chuẩn là một nguy cơ với chế độ”, ông Lê Thanh Vân nói.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đổi mới nhận thức về kiểm soát quyền lực, chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nói riêng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện; đã hình thành một bước cơ chế phòng ngừa chặt chẽ theo hướng bảo đảm “không thể”, “không dám tham nhũng”.

Để kiểm soát quyền lực, thực hiện nghiêm việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện để các thành viên trong tổ chức và cấp dưới noi theo.  

Cán bộ, đảng viên, thành viên của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần khắc phục sự nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, không thẳng thắn đấu tranh phê bình, góp ý chân thành với đồng chí mình, nhất là với người đứng đầu về các hành vi, việc làm sai trái với quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Theo V.Tôn/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều