Kết quả 10 năm thực hiện giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Lắk

(Mặt trận) - Giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc là một nhiệm vụ quan trọng, thể hiện vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Bài viết đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Trung ương vào thực tiễn địa phương

Đắk Lắk là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 13.125,37 km2, dân số hơn 1,9 triệu người, với 47 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện và 184 đơn vị hành chính cấp xã.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch phổ biến, quán triệt và thực hiện. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa Quyết định 218-QĐ/TW, ban hành Quyết định số 1343-QĐ/TU, ngày 31/10/2014 “Về trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp”.

Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quy định rõ nhiều vấn đề về nguyên tắc tiếp nhận, xử lý, tiếp thu ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc tiếp nhận, xử lý; quy trình xử lý, tiếp thu ý kiến đóng góp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phản hồi kết quả tiếp thu đóng góp.

Đây là văn bản quan trọng tạo cơ sở chính trị để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát, phản biện xã hội. Sau khi ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai thực hiện.

Song song với việc cụ thể hóa quy định, hướng dẫn, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực để thực hiện các quy định đã đề ra.

Kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Về công tác giám sát

Từ năm 2013 - 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã tổ chức được 31 cuộc giám sát độc lập, trong đó Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì thực hiện 13 cuộc, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì thực hiện 18 cuộc. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh còn phối hợp với Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện 60 cuộc giám sát2.

Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh còn phân công cán bộ, công chức tham gia phối hợp giám sát với các tổ chức chính trị - xã hội. Năm 2022, mặc dù tình hình dịch Covid -19 vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành kế hoạch đề ra, trong năm đã tổ chức được 9 cuộc giám sát. Năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tổ chức 8 cuộc giám sát trực tiếp.

Nội dung các cuộc giám sát rất đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực, bám sát với việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, chương trình của Nhà nước tại địa phương, những vấn đề Nhân dân quan tâm.

Các ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029 ra mắt nhận nhiệm vụ. (Ảnh minh họa -  Nguồn: Hoàng Gia) 

Về công tác phản biện xã hội

Từ năm 2013 - 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức được 7 hội nghị phản biện đối với các dự thảo quan trọng trên nhiều lĩnh vực của địa phương. Năm 2022, qua tổng kết công tác giám sát, phản biện xã hội giai đoạn 2013 - 2021, rút kinh nghiệm của những năm trước Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã có sự quan tâm hơn đối với công tác phản biện xã hội. Trong năm đã tổ chức được 5 cuộc phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản: Dự thảo Đề án phát triển bền vững ngành hàng cây ăn quả đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Dự thảo Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; Dự thảo Đề án phát triển cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk; Dự thảo Quyết định quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và "Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050".

Ở cấp huyện, từ 2013 - 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức được 42 hội nghị phản biện, trong đó có những hội nghị phản biện đối với dự thảo văn bản rất quan trọng của địa phương như: Hội nghị phản biện “Dự thảo Nghị quyết về xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”; hội nghị phản biện “Dự thảo Kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng thành phố Buôn Ma Thuột 5 năm giai đoạn 2016 - 2020”; hội nghị phản biện “Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ cùng cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025”.

Qua 10 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị cho thấy cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm triển khai thực hiện quy chế của Bộ Chính trị, các văn bản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương về công tác giám sát, phản biện xã hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra và đã kịp thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Hoạt động giám sát ngày càng đi vào lề lối và chuyên nghiệp hóa, các hình thức giám sát thực hiện đúng chức năng, lựa chọn các nội dung giám sát sát với đời sống kinh tế - xã hội và sự quan tâm, bức xúc của Nhân dân.

Thông qua giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực và đã có những kiến nghị với các cơ quan, đơn vị tiếp thu, điều chỉnh, khắc phục.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các văn bản có liên quan.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Ban Thường vụ cấp ủy tập trung lãnh đạo Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quán triệt các chủ trương, quy định của Trung ương, kịp thời cụ thể hóa các văn bản để triển khai thực hiện trong hệ thống Mặt trận, đoàn thể. Tiếp tục hoàn thiện các quy trình giám sát, phản biện xã hội; xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội và hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới quán triệt thực hiện.

Hằng năm, Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp cho ý kiến về chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai thực hiện.

Ban Thường vụ cấp ủy chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm trả lời, giải quyết kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội; chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Kiên quyết xử lý đối với tổ chức và cá nhân có trách nhiệm không tiếp thu, giải trình những ý kiến, kiến nghị xác đáng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội hiện nay. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần có cơ chế để sử dụng các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên tham gia công tác phản biện xã hội.

Đảm bảo các điều kiện, nguồn lực kinh phí, cung cấp đầy đủ, kịp thời các văn bản, báo cáo, quy hoạch, dự án, đề án, chương trình… có liên quan đến nội dung giám sát, phản biện xã hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện tối đa cho Nhân dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật để Nhân dân tham gia góp ý, giám sát.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.

Lựa chọn, bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận, đoàn thể phải là những người tâm huyết, nhiệt tình với công việc, có uy tín, có trình độ, năng lực, có bản lĩnh vững vàng, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân; không đưa cán bộ đã bị xử lý kỷ luật về cơ quan Mặt trận, đoàn thể. Quan tâm lựa chọn cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ, năng lực và uy tín làm cán bộ Mặt trận, đoàn thể.

Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần bám sát nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, ban, ngành, nắm bắt dư luận xã hội, phản ánh của cơ quan báo chí và những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm. Tăng cường phối hợp, hiệp thương thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch; chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Trong quá trình thực hiện phải bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những vấn đề mới phát sinh.

Thứ năm, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung cơ bản, thiết thực, sát với thực tế; có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị; những vấn đề liên quan đến sự trong sạch, vững mạnh của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền; những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Nâng cao chất lượng các ý kiến, kiến nghị, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để thuyết phục đối tượng được giám sát và các cơ quan, tổ chức có dự thảo phản biện cũng như cộng đồng xã hội.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tăng cường theo dõi, giám sát việc tiếp thu, giải trình và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót của các cơ quan, tổ chức đã được chỉ ra qua giám sát, phản biện xã hội; kịp thời báo cáo với cấp ủy, chính quyền để có sự chỉ đạo và phải kiên trì theo đuổi đến cùng việc giải quyết ý kiến, kiến nghị đã được nêu ra.

Chú thích:

1.  Từ năm 2013 - 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện đã tổ chức 170 Hội nghị cho 14.200 lượt cán bộ là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh để quán triệt, triển khai các Quyết định và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Kế hoạch của Tỉnh ủy.

2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, Kết quả thực hiện quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 2013 - 2021).

TRẦN VĂN PHƯƠNG - Tiến sĩ, Học viện Chính trị khu vực III

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều