Chuyện ở nơi Ðảng mạnh, dân giàu

Chớm đông, thời tiết vào lạnh, nhưng ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai vẫn ngập tràn sắc xanh cây trái. Mầu xanh của cây ăn quả, đào cảnh chơi Tết vào mùa tuốt lá, rừng trồng làm nguyên liệu ván bóc cứ ngút tầm mắt trên những triền đồi nhấp nhô chóp nón.
Tổ hợp tác liên kết nuôi ong Xuân Quang (Bảo Thắng, Lào Cai), mỗi năm sản xuất hàng chục nghìn lít mật ong tự nhiên, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Dọc theo hai bên Quốc lộ 70, san sát mái đỏ của những ngôi biệt thự kiểu nhà vườn sáng lên trong nắng sớm đầu đông, càng tô thêm vẻ trù phú, nét thanh bình của vùng quê miền biên ải.

Cấp ủy tiên phong, đảng viên gương mẫu

Con đường nhựa rộng, phẳng lỳ dẫn đến nhà Bí thư Chi bộ thôn Nậm Dù (xã Xuân Quang) Trần Ðức Khải, ngôi biệt thự kiểu nhà vườn, nổi bật trên nền xanh bạt ngàn cây trái, nắng vàng như rót mật. Dừng tay hái những trái bưởi to mọng, vàng ruộm, xếp lên xe cho thương lái đến mua tận vườn, ông Khải vồn vã: "Năm nay, người dân Nậm Dù được mùa, từ bưởi Diễn đến na dai, chanh tứ mùa, nhãn chín sớm…, lại được giá, nên ai cũng phấn khởi".

Phóng tầm mắt ra chung quanh là hàng chục ngôi biệt thự nhà vườn hai đến ba tầng, thấp thoáng trong mênh mang sắc xanh của cây ăn quả các loại. Nậm Dù quả thật là "vựa cây trái" của xã Xuân Quang, với 85 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. "Nhà xây, ô-tô, tiện nghi sinh hoạt hiện đại trong mỗi gia đình cũng là từ khối óc, bàn tay và đất đai ở đây mang lại cho bà con cả đấy"- Bí thư Chi bộ Trần Ðức Khải không giấu được niềm vui rạng ngời trên gương mặt sạm nắng gió. Chi bộ Nậm Dù có 6 đảng viên, thôn có hơn 100 hộ dân. Mới 2 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Nậm Dù, ông Khải luôn là trung tâm của sự đoàn kết, gương mẫu đi đầu ở mọi lúc, mọi nơi, biết sáng tạo, tiếp thu và hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của đảng viên và người dân trong thôn.

Ông Khải bảo, đã nguyện gắn bó mình với việc làng, việc nước thì bản thân cần luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương. Do đó, ông thường đến từng hộ dân để nắm bắt đời sống thực tế và lắng nghe những phản ánh của nhân dân trong thôn, giúp ông thuận tiện cho việc nghiên cứu các văn bản của cấp trên để cụ thể hóa vào điều kiện thực tiễn của thôn. Sự gương mẫu của ông Khải chính là sợi dây gắn kết của các đảng viên trong chi bộ và người dân trong thôn. Chia sẻ về hoạt động của chi bộ, ông Khải quả quyết rằng: Hoạt động "nêu gương sáng, tạo sức lan tỏa rộng" là mục tiêu xuyên suốt của chi bộ. Chính vì thế, tất cả các đảng viên trong chi bộ luôn là hạt nhân của các hoạt động trong thôn; trong đó, nêu gương sáng về phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu của mỗi đảng viên ở đây. Hằng năm, chi bộ đều xây dựng từ một đến hai mô hình kinh tế giỏi, từ đó nhân rộng ra trong thôn, tạo thành phong trào thi đua vượt khó xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Nhờ vậy, Nậm Dù là "cánh chim đầu đàn" trong xóa nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới của xã Xuân Quang hôm nay.

Sải bước trên con đường bê-tông mới hoàn thành đến thôn dẫn đầu về nuôi gà đồi là Cóc Mằn, Bí thư Ðảng ủy xã Xuân Quang Bàn Văn Dũng trò chuyện: "Ðảng bộ có 355 đảng viên, sinh hoạt tại 28 chi bộ, trong đó có 19 chi bộ nông thôn, tám chi bộ trường học và một chi bộ trạm y tế. Chúng tôi xác định chi bộ là hạt nhân lãnh đạo ở các cơ sở thôn, bản; chi bộ mạnh thì Ðảng bộ mới mạnh; chi bộ muốn mạnh thì người đứng đầu cấp ủy phải là người gương mẫu và giỏi về nhiều mặt". Thực tế nhiều năm qua, Ðảng bộ xã Xuân Quang đã tập trung nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị, thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch nhân sự, lựa chọn những đảng viên có đức, có tài để bầu vào chi ủy; đồng thời, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ công tác đảng của đội ngũ bí thư, chi ủy viên các chi bộ thôn; thực hiện tốt công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ xã; kiện toàn và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Nói về phát huy trí tuệ tập thể, Bí thư Dũng khẳng định: "Mấu chốt là Ðảng ủy xã và các chi ủy thôn chú trọng từ khâu xây dựng nghị quyết sát tình hình thực tế của địa phương, phù hợp nguyện vọng của nhân dân đến việc tổ chức thực hiện nghị quyết, kiểm tra, giám sát một cách sát sao, bài bản". Theo đồng chí Bàn Văn Dũng, Ðảng bộ xã luôn thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất nội bộ. Những chủ trương mới, hay việc nào khó, Ðảng ủy đều đưa ra thảo luận, bàn bạc, khi đã thống nhất thì giao cho cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Nhiều bí thư chi bộ trở thành những tấm gương sáng về trách nhiệm nêu gương, giỏi vận động, tập hợp quần chúng và lãnh đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ðồng chí Phùng Tiến Quyết, Bí thư Chi bộ thôn Làng Gạo đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất ở, đất vườn để xây dựng các công trình nông thôn mới; đồng chí Nguyễn Thị Liền, là cán bộ xã đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác; đồng chí Ðặng Xuân Lộc, Bí thư Chi bộ thôn Làng Bạc lãnh đạo làm kinh tế hiệu quả… Họ chính là những nhân tố quan trọng đưa nghị quyết của các cấp ủy đảng đi vào cuộc sống.

Dân đồng thuận, vượt khó làm giàu

Thôn Cóc Mằn có 120 hộ, chỉ có chưa đến 10 ha ruộng cằn cỗi, bạc màu, cấy lúa bấp bênh, năng suất thấp, hay bị mất mùa, nằm cách xa trung tâm xã khoảng 7 km. Bí thư chi bộ Ðỗ Văn Khiển nhớ lại những năm tháng bà con ở đây chỉ biết trồng mía trên đồi cao và kéo mật, chỉ riêng công thu hoạch và lấy củi đun lò mật đã "rút kiệt" sức lực của con người và tài nguyên rừng. Theo chủ trương của Ðảng bộ xã, chi bộ họp dân, bàn thảo, tìm hướng đi mới, đó là trồng rừng và chăn nuôi gà thả đồi theo quy mô nông hộ từ (3.000 đến 7.000 con/hộ), tận dụng tán cây, thức ăn tự nhiên kết hợp tiêm phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của khuyến nông xã, xây dựng vùng hàng hóa và thương hiệu gà đồi Xuân Quang, từ đó tạo thu nhập cao, ổn định cho người dân. Ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng cả chín đảng viên đều tiên phong, vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi gà thả đồi, thuyết phục người dân học và làm theo. Tiêu biểu như đảng viên Lê Thị Hằng, hằng năm nuôi ba lứa gà thả đồi (khoảng 14 nghìn con), xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn ở Khu du lịch quốc gia Sa Pa và thành phố Lào Cai từ 30 đến 40 tấn gà thịt, thu về 250 - 300 triệu đồng; đảng viên Nguyễn Thị Yến, nuôi gà đồi và làm dịch vụ, thu về hơn 300 triệu đồng/năm; Bí thư Chi bộ Ðỗ Văn Khiển nuôi gà đồi, lợn, cá thu gần một tỷ đồng/năm…

Học theo gương các đảng viên, hàng trăm hộ dân tộc Kinh, Mường, Phù Lá thôn Cóc Mằn liên kết trồng rừng và nuôi gà dưới tán cây, tạo nguồn thu cao và ổn định, tiêu biểu như: gia đình các anh: Ðỗ Văn Cường, Trần Văn Thủy, Lâm Văn Kiện… Ðến nay, cả thôn có 52 nhà xây kiên cố, đa số theo kiểu biệt thự vườn, năm ô-tô và chỉ còn sáu hộ nghèo. Ở thôn Làng Gạo, Làng Bông, Làng Bạc có đất rộng thì người dân tập trung phát triển chăn nuôi lợn giống, đại gia súc, nuôi cá kết hợp trồng quế, mỡ phát triển nghề bóc ván gỗ rừng trồng. Ở các thôn Thái Vô, Nậm Ó, Nậm Dù, Trang Nùng…, người dân miền xuôi Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình lên khai hoang từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, bám dọc theo quốc lộ 70, cải tạo vườn tạp trồng chuyên canh cây ăn quả có giá trị, phát triển nghề vận tải, dịch vụ thu mua và chế biến nông sản.

Trong câu chuyện về khai thác tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang Nguyễn Viết Khoản nói về những mô hình "đầu tàu" và hình thức "liên gia, liên kết, hợp tác xã" để sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn OCOP, xây dựng thương hiệu để xâm nhập và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương. Anh đưa chúng tôi đến Tổ hợp tác (mô hình liên gia) nuôi ong núi đá ở thôn Hang Ðá, gồm 14 hộ gia đình liên kết nuôi ong theo hướng tập trung, cho sản lượng mật lớn, chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận và tin dùng. Chủ nhiệm Tổ hợp tác Cao Xuân Chiến cho biết, hiện Tổ hợp tác nuôi hơn 1.000 đàn ong, từ đầu năm đến nay thu được 12.000 lít mật. Nhờ xây dựng thương hiệu (chứng chỉ OCOP ba sao) nên sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, được giá cao. Bình quân mỗi thành viên tổ hợp tác thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hộ cao nhất thu được hơn 500 triệu đồng/năm.

Ðến Xuân Quang hôm nay, minh chứng rõ rệt nhất cho "ý Ðảng, lòng dân" là hạ tầng nông thôn tốt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, dân trí và văn hóa phát triển, an ninh trật tự bảo đảm, môi trường xanh - sạch - đẹp. Xuân Quang hiện là xã "ba nhất" của tỉnh Lào Cai, đó là: Thu nhập đầu người cao nhất (hơn 48 triệu đồng/người/năm), thu ngân sách địa phương cao nhất và tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (3,8%). Toàn xã hiện có 143 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 241 cơ sở thương mại dịch vụ, 126 hộ kinh doanh vận tải, hằng năm đem lại cho người dân gần 70 tỷ đồng. Ðiều rõ rệt nhất là khí thế thi đua sản xuất, làm giàu ở trong dân, chỉ riêng con số tổng dư nợ vay vốn ngân hàng đạt 218 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh cho thấy quyết tâm và khát vọng làm giàu của người dân nơi đây thật lớn và hiệu quả. Hơn 60% hộ dân có nhà biệt thự vườn, với tiện nghi sinh hoạt hiện đại.

Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng nhấn mạnh thêm vai trò của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Ðồng chí khẳng định "cán bộ, đảng viên là cái gốc của công việc", đội ngũ cán bộ cấp ủy và chính quyền cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa mới được kiện toàn, trẻ trung, có trình độ năng lực, gắn bó sâu sát với dân, sẽ là "sức bật" mới ngay từ các thôn bản, để đưa Xuân Quang lên một tầm cao mới. Chủ tịch UBND huyện Ngô Minh Quế thì cho rằng, "chìa khóa" là khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để phát triển kinh tế, mục tiêu là ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Xuân Quang đã về đích nông thôn mới từ năm 2015 và đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Bảo Thắng, tin rằng điều đó sẽ là hiện thực rất gần.

Theo QUỐC HỒNG/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều