Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Nhân dân tin tưởng hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Những năm gần đây, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trở thành hoạt động thường xuyên và là một kênh rất quan trọng để người dân thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" mà Đảng và Nhà nước đề ra. Nhân dịp năm mới Tân Sửu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trao đổi một số nội dung về công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong năm vừa qua.
 Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định 218.
Phóng viên: Với vai trò tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội được nhân dân hưởng ứng và tin tưởng, xin ông cho biết, trong năm 2020, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện công tác này như thế nào?

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: Trong hoạt động thực tế của mình cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được khẳng định là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước. Vì thế, việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm phát hiện kịp thời và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

Tính đến hết tháng 12/2020, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện và hoàn thành mười nội dung giám sát theo kế hoạch và một nội dung phát sinh mới.

Riêng Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực đã thực hiện 3 nội dung giám sát theo hình thức thành lập đoàn giám sát.

Thứ nhất, thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể.

Thứ hai, thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nội dung giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở nội dung, hình thức phối hợp giám sát của Trung ương tạo sự lan tỏa tới các địa phương, cơ sở, áp dụng vào điều kiện thực tế của mình để đề ra nội dung, hình thức giám sát phù hợp với điều kiện của địa phương và những vấn đề nhân dân, doanh nghiệp quan tâm nhiều.

Ngoài ra, căn cứ Kế hoạch số 125 ngày 19/5/2020, Ban Thường trực thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp kiểm tra việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, qua các kỳ họp Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những kiến nghị sát thực đối với Chính phủ, các ban, bộ, ngành. Rất đáng mừng là việc giải quyết, xử lý, trả lời các kiến nghị đó được Chính phủ chỉ đạo kịp thời và Mặt trận đã báo cáo công khai với cử tri, nhân dân cả nước.

Có nhiều nội dung mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành giám sát. Vậy nội dung "Giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", được giám sát như thế nào, thưa ông?

Về nội dung này, Mặt trận đã tổ chức khảo sát kết quả triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành tại Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Y tế. Đối với việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia: các bộ, ngành đã quan tâm triển khai nhằm góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy triển khai chủ trương cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Ví dụ, Bộ Công Thương đã kết nối 11 thủ tục hành chính; Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã kết nối 17 thủ tục hành chính; Bộ Y tế đã kết nối 32 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia.

Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại các bộ, ngành còn một số tồn tại, vướng mắc. Cụ thể: việc triển khai các thủ tục hành chính mới thông qua cơ chế một cửa quốc gia của một số bộ, ngành còn chậm. Cơ chế một cửa quốc gia và cổng dịch vụ công quốc gia chưa kết nối được với nhau do có mô hình kết nối khác nhau...

Về cải cách kiểm tra chuyên ngành: cả 3 bộ trên đã hoàn thành việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định 2026/TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 1254/TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thực hiện cải cách kiểm tra chuyên ngành tại các bộ, ngành bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc. Đó là: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất; chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với các nhóm hàng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đến các lĩnh vực thuế, hải quan ở các tỉnh, thành phố. Thưa ông, tình hình giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những lĩnh vực đó như thế nào?

Về lĩnh vực này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan tại Cục Thuế, Cục Hải quan của Tp.Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đồng thời giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét báo cáo của Cục Thuế, Cục Hải quan tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh: Bình Dương, Quảng Ngãi, Nghệ An, Lạng Sơn.

Nhìn chung, cơ quan thuế tại các tỉnh được giám sát đã quan tâm công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các chức năng theo quy trình quản lý thuế hiện hành; triển khai có hiệu quả các dịch vụ điện tử, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thuận lợi thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế...

Cơ quan hải quan tại các tỉnh đã triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hải quan. Chủ động, tích cực triển khai các hoạt động nhằm cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Quan tâm giải quyết vướng mắc, khiếu nại của doanh nghiệp; chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương của công chức hải quan, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hải quan chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả hơn.

Khác với cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy Nhà nước, kiểm soát quyền từ bên ngoài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là không có tính cưỡng chế Nhà nước. Vậy kết quả sau giám sát từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xử lý như thế nào và kế hoạch giám sát năm 2021 ra sao, thưa ông?

Đúng thế! Kết quả kiểm soát qua giám sát của chúng tôi được thể hiện dưới dạng đề nghị, kiến nghị đến Chính phủ, cơ quan tổ chức liên quan, người có thẩm quyền để họ xử lý. Với các kết quả giám sát như đề cập ở trên, chúng tôi đã đề nghị đến Chính phủ: chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định, quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh theo định hướng. Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính; đơn giản hóa bộ hồ sơ, chứng từ cần phải nộp, xuất trình. Đồng thời, sớm có giải pháp kết nối, liên thông giữa hai hệ thống cơ chế một cửa quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia để các bộ, ngành không phải kết nối cùng lúc đến 2 hệ thống quốc gia có mục đích hoạt động tương tự nhau, gây phân tán nguồn lực, gia tăng khối lượng công việc; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai báo hồ sơ điện tử trên một hệ thống quốc gia duy nhất.

Năm 2021, sẽ có sáu hoạt động giám sát do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì gồm: kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ nhằm thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XII. Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo, hỗ trợ người dân ổn định đời sống và sản xuất sau thiên tai. Giám sát văn bản liên quan đến việc thực hiện một số biện pháp cải cách hành chính, thể chế của cơ quan có thẩm quyền; văn bản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Các tổ chức chính trị - xã hội cũng có các nội dung giám sát cụ thể. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, địa phương, cơ sở sẽ có nhiều nội dung giám sát phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi địa phương.

Theo Vneconomy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều