Chống tham nhũng: ‘Khó vạn lần dân liệu cũng xong’

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, không ai có thể phủ nhận rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được đẩy lên một giai đoạn mới, cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và đạt được rất nhiều kết quả cụ thể, có tính đột phá.
 Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Nam.
Trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Hà khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Vì thế, Đảng ta luôn coi việc đấu tranh chống tham nhũng là việc làm thường xuyên của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng coi tham nhũng là “giặc nội xâm”. Người cũng cảnh báo rằng, chúng ta có thể thắng giặc ngoại xâm nhưng cũng có thể sẽ thất bại trước giặc nội xâm bởi chống giặc ngoại xâm thì có chiến tuyến, có chiến trường, chúng ta nhìn rõ kẻ thù, nhưng “giặc nội xâm” lại khó nhìn thấy rõ, nó phảng phất, ở ngay chính trong nội bộ, thậm chí ở ngay trong mỗi con người. Phát hiện đã khó, đấu tranh chống lại nó càng khó hơn.

Chính vì vậy, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhất là trong những năm đổi mới, rất coi trọng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ông Hà cho biết, từ các nhiệm kỳ trước, Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhưng lúc đó trực thuộc Chính phủ và có cơ quan chuyên trách là Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Những năm trước đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng đạt được những kết quả nhất định, đã điều tra, khởi tố và đưa ra xử lý một số vụ án lớn về tham nhũng. Nhưng so với yêu cầu, mục tiêu đề ra thì chưa đạt được. Chính vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng với số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý hơn và quyết định tái lập lại Ban Nội chính Trung ương – là một Ban tham mưu cho Trung ương về lĩnh vực nội chính, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là một Ban trực thuộc Bộ Chính trị và trực tiếp do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Tham gia Ban Chỉ đạo này hầu hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư. Không chỉ Trung ương tái lập lại Ban Nội chính mà ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tái thành lập Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Sau khi các Ban Nội chính được kiện toàn và đi vào hoạt động, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở cả Trung ương và địa phương đã đem lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực.

Xuất phát từ thực tiễn, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định 2 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm là về xây dựng Đảng và đưa nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm một nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ này. Vì vậy, có thể nói, “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong mấy năm qua đã được đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và đạt được rất nhiều kết quả cụ thể, có tính đột phá”, ông Hà nói.

Phải nói rằng, ít có nhiệm kỳ nào, Trung ương phải xử lý kỷ luật gần 120 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (có 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), 27 sĩ quan cấp tướng; xử lý hình sự 18 cán bộ diện Trung ương quản lý.

“Chính kết quả cụ thể của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong những năm vừa qua, đặc biệt là từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được kiện toàn và do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, đã góp phần quan trọng làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng”, ông Nguyễn Đức Hà cho hay. Thực tế cũng cho thấy, câu “không có vùng cấm” đã được nói từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, nhưng chưa được thực hiện triệt để. Giờ đây, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói “không có vùng cấm” là thực sự không có vùng cấm, “không có ngoại lệ” là thực sự không có ngoại lệ, “không có đặc quyền” là thực sự không có đặc quyền. Chính những điều đó đã củng cố niềm tin, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Từ sự quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, chúng ta “mất mát” nhiều cán bộ và đó là điều mà đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần nói “thật đau xót, nhưng chúng ta không thể không làm, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, vì sự tối thượng của pháp luật nhà nước, vì sự trong sạch của Đảng và vì ý nguyện của nhân dân. Chúng ta đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới”. Có thể nói, đây là quyết tâm chính trị rất cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và người đứng đầu Đảng, Nhà nước.

Ông Hà phân tích, thực tế cho chúng ta thấy rằng, từ năm 2016, khi bắt đầu bước vào nhiệm kỳ của Đại hội XII của Đảng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ hơn nhưng kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục phát triển. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,21%. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,04%. Riêng năm 2020, do đại dịch COVID-19 tác động, gây ảnh hưởng toàn cầu nhưng nước ta vẫn là một trong số ít nước có phát triển kinh tế dương (gần 3%). Chúng ta cũng là 1/16 nền kinh tế mới nổi đạt hiệu quả cao.

Như vậy, có thể nói, trong nhiệm kỳ này, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí không những không cản trở phát triển kinh tế mà còn góp phần rất quan trọng để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII đề ra, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Chúng ta đấu tranh quyết liệt với tệ nạn tham nhũng, đấu tranh xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng, đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe những hành vi vi phạm; những người định tham nhũng cũng phải chùn tay, dừng lại không dám tham nhũng… Khi không còn tham nhũng, tiền bạc của Nhà nước không bị mất mát, thất thoát. Mặt khác, “khi đấu tranh quyết liệt với tệ nạn tham nhũng, thực tiễn cũng cho chúng ta biết được cơ chế, chính sách của chúng ta đang còn “hở”, còn trống, còn vấn đề gì chưa phù hợp để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế, tức là ta “bịt” lại được những lổ hỗng mà những kẻ tham nhũng có thể lợi dụng để trục lợi”, ông Nguyễn Đức Hà nói. Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, chúng ta đã điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử rất nhiều vụ án tham nhũng, qua đó đã thu hồi được số lượng lớn tài sản về cho Nhà nước. Ngân sách Nhà nước không những giảm sự thất thoát do tham nhũng, lãng phí mà còn được bổ sung nguồn tài sản lớn đã thu hồi.

Cùng với đó, còn rất nhiều lĩnh vực khác, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta sắp xếp, kiện toàn, đổi mới tổ chức, bộ máy, thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm lãnh đạo, giảm chi thường xuyên… góp phần tăng đầu tư cho phát triển. 

Ông Nguyễn Đức Hà chia sẻ thêm: Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói rằng đây là cuộc đấu tranh đầy cam go, phức tạp và luôn nhắc nhở rằng phải tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ, không được phép để cán bộ, đảng viên và nhân dân có cảm giác chúng ta chững lại, trùng lại. Đồng chí còn nói rằng “đánh trống không được bỏ dùi”, phải “hâm nóng”, truyền lửa liên tục… Đã có lúc Trung ương đánh giá rằng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta rơi vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, bởi ở các địa phương không được “nóng” như trên Trung ương. Nhưng sau đó, với sự quyết liệt của Trung ương, đã khắc phục được tình trạng này, “trên nóng, dưới cũng phải nóng”.

Có thể khẳng định rằng, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, nếu có chủ trương đúng, tổ chức bộ máy được kiện toàn phù hợp, người đứng đầu kiên quyết, trong sáng, liêm khiết và được sự tham gia tích cực của nhân dân thì chắc chắn sẽ có hiệu quả. Bởi vậy, “trong thời gian tới cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, chúng ta sẽ kế thừa những kết quả đạt được và phát huy những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý báu đã được rút ra thời gian qua”, ông Hà tin tưởng.

Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII vẫn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cũng là một trong những giải pháp có tính đột phá. Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng bây giờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân, bởi nó phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Dù khó khăn đến mấy nếu được nhân dân ủng hộ, đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia thì chắc chắn sẽ giành thắng lợi, như Bác Hồ đã từng dạy “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương bày tỏ tin tưởng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những kết quả to lớn hơn, đáp ứng được lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.

Theo Phương Liên/Baochinhphu.vn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều