Khen thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng theo pháp luật Việt Nam

(Mặt trận) - Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, tham nhũng. Để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo đối với người có hành vi tham nhũng. Một trong những điểm quan trọng khuyến khích cá nhân tố cáo hành vi tham nhũng là chế độ khen thưởng. Các quy định pháp luật Việt Nam về khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Bài viết phân tích về những bất cập trong các quy định pháp luật về khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật.
 Các cán bộ cấp cao bị khai trừ ra khỏi Đảng do mắc những sai phạm nghiêm trọng. Ảnh: congluan.vn

Khái quát về khen thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng

Tham nhũng là một vấn đề lịch sử, nó xuất hiện rất sớm từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Tham nhũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của từng quốc gia, xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 thì “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.

Về phương diện chính trị - pháp lý, tố cáo hành vi tham nhũng là một quyền hiến định của cá nhân. Việc cá nhân đứng lên cất cao tiếng nói vạch trần vi phạm pháp luật nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng được Nhà nước ủng hộ và bảo vệ1. Tố cáo hành vi tham nhũng phản ánh hoạt động tiêu cực, bất ổn của bộ máy nhà nước, cũng như vi phạm của cán bộ, công chức hay của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào là nguồn thông tin quan trọng được các cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Để khuyến khích cá nhân dũng cảm tố cáo tham nhũng, pháp luật cần xây dựng cơ chế khen thưởng người tố cáo. Theo đó, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Người có thành tích trong việc phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên hiện nay, cho dù luật vừa được ban hành, nhưng các quy định về khen thưởng người tố cáo được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Luật Tố cáo năm 2018 đang bộc lộ một số bất cập.

Bất cập trong các quy định pháp luật về khen thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng

Trước đây, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định về các hình thức khen thưởng bao gồm: Huân chương dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương và Giấy khen2. Theo đó, người tố cáo muốn nhận được Huân chương dũng cảm thì phải thỏa mãn tiêu chí “không sợ hy sinh về tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” hoặc “hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích, bị tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên”. Tương tự, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được tặng cho người tố cáo đủ điều kiện “đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61%”. Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương được tặng cho người tố cáo thỏa điều kiện “đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31%”. Giấy khen được tặng cho người tố cáo thỏa điều kiện “có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật được các cơ quan, đơn vị cấp cơ sở trở lên công nhận” hoặc “thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi đơn vị cấp cơ sở trở lên”3.

Như vậy, theo Nghị định số 76/2012/NĐ-CP thì hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm sẽ được sử dụng làm căn cứ để quyết định các hình thức khen thưởng là Huân chương dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hay Bằng khen của các Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương. Thế nhưng, trong cả Nghị định số 76/2012/NĐ-CP lại không có bất kỳ quy định nào nhằm đưa ra căn cứ xác định hậu quả gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Chính cách sử dụng tiêu chí “định tính” này làm cho việc quyết định các hình thức khen thưởng đối với người tố cáo hành vi trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Không chỉ như vậy, tiêu chí “định tính” lại tiếp tục hiện diện trong các quy định về hình thức khen thưởng. Như đã trình bày, người tố cáo muốn được nhận Giấy khen thì phải “có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm” hoặc “thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi đơn vị cấp cơ sở trở lên”. Vấn đề cần nói là tiêu chí “có thành tích xuất sắc” hay “thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng” hoàn toàn không mang tính định lượng cụ thể, rõ ràng.

Hiện nay, Luật Tố cáo năm 2018 đã có hiệu lực pháp luật và thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 để thay thế cho Nghị định số 76/2012/NĐ-CP. Như vậy, các tiêu chí định tính về khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng được quy định trong Nghị định số 76/2012/NĐ-CP đã không còn được duy trì. Thế nhưng, bất cập khác lại phát sinh là Nghị định số 31/2019/NĐ-CP hoàn toàn không đề cập đến vấn đề khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng. Đối chiếu với Luật Tố cáo năm 2018 thì luật này chỉ quy định ngắn gọn “Người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật” (Điều 62). “Theo quy định pháp luật” ở đây trước tiên và chủ yếu là Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013) và Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, bởi Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo cũng không điều chỉnh vấn đề khen thưởng người tố cáo.

Căn cứ vào Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013) thì cá nhân có thể được khen thưởng bằng các hình thức như Huân chương (Điều 33); Huy chương (Điều 52); Danh hiệu vinh dự Nhà nước (Điều 58); “Giải thưởng Hồ Chí Minh” hay “Giải thưởng Nhà nước” (Điều 66); Bằng khen (Điều 70); Giấy khen (Điều 74). Tuy nhiên, xét riêng đối với người tố cáo thì cá nhân này không thuộc đối tượng được xét tặng Huy chương; Danh hiệu vinh dự Nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh” hay “Giải thưởng Nhà nước”. 

Cần xem xét những tiêu chí để được nhận các hình thức khen thưởng Huân chương, Bằng khen, Giấy khen trong Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013) và Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trao giải A cho 4 tác giả, nhóm tác giả. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) 

Trước hết, theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013) thì Huân chương gồm các loại sau: “Huân chương Sao vàng”; “Huân chương Hồ Chí Minh”; “Huân chương Độc lập” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; “Huân chương Quân công” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; “Huân chương Lao động” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; “Huân chương Chiến công” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc”; “Huân chương Dũng cảm”; “Huân chương Hữu nghị”.

Trong các Huân chương kể trên thì “Huân chương Sao vàng” và “Huân chương Hồ Chí Minh” là hai loại huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam, chỉ dành tặng cho cá nhân có “công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc” hoặc có “công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc đối với đất nước ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác”4. Tố cáo cho dù đúng pháp luật cũng không được xác định là “công lao to lớn” nên không thể được nhận các loại Huân chương này. “Huân chương Quân công”, “Huân chương Chiến công” và “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” được tặng cho cá nhân thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. “Huân chương Hữu nghị” để tặng cho người nước ngoài. “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc” được tặng cho Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10 năm trở lên, hoặc có ít nhất 15 năm liên tục đảm nhiệm chức vụ cấp trưởng của các tổ chức thành viên trong hệ thống Mặt trận từ cấp tỉnh trở lên. Do đó, “Huân chương Quân công”, “Huân chương Chiến công”, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc”, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc”, “Huân chương Hữu nghị” không phải là loại huân chương có thể dành tặng cho người tố cáo.

Theo quy định “Huân chương Độc lập” hạng thấp nhất là hạng Ba được tặng cho cá nhân “có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể và lập được thành tích xuất sắc có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác”5. Người tố cáo hành vi tham nhũng không thể thỏa mãn điều kiện “có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể” nên sẽ không được tặng “Huân chương Độc lập” hạng Ba. Khi không được tặng “Huân chương Độc lập” hạng Ba thì người tố cáo hành vi tham nhũng không thể được tặng “Huân chương Độc lập” hạng Nhì hay hạng Nhất. Tương tự, “Huân chương Lao động” hạng Ba được tặng cho cá nhân đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục lập được thành tích xuất sắc. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là điều kiện tiên quyết để được xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nếu người tố cáo hành vi tham nhũng chưa được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” thì không thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Tuy nhiên, trong một vụ tố cáo, nếu đã nhận khen thưởng bằng hình thức Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì người tố cáo không đồng thời được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Từ phân tích trên, có thể thấy, người tố cáo không thể là chủ thể được được tặng khen thưởng với hầu hết hình thức trên. Vậy, người tố cáo có thể được tặng “Huân chương Dũng cảm” hay không?

Theo Điều 50 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013) thì “Huân chương Dũng cảm để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân”. Điều 32 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP giải thích rõ hơn “có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân là cứu người, cứu tài sản khi gặp hỏa hoạn, thiên tai, tai nạn, thảm họa; dũng cảm xung phong vào những nơi nguy hiểm do dịch bệnh gây ra nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân…”. Việc tố cáo hành vi trái pháp luật không phải là “cứu người, cứu tài sản khi gặp hỏa hoạn, thiên tai, tai nạn, thảm họa” cũng không phải là “dũng cảm xung phong vào những nơi nguy hiểm do dịch bệnh gây ra nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân”. Như vậy, người tố cáo cũng khó có thể được khen thưởng bằng hình thức “Huân chương Dũng cảm”. Thực tế đã chứng minh từ khi Nghị định số 91/2017/NĐ-CP có hiệu lực, đến nay chưa có cá nhân nào được tặng “Huân chương Dũng cảm” vì tố cáo hành vi tham nhũng.

Hai là, đối với bằng khen thì pháp luật hiện hành quy định hai loại là: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ6, Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương7. Theo đó, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được tặng cho cá nhân có một trong những tiêu chí sau: 1) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được bình xét trong phong trào thi đua; 2) Đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và 5 năm tiếp theo liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 3) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đoàn thể trung ương. Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương để tặng cho cá nhân có một trong những tiêu chí sau: 1) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua; 2) Lập được nhiều thành tích, có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đoàn thể trung ương.

Tiêu chí “được bình xét trong phong trào thi đua”8 và “đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và 5 năm tiếp theo liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tương đối dễ xác định thông qua các tiêu chí định lượng cụ thể. Tuy nhiên, người tố cáo không thể thỏa mãn những tiêu chí này. Trong khi đó, tiêu chí “lập được thành tích đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đoàn thể trung ương” hay “có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đoàn thể trung ương” rất khó xác định. Khi chưa đạt được Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương thì không thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, theo quy định pháp luật, Giấy khen để tặng cho cá nhân lập được thành tích thường xuyên hoặc đột xuất gồm các loại: a) Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; b) Giấy khen của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã; c) Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; d) Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; đ) Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Giấy khen được tặng khi cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau: 1) Có thành tích được bình xét trong phong trào thi đua; 2) Lập được thành tích đột xuất; 3) Hoàn thành tốt nhiệm vụ, nghĩa vụ công dân; có phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Như vậy, khả dĩ nhất là người tố cáo hành vi tham nhũng có thể được khen thưởng bằng hình thức Giấy khen bởi tiêu chí được nhận Giấy khen khá đơn giản.

Về nguyên tắc, khi tố cáo đúng về hành vi trái pháp luật, người tố cáo được khen về mặt tinh thần và được thưởng về mặt vật chất. Mức thưởng vật chất cũng nhận được sự quan tâm khá lớn của người tố cáo bởi lẽ như đã phân tích, người tố cáo phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cũng như phải đối mặt với sự nguy hiểm nên số tiền thưởng có thể được xem như là một sự khuyến khích để người tố cáo dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng.

Có thể thấy, khi Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực thì người tố cáo chỉ có thể nhận được Giấy khen, mà không thể nhận được Huân chương dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Khi nhận giấy khen người tố cáo chỉ được thưởng 0,3 lần mức lương cơ sở hoặc 0,15 lần mức lương cơ sở (đối với Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã). Căn cứ vào Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 thì từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/ tháng. Như vậy, người tố cáo chỉ có thể nhận được 447.000 đồng hoặc 223.500 đồng. Số tiền thưởng mà người tố cáo nhận được là quá ít so với những công sức cũng như những nguy hiểm mà họ phải đối mặt. Với mức khen thưởng vật chất thấp như hiện nay thì rất khó để khuyến khích người dân tích cực tham gia việc tố cáo hành vi tham nhũng.

Kiến nghị hoàn thiện

Pháp luật cần mở rộng phạm vi đối tượng được khen thưởng khi tố cáo hành vi tham nhũng

Tham nhũng là hành vi vi phạm có tính “ẩn” rất cao. Chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng lại là những người có chức vụ, quyền hạn nên việc che giấu thường rất tinh vi, khó phát hiện. Do đó, với những vi phạm khác thì việc tố cáo có thể sẽ đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều so với tố cáo hành vi tham nhũng. Chính vì vậy, pháp luật nên quy định theo hướng bất kỳ cá nhân nào tham gia tố cáo để giúp các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng cũng đều được khen thưởng.

Pháp luật cần quy định cụ thể về các hình thức khen thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng

Hiện nay, theo Luật Tố cáo năm 2018 thì người tố cáo chỉ có thể được nhận Giấy khen, bởi các danh hiệu Huân chương dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013) khó có thể áp dụng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, Giấy khen không có tác dụng khuyến khích cá nhân dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng ở mức độ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, pháp luật cần quy định cụ thể người tố cáo hành vi tham nhũng đúng có thể được tặng Huân chương dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, Giấy khen. Có như vậy, người tố cáo hành vi tham nhũng mới cảm thấy việc tố cáo của mình đã được nhà nước nhìn nhận và vinh danh xứng đáng.

Cần nâng mức thưởng về vật chất đối với những cá nhân được khen thưởng khi tố cáo hành vi tham nhũng

Chúng ta có thể tiếp thu kinh nghiệm trong pháp luật Hàn Quốc về mức thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng. Theo Luật Chống tham nhũng Hàn Quốc thì người tố cáo hành vi tham nhũng có thể nhận được từ 2% - 10% hoặc tối đa 200 triệu won (160.000 USD) các lợi ích thu được vào ngân khố quốc gia từ việc tố cáo9. Tăng mức tiền thưởng đối với người tố cáo hành vi tham nhũng đúng cũng là một giải pháp hữu hiệu góp phần đấu tranh, phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Chú thích:

1. Hồ Thị Thu An, “Xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 197, năm 2011.

2,3. Điều 20, 21 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo.

4,5,6,7. Điều 34, 35, 57, 71, 72 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013).

8. Theo Điều 10 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013) thì muốn được bình xét trong phong trào thi đua thì cá nhân phải đăng ký tham gia thi đua. Người tố cáo hành vi tham nhũng không bao giờ thực hiện việc đăng ký tham gia thi đua nên không thể thỏa mãn tiêu chí “được bình xét trong phong trào thi đua”.

9. Mai Văn Duẩn, “Kinh nghiệm về bảo vệ người tố cáo của Hàn Quốc”, Tạp chí Thanh tra số 10, năm 2015.

Cao Vũ Minh

TS, Đại học Luật TP.HCM

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều