Kết hợp hài hòa giữa luật pháp và luật tục thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở

(Mặt trận) -Thực hiện đổi mới, cải cách tư pháp, kết hợp hài hòa giữa luật pháp với luật tục và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường vai trò tự quản của Nhân dân. Bài viết phân tích những chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước ban hành cũng như việc thể chế hóa các văn bản trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, từ đó đề xuất các giải pháp tiếp tục phát huy vai trò Tổ hòa giải ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản của Nhân dân.

Thực hiện đổi mới, cải cách tư pháp, kết hợp hài hòa giữa luật pháp với luật tục và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Phát huy vai trò nhân dân tham gia quản lý nhà nước, vừa nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện, vừa mở rộng và phát huy chế độ dân chủ trực tiếp, nhất là ở cơ sở. Củng cố và phát triển các tổ chức tự nguyện của nhân dân”; Ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế (trọng tài, hoà giải) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế”; Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài; toà án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở như: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định: "Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân". Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách pháp luật, tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải; Luật Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình có những quy định về việc Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải tại cơ sở đối với các tranh chấp dân sự, các vụ việc ly hôn. Luật Đất đai đã ban hành quy định về hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp đất đai ở cấp xã.

Từ năm 1998, nhận thức vai trò quan trọng của hoạt động hòa giải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ban hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Pháp lệnh gồm 5 chương, 19 điều. Đến năm 2013, sau khi tổng kết 15 năm thi hành, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải cơ sở ngày 20/6/2013, với 5 chương, 33 điều, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở trong thời kỳ đổi mới hội nhập khu vực và quốc tế. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Nghị quyết liên tịch đã quy định việc phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư tại Điều 9. Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở tại Điều 10. Đồng thời, Nghị quyết liên tịch đã quy định công tác rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải; kiện toàn tổ hòa giải tại Điều 11.

Thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở, hệ thống Mặt trận đã phối hợp với hệ thống chính quyền các cấp và các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân lựa chọn, giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn để bầu ra các Tổ hòa giải ở cơ sở. Thành phần Tổ hòa giải gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận (nhiều địa phương Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận), trưởng các đoàn thể, Trưởng các chi hội, người có uy tín tiêu biểu… Đội ngũ hòa giải viên đa phần là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở. Đối với những địa bàn có nhiều thành phần dân tộc sinh sống đều có hòa giải viên là người có uy tín dân tộc thiểu số, tỷ lệ nữ tham gia đảm bảo theo quy định.

Tính năm 2014 đến hết năm 2019, thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận đã phối hợp với chính quyền vận động Nhân dân ở các khu dân cư trên địa bàn cả nước thành lập được 96.896 Tổ hòa giải ở cơ sở, với tổng số hòa giải viên là 601.312 người (trong đó: Cán bộ Mặt trận tham gia hòa giải viên là: 128.091 người, Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia hòa giải viên là: 107.068 người. Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng là 366.153 người. Trong 6 năm triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên ở các khu dân cư trên cả nước đã phát hiện, tiếp nhận và tiến hành hòa giải 875.573 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích giữa các cá nhân với nhau; tranh chấp về quyền và lợi ích xuất phát từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật chưa đến mức xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc vi phạm hành chính… trong đó, hòa giải thành 707.945 vụ, đạt tỷ lệ 80,6%. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 120.000 vụ việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ việc. Tỷ lệ hòa giải thành tăng dần theo từng năm như sau: năm 2014, tỷ lệ hòa giải thành cả nước là 78,8%; năm 2019 tỷ lệ này là 82,9%, có một số tỉnh có tỷ lệ hòa giải thành cao trên 90% như các tỉnh: An Giang, Long An, Hà Nam, Khánh Hòa, Yên Bái, Hậu Giang. Đánh giá hiệu quả về mặt chi phí, nếu tính trung bình mức án phí người dân phải nộp là 300 nghìn/ một vụ khi kiện ra tòa thì một năm đã tiết kiệm được khoảng 50 tỷ; nếu tính kinh phí thụ lý vụ việc chi cho mở phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ mỗi năm, chưa kể giúp cho người dân giảm tiền chi phí đi lại khi phải đến tòa, việc hòa giải ở cơ sở còn giúp giảm gánh nặng công việc cho Tòa án hiện nay vốn đang quá tải1. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Thông qua vai trò của Mặt trận các cấp trong việc thành lập Tổ hòa giải ở khu dân cư, công tác hòa giải ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố... theo các vùng, miền khác nhau đã góp phần khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khi giải quyết tận “gốc” các mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở “không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều thắng” phù hợp với giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn luật pháp với luật tục, trong gia đình thì “đóng cửa bảo nhau”, ra ngoài đường thì “một điều nhịn chín điều lành”, giải quyết êm thấm các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ gia đình, dòng tộc, làng xóm, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm bớt các vụ việc phải xét xử tại Tòa án. Mặt trận Tổ quốc cấp xã đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo khu dân cư đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước đã tạo sự gắn kết tự nhiên giữa các gia đình cùng chung sống thành cộng đồng bền chặt ở cộng đồng dân cư trên cơ sở phát huy tinh thần tự quản vì những lợi ích thiết thực của cả cộng đồng. Sự tương đồng ở những khía cạnh nhất định về lối sống, quan điểm tiếp cận vấn đề của các thành viên trong Tổ hòa giải với các thành viên trong Tổ tự quản ở cộng đồng gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước đã góp phần không nhỏ trong quá trình hòa giải thành các mâu thuẫn phát sinh do hòa giải viên hiểu biết các giá trị luật tục, quy ước, hương ước trong cộng đồng nên phát hiện sớm và nắm bắt được nội dung mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh để hòa giải kịp thời.

Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, có những vụ việc nếu không được phát hiện sớm, hòa giải kịp thời, thì chỉ từ những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp hết sức nhỏ trở thành phức tạp “cái sảy nảy cái ung”, làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, gay gắt, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tính mạng của các bên, gây mất an ninh, trật tự công cộng, làm tổn hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí từ tranh chấp dân sự chuyển thành vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự. Đồng thời, thông qua hoạt động của các thành viên Tổ hòa giải đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc một cách trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Thí sinh tham gia Cuộc thi hòa giải viên giỏi cấp huyện. (Ảnh minh họa nguồn báo Hà Giang)

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải. Hoạt động của một số tổ hòa giải ở cơ sở chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức; trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm hòa giải của các hòa giải viên hạn chế, nhất là trong việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng mang tính chuyên đề về công tác hòa giải. Các vụ hòa giải không đầy đủ thành phần theo quy định, nhất là ở vùng dân tộc thiếu vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ… không tham gia hòa giải. Một bên mâu thuẫn, tranh chấp thường vắng mặt nhưng Tổ hòa giải không lập biên bản về sự vắng mặt của họ cũng như hồ sơ hòa giải không thể hiện được biên bản giao giấy mời cho chính đương sự vắng mặt. Một số nơi hoạt động hòa giải còn hành chính hóa làm mất đi ý nghĩa và bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận của hoạt động hòa giải; quá trình hoà giải chưa giải quyết triệt để dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài và phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng. Một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào công giáo, vùng dân tộc thiểu số việc vận động phụ nữ tham gia làm hòa giải viên gặp khó khăn, nhiều tổ hòa giải chưa đảm bảo cơ cấu hòa giải viên là nữ. Kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức nên đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác hòa giải. Nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, quy định mức chi thấp hơn văn bản hướng dẫn, việc thanh quyết toán còn gặp nhiều khó khăn.

Phát huy vai trò của Tổ hòa giải trong giải quyết các mâu thuẫn phát sinh tại cộng đồng

Một là, chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp tập trung củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Hướng dẫn các tổ hòa giải xây dựng quy chế hoạt động và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, xã hội, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho lực lượng hòa giải viên trên cơ sở tăng cường tổ chức tập huấn chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi.

Hai là, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; giáo dục tính tự nguyện lựa chọn hình thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng. Tiếp tục xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên, Nhân dân cùng tham gia nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Ba là, tăng cường công tác tự quản của Nhân dân ở khu dân cư thông qua hoạt động của Tổ tự quản và Tổ hòa giải gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước, phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu tham gia công tác hòa giải. Quá trình hòa giải, Tổ hòa giải phải hết sức mềm dẻo, giải quyết tranh chấp trên cơ sở quy định pháp luật nhưng cũng phải vận dụng các quy ước, hương ước, luật tục trên cơ sở vừa có tình, có lý gắn kết với tình nghĩa láng giềng, họ hàng, thân tộc… để “hạ nhiệt” các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ, công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật ở các khu dân cư. Hòa giải viên phải đi sâu, đi sát xuống từng hộ dân, lắng nghe Nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn để hòa giải thành công theo tinh thần hòa giải hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân.

Bốn là, hàng năm, tổ chức sơ kết đánh giá định kỳ, qua đó rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc, góp phần nâng cao vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đảm bảo hoạt động hòa giải các địa phương cần cân đối được ngân sách, quy định mức chi đúng theo văn bản hướng dẫn để chi trả chế độ thù lao cho hòa giải viên. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” được ban hành theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích:

1.  Báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện công tác hòa giải của Bộ Tư pháp năm 2019.

Nguyễn Ngọc An - Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều