Có nhất thiết phải chọn cán bộ bị kỷ luật để tham gia tái cử?

Việc một Bí thư, Chủ tịch xã ở Kiên Giang bị kỷ luật nhưng vẫn được xem xét giới thiệu tái cử khiến dư luận đặt câu hỏi địa phương đó đã hết cán bộ?

Mới đây, Chủ tịch xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) dù bị kỷ luật cảnh cáo vì tham ô tiền ngân sách nhưng vẫn được Huyện ủy Tân Hiệp chỉ đạo Ban chấp hành Đảng bộ xã Tân Hội đưa ra lấy ý kiến tham gia tái cử chức danh Bí thư nhiệm kỳ tới.

 

Chủ tịch xã Tân Hội bị kỷ luật vẫn được giới thiệu tham gia tái cử (Ảnh: Lam Hiếu)

Dư luận đảng viên trong xã này đặt vấn đề về sự “nâng đỡ không trong sáng” khi một người đã tham ô tiền ngân sách và bị kỷ luật cảnh cáo nhưng lại đưa ra xin ý kiến tham gia tái ứng cử vào BCH khoá mới.

Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, những đảng viên đang trong thời hạn thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo vẫn có thể được xem xét, giới thiệu tái cử nhưng không được giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn. Những đảng viên bị kỷ luật nhưng đã hết thời hạn kỷ luật, thì được thực hiện công tác cán bộ theo quy định hiện hành của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 

Ông Lê Quang Thưởng

Tuy nhiên, nêu quan điểm về vấn đề cho phép những đảng viên bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo vẫn có thể được xem xét giới thiệu tái cử, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương quả quyết, đây là việc không nên làm. Anh đã mắc sai phạm, bị kỷ luật, thì ít nhất phải hết thời hạn kỷ luật mới xem xét. Anh phải có thời gian để sửa chữa khuyết điểm rồi mới nói đến chuyện có đưa ra xem xét hay không.

Ông Thưởng cho rằng, cán bộ khi mắc sai phạm bị kỷ luật, ít nhất phải để thời gian cho anh ta sửa chữa, chí ít cũng phải một vài năm, chứ không phải vừa mới hết án kỷ luật, thậm chí còn chưa hết đã tính tới việc đưa vào chức này, chức kia.

Không ủng hộ quan điểm đánh giá cán bộ cần xem xét cả quá trình công tác của cán bộ, hãy nhìn vào công của họ và có thể bỏ qua những khuyết điểm không nghiêm trọng, Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình đó là dù cán bộ có công tới mức nào đi nữa, thì vẫn phải xử lý khi mắc sai phạm khuyết điểm. Kể cả khi làm việc, anh có làm tốt công tác đến đâu đi nữa thì cũng không thể vì đó mà bỏ qua khuyết điểm. Chỉ có điều khuyết điểm nhẹ thì xử lý vừa phải, khuyết điểm lớn thì phải xử lý thật mạnh, chắc chắn không thể có chuyện bỏ qua.

Ông Thưởng cho rằng, nếu là một cán bộ có lòng tự trọng, có trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, vị cán bộ đó, dù không chủ động mà được giới thiệu tái ứng cử, nên rút lui chứ đừng để tổ chức đưa tên mình lên.

 

Ông Lê Như Tiến

Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII, cũng đồng tình quan điểm cho rằng, cán bộ công chức đã bị kỷ luật, có liên quan đến tham ô tham nhũng, thì không nên đưa ra để xem xét, cơ cấu vào nhiệm kỳ tới bởi chúng ta không thiếu cán bộ. Trong khi chủ trương của Đảng, Nhà nước là phải trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, loại bỏ những cán bộ yếu về năng lực, kém về phẩm chất. 

“Trường hợp của vị Bí thư, Chủ tịch xã này liệu có vấn đề gì về lợi ích nhóm hay chạy chức chạy quyền không?”, ông Tiến đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng, cơ quan chức năng cấp trên của cấp ủy đó phải thực sự nghiêm túc thanh tra, kiểm tra kịp thời. 

“Mặc dù theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, trường hợp của vị Bí thư, Chủ tịch xã kia vẫn được đưa ra lấy ý kiến, nhưng theo tôi là không nên giới thiệu vì ít ra anh ấy phải hết thời hiệu bị kỷ luật, trong khi vẫn đang bị kỷ luật mà lại vẫn đưa ra để giới thiệu là sự không nghiêm túc trong thực hiện chỉ thị của Đảng, Nhà nước trong việc lựa chọn cán bộ đủ đức đủ tài vào bộ máy”, ông Tiến nhấn mạnh.

“Nếu cho rằng, nhìn vào công để bỏ qua những khuyết điểm của cán bộ thì thực tế thời gian qua đã cho thấy nhiều cán bộ là ủy viên trung ương có công lao, đóng góp rất lớn cho đất nước ở những lĩnh vực trọng yếu nhưng khi có khuyết điểm, sai phạm đều phải đứng trước vành móng ngựa, vào vòng lao lý. Dẫn chứng như vậy để thấy rằng cán bộ cấp cơ sở cũng không thể làm khác được”, ông Tiến nêu quan điểm.

Trong hướng dẫn việc giới thiệu tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2020-2025 đối với cán bộ, đảng viên bị kỷ luật trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Tổ chức Trung ương cũng đề nghị các cấp uỷ cần căn cứ tình hình thực tế của đảng bộ và nhân sự cụ thể để thảo luận dân chủ, đánh giá khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt về phẩm chất, năng lực, uy tín; nguyên nhân, động cơ vi phạm, khuyết điểm và tính chất, mức độ ảnh hưởng, tác động, kết quả khắc phục hậu quả (nếu có)…

Đồng thời, xem xét, cân nhắc, quyết định theo thẩm quyền việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm theo đúng Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, các quy định hiện hành liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình./.

Theo Thanh Hà/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều