Đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh

Ngày 14-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Sau 5 năm triển khai, Chỉ thị ­đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh nói chung và đối với nạn nhân chất độc da cam nói riêng.

Những thành tựu và hạn chế

 Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và tặng 50 nhà tình nghĩa_Ảnh: TTXVN
Sau khi Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, hầu hết các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đoàn các cấp đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng có kế hoạch, chương trình hành động thiết thực, cụ thể, sát với tình hình địa phương, đơn vị. Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế,… tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị ở 52 tỉnh, thành phố. Cấp ủy, tổ chức đảng ở các địa phương cũng thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị ở các đơn vị trực thuộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương đã phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách đối với người từng tham gia hoạt động trong kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với công tác giải quyết chất độc hóa học được bổ sung, từng bước hoàn thiện(1), tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Ngành lao động - thương binh và xã hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn xác định đối tượng đủ điều kiện, tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ để được hưởng chế độ, chính sách. Ngành y tế đã tổ chức giám định kịp thời cho các trường hợp đủ điều kiện; thực hiện giám sát việc khám, điều trị, xác nhận hồ sơ, bệnh án đối với các trường hợp lập hồ sơ đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hầu hết các địa phương đều tích cực, quan tâm giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam.

Các tỉnh hội, thành hội thường xuyên nắm tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đồng thời thống kê, nắm chắc số lượng nạn nhân, gia đình nạn nhân để đề xuất chủ trương, chính sách. Nhiều địa phương chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn, tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng, như Nam Định: 1.526 trường hợp, Thanh Hóa: 2.532 trường hợp, Lâm Đồng: 671 trường hợp… Đồng thời, các địa phương cũng tổ chức rà soát, kiểm tra, đình chỉ không cho hưởng chế độ, chính sách, xử lý thu hồi số tiền đã cấp của những trường hợp sai phạm. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp được củng cố, phát triển cả số lượng và chất lượng. Đến nay, hội đã được tổ chức ở 63/63 tỉnh, thành phố; 612/702 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 6.722/9.773 xã, phường, thị trấn; so với trước khi có Chỉ thị số 43-CT/TW đã tăng 3 tỉnh, 60 huyện, thị và 842 xã, phường, thị trấn. Thực hiện Kết luận số 102-KL/TW, ngày 22-9-2014, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về hội quần chúng” và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, tổ chức hội một số địa phương sáp nhập nhằm tinh giản biên chế, tổ chức, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu về tinh giản bộ máy, nhưng vẫn bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Thanh Hóa, Thái Nguyên và một số tỉnh thực hiện cán bộ trong hệ thống chính trị kiêm nhiệm cán bộ hội (giảm biên chế mà không sáp nhập hội). Trong điều kiện mới, hầu hết các hội vẫn hoạt động đạt kết quả cao, nổi bật là Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau…

Hằng năm, Nhà nước dành hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách để chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách, người có công, trong đó có nạn nhân chất độc da cam. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác vận động nguồn lực, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm được hơn 1.500 tỷ đồng. Số tiền đó được sử dụng đúng mục đích, minh bạch, hiệu quả, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 3.000 nhà tình nghĩa; trợ cấp gần 6.000 suất học bổng cho nạn nhân và con của nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vốn sinh kế, tìm việc làm, khám, chữa bệnh; thăm, tặng quà cho hàng chục nghìn nạn nhân chất độc da cam trong các dịp lễ, tết, ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” (10-8)… Cùng với đó, hàng nghìn nạn nhân được điều dưỡng tại 26 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giải độc của Trung ương Hội và các địa phương. Đặc biệt, phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, góp phần “xoa dịu nỗi đau da cam”. Thông qua hỗ trợ vốn sinh kế, bằng ý chí và nghị lực, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã vượt qua bệnh tật, làm giàu chính đáng, trở thành những tấm gương sáng về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Trong đó, một số nạn nhân chất độc da cam đã vươn lên làm chủ doanh nghiệp, không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, mà còn giúp nhiều người khác có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định.

 Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 - 2023_Ảnh: m.baokiemtoannhanuoc.vn
Trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ Việt Nam và Mỹ có những bước phát triển mới, 5 năm qua, nhiệm vụ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam tiếp tục được tiến hành với những hình thức, biện pháp mới, phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng. Hội đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân ở Mỹ vận động để các nghị sĩ trình Quốc hội Mỹ 5 dự luật bênh vực nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; duy trì liên lạc thường xuyên với 30 tổ chức quốc tế,… Thực tế, phía Mỹ đã có bước thay đổi nhận thức, có trách nhiệm hơn trong việc tham gia các dự án xử lý chất độc dioxin còn tồn đọng tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và viện trợ nhân đạo cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam.

Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học đã có chuyển biến tích cực. Công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đạt hiệu quả thiết thực; chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ được bảo đảm đầy đủ, chu đáo.

Tuy nhiên, một số cấp ủy chưa quán triệt Chỉ thị số 43-CT/TW một cách đầy đủ, còn thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện. Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng nảy sinh một số vướng mắc; công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ, còn thiếu tinh thần trách nhiệm. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở một số địa phương sau khi sáp nhập chưa thống nhất về tổ chức; một số nơi sáp nhập với các hội quần chúng khác không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tính chất đặc thù của hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác giải quyết chế độ, chính sách còn bất cập; một số thủ tục hành chính chậm được hướng dẫn; tỷ lệ người được thụ hưởng chế độ so với số nạn nhân trong thực tế còn thấp (hiện nay có trên 350.000 người được hưởng chế độ, chính sách người có công), còn hàng vạn người trực tiếp tham gia kháng chiến chưa được giải quyết chế độ do nhiều nguyên nhân. Cùng với đó, thế hệ thứ 3 (cháu của người tham gia kháng chiến bị di chứng chất độc da cam/dioxin) cũng chưa được hưởng chế độ, chính sách. Công tác thẩm định, giám định thực hiện chế độ, chính sách ở một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn để lọt đối tượng hưởng chế độ không đúng quy định, gây bức xúc trong nhân dân.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Trước những khó khăn, hạn chế đó, để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, tạo chuyển biến vững chắc, toàn diện đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh, thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tình hình mới. Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, chặt chẽ; tăng cường kiểm tra, giám sát, tập trung có trọng điểm vào công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; thực hiện tốt phương châm “đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, chú trọng củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức hội các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; không để xảy ra tiêu cực trong thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; bảo đảm chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Những năm qua, các bộ, ngành có liên quan đã tích cực làm tốt công tác tham mưu để Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung các đạo luật, Chính phủ ban hành các nghị định, các văn bản, quy định, góp phần làm tốt công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin; quan tâm rà soát, thẩm định hồ sơ, kịp thời ra quyết định đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã có đủ điều kiện nhưng chưa được hưởng chế độ theo quy định (đây là đối tượng rất cần được quan tâm, giải quyết chế độ, chính sách). Mặt khác, đối với những người chưa trung thực, cố tình lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi thì kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng ở địa phương giải quyết tốt các vướng mắc, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để hình thành các “điểm nóng”.

Thứ ba, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức hội và xây dựng đội ngũ cán bộ hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm xây dựng, kiện toàn ban chấp hành hội các cấp đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, gắn với tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", Thông báo Kết luận số 158, ngày 2-1-2020, của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị “Về hội quần chúng”; gắn công tác xây dựng hội với thực hiện giảm biên chế, tổ chức, nhưng bảo đảm cho hội đủ năng lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Coi trọng chỉ đạo về nhân sự, củng cố tổ chức và hoạt động của hội trực thuộc; tích cực kiểm tra, đôn đốc hoạt động của hội theo đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ. Đồng thời, cần quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất cho hội và chính sách, chế độ đối với cán bộ làm công tác hội.

Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về công tác xây dựng hội; đồng thời chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Đặc biệt là, làm tốt công tác tuyên truyền nhân kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2021). Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên, công dân ở trong và ngoài nước tích cực tham gia cuộc thi viết về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam”, lần thứ I, năm 2021, do Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động. Qua đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân đối với việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam” nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương trong tuyên truyền về kết quả thực hiện Chỉ thị, nhất là công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nạn nhân chất độc da cam. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như tổ chức gặp mặt, biểu dương các nạn nhân và gia đình nạn nhân tiêu biểu vượt khó, vươn lên; tổ chức vinh danh các nhà hảo tâm, các tổ chức có nhiều đóng góp, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam; phát động nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”...

Thứ năm, tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế. Cần khẳng định quan điểm và quyết tâm của chúng ta là, kiên trì mục tiêu đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Mỹ phải có trách nhiệm hơn trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người ở Việt Nam. Củng cố, mở rộng nhiều phương thức phù hợp, kết hợp cả đấu tranh pháp lý và đấu tranh bằng đạo lý để đạt hiệu quả cao. Tiếp tục thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến thảm họa chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam, làm cơ sở để tuyên truyền và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Phối hợp đồng bộ các phương thức, các lực lượng cả trong nước và quốc tế, bằng cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân với biện pháp, bước đi phù hợp.

Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, góp phần đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, giúp nạn nhân chất độc da cam vơi bớt khó khăn, bệnh tật và nghèo khó, từng bước hòa nhập cộng đồng./.

------------------------

(1) Ngày 30-6-2016, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH, “Quy định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học”; Ngày 1-7-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2019/NĐ-CP, “Quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng”…

Theo Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều