Lào Cai: Đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV đã xác định việc tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động giai đoạn 2016 - 2020 là một trong những giải pháp căn cơ, có tính chiến lược nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động. 

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 mà nổi bật là việc sáng tạo của Lào Cai trong triển khai thí điểm mô hình tuyên vận ở cấp cơ sở được Trung ương Đảng đánh giá cao, Tỉnh ủy Lào Cai đánh giá công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động của Đảng bộ tỉnh vẫn tồn tại những hạn chế. Từ việc nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận khách quan những vấn đề còn đang đặt ra trong thực tiễn chỉ đạo, triển khai thực hiện cũng như dự báo tình hình, ngày 27/11/2015 Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành đề án về “Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020” (Đề án số 17). Đề án thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, xác định 5 nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp có tính chất bao trùm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Nội dung trọng tâm của Đề án là đã cụ thể hóa lĩnh vực công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động thành 2 nhóm nhiệm vụ là: Đổi mới công tư tưởng chính trị và đổi mới công tác tuyên truyền vận động với 54 mục tiêu cơ bản, được xác định lộ trình thực hiện cụ thể, bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện. 

Các nhiệm vụ trọng tâm thể hiện việc thay đổi nhận thức và quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Lào Cai được thể hiện trong nội dung Đề án số 17 đó là: (1) Tiếp tục nâng cao chất lượng học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tạo sự thống nhất nhận thức trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường sự đoàn kết cộng đồng. (2). Khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tư tưởng trông chờ ỷ lại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Động viên, cổ vũ hành động tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hăng hái tham gia xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước ấm no, hạnh phúc. (3) Công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động góp phần tích cực để giữ vững sự ổn định xã hội, tạo môi trường thuận lợi để Lào Cai phát triển nhanh và bền vững hơn. (4) Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, thành thạo về nghiệp vụ tuyên truyền, vận động quần chúng.(5)  Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp đến được với dân, động viên nhân dân hăng hái thực hiện, góp phần đưa Lào Cai đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc.

Để triển khai Đề án 17, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch thực hiện cả giai đoạn cũng như kế hoạch hằng năm cùng nhiều thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo thực hiện, điều chỉnh một số nhiệm vụ, chỉ tiêu thực hiện cụ thể sát với tình hình thực tiễn. Ước đến hết năm 2020 ngân sách tỉnh bố trí trên 56 tỷ đồng phục vụ thực hiện các nội dung của Đề án 17.   

Tạo chuyển biến thiết thực

Các lĩnh vực công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động được thực hiện đồng bộ trên nhiều khía cạnh. Trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đến hết năm 2019, Tỉnh ủy tổ chức được 13 hội nghị học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng và xây dựng chương trình hành động theo hướng dẫn của Trung ương, số đại biểu tham dự hội nghị đạt từ 84% đến 95%; cấp huyện, các ngành, đơn vị đã tổ chức được trên 2.000 hội nghị cho trên 135 nghìn lượt cán bộ, đảng viên học tập, nghiên cứu; đã tổ chức 9 cuộc hội thảo tổng kết thực tiễn. 

Nét khác biệt so với các giai đoạn trước là một số kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn từ các hội thảo đã được biên soạn thành tài liệu, kỷ yếu phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý cũng như nhu cầu nghiên cứu, phục vụ học tập của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Việc cập nhật kiến thức, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ nghỉ hưu diện tỉnh quản lý trên địa bàn cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên, trong đó riêng cấp tỉnh đã tổ chức được 10 hội nghị. 

Nội dung học tập và làm theo Bác được thực hiện nghiêm túc, gắn với quan điểm xây dựng Đảng về đạo đức, điểm nổi bật là việc ban hành Quy định số 28-QĐ/TU ngày 26/3/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều nội dung, yêu cầu mới bảo đảm thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử các đảng bộ, địa phương, ngành và hoạt động giáo dục truyền thống được thực hiện hiệu quả trong toàn Đảng bộ. Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách phục vụ lĩnh vực này. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có trên 70 đơn vị hoàn thành biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống ngành, trong đó cấp tỉnh có 7 đơn vị, 4 huyện, 59 đơn vị cấp xã. Dự kiến đến hết năm 2020 toàn tỉnh có thêm gần 100 đơn vị, địa phương trong tỉnh hoàn thành biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống. Chất lượng hoạt động của trung tâm chính trị các huyện, thành phố tiếp tục được củng cố, nâng cao với trên 500 lớp với đào tạo, bồi dưỡng cho gần 44.000 học viên được tổ chức. Hoạt động nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội được chú trọng với việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về hoạt động nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu tổ chức 09 cuộc điều tra dư luận xã hội trên các lĩnh vực phục vụ công tác lãnh đạo của cấp ủy. Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, trong 4 năm thực hiện Đề án 17, toàn tỉnh đã tổ chức được 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ tham mưu, thực hiện công tác văn hóa, văn nghệ, 3 lớp bồi dưỡng tài năng trẻ cho gần 100 học viên lĩnh vực văn học nghệ thuật, tổ chức 4 hội thảo giới thiệu tác giả, tác phẩm tiêu biểu; Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức 4 cuộc gặp gỡ, đối thoại với đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo, nghệ nhân tỉnh Lào Cai; xuất bản gần 10 đầu sách lĩnh vực văn học nghệ thuật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tưởng, chính trị, tuyên truyền vận động được quan tâm với việc toàn tỉnh đã tổ chức gần 200 lớp với hàng nghìn lượt cán bộ tham gia.

Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền vận động là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TU ngày 26/10/2016 về công tác tuyên vận trên cơ sở tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện thí điểm mô hình, đưa công tác tuyên truyền, vận động thực sự trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp của cấp ủy các cấp. Từ hiệu ứng của công tác tuyên vận, hội nghị báo cáo viên hằng tháng được thực hiện nền nếp từ tỉnh đến cơ sở; lũy kế đến năm 2019 cấp tỉnh tổ chức 48 hội nghị; các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã triển khai được trên 650 hội nghị; đảng ủy 164 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã chỉ đạo ban tuyên vận tổ chức được trên 7.800 hội nghị tuyên vận, cung cấp trên 250 chuyên đề thời sự chính trị, giáo dục, phổ biến pháp luật và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đoàn thể đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời, chính thống trong hoạt động tuyên truyền, vận động, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mạng lưới báo chí của tỉnh đã phát triển với đầy đủ các loại hình, có 11 cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh; 35 bản tin của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với khoảng 90.000 bản tin/năm được phát hành; gần 500 trang thông tin điện tử. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch quảng báo ngoài trời trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm căn cứ đáp ứng sự phát triển của loại hình tuyên truyền cổ động trực quan.

Công tác dân vận được quan tâm thực hiện, nổi bật thông qua xây dựng và phát triển mô hình “Dân vận khéo” qua từng năm; đến nay toàn tỉnh đã có gần 3.000 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nhất là của người đứng đầu theo Quy chế dân chủ từng bước đi vào thực chất, nền nếp, góp phần củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân. 

Từ năm 2016 đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 2.000 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu Đề án 17.


Những vấn đề đặt ra

Mặc dù được chỉ đạo sát sao, quá trình triển khai thực hiện được đánh giá, kiểm tra thường xuyên nhưng một số mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động theo Đề án số 17 đến nay vẫn còn tồn tại và bộc lộ những hạn chế. Công tác quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng ở một số đơn vị còn tình trạng hình thức, chiếu lệ; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp ngại học tập, nghiên cứu nghị quyết hoặc còn nhận thức chưa đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập nghị quyết. Việc xây dựng chương trình hành động thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết của Đảng còn mang tính khuôn mẫu, chưa sát với thực tế từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nội dung, phương thức tổ chức sơ kết, tổng kết một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng còn hình thức, hiệu quả chưa cao; một số cuộc tổng kết các nghị quyết lớn, mang tính chiến lược chưa có điều tra, khảo sát thu thập số liệu thực tế trước khi tổ chức. Hoạt động báo chí, văn học nghệ thuật chủ yếu đạt được yêu cầu phản ánh; còn ít bài viết, tác phẩm mang tính chiến đấu cao, phản bác hiệu quả luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Công tác tuyên truyền, vận động ngăn chặn di cư tự do, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng, chống tệ nạn xã hội ở một số địa phương chưa có chuyển biến tích cực. Còn một số chỉ tiêu của Đề án thuộc lĩnh vực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; biên soạn, xuất bản ấn phẩm văn học nghệ thuật và bồi dưỡng tài năng trẻ văn học nghệ thuật; nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội... không hoàn thành theo kế hoạch. 

Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân. Về chủ quan đó là công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án 17 ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu tính chủ động, chưa được cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị mình do đó hiệu quả thực hiện chưa cao, chưa có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Một số đơn vị chưa thực hiện đúng kế hoạch của Đề án đối với một số mục tiêu cụ thể, nhất là công tác bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền, vận động tại các huyện, thành phố. Việc nghiên cứu, đề xuất một số mục tiêu, nhiệm vụ trong Đề án còn chưa tính hết các yếu tố tác động do đó tính khả thi trong thực hiện chưa cao, một số nội dung phải điều chỉnh không thực hiện hoặc giảm khối lượng công việc phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai. Về nguyên nhân khách quan, điểm đáng chú ý đó là công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động là lĩnh vực mang tính đặc thù cao, nhiều nội dung khó định lượng bằng số liệu, mục tiêu cụ thể. Một số nhiệm vụ thuộc Đề án đã được Tỉnh ủy đưa vào kế hoạch thực hiện hằng năm nhưng chưa cân đối, bố trí được nguồn lực triển khai hoặc cấp kinh phí muộn từ đó chất lượng thực hiện không cao do áp lực về thời gian, thủ tục thanh quyết toán.

Để giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại, trong năm 2020 - năm về đích các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Đề án số 17. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy các cấp về công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham gia thực hiện Đề án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá; bố trí kịp thời, đầy đủ nguồn lực, kết hợp huy động sử dụng vốn từ các chương trình thuộc lĩnh vực ngành. Việc thực hiện thắng lợi Đề án số 17 có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề để xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cũng như thực hiện thắng lợi công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Theo Phùng Nam Trung/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều