Gian lận trong bầu cử: Cần xử lý nghiêm và có cơ chế giám sát chặt chẽ

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao khi trên phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về một cán bộ xã ở tỉnh Thái Bình có hành động gian lận trong công tác bầu cử.

Nhiều đảng viên và cử tri bức xúc cho rằng, bên cạnh hình thức kỷ luật về mặt Đảng, cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc, điều tra làm rõ động cơ gian dối đồng thời cần xây dựng một quy trình chặt chẽ để các vụ việc tương tự không thể tái diễn. 

Xử lý nghiêm đảng viên gian dối

Có thể nói, Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện có ý nghĩa trọng đại của đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Một trong những nội dung quan trọng trong Đại hội Đảng bộ các cấp là bầu ra cấp ủy để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Đảng theo quy định của Điều lệ; là cơ sở quyết định việc phân công cán bộ của Đảng nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng trong hệ thống chính trị.

Vì thế, bầu cử trong Đảng là công tác vô cùng hệ trọng, một mặt đảm bảo cho mọi đảng viên thực hiện được quyền bầu cử dân chủ theo quy định của Điều lệ Đảng, mặt khác đảm bảo sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy và quan trọng là qua đây để lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào cấp ủy một cách nghiêm túc và chính xác theo đúng nguyên tắc dân chủ tập trung, thể hiện Đảng là một tổ chức cách mạng chặt chẽ, kỷ cương, đoàn kết và thống nhất cao.

Để đảng viên thực hiện tốt quyền bầu cử của mình thông qua lá phiếu, cùng với trách nhiệm cao nhất của từng đảng viên, đòi hỏi tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng phải lựa chọn được những người xứng đáng khi đề cử, ứng cử, biểu quyết danh sách bầu cử khóa mới.

Tuy nhiên, vừa qua, cán bộ, đảng viên cả nước bất ngờ khi biết thông tin, một đảng viên với tư cách là Trưởng ban kiểm phiếu Đại hội đã đánh tráo các lá phiếu bầu của các đại biểu.

Cụ thể, ngày 13/5/2020, Đảng bộ xã An Bình, huyện Kiến Xương (Thái Bình) tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau khi các đại biểu thực hiện xong phần bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, với vai trò là Trưởng ban kiểm phiếu, ông Nguyễn Xuân Hoài (sinh năm 1962, là văn thư, thủ quỹ tại xã này) đã bê hòm phiếu từ tầng 2 xuống tầng 1 hội trường UBND xã để kiểm phiếu.

Lợi dụng sự lơ là của các thành viên Tổ kiểm phiếu, ông Hoài đã lấy hàng chục phiếu bầu cất giấu vào ngăn kéo tại phòng và định đánh tráo bằng các phiếu bầu chuẩn bị sẵn. Hành vi này bị một số đại biểu dự Đại hội phát hiện và báo cáo Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng thời yêu cầu dừng Đại hội để xác minh, xử lý. Ngày 14/5, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Xương đã cử Đoàn công tác xuống làm việc, chỉ đạo địa phương tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt, tổ chức Hội nghị gồm những đảng viên là đại biểu dự Đại hội Đảng bộ xã để xin ý kiến, thống nhất biện pháp xử lý.

Ngày 19/5, Chi bộ thôn Bình Trật Bắc, Đảng bộ xã An Bình (Kiến Xương) đã quyết định khai trừ Đảng và UBND xã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Hoài. Sáng 20/5, Đại hội Đảng bộ xã An Bình tiếp tục được tổ chức các phần còn lại của Đại hội. Tại Đại hội, Ban thẩm tra tư cách đại biểu đã miễn nhiệm tư cách dự Đại hội đại biểu Đảng bộ xã đối với ông Nguyễn Xuân Hoài.

Việc xử lý đảng viên vi phạm quy định đã được thực hiện theo đúng Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương "Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm". Cụ thể, khoản 3, Điều 9, Quy định số 102-QĐ/TW nêu rõ: Tổ chức thực hiện việc giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc làm sai lệch kết quả bầu cử sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.

Rõ ràng, nhiệm vụ của Ban Kiểm phiếu trong quá trình bầu cử của tổ chức Đảng là rất quan trọng, được quy định rõ tại Điều 7, Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/ 2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, nhưng cán bộ trên vẫn cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Đánh giá về sự việc trên, ông Nguyễn Kim Bảng, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Xuân Lộc 1, Phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, một đảng viên mà hành động như trên là không thể chấp nhận được. Theo ông Bảng, Đại hội cơ sở có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu bầu cử, thể hiện quyền lợi của các đại biểu trong việc lựa chọn ra những nhân sự xứng đáng tham gia cấp ủy. Việc đánh tráo lá phiếu rõ ràng là muốn thay đổi toàn bộ kết quả bầu cử, dẫn đến sai lệch trong công tác nhân sự cần phải xử lý nghiêm khắc.

"Tôi đã có 32 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng và đây là trường hợp gian lận kết quả bầu cử đầu tiên tôi được biết. Cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc điều tra, làm sáng tỏ động cơ, mục đích của hành động trên, lấy lại uy tín của Đảng", ông Nguyễn Kim Bảng nhấn mạnh.  

Phải có cơ chế giám sát bộ phận kiểm phiếu

Bí thư  Đảng ủy phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Xuân Long cho rằng, việc làm trên của ông Nguyễn Xuân Hoài là vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử trong Đảng. Việc khai trừ ra khỏi Đảng đối với bất kỳ trường hợp nào vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử trong Đảng là cần thiết.

Ông Nguyễn Xuân Long nhấn mạnh, Đảng ta đang chỉ đạo rất quyết liệt thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng".

Trong điều 7 của Quy chế bầu cử trong Đảng quy định những nhiệm vụ của Ban Kiểm phiếu là: Hướng dẫn cách thức bỏ phiếu, kiểm tra, niêm phong thùng phiếu, phát phiếu trực tiếp cho đại biểu (hoặc theo đoàn đại biểu), kiểm số phiếu phát ra và phiếu thu về báo cáo đại hội, kiểm phiếu bầu; lập biên bản kiểm phiếu báo cáo với đoàn chủ tịch và công bố kết quả bầu cử; ký vào biên bản bầu cử, niêm phong phiếu bầu và chuyển cho đoàn chủ tịch đại hội để bàn giao cho cấp uỷ khoá mới lưu trữ theo quy định...

Ban kiểm phiếu là cơ quan giúp việc bầu cử của đại hội do Đoàn Chủ tịch giới thiệu, đại hội biểu quyết thông qua. Như vậy, Ban Kiểm phiếu là một bộ phận rất quan trọng, gồm những cá nhân được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ và tin tưởng về đạo đức cũng như uy tín. Trong nhiều năm qua, các thành viên khi được bầu vào Ban Kiểm phiếu ở mọi nơi luôn vinh dự và phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ, bảo vệ cho uy tín của Đảng. Sự việc xảy ra ở xã An Bình, huyện Kiến Xương (Thái Bình) là trường hợp hy hữu, không ai nghĩ rằng, Trưởng Ban Kiểm phiếu lại có thể thực hiện hành vi gian dối đáng xấu hổ như vậy! 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đến gần, để bảo vệ uy tín của Đảng cũng như củng cố lòng tin của cử tri cả nước, Bí thư  Đảng ủy phường Xuân Tảo Nguyễn Xuân Long cho rằng, những tổ chức cơ sở Đảng chuẩn bị tổ chức Đại hội cần quán triệt sâu sắc Quy chế bầu cử trong Đảng, Tổ công tác Đại hội phải thật sự sát sao trong chỉ đạo, đặc biệt là phải có hình thức giám sát trong công tác bầu cử cũng như hoạt động kiểm phiếu, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc như trên.

Đồng tình với ý kiến trên, đảng viên Nguyễn Văn Duy (75 tuổi, ở phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội) kiến nghị Đoàn Chủ tịch Đại hội cần chọn ra một bộ phận giám sát, và nêu rõ quy định việc di chuyển hòm phiếu như nào để đảm bảo an toàn chứ không thể để thành viên Ban Kiểm phiếu muốn mang đi đâu cũng được.

Nhiều đảng viên, cán bộ lão thành cho rằng, việc đảm bảo chất lượng bầu cử trong Đại hội Đảng các cấp là rất quan trọng để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Việc khai trừ khỏi Đảng với những cá nhân vi phạm là rất đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh đó  nhiều ý kiến cũng đề nghị, tổ chức Đảng cấp trên cần điều tra, làm rõ nguyên nhân vì sao Trưởng ban kiểm phiếu lại có hành động muốn đánh tráo phiếu bầu. Trong tương lai, việc tổ chức Đại hội cần xây dựng quy trình, cơ chế giám sát hoạt động kiểm phiếu, phổ biến rộng rãi các quy định này để nhân dân, đảng viên cùng giám sát, đảm bảo kết quả bỏ phiếu khách quan, trung thực, giữ gìn uy tín của tổ chức Đảng.

Theo Đỗ Bình (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều