Hiệu quả trong phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân

(Mặt trận) - Phối hợp tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thông qua công tác này, Mặt trận vừa thực hiện trách nhiệm, vai trò là tập hợp ý kiến, phản ánh của Nhân dân, đại diện cho Nhân dân kiến nghị với cấp ủy, chính quyền tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng thực hiện chức năng giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức đối thoại theo quy định, giám sát đối với giải quyết, trả lời kiến nghị của Nhân dân sau đối thoại.

Phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cấp ủy, chính quyền các cấp

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Đây cũng là trách nhiệm đồng thời cũng là thể hiện đúng vai trò đại diện các tầng lớp nhân dân thực hiện giám sát, theo dõi việc thực hiện các quy định của pháp luật cấp ủy, chính quyền đối với công tác tổ chức đối thoại.

Căn cứ vào kế hoạch đối thoại của cấp ủy, các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai nhiệm vụ được phân công để chuẩn bị tổ chức hội nghị đối thoại. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với chính quyền, cấp ủy chuẩn bị dự kiến thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung hội nghị đối thoại đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, cơ sở. Thành phần của hội nghị đối thoại gồm cán bộ chủ chốt các cấp, cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân, cơ quan tư pháp, các ban xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có nhu cầu đối thoại trên địa bàn.

Căn cứ vào tổng hợp kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và báo cáo của các cơ quan chức năng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo văn phòng: Phân loại từng nội dung theo mức độ cấp thiết của vấn đề kiến nghị, phản ánh; giao cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc chuẩn bị nội dung đối thoại; Xây dựng kế hoạch đối thoại, trong đó xác định nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia cuộc đối thoại; thông báo, mời đối tượng tham dự đối thoại.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các nội dung, cơ sở vật chất tổ chức Hội nghị đối thoại, Mặt trận đã chủ động, tích cực phối hợp việc thông báo Hội nghị đối thoại được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau như: Thông báo bằng văn bản, qua hệ thống truyền thanh, trang thông tin điện tử; sinh hoạt chi bộ, đoàn thể; niêm yết thông báo tại nhà văn hóa khu dân cư để người dân biết, theo dõi, tham gia.

Với sự phối hợp tích cực của Mặt trận, các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền diễn ra đúng trình tự, nghiêm túc, dân chủ. Việc quán triệt mục đích, yêu cầu, nội quy hội nghị đối thoại được thực hiện ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu.

Trong buổi đối thoại, người chủ trì trình bày báo cáo đánh giá khái quát những vấn đề bức xúc nổi lên mà Nhân dân quan tâm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của địa phương, cơ sở hoặc những dự án đang được đầu tư trên địa bàn. Các ý kiến của Nhân dân cơ bản tập trung vào các chủ đề mà người chủ trì đã nêu ra; phản ánh, kiến nghị, góp ý với thái độ tích cực, tinh thần thẳng thắn, chân thành, có trách nhiệm.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe những đóng góp, ý kiến, giải pháp, đề xuất của người dân với thái độ nghiêm túc, cầu thị. Căn cứ vào sự điều hành của người chủ trì, tại nhiều hội nghị, người chủ trì trả lời trực tiếp, giải quyết từng ý kiến hoặc tổng hợp, trả lời các ý kiến theo từng lĩnh vực. Những nội dung thuộc trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân nào thì các cơ quan, tổ chức cá nhân đó có trách nhiệm báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để có phản hồi, trả lời hoặc có thể giải quyết ngay tại hội nghị đối thoại.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp phản ánh, kiến nghị của Nhân dân phản ánh tại hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm tiếp thu, giải trình các kiến nghị của các đại biểu và chỉ đạo tại hội nghị.   Ảnh minh họa - Nguồn TTXVN

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, tập hợp, tổng hợp thông tin dư luận xã hội từ nhiều kênh thông tin, nhiều nguồn khác nhau; thực hiện thu thập, tập hợp, phân loại các ý kiến, đề nghị của Nhân dân để tổng hợp và chuẩn bị các ý kiến phản ánh với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tại các hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Đây chính là thế mạnh của Mặt trận, bởi hệ thống Mặt trận thông qua Ban Công tác Mặt trận được nối dài đến tận khu dân cư, gần dân nhất, sát dân nhất và ngày càng được Nhân dân tin cậy.

Thực hiện nhiệm vụ này, Mặt trận các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình ở cơ sở, kịp thời tập hợp và phản ánh đến cấp ủy, chính quyền các cấp để xử lý nhanh và tránh phát sinh “điểm nóng” ở địa phương. Tại các cuộc hội nghị đối thoại, đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc báo cáo những vấn đề bức xúc, nổi cộm thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương mà Nhân dân kiến nghị chưa được giải quyết.

Cùng với phản ánh, đóng góp, đề xuất, kiến nghị Nhân dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có thể trả lời, giải quyết ngay lập tức (nếu có căn cứ) hoặc chỉ đạo cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan xem xét, giải quyết các kiến nghị. Hầu hết các ý kiến góp ý của Nhân dân đều được cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan ghi nhận, đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo để xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc mà Nhân dân phản ánh. Qua đó, tạo lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đặc biệt là phát huy được vai trò của Nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Việc Mặt trận thực hiện tập hợp ý kiến, kiến nghị phản ánh của Nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền cũng là thực hiện nhiệm vụ Mặt trận tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân theo quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về tổ chức đối thoại theo quy định, việc giải quyết, trả lời các phản ánh, kiến nghị của Nhân dân

Sau cuộc đối thoại người chủ trì tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm nội bộ về kết quả đối thoại và phân công các cơ quan chức năng thực hiện các công việc: Thông báo các nội dung kiến nghị đã được giải quyết đến người nêu kiến nghị; Giao việc giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đồng thời thông báo đến người nêu kiến nghị và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để giám sát thực hiện; báo cáo cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền; đề xuất kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách cho phù hợp thực tiễn. Trên cơ sở các ý kiến được tập hợp được gửi tới người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sớm có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị báo cáo, giải trình tại hội nghị đối thoại với Nhân dân.

Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: nắm chắc tình hình Nhân dân, những vấn đề bức xúc, phức tạp, nổi cộm để báo cáo với cấp ủy, trao đổi với chính quyền trước khi tổ chức đối thoại; phối hợp việc tổ chức cuộc đối thoại và giám sát thực hiện kết luận sau đối thoại; tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng.

Công tác giám sát của Mặt trận các cấp đối với việc trả lời, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đã phản ánh tại cuộc đối thoại đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, đề cao tinh thần nêu gương của người đứng đầu, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền liên quan, khẳng định vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước.

Một số địa phương đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức thành viên và đặc biệt là phát huy được vai trò của Nhân dân, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Thành phố Hà Nội1, Thành phố Hồ Chí Minh2, Hòa Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Ngãi...

Qua khảo sát, thống kê số liệu của 25 tỉnh, thành phố, trong 3 năm (2019 - 2021), tổng số cuộc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với Nhân dân là 55.293 cuộc, trong đó người đứng đầu cấp ủy đã tổ chức 9.648 cuộc, người đứng đầu chính quyền thực hiện tổ chức 45.645 cuộc; với tổng số 651.513 người dân tham dự, với 58.619 ý kiến phát biểu tại hội nghị, đã có 43.039 ý kiến phản ánh được tiếp thu, giải quyết (đạt tỷ lệ 73%).

Một số giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc tham gia phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt về thực Quy định số 11 về “Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân", gắn với quán triệt Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền về công tác đối thoại trực tiếp với Nhân dân; đưa nội dung đối thoại vào chương trình công tác hằng năm, coi việc tổ chức đối thoại là nhiệm vụ quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở.

Hai là, thực hiện nghiêm quy định về đối thoại định kỳ, tăng cường công tác đối thoại đột xuất, đối thoại liên ngành khi phát sinh những vấn đề mới, phức tạp hoặc trong triển khai thực hiện các dự án, chương trình lớn có liên quan đến quyền, lợi ích của Nhân dân. Quan tâm chỉ đạo mở rộng thành phần tham gia hội nghị đối thoại, coi trọng xin ý kiến Nhân dân tham gia hiến kế, bàn bạc các giải pháp giúp cấp uỷ, chính quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lãnh đạo, chỉ đạo. Thực hiện thông báo đầy đủ kết luận đối thoại, phân công giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo dõi, giám sát theo quy định.

Ba là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục quan tâm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra công tác phối hợp tổ chức đối thoại giữa ngưới đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, coi đây là một trong những phương thức cơ bản của Mặt trận góp phần tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần đề cao trách nhiệm, vai trò của mình trong tham gia phối hợp tổ chức đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia đối thoại với tinh thần dân chủ, cởi mở; chủ động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nắm bắt tình hình Nhân dân, dư luận xã hội để tập hợp những vấn đề bức xúc, phức tạp, chủ động tham mưu, chủ động trong quá trình tổ chức hội nghị; đề xuất phương án, biện pháp giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, tăng cường giám sát công tác đối thoại và việc giải quyết, trả lời của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền liên quan.

Năm là, thực hiện tốt Quy chế đối thoại ở địa phương, cơ sở; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa chính quyền với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp đối thoại cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, công chức các cơ quan giúp việc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở; góp phần nâng cao chất lượng đối thoại.

---------------

Chú thích:

1.   Hà Nội: Theo số liệu thống kê trong 3 năm (2019-2021), tổng số cuộc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với Nhân dân là 6.613 cuộc, trong đó người đứng đầu cấp ủy đã tổ chức 2.519 cuộc, người đứng đầu chính quyền thực hiện tổ chức 4.094 cuộc. Tổng số người dân tham dự các cuộc đối thoại trực tiếp là 163.157 người; có 13.916 ý kiến phát biểu tại hội nghị; đã có 13.615 ý kiến được tiếp thu, giải trình, giải quyết (đạt tỷ lệ 97,8%); tổng số đơn được tiếp nhận, xử lý là 8.864, trong đó đã xử lý được 2.424 trường hợp liên quan đến tham nhũng, lãng phí.

2. Thành phố Hồ Chí Minh: Theo số liệu thống kê trong 3 năm (2019-2021), tổng số cuộc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với Nhân dân là 647 cuộc, trong đó người đứng đầu cấp ủy đã tổ chức 305 cuộc, người đứng đầu chính quyền thực hiện tổ chức 342 cuộc. Tổng số người dân tham dự các cuộc đối thoại trực tiếp là 51.436 người; có 2.394 ý kiến phát biểu tại hội nghị; đã có 2.394 ý kiến được tiếp thu, giải trình, giải quyết (đạt tỷ lệ 100%).

Quản Thị Thanh Hải - Thạc sĩ, Ban Dân chủ - Pháp luật,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều