Bảo đảm đầy đủ quyền của nữ giới trong thu hồi đất

Phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai rất rộng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai. Do vậy, các quy định của dự thảo Luật sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các giới.

 
Đây là chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai tại Hội thảo "Vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)" do Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức tại Quảng Ninh.  

Không có sự phân biệt về giới trong tiếp cận đất đai

Trình bày các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng với các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới dựa trên nguyên tắc không có sự phân biệt về giới trong tiếp cận đất đai cũng như trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Cụ thể, dự thảo Luật quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu; Nhà nước trao quyền cho người sử dụng đất (không phân biệt giới tính) theo các hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Tùy theo hình thức trao quyền sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính đã thực hiện mà cá nhân không phân biệt nam, nữ đều bình quyền như nhau. Đặc biệt, tại Khoản 6 Điều 24, dự thảo Luật quy định về quyền của công dân đối với đất đai đã bổ sung “quyền bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai”.

Toàn cảnh hội thảo

Dự thảo Luật cũng tiếp tục kế thừa quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ và chồng của Luật Đất đai năm 2013 nhằm tiếp tục bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong việc quyết định đối với tài sản lớn trong gia đình. Đồng thời, làm rõ hơn các quyền của công dân đối với đất đai (không phân biệt giới tính), bao gồm: quyền tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật về đất đai theo quy định của pháp luật; tham gia góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; tham gia quản lý nhà nước, thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật… Dự thảo Luật thể hiện không có sự phân biệt về giới trong quá trình bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chế độ sử dụng các loại đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm đổi mới, bổ sung hơn so với Luật Đất đai hiện hành, trong đó quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới, bảo đảm quyền lợi cho nữ giới trong gia đình về sở hữu tài sản quan trọng là đất đai. Phát huy vai trò của phụ nữ trong sở hữu, quản lý và sử dụng tài sản là đất đai để tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạnh phúc gia đình. Khẳng định điều này, song một số ý kiến tại Hội thảo cũng nêu rõ, trong những quy định có tác động đến quyền lợi của nữ giới trong dự thảo Luật vẫn còn quy định theo hướng tùy nghi, chưa có sự thống nhất, bảo đảm thực hiện cao nhất và triệt để nhất các quyền có liên quan trong thực tiễn; chưa bảo đảm quyền của nữ giới với vai trò là thành viên trong hộ gia đình.

Mở rộng đối tượng đền bù, hỗ trợ với cả “người trực tiếp sử dụng đất”

Tại Khoản 2, Điều 89, về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo Luật quy định: "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", nhưng chưa định lượng cụ thể đối với người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đối tượng người sống chung với người có đất bị thu hồi bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Với cách thể hiện này, theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà, là "chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới, trên thực tế việc thu hồi đất diễn ra đang gây bất lợi cho nữ". Vì thế, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị: Cần có quy định nhằm định lượng được cơ bản và cụ thể đối với quy định người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đối tượng người sống chung với người có đất bị thu hồi bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Liên quan đến quy định về "người sống cùng với người có đất bị thu hồi” - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi trong dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nêu vấn đề: Thực tế cho thấy, một số trường hợp thu hồi đất đang gây bất lợi cho phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân là do nhiều trẻ em gái và phụ nữ chưa kết hôn đang ở với cha mẹ, tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất “có quyền sử dụng đất chung” trong hộ gia đình của cha mẹ. Tuy nhiên, phụ nữ về sống với gia đình nhà chồng sau khi kết hôn lại không phải là người “có quyền sử dụng đất chung” với gia đình nhà chồng, mặc dù trên thực tế, họ có thể là người sử dụng đất chính. Ví dụ, bố mẹ chồng già yếu, chồng đi làm ăn xa thì con dâu là người trực tiếp sử dụng đất cho các hoạt động như cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt… trên diện tích đất mà hộ gia đình nhà chồng có quyền sử dụng hoặc con dâu là người tạo ra thu nhập chính cho gia đình bằng việc mở cửa hàng, bán tại nhà đất mà bố, mẹ chồng và chồng có quyền sử dụng… Vì vậy, quy định: “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” tại Khoản 2 Điều 89 dự thảo Luật là "đúng nhưng chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới", bà Nguyễn Thị Minh Hương thẳng thắn. Theo nội dung này, chủ thể được bồi thường chỉ là “người có đất bị thu hồi” mà chưa đề cập đến “người trực tiếp sử dụng đất” bị thu hồi. Những người này bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất. 

Khảo sát cho thấy, có đến 94% ý kiến đồng tình với việc cần mở rộng đối tượng được đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất đối với cả “người trực tiếp sử dụng đất”. Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất. Có thể gọi họ là "người sống cùng với người có đất bị thu hồi". Và để tránh cụm từ “người sống cùng với người có đất bị thu hồi” được hiểu khác nhau, cụm từ này cần được giải thích ngay trong dự thảo Luật. Theo đó, để xác định được “người sống cùng với người có đất bị thu hồi” được hưởng đền bù, hỗ trợ, cần ít nhất 3 điều kiện: Con dâu hoặc con rể, vợ hoặc chồng của người có đất bị thu hồi; trực tiếp sử dụng đất mà bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ, chồng hoặc vợ là người có đất bị thu hồi; thời gian sống cùng và trực tiếp sử dụng đất trong một số năm nhất định.

Việc lồng ghép giới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nội dung quan trọng nhằm thiết lập cơ chế pháp lý để mọi cá nhân (không phân biệt giới tính) được bình đẳng trong tiếp cận đất đai, sử dụng đất và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, kể cả đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất, trường hợp có tranh chấp đất đai và trường hợp phải phân chia đất đai, tài sản gắn liền với đất. Đặc biệt, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự thảo Luật cũng nhằm khắc phục một số bất cập, tồn tại của việc thực hiện bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiến trình bảo đảm bình đẳng giới một cách thực chất ở nước ta. Vì thế, việc tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các quy định liên quan đến lồng ghép giới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết, bảo đảm sau khi thông qua sẽ thực sự khả thi, bảo đảm nguyên tắc thực sự không có sự phân biệt về giới trong tiếp cận đất đai cũng như trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất như mục tiêu đề ra. 

 

Theo Nguyễn Vũ/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều