Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số

Bình Phước có khoảng 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm hơn 6%. Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa nghèo, ngoài thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tỉnh còn đẩy mạnh các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ dân trí, khuyến khích con em dân tộc học tập và tham gia vào hệ thống chính trị.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Bình Phước biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống. (Ảnh: Nhất Sơn)

Bình Phước là tỉnh miền núi ở vùng Đông Nam Bộ, trong số 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, có ba huyện với 15 xã tiếp giáp nước bạn Campuchia. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh có 58 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 25 thôn đặc biệt khó khăn, do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, thiếu điện, nước sinh hoạt; trang thiết bị cơ sở y tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăm lo sức khỏe của người dân; kinh tế chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao...

Bình Phước đã thực hiện hiệu quả việc phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước Lý Thành Tâm, từ năm 2016 đến nay, Bình Phước đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Với quyết tâm giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, những năm qua, ngoài những chính sách do Trung ương ban hành, Bình Phước đã chủ động triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách... để ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể là chương trình đặc thù giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng 1.000km đường giao thông nông thôn mỗi năm. Nhờ đó, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng trong tỉnh.

Điều đáng ghi nhận, Bình Phước đã thực hiện hiệu quả việc phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước Lý Thành Tâm, từ năm 2016 đến nay, Bình Phước đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó, hệ thống các trường, lớp ở vùng sâu, vùng xa ngày phát triển, mở rộng, cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ, học sinh, sinh viên tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được các ngành, địa phương phối hợp tham mưu triển khai thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.

Trong đào tạo mũi nhọn, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, đây được xem là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, là tiền đề để con em đồng bào bước vào học nghề và quay về địa phương phục vụ. Đến nay, tỉnh có bảy trường trung học phổ thông (THPT), trung học cơ sở (THCS) dân tộc nội trú, hằng năm đào tạo hàng nghìn học sinh là con em dân tộc thiểu số.

Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Phước được thành lập từ tỉnh Sông Bé (cũ). Sau khi chia tách tỉnh (năm 1997), toàn bộ khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc tỉnh Bình Phước và trường chuyển về thành phố Đồng Xoài, trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước. Trường được xem là “cái nôi” đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh Bình Phước.

Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Phước Đặng Hùng Sơn cho biết: Hiện trường đang dạy 420 em học sinh nội trú, trong đó phần lớn các em là người dân tộc thiểu số tại chỗ, cuộc sống hết sức khó khăn. Với phương châm “trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em”, nhà trường đã tạo ra môi trường giáo dục gần gũi với các em học sinh.

Nhờ đó, các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường học mới và tiến bộ qua từng học kỳ; học sinh khá, giỏi, xuất sắc ở các khối lớp đạt 75%. Tuy là trường dân tộc nội trú, nhưng 11 năm qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%. Môi trường giáo dục tại trường THPT đã tạo được thói quen sinh hoạt cho học sinh và bảo đảm lượng kiến thức cơ bản khi bước vào trường cao đẳng, đại học hay trường nghề.

Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực, Bình Phước cũng quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh bố trí công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cho 152 sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành đúng vị trí việc làm; trong đó, có nhiều cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Nhằm chuẩn hóa kiến thức cho những cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, Bình Phước đã cử 108 lượt người tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Theo kế hoạch, cả ba cấp chính quyền tỉnh cần tuyển dụng thêm 1.000 công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Anh Điểu Kiêng người dân tộc S’tiêng (dân tộc sống lâu đời ở tỉnh Bình Phước) ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập là một trong số ít người dân tộc thiểu số được cử tuyển đi học tại trường dân tộc nội trú trước năm 2000. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Kiêng tiếp tục học đại học và được tỉnh bố trí công tác tại Phòng Dân tộc huyện Bù Gia Mập, hiện giữ chức vụ Trưởng phòng. Anh Kiêng cho biết: Bố trí cán bộ làm công tác dân tộc là đồng bào tại chỗ có nhiều lợi thế, vì họ biết đồng bào mình suy nghĩ gì, cần gì, từ đó đưa ra các biện pháp giải quyết hiệu quả.

Hiện cấp huyện có bốn người, cấp xã có 19 người là cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; trong khi đó, toàn huyện có gần 30 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số, là huyện có đồng bào tộc thiểu số đông nhất tỉnh; số hộ nghèo cũng nhiều nhất... Những năm qua, mặc dù Bù Gia Mập đã có nhiều chính sách hỗ trợ, cử cán bộ đồng hành với người dân xóa nghèo nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao.

Thực tế là, do bố trí cán bộ không phải là người bản địa, cho nên chưa nắm bắt được tâm lý người dân; đưa ra giải pháp xóa nghèo chưa hiệu quả. Do đó, rất cần cân đối đội ngũ cán bộ là người dân tộc địa phương để thực hiện chính sách cán bộ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào”, từ đó mới giúp đồng bào xóa nghèo bền vững.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành kết luận về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.

Đồng thời, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh đầu vào của các trường phổ thông dân tộc nội trú bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ các nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ và các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực từ khối trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Với những chính sách phát triển nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Phước đang từng bước xóa nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách chênh lệch hạ tầng, dân trí và nâng dần mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Phước thực hiện bồi dưỡng cho 1.479 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc, bồi dưỡng tin học văn phòng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 219 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số là (chiếm tỷ lệ 4,1%); cấp huyện có 1.057 người (tương đương 6,6%); cấp xã hiện có 207 người (tương đương 8,6%).

Theo NHẤT SƠN/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều