Góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - Công tác Bảo vệ môi trường được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm. Việt Nam đã có Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; có chính sách, pháp luật về môi trường ngày càng hoàn thiện; có phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vì môi trường sống xanh, sạch, phát triển bền vững. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời kỳ mới.
Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời kỳ mới. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức một số cuộc hội thảo, thực hiện tổng kết, đánh giá một số tác động. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã chú trọng kế thừa và khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, phạm vi bao quát nhiều nội dung về bảo vệ môi trường trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những vấn đề môi trường bức xúc hiện nay; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lần này còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Xin góp ý một số vấn đề sau:

Một là, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung toàn diện hơn để hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật đã đưa ra 13 nhóm chính sách, 18 vấn đề lớn cần phải sửa đổi, bổ sung, nhưng qua nghiên cứu Dự thảo thấy rằng, để khắc phục được những vấn đề bức xúc về môi trường cần phải đánh giá rõ hơn những hạn chế, bất cập hiện nay về môi trường, những hạn chế nào do thể chế, chính sách, quy định của pháp luật, những hạn chế nào do nguyên nhân từ tổ chức thực hiện. Dự thảo phải được tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân.

 Đề nghị trong quy trình xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, cần quy định rõ sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp chịu tác động để đảm bảo khách quan, khoa học, hài hòa lợi ích của các chủ thể; ngăn chặn lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hai là, làm rõ hơn một số thuật ngữ, mục tiêu, nguyên tắc, phạm vi điều chỉnh và ứng dụng công nghệ. Khoản 2a, Điều 14: Cần nêu rõ khái niệm diện tích mặt đất lớn, mặt nước lớn là bao nhiêu? Sau đoạn "cảnh quan thiên nhiên quan trọng” nên viết rõ thêm, nêu tại khoản 1, Điều 27. Khoản 2c, Điều 14: Dự án có phát sinh chất thải là dự án gì? Khí thải có coi là là chất thải không? Tiếng ồn không thấy được đề cập trong dự thảo. Khoản 4c, Điều 16: Theo quy định này thì thường chỉ tập trung vào các ban, ngành của thôn, bản mà ít có người dân vì số lượng người tham gia bị hạn chế. Vì thế, nên quy định cụ thể tỷ lệ ít nhất 10% các hộ bị ảnh hưởng nặng và 30% các hộ bị ảnh hưởng nhẹ tham gia trong quá trình tham vấn để đảm bảo người dân bị ảnh hưởng bởi dự án được nêu tiếng nói của mình. Đề nghị làm rõ nội hàm khái niệm “Tài nguyên chất thải”; không nên tách riêng chất thải rắn sinh hoạt. Về các hành vi bị cấm, cần bổ sung các hành vi “đánh bắt, săn bắn động vật, chặt hạ, đốt phá rừng... Cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là quy hoạch phát triển nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.

 Nghiên cứu bổ sung thêm 3 điểm trong mục tiêu dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) như sau: (1) Đảm bảo tính phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả trong bảo vệ môi trường; (2) Đảm bảo sự minh bạch, công khai và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện bảo vệ môi trường, xã hội hóa bảo vệ môi trường; (3) Tính khả thi và có chế tài phù hợp để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả bảo vệ môi trường.

Điều 4: Đề nghị bổ sung nguyên tắc “công khai, minh bạch trong thực thi chính sách, pháp luật và hoạt động bảo vệ môi trường”. Khoản 1b, Điều 13: Phần giám sát môi trường nên nêu rõ định kỳ 6 tháng/1 lần. Điều 37: Phải minh bạch việc định giá carbon và thị trường tín chỉ carbon. Điều này rất quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, làm giảm phát thải CO2 vì sẽ có bán lượng tín chỉ carbon, phát triển công nghệ vật liệu mới tiết kiệm năng lượng.

Tại khoản 8, Điều 44: Việc quy định không đầu tư dự án quy mô nhỏ là không phù hợp, vì trên thế giới hiện nay đã áp dụng các phương pháp xử lý phân tán, thậm chí ở hộ gia đình. Còn không áp dụng công nghệ lạc hậu thì thế nào là lạc hậu? Nên có định nghĩa rõ ràng để khi triển khai không bị vướng. Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị cũng khuyến khích sản xuất và tiêu thụ điện tại chỗ.

 Khoản 8, Điều 44: Thế nào là công nghệ thích hợp? Cần nêu cụ thể, thí dụ Biogas hay nung - đốt rác thành điện… Trong dự thảo Luật chưa đưa các tiêu chí công nghệ cần thiết để thu hút công nghệ tốt xử lý chất thải rắn và chưa khuyến khích toàn dân tham gia xử lý rác thải. Nên phân biệt xử lý rác thải tập trung (đô thị) và rác thải phân tán (nông thôn, miền núi). Hiện tượng xử lý rác bằng công nghệ đốt nhưng lại xả khí thải có chứa chất độc hại ra môi trường chưa được đề cập. Ô nhiễm không khí do chất thải cũng vậy, đặc biệt là ô nhiễm tro bay của các nhà máy nhiệt điện đốt than, xi măng, công nghiệp.

 Khoản 2, Điều 53: Phần này hầu như tập trung vào hộ gia đình đô thị, mà chưa đề cấp đến hộ gia đình ở miền núi và nông thôn, vì ở đấy còn chất thải là phân gia súc, các loại rác thải hữu cơ khác như: thức ăn thừa của gia súc, chất thải sinh hoạt không qua bể tự hoại, cây trồng, rơm rạ, gạch ngói…

 Khoản 1, Điều 54: Hiện đã có công nghệ có thể xử lý được rác hỗn hợp thì có cần phải phân loại rác tại nguồn không? Vì việc phân rác tại nguồn cần có thời gian để truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và gây phát sinh chi phí trong quản lý, đặc biệt là ở nông thôn và miền núi, nên cần cân nhắc kỹ khi đưa ra chủ trương này sau khi tham khảo các công nghệ mới nhất.

Điều 131: Đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi đối tượng và phạm vi điều chỉnh về bệnh viện và các cơ sở y tế có giường bệnh (số giường bệnh là bao nhiêu). Điều 140: Cần bổ sung trách nhiệm và yêu cầu bảo vệ môi trường trong xuất khẩu.

Đề nghị nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, nhất là chất dẻo tự phân hủy thay thế chất dẻo không phân hủy để bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, phát triển vào sản xuất lớn thuốc trừ sâu vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm) để bảo vệ môi trường một cách an toàn.

Ba là, về thu thuế, phí và xử lý sự cố môi trường. Khoản 3a, Điều 54: Tỷ lệ thu phí trong dự thảo (từ 10% đến 50%) có thấp không so với mặt bằng các nước Đông Nam Á? Điều 61: Cần viết cụ thể hơn “Trong khu dân cư tiếng ồn vượt quá quy định là bao nhiêu? Khoản 1, Điều 63: Cần nêu rõ tiêu chuẩn xả thải vào môi trường nước. Bổ sung tiêu chuẩn về xả thải khi công nhận tiêu chí đô thị; Kinh doanh nước sạch cho dân cư phải là ngành nghề có điều kiện. Bổ sung cụ thể, rõ hơn nguyên tắc: người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm phải bồi thường.

 Điều 83: Nghiên cứu bổ sung phạm vi, tính chất, ảnh hưởng, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra; cần quy định rõ quy trình ứng phó sự cố môi trường. Bổ sung nội dung về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ứng phó với sự cố môi trường.

 Khoản 3a, Điều 111: Nên quy định rõ thuê tư vấn độc lập để lập báo cáo giám sát thực hiện bảo vệ môi trường. Khoản 3c, Điều 111: Nên quy định báo cáo định kỳ 6 tháng/lần như đã nêu ở khoản 1b, Điều 13. Khoản 1, Điều 113: Luật phải quy định đánh thuế môi trường vào các nguồn gây ô nhiễm. Ví dụ: đánh thuế môi trường vào đốt than phải cao hơn đánh thuế môi trường vào xăng dầu. Ngành điện hiện nay đang đốt hàng chục triệu tấn than, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng không bị đánh thuế môi trường làm cho giá thành rẻ hơn năng lượng tái tạo, nhưng như thế không chính xác vì tính chưa đúng. Nếu đánh thuế môi trường vào việc đốt than thì Nhà nước sẽ có nguồn ngân sách lớn.

Bốn là, quản lý chất thải rắn, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Về quy định về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực về bảo vệ môi trường cần đơn giản, cụ thể. Cần có những quy định, tiêu chuẩn quy chuẩn rõ ràng cụ thể; trong đó có những tiêu chuẩn về vệ sinh y tế, sinh học, bệnh học... Về quản lý và xử lý chất thải: Cần xác định rõ các loại chất thải, trong đó có các loại chất thải là sản phẩm của công nghệ mới, công nghệ 4.0. Ví dụ: Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại, chất thải y tế, chất thải lỏng, chất thải khí, chất thải bức xạ, chất thải tiếng ồn, chất thải phóng xạ, chất thải không gian vũ trụ, chất thải phòng thí nghiệm, kể cả phòng thí nghiệm sinh học (có cả vi sinh học, y học, chất thải nano).

Quan điểm chung là coi chất thải (nói chung) là một nguồn tài nguyên tái tạo, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt và chất thải trong quá trình sản xuất công - nông nghiệp, có như vậy mới có khái niệm kinh tế tuần hoàn, sản xuất tuần hoàn. Tự nhiên là chu trình tuần hoàn, tuy nhiên với sản xuất và đời sống cần xác định rõ lĩnh vực và ngành nghề cụ thể để áp dụng khái niệm kinh tế tuần hoàn, sản xuất tuần hoàn, phân loại và đề ra tiêu chí cụ thể (có ngành sản xuất tuần hoàn trực tiếp, toàn bộ, có lĩnh vực ngành nghề chỉ “tuần hoàn một phần”, gián tiếp, tuần hoàn thứ cấp. Việc xử lý chất thải trên nguyên tắc “tái chế là chính”, ví dụ chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tái chế trên 80 %, giảm thiểu chôn lấp đến 0%, giảm thiểu đốt rác, thậm chí cấm đốt rác.

Hiện chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề đặc biệt gây bức xúc trong cả nước. Còn quá nhiều nơi, nhất là nông thôn, nhiều thành phố lớn, có hiện tượng đổ đống chồng chất nhiều tháng năm ở ngoài trời. Nhiều bãi chôn lấp trong nội đô ở nhiều thành phố cần giải phóng triệt để vì môi trường sống, vì khí hậu trong lành (chính là vì môi trường sống, làm việc, vui chơi giải trí, hội họp, bệnh viện, vùng cách ly…). Đồng thời, trong xây dựng Luật cần tháo gỡ các vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Ví dụ hiện nay có công nghệ xử lý rác thân thiện với môi trường, có nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư, nhưng tại sao vẫn không đầu tư và vận hành được?

Năm là, về tuyên truyền, giáo dục, thanh tra, xử lý vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của từng người dân, tổ chức. Điều 123: Cần làm rõ hơn, cụ thể hơn về giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng về bảo vệ môi trường. Điều 124: Đề nghị tách nội dung “thi đua khen thưởng” tại khoản 2, Điều 124 và Điều 162 “Xử lý vi phạm” thành điều riêng với nội dung: “Khen thưởng và xử lý vi phạm”.

Điều 161: Quy định rõ nội hàm “kiểm tra” trong dự thảo luật; bởi dự thảo Luật chỉ quy định về thanh tra. Điều 162: Cần quy định rõ thẩm quyền các cơ quan có trách nhiệm trong xử lý vi phạm về môi trường. Mục 7, Phụ lục I: Cần nêu rõ Quy hoạch được điều chỉnh là Quy hoạch gì? Chỉ nên lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Quy hoạch điều chỉnh mà Quy hoạch gốc trước đó cũng được yêu cầu phải lập đánh giá tác động môi trường.

Bổ sung nội dung: “Xử phạt truyền thông sai sự thật, xuyên tạc về môi trường”. Quy định về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ môi trường phải phù hợp với các bậc học. Quy định cụ thể quyền của nhân dân trong việc tham gia, giám sát, kiểm soát về môi trường. Nghiên cứu, xem xét, quan tâm vấn đề sóng điện từ trong bảo vệ môi trường.

Có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, thành phố lớn, nhất là bụi mịn PM2.5. Khắc phục ô nhiễm các dòng sông và xử lý các nguồn nước thải khu công nghiệp; tăng cường bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong phát triển các khu di tích lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Cần ghi rõ nội dung chất thải là nguồn tài nguyên để khai thác, tái chế, sử dụng hợp lý, có hiệu quả. Cần phân loại mức độ, tính chất nguy hại của chất thải đối với môi trường, không chỉ về diện tích lớn mà cả diện tích nhỏ nhưng nguy hiểm (chất thải phóng xạ).

Cần quan tâm đến xử lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường làng nghề. Trong dự thảo Luật, việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên hiện còn mang tính thụ động đối với phát triển kinh tế - xã hội, Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung quan điểm bảo vệ môi trường chủ động để thể chế trong hệ thống pháp luật Việt Nam.  

Sáu là, cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Thực tế trách nhiệm quản lý về môi trường còn rất chồng chéo, tương tự như các luật khác như vệ sinh an toàn thực phẩm: Bộ chuyên ngành chịu trách nhiệm chuyên môn nhưng chính quyền các cấp mới là nơi thực thi trách nhiệm giám sát, xử lý. Vì vậy, cần làm rõ khi có sự cố môi trường, vi phạm bảo vệ môi trường xảy ra thì cơ quan, cấp nào, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Nếu không làm rõ quyền hạn, trách nhiệm, việc vi phạm môi trường khó có thể kiểm soát hiệu quả.

Đề nghị cần tập trung đặc biệt vào các chính sách quản lý cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Đây là vấn đề rất cần gìn giữ và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cần bổ sung nội dung “Thực hiện công khai, minh bạch đánh giá tác động môi trường, báo cáo kết quả bảo vệ môi trường và kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường để nhân dân biết và giám sát thực hiện”. Đề nghị thống nhất bảo vệ môi trường quy về một đầu mối duy nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường; các tỉnh, thành phố có Sở Tài nguyên và Môi trường; Các bộ, ngành đều có bộ phận chuyên trách bảo vệ môi trường (Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải,…) chịu sự chỉ đạo chuyên môn (ngành dọc) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường được áp dụng từ năm 2014, đến nay mới được hơn 5 năm, nhưng bối cảnh kinh tế - xã hội, hiện trạng môi trường của đất nước và xu thế môi trường thế giới đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường cần tiếp tục được tổ chức lắng nghe ý kiến của cộng đồng, xem xét từng điều, tránh được những hạn chế trước đây. Sau khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thực thi, thông qua các chính sách về kinh tế - môi trường sẽ khuyến khích thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tự nguyện tham gia trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm đối với tài nguyên thiên nhiên.

Thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe, tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các Hội đồng tư vấn, các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để góp ý, tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), góp phần nâng cao tính khả thi của Luật, bảo vệ môi trường, cảnh quan đất nước ta ngày càng trong lành, xanh, sạch, đẹp.

Ngô Sách Thực

Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều