Hiệu quả từ mô hình cộng đồng thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn

(Mặt trận) - Bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu là vấn đề lớn, cấp bách trong chiến lược phát triển quốc giaNhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo của UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng nhiều mô hình điểm về thu gom và xử lý rác thải tại nguồn. Nhiều cách làm hay, sáng tạo tại các địa bàn dân cư được nhân rộng, góp phần giải quyết những điểm nóng tồn tại lâu nay.
 Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài khảo sát mô hình tự quản về phân loại và xử lý rác thải tại các khu dân cư phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội chọn xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm để làm thí điểm. Đây là xã sản xuất nông nghiệp, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Vào những ngày mưa, hầu như các thôn đều bị ngập, có nơi lên đến 40 cm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, lượng rác thải của xã trung bình khoảng 5 tấn/ngày, rác hữu cơ chiếm 70 - 80%, và khoảng 70% số rác đó được Xí nghiệp Môi trường Đô thị Từ Liêm vận chuyển đến bãi chôn lấp, số còn lại trôi nổi khắp nơi. 

Giải quyết tình trạng này, xã dành 15% nguồn thu hàng năm để chi cho công tác môi trường. Đồng thời, vận động nhân dân trong xã thực hiện phân loại rác tại từng hộ gia đình tách riêng rác hữu cơ với các loại rác khác để tái sử dụng hoặc tái chế. Rác được thu gom theo từng tổ dân cư, mỗi tổ cử ra đại diện để tham gia thu phí và nộp cho Ban Môi trường xã hoặc đóng trực tiếp cho chủ thầu, đồng thời là người giám sát việc thu gom rác. Sau khi rác được thu gom, Ban Môi trường xã ký hợp đồng vận chuyển và xử lý rác với Xí nghiệp Môi trường Đô thị Từ Liêm. Về xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình: Cán bộ kỹ thuật phổ biến công nghệ cho từng hộ dân xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Mỗi hộ được trang bị một thùng để chứa các loại rác hữu cơ sau khi đã chọn để riêng. Rác hữu cơ được xử lý bằng chế phẩm vi sinh (EM), làm mất mùi hôi và tạo thành phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng phục vụ cho trồng trọt (nhất là cho rau sạch và trồng hoa, cây cảnh).

Việc phân loại và xử lý rác tại nguồn sẽ giảm được chu kỳ thu gom (7 - 10 ngày mới phải thu gom một lần), giảm chi phí và tăng hiệu quả của việc vận chuyển. Sau một thời gian, lượng rác phân hủy có thể khai thác mùn làm phân bón. Đối với rác vô cơ có thể tái sử dụng hoặc tái chế thành đồ dùng cho sản xuất đời sống.

Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động năm 2020 và được người dân đồng tình hưởng ứng. Mô hình tự quản về phân loại và xử lý rác thải tại nguồn ở phường An Tường hoạt động hiệu quả. Sau hai năm thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" hoạt động tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa trên địa bàn phường An Tường đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thiện các tiêu chí để phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Hiện nay trên địa bàn phường đã thành lập 19 mô hình tự quản về phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa, với 85 nhóm, 247 thành viên. Các thành viên trong tổ, nhóm tự quản tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở khu dân cư tham gia phân loại rác thải ngay tại gia đình, khuyến khích việc xây bể xử lý rác thải hữu cơ; cấp phát 1.364 xô đựng rác cho 682 hộ gia đình tại 6 tổ dân phố. Từ khi phát động đã có trên 30 hộ gia đình tại các tổ dân phố xây bể ủ rác hữu cơ tại vườn của hộ gia đình với kinh phí trên 2 triệu đồng/bể. 100% hộ gia đình ký cam kết hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường với nhiều việc làm thiết thực phù hợp.

Thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa, được Thủ tướng Chính phủ phát động, đoàn viên thanh niên TP Hải Phòng tình nguyện tham gia chống rác thải nhựa, với chủ đề “Thanh niên Hải Phòng sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng”. Trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2020, các cấp bộ Đoàn, Hội trên toàn thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường nói chung và phòng chống tác hại rác thải nhựa nói riêng, thực hiện được 2 mô hình cộng đồng “Khu dân cư giảm thiểu rác thải nhựa” và mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” tại xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên. Các mô hình tập trung vào việc tuyên truyền trực quan về tác hại cũng như các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong cộng đồng, thực hiện việc phân loại rác, thu gom rác thải nhựa để tái chế, vận động nhân dân sử dụng các sản phẩm thay thế cho đồ nhựa dùng một lần trong thói quen sinh hoạt hàng ngày, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và đoàn viên thanh niên.

Xử lý rác thải, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là những nội dung đặt ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để phong trào lan tỏa và có hiệu quả thiết thực, cần được thực hiện, phối hợp chặt chẽ cả từ phía người dân và những cơ chế chính sách hợp lý. Cần tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mọi người dân và toàn xã hội về bảo vệ môi trường và xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Phát huy hiệu quả hoạt động và nhân rộng các Tổ tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị, nhân lực tham gia công tác bảo vệ môi trường và “xử lý rác thải, chống rác thải nhựa”. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, những điển hình tiêu biểu trong phong trào tại cộng đồng dân cư, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần bảo vệ môi trường bền vững./.

Đỗ Thụy

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều