Không chủ quan với dịch Covid-19

Ðó là thông điệp được gửi đi từ tâm dịch Covid-19 ở Ðà Nẵng. Kể từ ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện tại Ðà Nẵng ngày 25-7 vừa qua, đến nay dịch đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, chính quyền các cấp và ngành y tế đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, mọi nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa nếu vẫn còn có nơi, có người lơ là, mất cảnh giác trong phòng dịch.
 

Lực lượng y tế phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 với các công dân đi từ TP Ðà Nẵng về địa bàn. Ảnh: NGỌC CHÂU

Sau hơn ba tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng, những ngày qua, từ tâm dịch là Ðà Nẵng, dịch Covid-19 đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Các ca lây nhiễm mới liên tục được phát hiện, trong đó ngày cao điểm nhất có tới 79 ca mắc mới.

Trong tình hình hiện nay, khi chủng vi-rút SARS-CoV-2 mới xuất hiện ở nước ta vẫn hết sức khó lường và nguồn lây nhiễm chưa xác định được thì việc các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát, mỗi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch là yêu cầu tất yếu và cấp bách. Hiện nay, một số địa phương như: TP Ðà Nẵng, TP Hội An (Quảng Nam), Ðắk Lắk đã áp dụng trở lại chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 như từng được thực hiện trên cả nước vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng tư hoặc các hình thức giãn cách xã hội tương tự.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương đông dân nhất cả nước đã phát hiện một số ca nhiễm bệnh; có hàng chục nghìn người trở về từ Ðà Nẵng trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến nay số lượng người khai báo từ Ðà Nẵng và các khu vực có dịch trở về Hà Nội từ ngày 8-7 là hơn 88 nghìn trường hợp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, cả thành phố có hơn 43.800 trường hợp trở về từ Ðà Nẵng tính từ ngày 1-7 đã khai báo y tế. Thực tế, số lượng người đến Ðà Nẵng và trở về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể còn lớn hơn nhiều. Ðiều này cho thấy nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là chủng vi-rút gây lên đợt dịch Covid-19 lần này có tốc độ lây nhiễm rất nhanh; nhiều ca F2 bị lây nhiễm; lịch sử di chuyển của một số ca mắc bệnh vô cùng phức tạp... Thí dụ ở Ðà Nẵng, chỉ sau gần 10 ngày có dịch, số ca lây nhiễm đã gấp 15 đến 16 lần so với Hà Nội ở giai đoạn trước.

Tại Hà Nội những ngày qua, có hàng chục nghìn cá nhân theo diện gia đình, hội nhóm đi du lịch, công tác ở Ðà Nẵng trở về tự giác khai báo y tế và cách ly tại nhà. Chị Thu Hà, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cho biết, trở về từ Ðà Nẵng vào ngày 26-7, gia đình chị trở thành nơi cách ly tập trung của cả đoàn đi du lịch. Suốt những ngày qua, chị nghỉ làm vừa để tự cách ly với cộng đồng, vừa làm nội trợ, phục vụ cho gần 10 người. Dù có nhiều bất tiện, xáo trộn trong sinh hoạt thường ngày, công việc bị ngừng trệ, nhưng tất cả đều cùng đồng lòng tự cách ly.

Trong số hơn 88 nghìn người trở về từ Ðà Nẵng có khai báo y tế, đến nay, các cơ sở y tế tại Hà Nội đã xét nghiệm nhanh được gần 50 nghìn người. Hiện vẫn còn hàng chục nghìn người có yếu tố dịch tễ nhưng chưa được xét nghiệm trong khi bộ kít test nhanh đã gần hết. TP Hồ Chí Minh cũng xét nghiệm được hơn 30.580 người trong tổng số hơn 43.800 người trở về từ Ðà Nẵng. Ðáng lo ngại là, nhiều trường hợp sau khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 là âm tính đã tỏ ra chủ quan, lơ là, không tiếp tục cách ly tại nhà. Theo các chuyên gia y tế thì người đi từ vùng dịch về dù có kết quả xét nghiệm nhanh vi-rút là âm tính nhưng vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng, do vậy cần được tiếp tục theo dõi y tế, cách ly, thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế. Với mức độ lây lan dịch Covid-19 theo cấp số nhân, chỉ một người không nhận thức và thực hiện tốt việc cách ly mà nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cộng đồng.

Trong tình hình hiện nay, do không xác định được nguồn lây nhiễm, trong khi các ca bệnh mới phát hiện trong cộng đồng có lịch trình, hoạt động phức tạp, từng tiếp xúc với nhiều người trước khi được xác định dương tính, nhiều ca nhiễm không có triệu chứng bệnh, cho nên càng cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Những ngày qua, trên các con đường, tuyến phố, siêu thị, bến xe, công viên, nơi công cộng... ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, phần lớn người dân đã tự giác đeo khẩu trang. Tuy nhiên, còn tình trạng một số người trẻ chủ quan, lơ là trong phòng dịch cho bản thân và cộng đồng. Dịch bệnh có ngăn chặn được hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người. Việc một bộ phận người dân chủ quan, xem nhẹ việc cách ly xã hội hay phòng hộ cá nhân sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến lây nhiễm chéo trong cộng đồng, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

Theo THƯ MINH/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều