Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng triển khai hiệu quả chương trình.

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo, có diện tích tự nhiên 6.206,9km2 với tổng dân số trên địa bàn là 1.320.324 người, trong đó dân tộc thiểu số là 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội nói chung còn nhiều khó khăn, tỉnh vẫn ưu tiên dành nguồn lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do đó diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có nhiều đổi mới.

Hiện nay, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ninh đã có 6.525 lượt người có uy tín được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Để phát huy vai trò của đội ngũ này trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm và thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín, như: thăm hỏi, tặng quà dịp tết, hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần. Tỉnh đã tổ chức 121 cuộc thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho 6.525 lượt người có uy tín; thăm hỏi 201 lượt người có uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn; tổ chức 48 chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho 2.560 lượt người; đã tổ chức 113 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, với 7.507 lượt người có uy tín tham gia; 10 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, an ninh quốc phòng, kỹ năng tuyên truyền, vận động với 5.650 lượt người có uy tín tham gia.

Với sự uy tín, kinh nghiệm từng trải và nắm chắc thực tiễn địa phương, trên cơ sở cùng ngôn ngữ và phong tục tập quán với đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua người có uy tín trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động trong công tác tuyên truyền giáo dục từ con cháu trong gia đình, dòng họ đến đồng bào ở thôn, bản, khu phố; phát huy vai trò gương mẫu, thực hiện và vận động Nhân dân các dân tộc thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, người có uy tín đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao trong đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hòa giải ở cơ sở, giải phóng mặt bằng các dự án kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương.

Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng đoàn làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tháng 12/2022. ẢNH: HƯƠNG DIỆP
Người có uy tín luôn là tấm gương sáng trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, luôn là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào các dân tộc thiểu số. Có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc. Tích cực vận động, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thôn, bản tích cực phát triển kinh tế, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, đoàn kết vượt khó, xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa, phòng, chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Người có uy tín của tỉnh Quảng Ninh còn là gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng cây, con giống mới cho năng suất, chất lượng cao, bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả, phát triển cây công nghiệp, cây lấy gỗ… tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều người uy tín đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại và còn giúp đỡ nhiều hộ về giống, vốn, kỹ thuật. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, hoa màu, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở.

Người có uy tín và gia đình luôn gương mẫu trong hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; gương mẫu thực hiện, tích cực vận động Nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Người có uy tín đã tích cực tham gia thảo luận các tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa, khu dân cư tiên tiến, đăng ký phấn đấu gia đình văn hóa hàng năm, vận động Nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn…

Người có uy tín luôn là nòng cốt tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có hiệu quả và nề nếp. Bên cạnh đó là triển khai 3 chỉ thị của Bộ Công an về tăng cường xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân và đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch 203 của Ban Chỉ đạo tỉnh về triển khai xây dựng “Tổ nhân dân tự quản an ninh trật tự” với 12 nội dung: 5 tự phòng, 5 tự quản và 2 tự hòa giải. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.131 tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự, làm giảm tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản tại địa bàn cơ sở. Chú trọng đổi mới các nội dung, biện pháp xây dựng phong trào sát với từng địa bàn, nhân rộng mô hình phòng, chống tội phạm, các điển hình tiên tiến góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự. Người có uy tín tiếp tục vận động đồng bào hưởng ứng, tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động hơn 1.000 lượt người dân tham gia tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc, quản lý 39 người dân tộc thiểu số xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động về địa phương; ngăn chặn 5 vụ hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tà, tạp đạo, đạo lạ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tham gia giải quyết 13 vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, lấn chiếm đất rừng. Ngoài ra, người có uy tín còn cung cấp nhiều thông tin có giá trị làm cơ sở đấu tranh, xử lý nhiều vụ việc an ninh trật tự, tích cực phối hợp vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện.

Người có uy tín của tỉnh Quảng Ninh đã vận động đồng bào các dân tộc thiểu số làm nhiều việc thiết thực, với nghĩa cử cao đẹp, thắm tình đoàn kết giữa đồng bào với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, Công an nhân dân đang làm nhiệm vụ tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, người có uy tín đã góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cũng như các ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở các cấp. Nhiều người có uy tín là cán bộ hưu trí, già làng, trưởng bản, tuy tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ như Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bản, khu phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể; tham gia làm Tổ trưởng tổ hòa giải, tổ an ninh, là hội viên mẫu mực của các tổ chức xã hội. Bản thân người có uy tín và gia đình cũng luôn gương mẫu trong hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, trong thời gian tới, người có uy tín tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, nêu cao tính gương mẫu của người có uy tín trong nhiều năm qua.

Một là, người có uy tín tiếp tục tích cực vận động đồng bào các dân tộc thiểu số và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc, tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, các quy định của chính quyền địa phương, cơ sở; quy chế dân chủ ở cơ sở; quy ước, hương ước thôn, bản, khu phố. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Hai là, người có uy tín cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong xây dựng kinh tế, xã hội để vận động Nhân dân cùng học tập, làm theo. Đồng thời, chủ động nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, tiếp nhận thông tin phản ánh từ đồng bào các dân tộc và kịp thời phản ánh về cấp uỷ, chính quyền cơ sở, cơ quan công tác dân tộc cấp huyện, tỉnh và các đơn vị có liên quan. Vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Đảng với Nhân dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung sức đồng lòng xây dựng gia đình, làng, bản văn hóa, khu dân cư tiên tiến.

Ba là, người có uy tín vận động, động viên đồng bào dân tộc thiểu số tích cực lao động, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chương trình giảm nghèo bền vững. Chủ động đề xuất với chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể và đơn vị liên quan hướng dẫn, động viên, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục vận động đồng bào tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, vận động Nhân dân thôn, bản không tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Đồng thời, vận động đồng bào các dân tộc nêu cao cảnh giác với âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, tham gia tích cực phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia phối hợp với lực lượng chức năng giải quyết các vụ việc ở cơ sở.

Với truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù, sáng tạo cùng bản lĩnh và những kinh nghiệm vốn có của người có uy tín, trong thời gian tới, đội ngũ những người có uy tín trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu, thực hiện và vận động Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguyễn Hồng Nhung

Tạp chí Mặt trận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều