Giải pháp nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

(Mặt trận) - Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Nhận thức được tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã triển khai các giải pháp như hoàn thiện thể chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu… Bài viết tập trung phân tích xu thế, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, các nhiệm vụ đã triển khai và giải pháp để nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam hiện nay.

Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo về phát huy vai trò MTTQ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực trạng và giải pháp, tháng 6/2022.

Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) trong Báo cáo đánh giá khí hậu lần thứ 6 (AR6) đã chỉ ra những vấn đề đáng lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu: Thời tiết cực đoan đang diễn ra ở mọi nơi trên trái đất, bầu khí quyển và biển đang nóng lên với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu được ghi nhận với diễn biến theo xu thế bất lợi, các hiện tượng khí hậu cực đoan tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn. Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm tại Việt Nam đã liên tục tăng, các hiện tượng bất thường của khí hậu xảy ra ở nhiều vùng, gây ra đợt hạn hán kéo dài năm 2015 - 2016 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; sạt lở, lũ ống, lũ quét trên diện rộng với sức tàn phá to lớn ở Yên Bái năm 2017, Thanh Hoá 2018, 2019; bão Damrey năm 2017 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa và các khu vực lân cận; đợt mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt lịch sử kéo dài tại miền Trung năm 2020 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến nhóm dân cư nghèo và yếu thế trong xã hội.

Xu thế và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Trong thời kỳ 1958 - 2018, diễn biến khí hậu của Việt Nam được tóm tắt như sau: nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình là 0,89°C, riêng giai đoạn 1986 - 2018 tăng 0,74°C. Lượng mưa năm, tính trung bình trên phạm vi cả nước có xu thế tăng nhẹ 2,1%, nhưng có xu thế giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam. Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, số tháng hạn có xu thế tăng ở khu vực phía Bắc, giảm ở Trung Bộ và phía Nam lãnh thổ. Số cơn bão mạnh có xu thế tăng. Theo số liệu quan trắc tại các trạm hải văn ven biển và các đảo của Việt Nam, mực nước tại các trạm đều có xu thế tăng, tính trung bình cho tất cả các trạm, mực nước biển tăng khoảng 2,7 mm/năm. Theo số liệu đo đạc từ vệ tinh trong giai đoạn 1993 - 2018, mực nước trung bình khu vực ven biển Việt Nam tăng 3,6 mm/năm. Việt Nam đã và đang phải đối mặt với việc gia tăng các cơn bão mạnh ở khu vực Biển Đông; gia tăng lượng mưa ở hầu hết các tháng trong năm; nguy cơ gia tăng về khô hạn, hoang mạc hóa, xâm nhập mặn, ngập lụt, xói mòn, rửa trôi, sạt lở; làm thay đổi chế độ thủy văn, hải văn, sóng biển và tăng nguy cơ nước biển dâng.

Phân tích tác động của biến đổi khí hậu đến các vùng của Việt Nam cho thấy, các vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu là Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung và vùng núi phía Bắc. Tại mỗi vùng, nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, những người có thu nhập phụ thuộc vào khí hậu, người già, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh tật được xác định là nhóm có mức độ tổn thương cao nhất do biến đổi khí hậu. Nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số có mức độ tổn thương cao trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu do họ bị hạn chế hơn về khả năng tiếp cận giáo dục và ít có cơ hội tham gia các công việc phi nông nghiệp. Các ngành, lĩnh vực có mức độ rủi ro cao do biến đổi khí hậu là nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, nơi cư trú và hạ tầng kỹ thuật do đây là những ngành, lĩnh vực có mức độ phơi bày và độ nhạy cảm cao với thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Trong các ngành kinh tế, nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, theo các kịch bản tác động khác nhau của biến đổi khí hậu, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp sẽ giảm từ 5% đến 15% vào năm 2030 và từ 5,8% đến 13,5% vào năm 2050.

Với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 1995-2017, thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam vào khoảng 14 nghìn tỷ đồng/năm (giá năm 2010) với tốc độ gia tăng là 12,7%/năm. Năm 2017 là năm có nhiều cơn bão kỷ lục (16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới), 386 người chết và mất tích, tổng thiệt hại cao nhất là 38,7 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 2,7 tỷ USD). Lúa là loại cây trồng phổ biến nhất, vì thế thiệt hại về lúa gạo chiếm phần lớn trong tổng thiệt hại hàng năm (trung bình 66,1% hàng năm trong giai đoạn 2011-2016). Các loại cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng bị suy giảm hơn 50%. Dự báo đến năm 2050, nếu mực nước biển dâng từ 18 ÷ 38 cm, tổn thất có thể lên tới 2% GDP của Việt Nam. Đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100 cm, 6,3% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị ngập.

Ngoài những thiệt hại về kinh tế xác định được, Việt Nam còn có nguy cơ cao chịu thiệt hại phi kinh tế như giảm sức khỏe người dân, cộng đồng hoặc khu kinh tế bị di dời, mất đất do xói lở, mất di sản văn hóa và kiến thức địa phương, mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Tuy khó định lượng, nhưng những thiệt hại phi kinh tế có khả năng lớn hơn những thiệt hại về kinh tế.

Các nhiệm vụ đã triển khai để thích ứng với biến đổi khí hậu

Về thể chế, chính sách

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI coi chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ứng phó với biến đổi khí hậu phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.

Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó Điều 90 quy định các nội dung và trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động về thích ứng với biến đổi khí hậu. Đã xây dựng, sửa đổi và ban hành 10 Luật có nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu.

Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 93/NQ-CP năm 2016 phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)...

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (2011)1; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2012), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (2021); Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 (2012); Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (2014); Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh (2017); Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (2016); Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP (2019); phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam (2020); Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2020)2. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia (2022).

Các bộ, ngành cũng đã ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có 1 Chương hướng dẫn về đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Về nâng cao năng lực dự báo, quan trắc, giám sát khí hậu, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp; các công nghệ dự báo khí tượng thủy văn dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là trong dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, rét đậm, rét hại, lũ lụt và nắng nóng. Hệ thống báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã bắt đầu hình thành. Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, đến cuối năm 2020, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn có trên 1.600 trạm/điểm đo, trong đó có 202 trạm khí tượng, 14 trạm đo bức xạ tự động, 29 trạm khí tượng nông nghiệp, 1 trạm giám sát khí hậu toàn cầu tại Pha Đin, 782 điểm đo mưa tự động độc lập, 404 trạm thủy văn, 27 trạm hải văn, 179 trạm/điểm quan trắc môi trường không khí và nước, 27 trạm khí tượng trên cao và ra đa thời tiết cùng với 18 trạm định vị sét.

Kịch bản biến đổi khí hậu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ cập nhật vào năm 2012, 2016 và 2020 làm cơ sở để đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác phòng, chống thiên tai tiếp tục được đẩy mạnh; số người chết và mất tích bình quân năm trong 10 năm gần đây là 317 người/năm, giảm 38% so với bình quân 10 năm trước (509 người); thiệt hại vật chất giai đoạn 2008 - 2017 (688 triệu USD/năm) giảm 29% so với giai đoạn 1998 - 2007 (967 triệu USD/năm).

Về đầu tư hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu

Quy hoạch các khu dân cư ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ thống cụm tuyến dân cư vượt lũ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được thực hiện. Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng đã đạt được nhiều kết quả, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có hơn 70.000 hộ/85.900 hộ (trong đó hơn 60% hộ sinh sống ở vùng có nguy cơ về thiên tai) được bố trí dân cư ổn định.

Đã đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng các công trình thủy lợi. Triển khai nhiều dự án chống ngập do triều cường, xâm nhập mặn ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư nâng cấp, củng cố và tu bổ khoảng 1.320 km đê, trong đó 70 km đê biển và 620 km đê sông; xây dựng 243 công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 651,848 km. Các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được đầu tư xây dựng với công suất cảng cá tăng thêm khoảng 620 lượt tàu/ngày; công suất neo đậu tránh trú tăng thêm khoảng 3.700 tàu.

Về công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, cả nước hiện có khoảng 7.160 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trong đó có khoảng 6.660 hồ chứa và khoảng 500 hồ chứa thủy điện với trên 2.300 hồ chứa có dung tích từ 0,2 triệu m³ trở lên.

Về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành đã xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về biến đổi khí hậu như: Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015; Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai... Các bộ, ngành và địa phương cũng triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được ứng dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, y tế, xây dựng, dân sinh, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường... Một số giống cây trồng, vật nuôi và các quy trình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, các giải pháp, mô hình tích hợp thích ứng được chuyển giao, áp dụng tại nhiều địa phương, có khả năng nhân rộng trong thời gian tới.

Về hợp tác quốc tế và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế

Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên đối với UNFCCC, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris; đóng vai trò ngày càng tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đã đệ trình lên Ban thư ký của UNFCCC: Thông báo quốc gia 3; Báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần (BUR) gồm 3 báo cáo (BUR1 năm 2014, BUR2 năm 2017 và BUR3 năm 2020); Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC, năm 2015) và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC, năm 2020). Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam đã huy động được nguồn lực đáng kể cho thích ứng với biến đổi khí hậu, điển hình là Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã huy động được khoảng 1,5 tỷ USD.

Tại Hội nghị COP26 tổ chức tháng 11/2021 tại Vương quốc Anh, Việt Nam đã tham gia Sáng kiến về Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu. Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Việc tham gia các sáng kiến và tuyên bố này thể hiện quyết tâm và lộ trình rõ ràng của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Nhiều Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu cũng đã được ký giữa các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, cơ quan trực thuộc các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và các cơ quan cùng cấp của các quốc gia trên thế giới. Một số thành phố của Việt Nam tham gia mạng lưới các thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới. Một số tổ chức phi chính phủ đã tham gia các mạng lưới liên quan đến khí hậu của toàn cầu, khu vực.

Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức có liên quan

Trong những năm qua, nhận thức về biến đổi khí hậu của các cấp, các ngành và Nhân dân đã được nâng lên một bước. Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cần phải được đặt vào vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch (Điều 93).

Nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức đã được áp dụng với phương thức truyền tải và cách thức thể hiện sinh động, phù hợp. Các bộ, ngành và địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để tăng thời lượng, nội dung truyền thông về biến đổi khí hậu, triển khai sản xuất các phóng sự, phim tài liệu về biến đổi khí hậu phát trên các kênh sóng và các báo, đài ở Trung ương và địa phương. Nội dung về biến đổi khí hậu đã được lồng ghép, tích hợp vào các môn học trong chương trình giáo dục, đào tạo chính quy bậc đại học và sau đại học. Một số cơ sở đào tạo đã thực hiện đào tạo sau đại học chuyên ngành về biến đổi khí hậu.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức có liên quan khác đã được đẩy mạnh triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2016, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2017 - 2020 giữa hai cơ quan, trong đó ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng của chương trình. Các nội dung về biến đổi khí hậu được lồng ghép, thực hiện cùng với việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong các chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm của hệ thống Mặt trận các cấp. Từ hoạt động phối hợp đã phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, đã giúp ngành tài nguyên và môi trường kịp thời nắm bắt được phản hồi của xã hội về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để có hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn đời sống xã hội. Việc thực hiện chương trình phối hợp đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống Mặt trận và chính quyền các cấp cũng như trong Nhân dân.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách. Nghiên cứu xây dựng Luật Biến đổi khí hậu. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với các mục tiêu Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; xây dựng và ban hành các chính sách thương mại và thúc đẩy phát triển bền vững.

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành trong thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện các quy định quản lý hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; thiết lập, vận hành hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia, cấp ngành và cấp tỉnh đối với các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro khí hậu. Tích hợp nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các thành phố.

Hai là, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch… đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng biến đổi khí hậu của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Ba là, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng. Đa dạng hóa phương thức thông tin, nâng cao chất lượng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông quốc gia, tổ chức các lớp tập huấn cho chính quyền các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Tuyên truyền, nhân rộng các hoạt động, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Bổ sung, nâng cao, cập nhật kiến thức về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giáo dục phổ thông.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng và triển khai chương trình tập huấn, bồi dưỡng về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; chương trình giáo dục và đào tạo tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu ở các cấp học.

Phát triển đội ngũ chuyên gia chất lượng cao về thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp với lộ trình, quy định trong nước và các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên.

Năm là, phát triển khoa học và công nghệ. Tăng cường nghiên cứu khoa học, tiếp thu, ứng dụng, phát triển công nghệ trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong xây dựng và triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện Việt Nam trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo nhu cầu của ngành, lĩnh vực và địa phương. Ưu tiên nghiên cứu và triển khai thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đồng lợi ích với giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế - xã hội.

Sáu là, huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng quy trình phân bổ ngân sách nhà nước và lập kế hoạch đầu tư công, kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước bảo đảm phân bổ và sử dụng hiệu quả để thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu có đồng lợi ích với phát triển kinh tế - xã hội và giảm phát thải khí nhà kính.

Nghiên cứu đề xuất hình thành Quỹ thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảy là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy hoạt động ngoại giao khí hậu, tích cực và chủ động tham gia các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cơ chế tài chính khí hậu. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại song phương và đa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi.

Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tham gia tích cực, đóng góp thực chất, chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến mới tại các cơ chế khu vực và quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tham gia quá trình khởi xướng, thúc đẩy các cơ chế hợp tác mới. Đàm phán xây dựng các quan hệ đối tác, cơ chế hợp tác để thu hút nguồn lực, hỗ trợ quốc tế cho việc Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chú thích:

1. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

2. Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào 7 lĩnh vực: Quản lý nhà nước và nguồn lực; Nông nghiệp; Phòng chống thiên tai; Môi trường và đa dạng sinh học; Tài nguyên nước; Cơ sở hạ tầng; Các lĩnh vực khác (sức khoẻ cộng đồng, lao động - xã hội, văn hoá - thể thao - du lịch).

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020). Báo cáo kỹ thuật đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (cập nhật năm 2020).

3.  Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022). Báo cáo kỹ thuật phục vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018). Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Kịch bản biến đổi khí hậu.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021). Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược về phòng chống thiên tai.

7. IMHEN và UNDP (2015). Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu.

8. IPCC (2021). Climate Change 2021: The Physical Science Basis. Contribution of Working Group I to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change. Cambridge University Press.

9. IPCC (2022). Climate Change 2022: Impacts, Adaptation, and Vulnerability. Contribution of Working Group II to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change. Cambridge University Press.

Nguyễn Tuấn Quang

TS, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều