Kinh nghiệm của tổ chức tôn giáo trong ứng phó với biến đổi khí hậu

(Mặt trận) - Cùng với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, nhân loại đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu toàn cầu, biểu hiện rõ nhất ở sự nóng lên của trái đất, băng tan, nước biển dâng cao; dẫn tới các hiện tượng thời tiết bất thường như hạn hán, cháy rừng, bão lũ, giá rét kéo dài, mưa axít, động đất, sóng thần,…

Nguyên nhân chính là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Thảm họa về môi trường thiên nhiên sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi mà tham vọng của Chính phủ các nước trong cuộc chạy đua về tăng trưởng kinh tế chưa bao giờ có chiều hướng lắng xuống. Và giờ đây, con người lại đang phải gánh chịu những hệ lụy từ ngay chính những việc làm của mình.

 Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ và ứng phó biến đổi khí hậu, tháng 12/2015. Ảnh: Hoàng Long

Vấn nạn từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Những năm qua, hàng loạt các tác động cực đoan của khí hậu đã tạo nên những cơn bão lũ ở Nam Á, châu Phi và Mexico; nắng nóng khốc liệt, hạn hán, cháy rừng ở các nước Nam Âu; lũ lụt, nước biển dâng cao cùng băng giá khắc nghiệt tại Tây Âu; bão lốc lớn với cường độ mạnh, động đất, sóng thần tại Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ,... Tình trạng ấm lên của trái đất đã có sức tàn phá khủng khiếp đối với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến cho nhiều người tử vong và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Cùng với sự nóng lên của khí hậu và sự tan chảy của các lớp băng đã dẫn tới mực nước biển ngày một dâng cao khiến cho phần lớn các biển đảo sẽ hoàn toàn biến mất. Điều này đang đặt ra mối đe dọa lớn cho toàn nhân loại. Việt Nam cũng không phải là một quốc gia ngoại lệ. Thậm chí, chúng ta được đánh giá là một trong 5 nước (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và Nhật Bản) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao trong vòng vài chục năm trở lại đây.

Các báo cáo thống kê gần đây tại Việt Nam cho thấy, khí hậu ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu hơn. Hiện tượng El Nino và La Nina ảnh hưởng đến Việt Nam mạnh mẽ hơn trong vài thập kỷ gần đây, gây ra nhiều dị thường về thời tiết như nhiệt độ cực đại, nắng nóng và hạn hán gay gắt trên diện rộng, cháy rừng khi có El Nino; mưa lớn, lũ lụt và rét đậm rét hại kéo dài có tính kỷ lục khi có La Nina. Những trận thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Cùng với sự biến đổi bất thường của khí hậu, sự nóng lên của trái đất, mực nước biển cũng có chiều hướng ngày một dâng cao. Theo số liệu quan trắc tại các trạm hải văn dọc ven biển Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1993-2008, tốc độ dâng lên của mực nước biển trung bình ở Việt Nam là khoảng 3mm/năm, tương đương với tốc độ tăng trung bình trên thế giới. Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dự báo, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm khoảng 30C và mực nước biển dâng cao thêm 1m. Đến năm 2070, mực nước biển sẽ dâng cao từ 15 - 90cm.

Trong những năm tới, hạn hán, bão lũ có xu hướng mở rộng ở hầu hết các vùng ở nước ta. Nước biển dâng dẫn đến sự xâm thực của nước mặn vào nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm, nước sinh hoạt cũng như nước và đất sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số (17 triệu người) của nước ta. Trong đó, khu vực ven biển miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu và dâng cao của nước biển. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỷ USD. Dự báo đến năm 2050, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể có tới 1 triệu người phải di dời do những yếu tố lũ lụt và hạn hán lặp đi lặp lại nhiều lần.

Trước những con số dự báo đáng báo động, những thiệt hại khủng khiếp về tính mạng con người và tài sản quốc gia đặt ra từ vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong việc đề ra những chủ trương, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tham gia vào phòng tránh thiên tai, hạn chế gia tăng ô nhiễm, phát triển nền kinh tế xanh. Nhiều cá nhân, tổ chức đã vào cuộc, tích cực kêu gọi và hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường xanh, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, giảm khí thải nhà kính, ngăn chặn những việc làm gây ô nhiễm, tổn hại đến môi trường sinh thái.

Quan điểm và kinh nghiệm hoạt động của Phật giáo

Phật giáo là tổ chức tôn giáo có nhiều đóng góp cho vấn đề khủng hoảng môi sinh trên toàn cầu và khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng. Có thể dễ dàng nhận thấy, giáo lý Phật giáo (từ duyên khởi, duy thức, tam độc, nhân quả, bát chính đạo đến ngũ giới, thập thiện, tứ vô lượng,…) luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên; biết tôn trọng, trân quý thiên nhiên bởi con người và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, tác động tương hỗ nhau. thuyết Duyên khởi cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường.

Học thuyết Duy thức trong Phật giáo cũng chỉ ra rằng tâm thức của con người có mối quan hệ chặt chẽ với thế giới vật lý như sông ngòi, núi rừng và đất đai. Chính vì vậy, sự ô nhiễm và suy thoái của môi trường sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của mọi dạng sống trên trái đất và dẫn tới sự khổ đau của con người.

Giáo lý Phật giáo dạy con người phải biết sống theo Tứ vô lượng (từ, bi, hỷ, xả), phải biết giữ “ngũ giới” và biết làm “thập thiện”. Lối sống nhân văn, nhân đạo trong Phật giáo có ý nghĩa răn dạy con người phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên, không sát sinh muôn loài, biết tôn trọng sinh mệnh của vạn vật, từ những loài nhỏ nhất như cây cỏ, côn trùng nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh học.

Phật giáo chỉ ra con đường để con người giải thoát khỏi khổ đau là thực hành theo “Bát chính đạo”. Theo đó, để diệt trừ được vô minh thì con người cần phải tu tập theo Giới, Định và Tuệ. Con người cần có trí tuệ để khai mở tâm trí, để thấu hiểu bản chất của các sự vật, hiện tượng. Đó là sự hiểu biết toàn diện để con người vượt ra khỏi mê lầm, ích kỷ, danh lợi cá nhân. Thật vậy, nếu như con người biết nhìn nhận, hiểu biết đúng đắn về tự nhiên, về mối quan hệ ràng buộc giữa con người và tự nhiên thì đã không khiến cho tự nhiên bị tàn phá đến mức khó có thể phục hồi như hiện nay. Rõ ràng, chính lòng tham lam và sự ích kỷ đã khiến con người chạy theo danh lợi, khai thác cạn kiệt nguồn sống mà tự nhiên đã ban tặng cho con người.

Cuối cùng, lối sống “thiểu dục, tri túc” (ham muốn ít, hiểu thế nào là đủ) mà Phật giáo đề cao cũng có ý nghĩa răn dạy con người phải biết trân trọng những gì mình có, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, không ham hưởng thụ, tiêu dùng quá mức, tham gia bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, không được vì lòng tham mà làm tổn hại đến vạn vật và môi trường. Theo ý nghĩa này, nhà Phật quan niệm sống giản dị không có nghĩa là sống không có chất lượng. Chất lượng của đạo Phật là sự “an vui”, thay vì tham lam, “bận rộn”; là cố gắng bảo vệ muôn loài, thay vì thờ ơ giết hại sinh mạng và hủy diệt điều kiện sinh tồn của chúng sinh; là hợp tác vì lợi ích chung thay vì cạnh tranh giành giật cho quyền lợi riêng; là vượt qua chính mình để thể nhập cuộc sống thực tại, thay vì tách rời và đối nghịch lại thiên nhiên1. Quan niệm sống của nhà Phật rõ ràng đã giúp con người nhận thức sâu sắc và thấu đáo hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống. Một lối sống giản dị, tiết kiệm, giảm sức ép đối với môi trường sống, hài hòa giữa danh lợi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các loài động, thực vật sẽ góp phần làm giảm bớt ô nhiễm; tránh được tình trạng rừng bị tàn phá, tài nguyên bị suy kiệt, động vật bị săn bắn dẫn tới tuyệt chủng; nhờ đó tránh được sự “trả thù” của thiên nhiên, khí hậu đang đe dọa cuộc sống của chúng ta như bão lũ, hạn hán, sa mạc hóa, động đất, nước biển dâng,…

Quan điểm và kinh nghiệm hoạt động của Công giáo

Trong giáo lý của Công giáo, từ Cựu ước, Tân ước đến các thông điệp của Giáo hoàng và các văn kiện của Công đồng đều có những nội dung bàn luận xoay quanh vấn đề môi trường. Xuất phát từ nền tảng Kinh Thánh, Công giáo quan niệm, vũ trụ tự nhiên này do Thiên Chúa tạo dựng nên. Theo sách Sáng Thế mô tả, Thiên Chúa đã sáng tạo ra trái đất, mặt trời, cây cỏ, muông thú trong vòng năm ngày và đến ngày thứ sáu, Thiên Chúa quyết định tạo ra Adam và Eva để làm chủ thế giới bao la. Như vậy, ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền làm chủ thiên nhiên, vũ trụ nhưng con người cần có trách nhiệm giúp cho muôn loài sinh sôi, nảy nở và phát triển hài hòa. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của Công đồng Vatican II, số 34 ghi rằng: “Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục Trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công bằng; nhờ thi hành mệnh lệnh ấy, con người và toàn thể sự vật được liên kết với Đấng mà mọi người nhìn nhận là Chúa tể và Tạo hoá muôn loài”.

Tuy nhiên, con người đôi lúc đã lạm dụng quá mức trách nhiệm làm chủ thiên nhiên của mình, ích kỷ khai thác tài nguyên một cách tàn bạo cho mục đích cá nhân mà không nghĩ tới người khác và thế hệ mai sau. Không ai khác, chính con người đã phá vỡ mối liên kết giữa con người và vạn vật, gây sức ép nặng nề lên vũ trụ và môi trường. Thay vì hợp tác với Tạo hóa để giúp muôn loài sinh trưởng trong hài hòa và cân bằng sinh thái, con người đã tự cho mình quyền chế ngự Trái đất theo cách của riêng mình và đẩy Trái đất đến hiểm họa của sự diệt vong.

Giáo lý Công giáo dạy rằng, trời đất, vạn vật là một thể thống nhất và con người được giao trọng trách gìn giữ, phát triển nó theo sự bảo toàn hệ sinh thái thống nhất hài hòa, ích lợi cho mọi người chứ không phải tự ý cho mình quyền làm gì mình thích2. Con người cần cộng tác với Chúa để quản lý vũ trụ ngày một phát triển hơn. Như vậy, rõ ràng ở đây quan điểm bảo vệ môi trường của Công giáo đó là “Thiên Chúa sáng tạo ra vũ trụ, giao cho con người canh tác và có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát triển. Vũ trụ thụ tạo và con người là bình đẳng với nhau. Loài người có mối tương quan với Thiên Chúa, tương quan với nhau và tương quan với vũ trụ tự nhiên. Sống tốt ba mối tương quan này để bảo vệ sự sống”3. 

Không chỉ trong giáo lý, quan điểm và lời kêu gọi của các Đức Giáo hoàng - những vị chức sắc cấp cao của Giáo hội Công giáo những năm qua cũng cho thấy tinh thần bảo vệ môi trường trong Công giáo được đặc biệt coi trọng. Giáo hoàng Phaolô VI năm 1967, trong thông điệp “Bát Thập niên” đã sớm đề cập tới nguy cơ của vấn đề môi trường, rằng: “Đột nhiên con người hôm nay nhận thức rằng, do khai thác thiên nhiên một cách vô ý thức, mình bị đặt trước nguy cơ phá hủy thiên nhiên và trở thành nạn nhân của chính hành động phá hoại có tác động dội lại trên con người”4. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy kề vai sát cánh cùng nhau gánh vác trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên của cả thế giới.

Thông điệp của các Đức Giáo hoàng về vấn đề ứng xử của con người với môi trường đã được cụ thể hóa thành các Văn kiện của Giáo hội Công giáo, nhất là từ sau Công đồng Vatican II. Các Văn kiện nhấn mạnh, trong mỗi hành động, con người cần xem xét mối liên hệ của mình với môi trường tự nhiên theo như sự sắp đặt hệ thống của Thiên Chúa. Con người cần đặt lại mối quan hệ Con người - Thiên nhiên - Thiên Chúa để tìm ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Con người “không thể can thiệp vào lĩnh vực hệ thống sinh thái mà không chú ý đủ tới những hậu quả của sự can thiệp ấy nơi các lĩnh vực khác và tới hạnh phúc của các thế hệ tương lai”5. Hơn nữa, con người cần phải cộng tác với Thiên Chúa, cai quản thế giới thụ tạo như ý định ban đầu của Ngài mà không được tỏ ra khôn ngoan vượt trên Thiên Chúa, rốt cục sẽ bị thiên nhiên phản lại6.

Như vậy, nhìn chung, Công giáo quan niệm môi trường thiên nhiên là quà tặng của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại chứ không của riêng cá nhân nào. Con người phải biết quý trọng thiên nhiên, vun đắp cho thiên nhiên và môi trường ngày càng hoàn mỹ vì đó là hình ảnh của Thiên Chúa. Phá hủy thiên nhiên là đi ngược lại ý định của Thiên Chúa.

Tại Việt Nam, giáo lý Công giáo, thông điệp của Giáo hoàng cũng như quan điểm của Công đồng Vatican II về vấn đề môi trường đều được quán triệt sâu sắc trong các Đức Tổng Giám mục, linh mục, nữ tu để đẩy mạnh truyên truyền, nâng cao nhận thức cho tín đồ Công giáo và người dân trong toàn xã hội. Đức Hồng y Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn trong Lá thư Mục tử năm 2009 khẳng định, đời sống con người luôn gắn với thiên nhiên, đây là quà tặng của Đấng Tạo hóa cho tất cả mọi người, cho thế hệ hiện tại và cho cả thế hệ tương lai. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường thiên nhiên là sứ mệnh chung của mọi người trong cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay. Đức Hồng y kêu gọi: “Đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng”.

Ngoài tuyên truyền, Giáo hội Công giáo còn phát động thực hiện một số mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường thiết thực tại các giáo xứ, giáo họ như mô hình “giáo họ không rác” với thông điệp hạn chế thải rác để giảm thiểu ô nhiễm; mô hình “sống xanh, sống có trách nhiệm với môi trường” nhằm thay đổi hành vi mua sắm và thói quen tiêu dùng của người dân, từ chối sử dụng túi nilon, sử dụng túi thân thiện với môi trường, hướng tới “cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm vì một trái đất bền vững”, gìn giữ “ngôi nhà vũ trụ” mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Những mô hình này nếu được nhân rộng và thực hiện tốt trong cộng đồng Công giáo sẽ có tác dụng to lớn, góp phần vào việc cải thiện môi trường sống, giảm thiểu chất thải và hiệu ứng nhà kính vốn đang làm trái đất bị hâm nóng và tác động mạnh mẽ đến thiên nhiên, khí hậu.

Cuộc khủng hoảng môi trường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trong đó nổi cộm lên nhất là vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đang đe dọa sự sống của toàn nhân loại. Làm thế nào để ứng phó với tình trạng trên đang là vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm và tham gia đóng góp của mọi người dân, mọi tổ chức xã hội. Trong các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam, Phật giáo và Công giáo là hai tôn giáo có nhiều đóng góp tiêu biểu trên lĩnh vực này. Tuy khác nhau về giáo lý, về cách tu tập nhưng cả hai tôn giáo đều giáo dục chức sắc, tín đồ làm việc thiện, sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Những năm qua, với mức độ và kinh nghiệm hoạt động khác nhau, hai tổ chức tôn giáo đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tín đồ và mọi người dân, cùng với đó là việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để gìn giữ và cải thiện môi trường sống, giảm thiểu tối đa những sức ép lên môi trường tự nhiên. Với nhiều quan điểm tích cực trong giáo lý, kinh sách và những đóng góp cụ thể cho vấn đề môi trường, hai tổ chức tôn giáo đã phát huy tốt truyền thống sống “tốt đời, đẹp đạo”, chung tay góp sức thực hiện sứ mệnh chung của toàn thể dân tộc đó là bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vì mục tiêu phát triển bền vững.

---------------------------------------

1. Lê Văn Tâm, Đạo Phật với vấn đề phát triển lâu bền và bảo vệ môi trường, http://www.daitangkinhvietnam.org.

2. Trần Linh Chi, Nguyễn Song Tùng, Truyền thông môi trường trong tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, năm 2014.

3. Hoàng Tuấn, Người Công giáo với vấn đề bảo vệ môi trường, http://www.tgpsaigon.net.

4. Thiên Kim, Giáo hội và môi trường sinh thái, http://www.giaoducconggiao.net.

5. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, Nxb Tôn giáo, năm 2007.

6. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, Nxb Tôn giáo, năm 2007.

TS. Phạm Thanh Hằng

Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Như Hương - 12:44 07/01/2018

~~ Xin Chân Thành Cảm Ơn bài viết rất hay và hữu ích _()_

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều