Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 nhanh nhạy, linh hoạt, vì nhân dân

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 và gần đây, trước những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch COVID-19, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo, công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, nhanh nhạy, linh hoạt theo tinh thần an dân, vì nhân dân để tạo ra sự bình ổn, đoàn kết thống nhất, cùng chung tay góp sức khắc phục khó khăn vượt qua đại dịch.
 Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức diễu hành xe loa phát thanh tuyên truyền vận động Nhân dân không tụ tập đông người và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại khu vực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
KINH NGHIỆM CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 NĂM 2020

Năm 2020 được coi là năm hết sức thành công của Việt Nam trên mặt trận phòng chống đại dịch COVID-19, đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, tác động mang tính thực chất và sâu sắc đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Thành công của công tác phòng chống đại dịch được khẳng định có phần đóng góp hết sức quan trọng của công tác tuyên truyền với nhiều bài học, kinh nghiệm quý.

Công tác tuyên truyền năm 2020 được chỉ đạo triển khai thực hiện với tầm nhìn xa, có các bước dự liệu, đi trước, đón đầu, đưa thông tin cảnh báo, cập nhật chuẩn xác về dịch bệnh. Các website, số hotline và các ứng dụng điện thoại thông minh nhanh chóng được kích hoạt để thông tin diễn biến mới nhất của dịch bệnh. Các phương tiện tuyên truyền như loa phát thanh, bảng hiệu, mạng xã hội và báo chí… được huy động tối đa. Các cơ quan chức năng kịp thời xử lý các hành vi thông tin sai sự thật, lên án những tin đồn thất thiệt gây hoang mang xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch. Sự minh bạch của dòng thông tin, báo chí chính thống đã kịp thời cô lập, đẩy lùi luận điệu xuyên tạc của các đối tượng cơ hội, thù địch, các tổ chức phản động, lưu vong lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19, phát tán nhiều tin, bài, clip… xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Theo số liệu thống kê của Project Syndicate, từ ngày 9/1 đến ngày 15/3/2020, trung bình mỗi ngày có 127 bài báo về dịch bệnh COVID-19, đăng tải trên 13 trong số các trang báo điện tử phổ biến nhất của Việt Nam, khiến tin giả gần như không còn đất sống(1).

 Công tác tuyên truyền năm 2020 có nhiều điểm nhấn sáng tạo, đi vào lòng người như bài hát "Ghen Cô vy" và vũ điệu rửa tay đi kèm đã trở thành một hiện tượng toàn cầu tỏa và thu hút gần 50 triệu view(2) … Công tác tuyên truyền đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không chỉ các cơ quan báo chí, truyền thông lớn, công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thông qua những hình thức truyền thống, giản đơn nhưng mang đầy tính sáng tạo, hiệu quả như: phát tờ rơi, băng rôn, áp phích, thông tin trên loa truyền thanh, tuyên truyền bằng xe lưu động...

Tại nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, các chiến sỹ công an, bộ đội với phương châm đến từng ngõ, gặp từng người, tuyên truyền đến tận nương rẫy đã kéo loa tay, băng rừng, đưa thông tin chống COVID-19 đến với từng người dân. Trên mạng xã hội, mỗi người dân cũng trở thành một nhà báo, một chiến sỹ thông tin; trào lưu nói không với tin xấu, tin giả là hết sức mạnh mẽ; cộng đồng mạng trở thành lực lượng hùng hậu chia sẻ thông tin tích cực, làm lan toả những hành động đẹp, những tấm gương quên mình vì cộng đồng, chia sẻ khó khăn với những đối tượng khó khăn yếu thế, thắp sáng các giá trị nhân văn, nhân lên niềm tin với Đảng, Chính phủ, tình yêu với đất nước, con người Việt Nam.

THÁCH THỨC MỚI

Tuy nhiên, những thành tựu của quá khứ không là sự đảm bảo cho thành công trong tương lai, thậm chí có thể trở thành rào cản và sự tụt hậu nếu không có những nỗ lực và quyết tâm hành động mới.

Từ giữa năm 2021, đại dịch COVID-19 với biến thể Deltal có độ lây nhiễm rất nhanh đã gây ra những tàn phá và khủng hoảng mới ở mức độ toàn cầu.

Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ và nhiều nước Châu Âu tưởng như thành công với tỷ lệ cao người dân được tiêm chủng vaccine đã tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ số người lây nhiễm tăng mạnh.

Tại Việt Nam, giai đoạn bùng phát thứ tư của đại dịch đã có những tác động nặng nề hơn gấp nhiều lần so với các giai đoạn trước. Nếu như năm 2020, Việt Nam toàn quốc chỉ có hơn 300 ca nhiễm thì đến giữa tháng 8 năm 2021, mỗi ngày đã có gần 10 ngàn ca nhiễm với hàng trăm ca tử vong. Thực tế này gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống, tâm tư tình cảm của nhân dân. Dịch bệnh đã tác động đến hầu hết các thành phố lớn, các trung tâm sản xuất công nghiệp, kinh tế và dịch vụ của Việt Nam như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội…

Đại dịch đã gây ra những nguy cơ lớn làm đứt gãy chuỗi cung trong sản xuất, nhiều nhà máy lớn có thế mạnh của Việt Nam trong may mặc, da giày, thiết bị điện tử bị có nguy cơ tạm dừng sản xuất, ngắt quãng sản phẩm, không thể giao hàng đúng hạn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất không kịp vận chuyển đến tay người tiêu dùng hoặc xuất khẩu đã gây ra ùn ứ, giảm giá gây thiệt hại cho người sản xuất. Sự bùng phát mạnh của đại dịch cũng gây ra những lúng túng ban đầu trong cách điều hành, xử lý và vận hành xã hội cũng như điều hành duy trì sản xuất, lao động, đi lại của nhân dân; phòng ngừa, chữa trị và phục hồi đối với các bệnh nhân bị lây nhiễm COVID-19.

 
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát gây ra nhiều mất mát kể cả về tính mạng con người, sự gò bó thiếu giao tiếp xã hội khi bị giãn cách, giảm hoặc mất nguồn thu của người lao động cũng gây ra tâm lý hoang mang, thiếu bình tĩnh, dễ bị kích động. Đây vô tình trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tin giả, tin xấu và những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Trong bối cảnh như vậy, Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, toàn diện để nâng cao sức ứng phó với đại dịch, thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phát triển kinh tế để duy trì việc làm, lao động và thu nhập cho nhân dân, vừa đảm bảo các điều kiện an toàn, chống dịch. Công tác xây dựng Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19, đẩy mạnh ngoại giao vận động, triển khai tiêm vaccine ngừa dịch bệnh được đẩy mạnh, các biện pháp giãn cách được triển khai theo từng khu vực, địa phương. Công tác chăm lo đời sống của người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch được quan tâm, đặc biệt hướng tới những người nghèo, lao động thu nhập thấp, lao động di cư bị mất đi nguồn thu. Công tác phòng chống dịch đã cho thấy những nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Chính phủ, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự tham gia tích cực của toàn dân.

Trong bối cảnh đó, công tác tuyên truyền cũng đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, đóng góp tích cực vào việc định hướng, dẫn dắt, tạo ra dư luận và tâm trạng xã hội tích cực đối với công tác phòng chống đại dịch.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trong giai đoạn đầu của đợt dịch bùng phát lần thứ tư, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, không ít cơ quan báo chí, truyền thông lúng túng trong cách đưa tin, lúng túng trong tuyên truyền khai thác phát huy mặt tích cực hay đưa những khó khăn, hạn chế và hậu quả nặng nề của đại dịch. Nhiều thông tin chưa có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là ngành Y tế, dẫn đến những cách hiểu sai về biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống cụ thể trong đại dịch. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng những khó khăn của đại dịch, “đục nước béo cò, tranh thủ nước đục thả câu”, lợi dụng mạng xã hội đưa, phát tán nhiều tin giả, tin xấu gây bất lợi, hoang mang trong nhân dân và ảnh hưởng tiêu cực đến công tác chống dịch...

TẠO THỐNG NHẤT VÀ ĐỒNG THUẬN XÃ HỘI, PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA NHÂN DÂN

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, Ban Tuyên giáo Trung ương, trực tiếp là đồng chí Trưởng ban đã có sự chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, triển khai nhiều cuộc làm việc liên ngành. Qua đó, đồng bộ hóa chỉ huy thông tin, huy động tối đa các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, dự báo chính xác diễn biến tình hình, đề ra các giải pháp tuyên truyền sáng tạo, khoa học, linh động và phù hợp thực tiễn. Từ sự vào cuộc và sự chỉ đạo quyết liệt như vậy, công tác tuyên truyền phòng chống đại dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay đem lại những hiệu ứng tích cực.

Chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội được thông tin lan tỏa nhanh chóng, kịp thời, được cụ thể hóa trong công tác chống dịch của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở và từng người dân. Các cơ quan báo chí đã đồng bộ hóa thông tin, kết hợp đưa thông tin chuyên môn hướng dẫn người dân cách ứng phó với đại dịch trong bối cảnh mới hoàn toàn khác trước; thông tin kịp thời, chính xác, cổ vũ những gương nghĩa tình, yêu thương đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ những khó khăn vất vả với người lao động, công nhân mất việc do phải giãn cách; tôn vinh lực lượng tuyến đầu chống dịch, đang miệt mài chiến đấu vì sức khỏe, tính mạng của mỗi người dân và sự an toàn của cộng đồng; vạch mặt, phê phán những cá nhân, tổ chức có hành vi xấu, trục lợi, bịa đặt, đi ngược lại, làm hoen ố những nỗ lực chống dịch chung của toàn xã hội. Nhiều thông tin giả, xấu, sai sự thật trên mạng xã hội bị bóc gỡ, nhiều cá nhân bị phê bình, xử lý.

Hưởng ứng Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong những ngày tới, công tác chiến đấu với đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, trả lại dư địa và các điều kiện phát triển kinh tế xã hội đang bước vào giai đoạn có nhiều thuận lợi của Việt Nam. Tuy nhiên, không thể chủ quan trước những đột biến và thay đổi có thể xảy ra ở các biến thể virus, không thể loại bỏ những dự báo rằng tình hình có thể trở nên xấu đi.

Trong bối cảnh và những diễn biến còn nhiều khó khăn và phức tạp đó, chúng ta càng trân trọng và phát huy những giá trị cao đẹp của truyền thống dân tộc, nhân văn, nghĩa tình, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “khoan thư sức dân để làm kế bền gốc sâu rễ” và càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Lửa thử vàng gian nan thử sức, công tác tuyên truyền phòng, chống đại dịch COVID-19 cần chung tay cùng các lực lượng, các binh chủng hợp đồng khác chia sẻ khó khăn, tạo thống nhất và đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh của nhân dân chiến thắng đại dịch và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.

Để góp phần thực hiện chống dịch thành công, công tác tuyên truyền cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất chủ trương chỉ đạo, đồng bộ hóa, minh bạch thông tin.

Phát huy tinh thần tuyên truyền như trong “thời chiến”, chủ động, kịp thời đưa các thông tin chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cấp chính quyền về phòng, chống đại dịch đến với nhân dân. Tuyên truyền, cụ thể hóa lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Điện của Thường trực Ban Bí thư, Công điện, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần chủ động, quyết liệt hơn trong công tác thông tin, tuyên truyền.

Thứ hai, phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn, đội ngũ chuyên gia y tế, nhà khoa học trong công tác thông tin, tuyên truyền.

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, người dân cơ bản đã có những kiến thức chung về đại dịch, đang trông đợi nhiều hơn vào các ý kiến, tư vấn chuyên sâu về kỹ năng sống, cách chữa bệnh, hành xử và chăm sóc người bệnh, cách ứng phó với cuộc sống cách ly, giãn cách… Cần tăng cường hơn vai trò, sự xuất hiện và tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, không chỉ trong lĩnh vực Y tế mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như tâm lý, văn hóa… giúp các địa phương cơ sở, người dân có kỹ năng, kiến thức chuẩn xác ứng phó với đại dịch. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tập trung khai thác, đưa thông tin tuyên truyền các biện pháp ứng phó với đại dịch trong điều kiện mới. Những giải pháp này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí, truyền thông với các cơ quan chuyên môn.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền về những câu chuyện tử tế, hành động đẹp, khơi dậy nghĩa tình và nhân lên niềm tin trong nhân dân.

 Người dân đến nhận gạo tại “ATM gạo” Quận 12 (TP. Hồ Chí Minh).
Năm 2020, tờ Deutsche Presse-Agentus của Đức có bài viết ca ngợi cho rằng phần lớn thành công hoạt động chống dịch của Việt Nam là nhờ vào “sự đoàn kết xã hội”. Tờ Times of India của Ấn Độ cho rằng chìa khóa thành công của Việt Nam đến từ việc huy động lòng yêu nước của nhân dân(3).

Phát huy kinh nghiệm này, công tác tuyên truyền cần tập trung hướng mạnh tới những tin, bài mang tính nhân văn, huy động sức mạnh đoàn kết, sẻ chia; tổ chức các tuyến bài “dài hơi”, chất lượng, đưa thông điệp để người dân sống tốt, an toàn, ý nghĩa hơn, quan tâm đến người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, người yếu thế, lao động di cư, mất việc làm. Chia sẻ, làm lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội những hình ảnh đẹp như cây ATM gạo, oxy…; những sáng kiến tốt vì cộng đồng, các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những cá nhân, cộng đồng khó khăn, thiệt thòi. Tăng cường số lượng các tin, bài phản ánh “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, những cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh kinh tế khó khăn…

Thứ tư, tăng cường sức mạnh tổng hợp, hệ thống trong triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền.

Tiếp tục phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội (Zalo, Facebook...) đưa ra những thông báo nhanh, chính xác nhất về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo phòng bệnh tới người dân, kết nối hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, vật dụng y tế… cho những người dân còn mắc kẹt tại đô thị, người lao động mất việc làm; lan tỏa năng lượng tích cực, kêu gọi toàn dân chung tay vượt qua khó khăn. Đồng thời, tri ân nỗ lực của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ trên tuyến đầu chống dịch như đội ngũ y bác sỹ, chiến sỹ công an, quân đội ngày đêm vì người bệnh, vì cộng đồng.

Tiếp tục vận động, phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sỹ trong sáng tác các tác phẩm văn hóa nghệ thuật như thơ, nhạc, hội họa, áp phích, phát hành tem thư để cổ vũ công tác phòng chống đại dịch.

Kết hợp tuyên truyền qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại với các phương tiện mang tính truyền thống như hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền miệng để nâng cao sức mạnh tổng hợp của công tác tuyên truyền.

Thứ năm, phát huy vai trò cán bộ tuyến cơ sở trong tham gia thực hiện công tác tuyên truyền.

Thành công trong công tác tuyên truyền phòng chống đại dịch năm 2020 cũng như tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống loa phát thanh và đội ngũ cán bộ cơ sở như tổ trưởng dân phố, trưởng xóm…

Có thể thấy rằng, trong văn hóa Việt Nam, các thiết chế gia đình, làng xóm, cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong những điều kiện nghịch cảnh, khó khăn. Không bệnh viện, nhà thương, trung tâm hỗ trợ nào có thể ấm áp hơn tấm lòng sẻ chia của tình làng nghĩa xóm, chở che yêu thương đùm bọc lẫn nhau của bà con làng xóm, tiếng nói trên các mạng xã hội không thể có sức nặng hơn ý kiến những cá nhân uy tín trong cộng đồng. Trước những tình hình mới của dịch bệnh, cần quan tâm và phát huy hơn nữa vai trò các thiết chế ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở cần được cung cấp thông tin, hướng dẫn để trở thành những hạt nhân tuyên truyền giúp cộng đồng có những giải pháp ứng xử phù hợp, khoa học, văn hóa, nghĩa tình, là những hạt nhân làm nên chiến thắng đại dịch.

Theo TS. Nguyễn Phú Trường/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều