Hậu Giang đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng ta về công tác dân vận, nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang luôn chú trọng đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, xem đây là một nhân tố cực kỳ quan trọng, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tặng quà người có công tại thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), ngày 1-2-2020_Ảnh: TTXVN

Đa dạng hóa mô hình “Dân vận khéo”

Sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ (2004), tỉnh Hậu Giang được tái lập và là một trong những tỉnh nghèo nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định mục tiêu cao nhất là phải không ngừng chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, phấn đấu vươn lên thành tỉnh khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những nhân tố hàng đầu có tính quyết định để đạt mục tiêu đó là không ngừng đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.

Nhiều năm qua, cùng với việc tổ chức học tập, tiếp thu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Trung ương về công tác dân vận, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, như: Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 10-12-2015, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, về việc nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tác phong, xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả, công khai, dân chủ; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 21-7-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về “Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”; Kế hoạch số 34/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về thực hiện “Năm Dân vận chính quyền”; Công văn số 2138/UBND-TH của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang “Về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh”;... Nhờ đó đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc cải thiện đời sống người dân, nâng cao hiệu quả công tác dân vận.

Điểm nổi bật trong công tác dân vận của tỉnh Hậu Giang thời gian qua là chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”. Chỉ tính trong giai đoạn 2009 - 2019, toàn tỉnh đã xây dựng mới, duy trì, phát huy hiệu quả 12.351 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Cụ thể như mô hình “Tổ tự quản môi trường chợ” được triển khai ở chợ Búng Tàu, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp đã giúp tiểu thương và người dân ở khu chợ này nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến nay, các hộ gia đình sinh sống, buôn bán trong chợ đã quen với việc thu gom rác cho vào bọc để đúng vị trí, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh có mô hình Câu lạc bộ “Vì cuộc sống cộng đồng”. Thành viên câu lạc bộ là những người có tấm lòng thiện nguyện thường xuyên liên hệ và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, hiện vật để nâng cấp, sửa chữa đường giao thông; chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, góp phần giúp xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình khác ở nhiều địa phương trong tỉnh như: “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo” do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động để quyên góp thực hiện công tác an sinh xã hội; “Nuôi heo đất gây quỹ hỗ trợ thiên tai”; Câu lạc bộ “Thứ bảy chung tay vì cộng đồng”; “Tổ vận động giải phóng mặt bằng công trình giao thông nông thôn”; “Vượt nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer”; “Tổ đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa cùng nhau phát triển kinh tế gia đình”; “Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng”; “Phòng ngừa trẻ em làm trái pháp luật trong học đường”; “Tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer”; “Xây dựng hàng rào an ninh trong lòng nhân dân”;... Tuy khác nhau về hình thức, nội dung hoạt động nhưng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đều có điểm chung là hướng tới cải thiện đời sống người dân; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các phong trào, nhiệm vụ chính trị ở địa phương; không để xảy ra các “điểm nóng” về khiếu kiện, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chuyển biến mạnh mẽ trong “Dân vận chính quyền”

Một nét nổi bật khác trong công tác dân vận ở tỉnh Hậu Giang những năm gần đây là những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác “Dân vận chính quyền”. Chuyển biến này được thể hiện qua việc cơ quan nhà nước các cấp tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quy chế Dân chủ ở cơ sở; đổi mới trong công tác tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất và thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.

Trong “Năm dân vận chính quyền” 2019, huyện Châu Thành A đã nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện” trên toàn huyện. Mô hình này tập trung thay đổi cung cách ứng xử, thái độ phục vụ người dân của cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp theo phương châm “4 xin” (xin chào, xin hỏi, xin lỗi, xin cảm ơn) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn sẵn lòng giúp đỡ người dân, doanh nghiệp). Với mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A đề ra 3 tiêu chí mà tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan của xã đều phải tuân thủ. Đó là: “3 biết” (biết nghe dân nói, nói dân hiểu; biết làm dân tin; biết xin lỗi, cảm ơn), “3 quyết tâm” (quyết tâm phát huy dân chủ; quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, nói đi đôi với làm; quyết tâm xây dựng xã Tân Phú Thạnh giàu đẹp, văn minh) và “3 thể hiện” (tôn trọng, văn minh, gần gũi khi giao tiếp với nhân dân). Ngoài ra, chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh xây dựng và thực hiện tốt nhiều mô hình như: “Chính quyền thân thiện”, “Vì nhân dân phục vụ”, “Tổ tiếp nhận phản hồi, kiến nghị của Nhân dân”, “Ngày thứ sáu nghe dân nói”, “Tổ viết hộ giúp dân”...

Đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang tiếp xúc, đối thoại với nhân dân_Ảnh: TTXVN 

Với tinh thần “Trọng dân, gần dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết”, Tỉnh ủy Hậu Giang xác định việc trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công dân theo phương châm “Nghe dân nói, nói với dân và cùng nhân dân thực hiện” là một nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong những năm gần đây. Đặc biệt, việc tổ chức đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể với người dân trên địa bàn được Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với mục đích chính là trực tiếp nghe dân nói, nghe dân trình bày tâm tư, nguyện vọng; nghe dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tỉnh ủy xác định đây là một hành động cụ thể của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua công tác tiếp công dân trực tiếp lắng nghe, đối thoại với nhân dân, người đứng đầu các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã ghi nhận hàng ngàn lượt ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, chính quyền các cấp đã kịp thời ban hành, chỉnh sửa nhiều chủ trương, chính sách hợp với lòng dân, giảm đáng kể tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài.

Việc chú trọng và tăng cường công tác dân vận chính quyền đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm của mình đối với công tác dân vận. Trước đây, nhiều cán bộ, đảng viên có quan niệm, công tác dân vận thuộc trách nhiệm của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Nhưng hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã thật sự quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu chính đáng của người dân để phục vụ; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền có thái độ phục vụ người dân tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong thực thi công vụ.

Đưa công tác dân vận đi vào chiều sâu và hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận ở tỉnh Hậu Giang thời gian qua cũng còn một số hạn chế:

Công tác dân vận trong cơ quan nhà nước các cấp từng lúc, từng nơi chưa được quan tâm đúng mức; ở một số nơi, việc triển khai thực hiện công tác dân vận chưa sâu, vẫn còn mang tính hình thức. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác dân vận; việc đề ra nhiệm vụ công tác dân vận chưa gắn kết với việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong quan hệ với người dân, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nặng về mệnh lệnh hành chính, có trường hợp còn mất dân chủ, gây phiền hà cho dân. Vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên chưa nhạy bén, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của người dân; chưa chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình để tham mưu với cấp ủy nhằm có biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời trước những tình huống phát sinh có tính phức tạp.

Đoàn công tác Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang khảo sát các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả_Ảnh: TTXVN

Từ những thành công và những hạn chế trong lãnh đạo công tác dân vận thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, phải luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, trọng dân, tin dân và biết cách khơi gợi, phát huy sức mạnh của nhân dân thông qua việc thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, sự đoàn kết, tin tưởng, đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện của người dân là điều kiện tiên quyết đem lại sự thành công.

Thứ hai, thường xuyên quan tâm chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân để qua đó củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền. Có như vậy thì mới có thể động viên, phát huy được các nguồn lực to lớn trong nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Thứ ba, phải thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền. Từng cơ quan, đơn vị trong bộ máy chính quyền các cấp chú trọng xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm. Làm tốt công tác dân vận chính quyền sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức có ý thức, trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn

Thứ tư, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu, phải thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để kịp thời đề ra giải pháp giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân. Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền định hướng đúng cho người dân trong nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận và nâng cao hiệu quả công tác này, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về công tác dân vận, làm cho toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh nắm vững các quan điểm, mục tiêu, thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến để nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực, đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu cao trách nhiệm trong công tác vận động nhân dân, đặc biệt là những ngành, những đơn vị có mối quan hệ thường xuyên, trực tiếp với người dân. Các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, phải có thiện chí lắng nghe, đối thoại, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để qua đó có giải pháp giải quyết thấu đáo, kịp thời, thấu tình đạt lý.

Ba là, thực hiện các chế độ, chính sách, các thủ tục hành chính với tinh thần nghiêm túc, công khai, minh bạch, thuận tiện; cán bộ, công chức, viên chức luôn lắng nghe, tôn trọng người dân trong quá trình thực thi công vụ. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình trong thực hiện thủ tục hành chính theo hướng ngày càng đơn giản, gọn nhẹ, đem lại nhiều lợi ích cho người dân; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy ước, nội quy, quy chế,... cho phù hợp với đặc thù từng địa phương, đơn vị.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể các cấp, trọng tâm là việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU. Chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Năm là, chăm lo xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là ở cơ sở; đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Các cán bộ, đảng viên phải thường xuyên bám sát cơ sở, nắm được dư luận xã hội, những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân; nâng cao khả năng nhận định, dự báo tình hình. Qua đó, kịp thời kiến nghị, tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền giải pháp để giải quyết, kiên quyết không để xảy ra những “điểm nóng” xuất phát từ nguyên nhân do cán bộ, đảng viên quan liêu, xa dân, không nắm được dư luận xã hội và lòng dân.

Sáu là, tăng cường các hoạt động tiếp xúc, đối thoại thường xuyên, đột xuất ở các cấp, nhất là các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức với nhân dân nhằm tăng cường mối quan hệ, gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; tạo mọi điều kiện để người dân dễ dàng, thuận tiện, công khai, dân chủ góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát việc giải quyết các vấn đề mà người dân nêu lên qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bảy là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là công khai, minh bạch và đơn giản hóa những quy định về các thủ tục hành chính, để tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết công việc, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần xây dựng văn hóa, con người Hậu Giang “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra: “Phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo NGUYỄN THANH SƠN/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều