Lũ từ miền Bắc, lũ ngược miền Trung - Ai là thủ phạm?

Lũ năm sau đạt đỉnh cao hơn năm trước? Ngoài do biến đổi khí hậu nữa, sự thực, lũ còn là do con người, do chính người Việt chúng ta tự gây nên.

Bão, lũ, mưa lớn… những hiện tượng thời tiết cực đoan trên xuất hiện ngày một nhiều, chỉ trong chưa đầy một tháng qua, lũ từ miền Bắc, rồi lũ ngược miền Trung. Tất cả đều cực đoan, đều tàn khốc. Và rất nhiều người đều chung một nhận định nguyên nhân: Do biến đổi khí hậu!

Có lẽ, để lý giải hiện tượng lũ lụt tại khắp các tỉnh từ miền Bắc tới miền Trung lúc này không có gì dễ dàng hơn là “đổ bệnh” cho biến đổi khí hậu (BĐKH). Bởi đó là một cách lý giải đơn giản nhất, dễ dàng nhất và được nhiều người chấp nhận nhất?

 Hình ảnh lũ tại Quảng Bình vừa qua. Ảnh: Trần Hùng

Việt Nam được đánh giá là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng BĐKH. Theo đó, các hiện tượng thời tiết như El Nino, La Nina hay gần đây là ENSO (pha loãng giữa 2 hiện tượng trên) xảy ra ngày càng nhiều, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn thì hạn kỷ lục, lũ thì lên tới đỉnh lũ…

Thực tế cho thấy, ở một khía cạnh nào đó, cũng có nguyên nhân từ trên, song qua các hiện tượng lũ lụt liên tiếp trong thời gian gần đây, đặc biệt trong một tháng nay, lũ đã “chạy” từ hàng loạt các tỉnh miền núi phía Bắc tới các tỉnh miền Trung có thể thấy, lũ không chỉ do cái “anh” tên là BĐKH gì, mà chính là do chính con người gây nên.

Đó chính là nạn phá rừng đến cạn kiệt, là tình trạng xây dựng thủy điện tràn lan, là việc chuyển đổi diện tích rừng sang sử dụng cho các mục đích khác. 

Theo số liệu mới nhất được Bộ NNPTNT công bố về hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, diện tích rừng cả nước có gần 14,4 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 10,2 triệu ha, rừng trồng 4,1 triệu ha; độ che phủ rừng 41,19%.

Sẽ là rất “đẹp” nếu nhìn vào con số trên, nhưng sự thật thì sao? Có thể thấy, trong suốt nhiều năm qua nạn chặt phá rừng đã diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đến độ Thủ tướng Chính phủ phải ra lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên.

Tuy vậy, “máu” rừng vẫn ngày đêm cuộc chảy, những vụ phá rừng khắp từ Bắc chí Nam vẫn tiếp diễn, thậm chí có nhiều cánh rừng đầu nguồn và cả những cánh rừng nguyên sinh, mới nhất ở Quảng Nam và Bình Định đã bị đốn hạ.

Chúng ta cứ thử hình dung như thế này, nếu còn rừng với những thân cây gỗ cả trăm năm, có bộ rễ bám sâu vào lòng đất, ở dưới là các thảm thực vật, thì khi mưa xuống, nước sẽ được thẩm thấu xuống đất, lũ sẽ được những thân cây lớn cản bớt.

 Còn bây giờ thì sao, toàn đất trống đồi trọc với những cây còi cọc nên mưa bao nhiêu đương nhiên sẽ trút xuống các vùng thấp, trũng bấy nhiêu. Ngược lại về mùa khô, chẳng còn rừng để tích, giữ nước nữa.

Tôi đã từng đi cả gần 1 ngày trời vào vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) và được tận mắt chứng kiến những cây gỗ nghiến có tuổi lên tới cả trên 100 năm bị đốn hạ một cách không thương tiếc. Họ đã chặt vào đến cả vùng lõi của vườn quốc gia này, ngay cả ở một vườn được bảo vệ như thế còn bị chặt hạ, thì hỏi làm sao rừng ở các nơi khác còn.

Chúng ta đang nói đến độ che phủ rừng là gần 42%, nhưng thực sự cần phải xem lại chất lượng rừng trong đó như thế nào. Hiện có rất nhiều diện tích tuy được gọi là “rừng” nhưng thực chất đã bị chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cao su, cà phê, thậm chí cả ngô, sắn, đỗ, lạc…

Trong các đợt bão và lũ vừa qua, có thể thấy rõ nhất những cánh rừng cao su bị “bẻ” gãy dễ dàng như thế nào. Vậy mà đã có hàng triệu ha cao su được đưa ra khắp miền Trung, miền Bắc để trồng, nên cũng có thể coi đây là một thủ phạm.

 

Rừng bị tàn phá kiệt quệ

Một vị đại biểu Quốc hội đã từng nói: Tôi rất buồn khi ngồi trên máy bay quan sát, rừng của chúng ta không còn, toàn là đất trống đồi trọc. Như thế bảo sao không có lũ. Tại các nơi trên thế giới, rừng được bảo vệ tuyệt đối nghiêm ngặt như Đài Loan- vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi bão, động đất họ đã gần như giữ nguyên được màu xanh cho rừng.

Hàng năm, chúng ta vẫn nhận được những con số báo cáo về xuất khẩu gỗ với kim ngạch 7-8 tỷ USD và ai cũng lấy làm rất tự hào, gỗ lấy ở đâu ra? Từ rừng.

Hay chúng ta, thấy ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà được gọi là “biệt phủ” với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn m3 gỗ quý hiếm được dựng lên. Những căn “biệt phủ” đó từ đâu mà có? Từ rừng.

Đất nước ta đã được hình thành từ cả mấy nghìn năm nay, đâu phải bây giờ mới có mưa, bây giờ mới có lũ, song vì sao lũ cứ xảy ra ngày một nhiều, mật độ dày hơn, lớn hơn, xảy ra ở những vùng mà xưa nay tưởng như chẳng bao giờ có lũ như Tây Nguyên.

Lũ năm sau đạt đỉnh cao hơn năm trước? Ngoài do biến đổi khí hậu nữa, sự thực, lũ còn là do con người, do chính người Việt chúng ta tự gây nên.

Và để hạn chế được những đợt lũ như trên, không có cách gì khác là phải trả lại rừng những gì mà con người đã lấy đi, đã tước đoạt.

Trồng rừng là cả một quá trình lâu dài, có khi mất đến vài thế hệ mới thực hiện được, nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ, không biết tương lai lũ sẽ còn khốc liệt như thế nào?

Và chúng ta cũng cần lên án những thủ phạm đã gây nên lũ lụt như hiện nay. Còn những kẻ chặt phá  rừng, pháp luật cần phải trừng trị bằng những bản án nghiêm khắc nhất, thậm chí có  thể tử hình. Cần coi phá rừng chính là tội ác hủy diệt loài người.

Và cũng cần xử lý nghiêm khắc những kẻ tiếp tay cho nạn phá rừng, những kẻ khoác trên mình chiếc áo “kiểm lâm” nhưng lại chính là những kẻ tiếp tay cho tội ác phá rừng.

Và cũng đến lúc cần xử lý nghiêm khắc các “biệt phủ” xây dựng bằng những nguồn gỗ bất hợp pháp.

Nếu không hành động ngay, ai dám chắc một ngày nào đó, thủy điện Hòa Bình sẽ phải mở 12 cửa xả đáy, khi đó lũ không còn ở đâu xa, mà sẽ vào chính thủ đô Hà Nội.

Lũ sẽ không chỉ ở miền núi, miền Trung mà sẽ xuất hiện ở khắp cả nước, nhiều vùng đất sẽ bị nhấn chìm vĩnh viễn.

Theo Lê Hân/Báo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều