Đổi mới cơ chế giám sát xã hội đối với việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước

(Mặt trận) - Trên cơ sở các văn bản hiến định quyền của nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước nói riêng, bài viết đưa ra giải pháp đổi mới cơ chế giám sát đối với việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đó là: thể chế hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế thực hiện dân chủ; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng…
Cơ chế hiến định về nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước nói riêng

Cơ chế hiến định về nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước hay cơ chế giám sát của xã hội đối với quyền lực nhà nước nói chung

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là một tổng thể của các yếu tố thể chế, thiết chế, có mối quan hệ hữu cơ tương tác lẫn nhau do Hiến pháp và luật quy định nhằm xác lập và bảo đảm để các chủ thể thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta được Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

Thứ nhất, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước do nhân dân - chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước trực tiếp kiểm soát, bao gồm: các cá nhân, tổ chức không phải là cơ quan nhà nước, không mang tính quyền lực nhà nước thực hiện. Có thể gọi đây là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài bộ máy nhà nước để tiến hành kiểm soát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cơ chế này được xây dựng và hoàn thiện dựa vào các căn cứ hiến định sau đây:

+ Điều 6 Hiến pháp năm 2013: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp…”.

+ Điều 9 khoản 1 Hiến pháp năm 2013: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… giám sát, phản biện xã hội”.

+ Điều 10 Hiến pháp năm 2013: “Công đoàn Việt Nam… tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động”.

+ Các quyền dân chủ trực tiếp của công dân quy định ở Chương II, Hiến pháp năm 2013 như: “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…” (Điều 25); quyền bầu cử (Điều 27); quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước (Điều 28); quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý (Điều 29),…

Thứ hai, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước do các chủ thể là các cơ quan nhà nước trực tiếp vận hành trên cơ sở phân định nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước quy định. Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước lẫn nhau giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và kiểm soát quyền lực nhà nước của mỗi quyền do các thiết chế ở bên trong từng quyền thực hiện.

Thứ ba, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước do một thiết chế độc lập vận hành được Hiến pháp hoặc một đạo luật quy định như ở các nước là Hội đồng bảo hiến, hay Tòa án Hiến pháp hoặc giao cho Tòa án tối cao như ở Mỹ thực hiện. Cơ chế này ở nước ta được xây dựng và hoàn thiện dựa vào quy định ở khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013: “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.

Việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi “trong việc xây dựng chính quyền để con người, quản lý con người, khó khăn lớn nhất là ở chỗ: chính quyền trước tiên phải kiểm soát được dân chúng và tiếp theo chính quyền phải kiểm soát được chính mình”1. Theo đó, việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói trên là nhằm xây dựng các công cụ, phương tiện pháp lý cơ bản để hạn chế sự đam mê quyền lực nhà nước dẫn đến xu hướng lạm quyền, lộng quyền của những người cầm quyền và bảo vệ quyền con người, quyền công dân “Nếu con người là thánh thần, Chính phủ sẽ không cần thiết. Nếu thánh thần cai quản con người, cũng không cần có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài Chính phủ”2. Quyền lực nhà nước rất cần thiết với xã hội con người nhưng cũng chính con người phải đối mặt với những nguy hại do quyền lực gây ra khi nó bị tha hóa. Khi đó, quyền lực nhà nước lại trở thành công cụ thỏa mãn lợi ích của những người nắm giữ quyền lực và đối lập với lợi ích của nhân dân. Làm thế nào để xã hội con người thoát ra khỏi mâu thuẫn vừa cần trật tự và phát triển ổn định (do vai trò của nhà nước), vừa chống lại sự lạm quyền của nhà nước. Kinh nghiệm nhân loại chỉ ra rằng, phải xây dựng một chế độ dân chủ và pháp quyền, tức là phải xây dựng một chính quyền thuộc về nhân dân đối với những người cầm quyền và nhân dân kiểm soát được quyền lực nhà nước của mình.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước không chỉ là phương tiện để hạn chế sự lạm quyền, lộng quyền của quyền lực nhà nước mà còn là phương tiện xây dựng và hoàn thiện quyền lực nhà nước, làm cho quyền lực nhà nước mạnh mẽ hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn, ổn định và chính đáng hơn. Vì thế, hoàn toàn sai lầm khi cho rằng kiểm soát quyền lực nhà nước là “bó tay, bó chân” hạn chế sự năng động, sáng tạo của kiểm soát quyền lực nhà nước. Bởi kiểm soát quyền lực nhà nước được xây dựng bằng các cơ chế do Hiến pháp và luật quy định một cách chặt chẽ chỉ nhằm hạn chế, ngăn chặn, giới hạn đối với quyền lực độc tài; xây dựng định hướng quyền lực nhà nước theo những mục đích mà xã hội cần, xã hội ủng hộ, ngăn ngừa sự lộng quyền, lạm quyền; xác lập các quy tắc vận hành dân chủ của bộ máy nhà nước; xây dựng một hệ thống thể chế cho việc quyết định chính sách một cách sáng suốt, có trách nhiệm, huy động được các nguồn lực công để giải quyết các vấn đề công cộng. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước vận hành theo đúng các quy định của Hiến pháp và luật chính là phương tiện bảo đảm cho quyền lực nhà nước mạnh, thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân; vận hành phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn được nhân dân giao; làm cho tính dân chủ và pháp quyền được giữ vững, công bằng và công lý được đảm bảo, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.

Cơ chế nhân dân kiểm soát việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước hay còn gọi là cơ chế giám sát của xã hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước

Một là, chủ thể kiểm soát hoạt động công vụ là nhân dân, bao gồm:

+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân… (khoản 1 Điều 9 Hiến pháp năm 2013) có chức năng giám sát và phản biện xã hội, trong đó có giám sát và phản biện việc thực thi công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước.

+ Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, khi cán bộ, công chức các cơ quan này trong hoạt động công vụ vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên và tổ chức mình.

+ Nhân dân với tư cách là cá nhân công dân cũng là chủ thể có quyền kiểm soát việc thực hiện công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước bằng việc thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp của mình như “quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với nhà nước” (Điều 28).

Hai là, đối tượng kiểm soát là cán bộ, công chức thực thi công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đó là cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan hành pháp bao gồm cán bộ, công chức trong Văn phòng Chính phủ, cán bộ các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và phòng ban của Ủy ban nhân dân các cấp.

Ba là, phương thức giám sát là theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước thuộc nội dung giám sát của mình.

Bốn là, hình thức giám sát gồm: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Tổ chức đoàn giám sát, hoặc phối hợp với giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở các cấp xã, phường, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Tham gia giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Năm là, chế tài giám sát: Giám sát của nhân dân là giám sát mang tính xã hội, không mang tính quyền lực nhà nước. Vì thế, giám sát của các chủ thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và của cá nhân công dân về việc thực hiện công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước mang tính xã hội, có nghĩa là không có quyền áp dụng quy phạm pháp luật để ra các quyết định chế tài như các chủ thể có thẩm quyền giám sát mang tính quyền lực nhà nước, mà chỉ có quyền đưa ra các kiến nghị, yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị đó. Tuy kết quả giám sát là các kiến nghị, nhưng có vai trò rất to lớn. Bởi đấy là các kiến nghị của nhân dân, của xã hội, chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, buộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết.

Vai trò của cơ chế nhân dân giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước

Cơ chế nhân dân giám sát việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước có vai trò là phương tiện để nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội của mình thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ, trực tiếp góp phần xây dựng một nền công vụ trong sạch, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.

Khác với các Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 khẳng định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình không chỉ thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp. Để nhân dân thực hiện được quyền lực nhà nước một cách trực tiếp, Hiến pháp đã hình thành cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước bằng việc giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên - là các tổ chức rộng rãi của các tầng lớp nhân dân giám sát quyền lực nhà nước nói chung và giám sát việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thực trạng giám sát xã hội đối với việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước

Từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, nhất là những năm sau khi có Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Quyết định 217 của Bộ Chính trị về giám sát xã hội được tổ chức thực hiện, công tác giám sát xã hội của nhân dân nói chung, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan hành chính nhà nước đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước, các tổ chức Đảng triển khai 12 chương trình giám sát ở cấp Trung ương, tập trung vào các lĩnh vực: thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng; thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo; quản lý nhà nước về sản xuất - kinh doanh; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; thuế và hải quan; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền lựa chọn những vấn đề lớn, nổi lên về thực hiện chính sách, pháp luật; những vấn đề bức xúc ở địa phương liên quan đến việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương để tiến hành giám sát. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh chủ trì và tham gia giám sát liên ngành được 4.093 cuộc, cấp huyện chủ trì giám sát 22.679 cuộc, cấp xã chủ trì giám sát 466.012 cuộc.

Thực trạng hoạt động giám sát xã hội trên một số lĩnh vực thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước

Giám sát xã hội việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền

Hiến pháp năm 2013 - Hiến pháp đầu tiên của nước ta quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có một trong những chức năng cơ bản là giám sát và phản biện xã hội, trong đó có giám sát và phản biện xã hội đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây thực chất là một phương thức giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Ý nghĩa quan trọng của phương thức giám sát này là giám sát trước khi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực, có vai trò nâng cao chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành chính thức; phòng ngừa sự chủ quan, duy ý chí, xa rời thực tiễn, không thể hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân trước khi văn bản có hiệu lực. Đây còn là phương thức giám sát thu hút được các chủ thể gồm cá nhân công dân thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp như “quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở địa phương và cả nước” (khoản 1 Điều 28 Hiến pháp 2013).

Từ khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 có hiệu lực, hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được tiến hành ở Mặt trận các cấp, nhất là cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố. Hoạt động phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật của địa phương và cả nước, trong đó có nhiều dự án luật do các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền đưa trình, như: dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, dự án Luật Giáo dục… Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII trình Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, trong 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức 86.872 cuộc phản biện xã hội, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án quan trọng liên quan đến quản lý kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, công tác phản biện xã hội thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, còn mang tính hình thức. Chưa phát huy được trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, chưa phân biệt được sự khác nhau giữa phản biện và góp ý, nên tổ chức phản biện cũng không khác mấy với các cuộc góp ý kiến.

Giám sát xã hội việc thực hiện chính sách, pháp luật

Trong những năm qua, Ban Thường Ủy ban Trung ương trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận các tỉnh, thành phố đều đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hằng năm về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước, mà chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực thi công vụ. Các cuộc giám sát của Uỷ ban Mặt trận các cấp chủ trì hay phối hợp với các cơ quan dân cử những năm qua đều tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính của một số cơ quan hành chính nhà nước, trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, như: lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, địa chính, xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; giám sát việc thực hiện luật xử lý vi phạm hành chính; giám sát việc sử dụng các nguồn quỹ, các khoản đóng góp, các khoản viện trợ, tài trợ; giám sát việc thực hiện chương trình lao động giải quyết việc làm; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Qua giám sát đã góp phần nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, kịp thời đưa ra các kiến nghị khắc phục những hạn chế, thiếu sót, như: quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân của đối tượng giám sát là cán bộ, công chức thực thi công vụ. Tuy nhiên, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp vẫn chưa được nhận thức là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, nên tiến hành chưa thật sự quyết liệt, vẫn còn mang tính hình thức, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Thực trạng hoạt động giám sát xã hội việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước

Giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không những góp phần bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn góp phần tăng cường trách nhiệm, nâng cao kỷ cương, kỷ luật chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thi hành công vụ. Bởi, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước.

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tự mình hoặc phối hợp với Hội đồng nhân dân đã tổ chức giám sát được hàng chục nghìn cuộc đối với việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước. Phần lớn là các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, tình trạng buông lỏng quyền lực nhà nước trên một số lĩnh vực… nhưng các cơ quan quản lý nhà nước không kịp thời giải quyết, cá biệt dẫn đến một số khiếu nại, tố cáo kéo dài không giải quyết. Việc tiếp công dân của các cá nhân có thẩm quyền theo quy định phải tiếp dân thực hiện không nghiêm.

Ban Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân tại các xã, phường. Sự hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân đã có những tác dụng thiết thực góp phần nâng cao tác dụng giám sát của nhân dân, tạo điều kiện củng cố, xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Đáng chú ý là đối với những vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, có nguy cơ trở thành điểm nóng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã kịp thời phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thường trực Hội đồng nhân dân và các ban, ngành có liên quan tổ chức các cuộc giám sát, đưa ra các kiến nghị thể hiện chính kiến rõ ràng gửi đến các cơ quan quyền lực nhà nước có thẩm quyền để kịp thời xem xét giải quyết.

Giám sát xã hội các kiến nghị của cử tri

Giám sát xã hội đối với việc thực hiện các kiến nghị của cử tri đó là việc Mặt trận Tổ quốc các cấp và thành viên của Mặt trận theo dõi xem xét, đánh giá hoạt động giải quyết kiến nghị của cử tri, cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền để những cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền này kịp thời có giải pháp thực hiện các kiến nghị. Vì thế, giám sát xã hội đối với việc thực hiện các kiến nghị của cử tri có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của nhà nước nói chung, các cơ quan quyền lực nhà nước và cán bộ, công chức nói riêng trong việc thực thi công vụ. Đồng thời, thu hút đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước, trong đó có kiểm soát quyền lực nhà nước.

Theo Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã quy định. Mặt trận Tổ quốc có nhiệm vụ:

- Theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri.

- Tổ chức đoàn giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.

Dựa vào văn bản nói trên, những năm qua ở Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước để trình tại các kỳ họp của Quốc hội. Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận các cấp đã tập hợp và phản ảnh những kiến nghị của cử tri và nhân dân ở cấp mình tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp của Ủy ban nhân dân dưới hình thức thông báo về hoạt động của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền căn cứ vào bản báo cáo kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì hoặc phối hợp với giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã tiến hành nhiều cuộc giám sát đối với các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các kiến nghị của cử tri. Các cuộc giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đặc biệt là giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp ngày càng quan tâm giải quyết, trả lời tương đối đầy đủ và ngày càng nâng cao trách nhiệm tại các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, việc theo dõi, đôn đốc giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, một số bộ, ngành, địa phương vẫn xảy ra tình trạng chậm trễ trong trả lời và giải quyết các kiến nghị của cử tri. Việc đánh giá kết quả tổ chức thực thi pháp luật trong hoạt động công vụ của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ, công chức, người đứng đầu chịu sự giám sát.

Một số định hướng, giải pháp đổi mới cơ chế giám sát xã hội đối với hoạt động công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước

Một là, nâng cao chất lượng của các chủ thể có thẩm quyền giám sát xã hội theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về giám sát xã hội, xây dựng Luật Giám sát của nhân dân.

Hai là, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cơ quan các cấp, tham gia mạnh mẽ vào cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

Ba là, tiếp tục thể chế hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217- QĐ/TW và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế thực hiện dân chủ của nội dung trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để nhân dân tham gia ngày càng rộng rãi, thực chất hơn vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Xây dựng Luật Dân chủ cơ sở, Luật Giám sát của nhân dân…

Bốn là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng theo đề án của Chính phủ và phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Năm là, nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tăng cường theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Sáu là, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Bảy là, tăng cường phối hợp giám sát xã hội của nhân dân với giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Trần Ngọc Đường

Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Chú thích:

1. Alexander Hamilton, James Madison, John Jay, The Federalist. Ed Jr.Pol (imdiappolis/Cambridge: Hakett Publishing Campany, 2015).

2. Mongtesquie, The Spirit of the laws, Trans, Thomass Nugent (New York: Hafner Publishing Company, 1962).

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều