Lòng dân Tây Bắc - Lòng hồ sông Đà

(Mặt trận) - Việc di dân tái định cư, giải phóng lòng hồ sông Đà, xây dựng các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) trên sông Đà là việc làm “ích nước, lợi nhà” đang tác động đến người dân Tây Bắc. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải hiểu rõ lòng dân, lòng hồ; giai đoạn ổn định và phát triển tiếp theo cần tìm ra “chìa khóa” thật sự làm lòng dân yên.

Hồ phẳng lặng, dân chưa yên

Sau khi đắp đập ngăn sông, dòng sông Đà đã trở thành lòng hồ sông Đà rộng lớn, hồ chứa khoảng 20 tỷ mét khối nước, là thế mạnh mới của Tây Bắc. Đồng bào các dân tộc ở dọc ven hồ sông Đà vẫn luôn gắn cuộc sống của mình với lòng hồ này. Bên dòng sông Đà, cuộc sống của dân có khá hơn, có nhà văn hóa và trường học, nuôi thêm cá lồng, người dân đánh bắt tôm cá, phát triển thuyền máy chở hàng và người đi lại trên hồ sông Đà,…

Hồ sông Đà đang thực hiện chức năng phát điện được hơn 20 tỷ kWh/năm, chống lũ và chống hạn cho đồng bằng Bắc bộ; còn chức năng khác đã có dự án cụ thể như: giao thông thủy, văn hóa - du lịch, phát triển nông - lâm - thủy sản trên hồ, nhưng chậm được triển khai. Đến nay hồ sông Đà vẫn nghèo, rừng cây ở dọc hai bên hồ, đồi núi trọc nhiều, đất xói mòn sẽ bồi lắng lòng hồ, dẫn đến bảo vệ hành lang hồ sông Đà có bất cập, phát huy thế mạnh hồ sông Đà ở Tây Bắc còn khó khăn.

Số dân ở các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có gần 3 triệu người, với hơn 20 dân tộc cùng chung sống. Lòng người dân ở ven hồ và ở Tây Bắc nói chung là tốt. Việc di dân tái định cư, giải phóng lòng hồ sông Đà ở nước ta có quy mô lớn nhất, đồng bào đã thực hiện việc chuyển dần ra khỏi lòng hồ sông Đà, chính quyền đón dân đến tái định cư ở nơi mới theo tiến độ. Việc di dân tái định cư, giải phóng lòng hồ sông Đà có nhiều khó khăn, nhưng đồng bào đã vượt qua, vì Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ xây dựng cuộc sống mới. Để tiếp tục ổn định đời sống và sản xuất cho người dân vùng chuyển dân sông Đà, thủy điện Hoà Bình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/1/2015 phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà thủy điện Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009-2020 (tổng vốn đầu tư 4.053 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư hỗ trợ sản xuất là 392 tỷ đồng); Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình, tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2017 (tổng vốn đầu tư 1.396,636 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư hỗ trợ sản xuất là 120,4 tỷ đồng), với mục tiêu ổn định nơi ở của các hộ dân, không còn hộ thiếu đất sản xuất và hộ đói, giảm hộ nghèo xuống bằng mức bình quân chung của tỉnh; có nền kinh tế phát triển toàn diện, địa bàn dân cư ổn định, có điều kiện phát triển bền vững, đời sống của người dân được bảo đảm và ngày càng được nâng cao.

Việc di dân tái định cư, giải phóng lòng hồ sông Đà, các địa phương đã vận dụng cơ chế chính sách, tập trung di chuyển dân đến điểm tái định cư mới, cơ bản ổn định được đời sống dân, đang hình thành những mô hình sản xuất mới. Nhưng những việc đã làm cho thấy, mảng sáng, mảng tối vẫn còn đan xen, chưa được như mong muốn. Do đó, đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc đang có phân tâm - có vui mừng, có buồn lo về: dân cư, dân sinh, dân trí, dân chủ, dân an, bình đẳng, đoàn kết,…

Mặt hồ sông Đà từ Hòa Bình đến Lai Châu phẳng lặng, nhưng lòng dân chưa yên và đồng bào “lo lắng nhất là dân không giàu”. Thực tiễn của việc di dân tái định cư, giải phóng lòng hồ sông Đà của Thủy điện Hòa Bình cho thấy, khởi động từ năm 1976 và đến nay đã hơn 40 năm rồi, nhưng dân đến tái định cư ở nơi mới cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Dân mong yên, hồ mong giàu

Cuộc di dân tái định cư, giải phóng lòng hồ sông Đà để xây dựng các nhà máy thủy điện lớn trên sông Đà là một cuộc cách mạng làm thay đổi nếp sống cũ, xây dựng nếp sống mới trong lòng dân Tây Bắc, việc thực thi cuộc cách mạng đó không dễ dàng, cũng không chỉ là thách thức mà thật sự là cơ hội phát triển. Hiện nay, đúng là “dân mong yên, hồ mong giàu”,... Đồng bào nghĩ, nếu ai đó phá rừng đầu nguồn, làm bồi lắng và cạn kiệt lòng hồ, không có nước, không có điện,... là làm cho hồ sông Đà nghèo thì Tây Bắc sẽ tiếp tục nghèo. Ngược lại, chỉ có các dân tộc ở Tây Bắc được bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn mới có hồ sông Đà, mới có điện, có vận tải, có du lịch,… là làm cho lòng hồ sông Đà giàu đẹp, sẽ làm dân giàu, lòng dân Tây Bắc mới yên. Dân luôn mong các cấp có trách nhiệm cùng với dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về tổ chức di dân tái định cư, giải phóng lòng hồ sông Đà một cách thật sự dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch. Sớm giải quyết dứt điểm, thanh toán đúng và đủ những việc tồn lại ở dưới cốt và trên cốt nước ngập, không làm khó dân; khi cần phải phúc tra hoặc thanh tra lại. Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ, có quy định cụ thể để dân ở ven hồ tận dụng đất bán ngập sản xuất cây, con ngắn ngày, không làm ảnh hưởng đến bảo vệ lòng hồ sông Đà. Tháng 7/2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện, đây là cơ hội mới mở hướng làm ăn cho bà con.

Chúng ta không nên nghĩ đơn giản rằng, đồng bào đã có nhà, có đất, có nước, có điện,… là mọi chuyện sẽ xong; cũng không nên ỷ lại vào tinh thần cao cả và hy sinh của đồng bào các dân tộc mà quên nghĩa vụ đối với họ.

Kiến nghị về giải pháp

Đề nghị ở vùng các tỉnh Tây Bắc tổng kết lại, rút bài học kinh nghiệm, đồng thời, xác định rõ việc người dân Tây Bắc cần làm, là ưu tiên các cây, con có thế mạnh; tạo mô hình liên kết - liên doanh phù hợp; có chính sách thúc đẩy nông dân, doanh nghiệp cụ thể, sử dụng công nghệ cao,… hợp với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong thời kỳ mới, cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế để dân giàu, không tụt hậu so với vùng khác; không làm trái quy hoạch và kế hoạch đã được duyệt, cần chú trọng làm những việc mang tính đột phá, như:

1. Hỗ trợ đồng bào Tây Bắc trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn hồ sông Đà, chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng và bảo vệ rừng, giảm sản xuất lương thực trên đất dốc, tăng diện tích trồng rừng và phát triển kinh tế rừng, để đồng bào sống bằng nghề rừng.

2. Xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán có tâm, có tầm làm “đày tớ” của dân, do dân, vì dân. Thu hút người có đức, có tài, vì dân ở Tây Bắc là việc có ý nghĩa quyết định mọi việc làm ở đây.

3. Xây dựng hệ thống vận tải đường thủy và du lịch trên hồ sông Đà, có đường cao tốc, nghiên cứu làm đường sắt từ Hà Nội lên Tây Bắc,… Được như vậy, Tây Bắc mới giàu mạnh góp phần vào giữ gìn biên cương Tổ quốc.

4. Có chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đến liên doanh, đầu tư xây dựng; có các dự án cụ thể về phát triển nông - lâm - thủy sản ở hai bên hồ; xây dựng các điểm văn hóa - du lịch - thể thao, các bến cảng vận tải, mua bán hàng hóa trên hồ,… mà không làm ảnh hưởng tới lòng hồ.

5. Đảng và Nhà nước có chính sách hậu di dân tái định cư thủy điện sông Đà. Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh trong vùng Dự án phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dưng Dự án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La”. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 666-QĐ/TTg ngày 31/5/2018, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... xây dựng lại Dự án ổn định và phát triển chung cho cả 3 vùng hồ sông Đà từ Hòa Bình đến Lai Châu; không nên có Dự án riêng cho vùng hồ thủy điện Sơn La; nhất thiết phải bao gồm cả vùng hồ thủy điện Hòa Bình, vùng hồ thủy điện Lai Châu. Trong Dự án chung này, cần có hai hợp phần là Dự án đa mục tiêu vùng lòng hồ sông Đà, và Dự án đa mục tiêu vùng còn lại liên quan đến lòng hồ sông Đà, nhằm thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, để ổn định và phát triển bền vững kinh tế - xã hội cả vùng Tây Bắc, có bước đi và lộ trình phù hợp, với tinh thần và trách nhiệm cao, làm quyết liệt và hiệu quả, để đồng bào tin,...

Nhu cầu vốn để thực hiện Dự án rất lớn trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng so đo cắt gọt Dự án hoặc dễ dãi trong sử dụng nguồn vốn đều không phù hợp. Việc xây dựng Dự án ở đây cần sự nhìn nhận thấu đáo, chia sẻ sâu sắc, có nghĩa có tình, một thái độ nghiêm túc, cẩn trọng và trách nhiệm, phải xác định đúng mục tiêu đạt tới, tính đúng và tính đủ vốn, không chỉ đơn giản là những con số vốn lớn hay nhỏ, nhằm hỗ trợ hiệu quả cũng như chăm lo thật sự với người dân tái định cư cả 3 công trình thủy điện trên sông Đà và cho cả vùng Tây Bắc.

6. Ở Tây Bắc dân còn nghèo, nguồn lực, nghị lực tại chỗ rất thấp. Do đó, hàng năm Nhà nước cần trích một phần tiền thuế tài nguyên thu được từ điện sông Đà đầu tư lại cho lòng hồ và xây dựng đời sống nhân dân.

7. Về cách làm, ý Đảng phải hợp lòng dân. Việc gì giữa Đảng và dân chưa thống nhất thì cần đối thoại cho “thấu tình, đạt lý ”, không áp đặt, không làm thay, không để kẻ xấu kích động. Chính phủ phải kiểm soát thấy việc làm không hợp lòng dân thì sửa ngay. Biết dùng người tốt trong cộng đồng dân tộc để quản lý, giáo dục tại chỗ.

Lù Văn Que

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều