Các giải pháp nâng cao chất lượng thông tin cơ sở

(Mặt trận) - Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của thông tin đại chúng, thông tin cơ sở vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, bởi những lợi thế và tính thiết thực mà không kênh thông tin nào thay thế được. Đổi mới cách thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng nội dung, đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo đội ngũ nhân sự, tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống thông tin cơ sở, nhất là truyền thanh cơ sở là những giải pháp cấp bách được đặt ra, để thông tin cơ sở làm tốt vai trò của mình.

Nâng cao chất lượng thông tin cơ sở góp phần tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Ảnh: PV

Thông tin cơ sở là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta, có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; phổ biến thông tin thiết thực đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và đông đảo người dân; là phương tiện chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cơ sở.

Thông tin cơ sở - kênh thông tin gần dân

Hiện ở nước ta, các loại hình thông tin cơ sở gồm có: Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; cổng/trang thông tin điện tử, bản tin của cơ quan, đơn vị cơ sở; điểm bưu điện - văn hóa xã; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị cơ sở; nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng; thư viện; hoạt động cổ động trực quan; hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên... Hệ thống thông tin cơ sở đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; đồng thời thông qua đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở nắm được tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó có giải pháp phù hợp với thực tiễn cơ sở. Bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống thông tin cơ sở bộc lộ những hạn chế, bất cập: thông tin một chiều, nội dung còn nghèo nàn, chưa hấp dẫn, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, lạc hậu; nhân sự vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ; chế độ chính sách chưa phù hợp, không khuyến khích người làm; công tác quản lý nhà nước các cấp chưa chặt chẽ… Tất cả những nguyên nhân đó làm hạn chế hiệu quả của thông tin cơ sở.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay, đặc biệt là thông tin điện tử, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem lại tính khả dụng của kênh thông tin cơ sở, nhất là hệ thống đài truyền thanh xã, phường, nó còn tác dụng, ý nghĩa gì đối với cộng đồng dân cư ở các đô thị? Cho thấy đã đến lúc chúng ta cần đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin cơ sở phù hợp với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội hiện nay, phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị, đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân. Thông tin cơ sở cần chuyển tải những thông tin thiết yếu, những thông tin người dân thật sự cần trong cuộc sống hàng ngày, đó là tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở; kiến thức về đời sống, lao động, sản xuất, thời tiết, nông vụ; những thông tin về ứng cứu khẩn cấp ở địa phương, bảo vệ mùa màng, phòng chống dịch bệnh; vận động người dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...

Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin cơ sở

Đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin cơ sở, được Đảng và Nhà nước quan tâm: Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu đổi mới”, trong đó yêu cầu phải “cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền… phù hợp với trình độ, nhu cầu của từng loại đối tượng”; Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, yêu cầu “đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo hướng đáp ứng kịp thời, nhanh nhạy nhu cầu và phù hợp với trình độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao tính định hướng và thuyết phục của hoạt động tuyên truyền miệng”. Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở, cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với hệ thống thông tin thiết yếu này.

Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, thông tin cơ sở cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tiễn nhu cầu thông tin của người dân.

Trước hết, các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao nhận thức về công tác thông tin cơ sở, đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống, lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn dân cư, đồng thời đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc, góp phần củng cố sự đoàn kết và đồng thuận trong xã hội về thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện để tổ chức công tác thông tin cơ sở; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác thông tin cơ sở, đồng thời làm tốt công tác tiếp sóng các chương trình chuyên đề cơ sở của Đài Phát thanh, Truyền hình quốc gia, và của cấp tỉnh, thành phố.

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục, phù hợp với trình độ, nhu cầu thông tin của người dân ở từng vùng miền, nhất là khu vực ngoại thành, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ít có điều kiện tiếp cận thông tin.

Thứ tư, rà soát, bổ sung, quy chuẩn, nâng cao chất lượng nhân sự làm công tác thông tin cơ sở theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho người làm công tác thông tin cơ sở, có các đợt bồi dưỡng kiến thức chuyên đề, thiết thực phục vụ đợt tuyên truyền chính trị sâu rộng tại cơ sở.

Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách về vị trí việc làm, hệ số lương, chính sách bảo hiểm, cơ chế đãi ngộ phù hợp, khuyến khích người lao động gắn bó, tâm huyết, đóng góp trí lực cho sự nghiệp phát triển thông tin cơ sở.

Thứ sáu, đảm bảo nguồn lực vật chất cho mọi hoạt động của công tác thông tin cơ sở; phân bổ kinh phí định kỳ hàng năm trên cơ sở thực tiễn hoạt động thông tin cơ sở ở mỗi địa phương, cân đối với kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa, phục vụ phát triển thông tin cơ sở.

Thứ bảy, tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở, hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện thông tin cơ sở, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch.

Chăm lo phát triển thông tin cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Tại Chỉ thị 07- CT/TW ngày 05/09/2016, Ban Bí thư giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng nội dung thông tin và các hoạt động thông tin cơ sở, chỉ đạo việc xây dựng, kiện toàn và hướng dẫn hoạt động của Ban Tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở; biên soạn, cung cấp tài liệu tuyên truyền, bảo đảm sự thống nhất, đúng định hướng của Đảng, đôn đốc, kiểm tra định kỳ, sơ kết, tổng kết báo cáo Ban Bí thư về tình hình thực hiện Chỉ thị. Hàng năm, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị.

Từ những chỉ đạo của Đảng, mỗi đơn vị, tổ chức quan tâm làm tốt công tác thông tin cơ sở, làm sao để mỗi người dân nắm được những thông tin thiết yếu của đời sống chính trị - xã hội địa phương, từ đó tạo sự gắn kết, đồng thuận xã hội to lớn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước.

Đặng Hồng Vân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều