Chủ động, kịp thời thông tin tuyên truyền để tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, ngành Tuyên giáo đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, chủ động kịp thời thông tin tuyên truyền tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận xã hội, góp phần vào các thành tựu nổi bật của ngành Tuyên giáo trong thời gian qua.
 

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum lần thứ X, nhiệm kỳ 2019-2024_Nguồn: kontum.gov.vn

Chỉ đạo phương hướng hoạt động của ngành Tuyên giáo từ đầu nhiệm kỳ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017: “Cần đổi mới sâu sắc, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức tuyên truyền, kịp thời định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội, mở đường cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi nhanh vào cuộc sống”.

Theo tinh thần đó, công tác tuyên truyền đã có những dấu ấn đậm nét sau:

Thứ nhất, hệ thống tuyên giáo toàn quốc tiếp tục tích cực chủ động tham mưu cấp uỷ Đảng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới các khâu tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và địa phương.

Trước đây, việc tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết được chia làm ba cấp độ trực tiếp ở các cơ quan Trung ương; tỉnh, thành phố; cơ sở. Lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề nghị với Ban Bí thư đồng ý từ Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII đã tổ chức trực tuyến, có khoảng 220.000 đại biểu tham dự; Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 có 2.700 điểm cầu và hơn 400.000 đại biểu tham dự; Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 có 2.759 điểm cầu và hơn 405.000 đảng viên tham dự. Nhiều tỉnh, thành uỷ kết nối đường truyền tới cấp huyện và xã. Việc tổ chức hội nghị trực tuyến đã khắc phục được độ trễ về thời gian (trước đây tổ chức học trực tiếp ở ba cấp thì phải hết sáu tháng mới xong); mở rộng đối tượng và tăng số lượng cán bộ, đảng viên tham dự, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và hoan nghênh của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thời gian qua, công tác báo cáo viên cũng được đổi mới tổ chức linh hoạt hơn; từ hình thức hội nghị trực tiếp đã chuyển dần sang tổ chức hội nghị trực tuyến. Tuỳ theo nội dung từng hội nghị mà quyết định hình thức tổ chức cho phù hợp. Công tác báo cáo viên cũng có nhiều đổi mới từ Trung ương đến cơ sở. Các hội nghị ở Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức đã mời các đồng chí lãnh đạo và chuyên gia trực tiếp chỉ đạo và soạn thảo nghị quyết, đồng thời chú trọng bám sát tình hình thực tiễn của đất nước khi truyền đạt nên tạo được sự hấp dẫn.

 Thứ hai, huy động sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng” trong công tác thông tin tuyên truyền, như: tuyên truyền tổng hợp, dư luận xã hội, báo chí xuất bản, tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông tin đối ngoại, các báo và tạp chí từ Trung ương đến địa phương để tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Công tác tuyên truyền chú trọng “Hướng mạnh về cơ sở”, công tác báo chí theo phương châm: “Chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả”, công tác tuyên truyền miệng theo phương châm: “Nắm chắc ý Đảng, hiểu rõ ý dân, thông tin thiết thực, tuyên truyền hiệu quả” đã bám sát thực tiễn của đất nước và quốc tế để đẩy mạnh thông tin tuyên truyền theo hướng đổi mới các sự kiện lớn và nhạy cảm, tạo dấu ấn quan trọng. Đặc biệt công tác thông tin tuyên truyền về việc tổ chức chuỗi các hoạt động 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mất của Người rộng khắp từ Trung ương đến địa phương đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng đặc biệt sâu rộng, có tác dụng giáo dục truyền thống và lý tưởng cách mạng đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đợt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mà nổi bật là tuyên truyền các hoạt động, các chương trình nghệ thuật chào mừng, cuộc thi tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng xã hội VCNET… đã tạo sức lan toả trong Đảng và trong đời sống xã hội.

Thứ ba, tập trung thông tin tuyên truyền thành quả của đất nước từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII cua Đảng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, thực hiện phương châm của Đảng đã đề ra: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng nền văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, trên cơ sở đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, thể hiện rõ phương châm “Chống dịch như chống giặc”, “Coi sức khoẻ và tính mạng con người là trên hết”, “Mỗi người dân là một chiến sĩ”, cả hệ thống chính trị vào cuộc với trách nhiệm cao nhất, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống dịch. Theo đó, công tác truyền thông thể hiện rõ tinh thần công khai, minh bạch, góp phần quan trọng vào kết quả phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thứ tư, công tác thông tin tuyên truyền đã góp phần đổi mới tư duy nhằm thúc đẩy sự phát triển của dân tộc và đất nước, khắc phục tính bảo thủ trì trệ và xa rời thực tiễn. Theo đó, có những dự báo giải quyết kịp thời các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền đã chú trọng tính đối thoại, tương tác để khắc phục cách làm áp đặt, một chiều, lấy cơ sở lý luận và thực tiễn để tăng tính thuyết phục của công tác tuyên truyền, phát huy vai trò nòng cốt của ngành tuyên giáo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng với phương châm “Ta hiểu đúng ta cũng là chống lại kẻ thù” để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tiến hành trao đổi đối thoại công khai với cán bộ, đảng viên tại các hội nghị triển khai các nghị quyết của Đảng, tại các hội nghị Báo cáo viên được tổ chức hằng tháng. Đặc biệt, đã bước đầu tổ chức đối thoại, thuyết phục, đấu tranh xử lý một số đảng viên viết, phổ biến các thông tin sai trái trên Internet, mạng xã hội để không “đẩy” số cán bộ này từ chỗ thiếu thông tin, bất mãn cá nhân mà đứng hẳn về phía “bên kia”. Có những trường hợp đối thoại, thuyết phục không thay đổi thì phải xử lý kỷ luật theo những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thứ năm, công tác thông tin tuyên truyền góp phần vào việc thực hiện kết luận số 94 của Ban Bí thư khóa IX về “Tăng cường cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa”, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII về việc “Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội”. Thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền đã kịp thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiến hành chống phá, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng…. Các báo, đài chủ lực mở các chuyên mục, như “Bình luận - Phê phán” (Báo Nhân Dân); “Phòng, chống “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” (Báo Quân đội Nhân dân); “Đối thoại” (Đài Truyền hình Việt Nam); “Nhìn thẳng, nói thật” (Đài Tiếng nói Việt Nam); “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa’” (Báo Hà Nội Mới)… Ngay trong quá trình chống đại dịch Covid-19, công tác đấu tranh, phản bác với các luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc công cuộc phòng, chống dịch đã và đang được tiến hành một cách kịp thời và có hiệu quả.

Thứ sáu, công tác thông tin tuyên truyền trực tiếp cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng điển hình được thực hiện từ cơ sở và đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân rộng.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo và định hướng các cơ quan báo, đài tăng thời lượng, tiếp tục phát huy hiệu quả và xây dựng nhiều chuyện trang, chuyên mục để giới thiệu gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến, như: “Những việc làm vì dân” (Báo Nhân Dân), “Việc tử tế” (Đài Truyền hình Việt Nam), “Những tấm gương bình dị và cao quý” (Báo Quân đội Nhân dân)... Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan Thường trực trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tổ chức các cuộc giao lưu điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác. Ngoài ra, hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề trên được đẩy mạnh; hàng chục nghìn tác phẩm, ấn phẩm, công trình, hồ sơ của tác giả, nhóm tác giả, đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ gửi về tham gia giải thưởng… tăng tính thuyết phục khi phản ánh việc cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Thứ bảy, công tác thông tin tuyên truyền góp phần quan trọng vào việc đưa các nghị quyết, các quy định về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt” mau chóng đi vào cuộc sống để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Với việc đổi mới tổ chức quán triệt nghị quyết theo hình thức trực tuyến, với sức mạnh tổng hợp của các binh chủng tuyên truyền, như tài liệu, sách, báo, hệ thống báo cáo viên... đã góp phần đắc lực vào nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ các cấp về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đặc biệt, khi thông tin tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng  gắn kết với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã đạt được hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng và đánh giá cao.

Thứ tám, công tác thông tin tuyên truyền hết sức quan tâm cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện phương châm “Có xây, có chống và xây trước, chống sau”, theo tinh thần “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”, công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian qua đã chú trọng giáo dục liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, nhất là đối với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền.

*       *       *

Với niềm tin vào truyền thống vẻ vang 90 năm qua của ngành Tuyên giáo, với tinh thần kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc và tư duy không ngừng đổi mới, nhất định trong thời gian tới nhiệm vụ chủ động thông tin tuyên truyền sẽ tiếp tục nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả hơn nữa để góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Theo TS. Bùi Thế Đức/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều