Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - Những năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc xây dựng pháp luật và giám sát công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước. Việc lấy ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc và một số tổ chức thành viên về các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng được các cơ quan tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện dự thảo văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, góp phần làm cho các văn bản pháp luật ngày càng sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tháng 8/2021.

Những quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật

Điều 9 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.

Điều 45 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm lập và xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình: “Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ đạo việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phân công cơ quan, đơn vị chủ trì lập đề nghị... Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức phiên họp để xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh... Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận thảo luận và biểu quyết thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Chính sách được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận biểu quyết tán thành”...

Điều 21 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 về tham gia xây dựng pháp luật đã quy định: “Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật”...

Phòng, chống tham nhũng thông qua việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền

Tham gia xây dựng, giám sát công tác xây dựng chính sách, pháp luật và thực hiện vai trò phản biện xã hội

Ở Trung ương, với vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý đối với hàng trăm dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền, các chương trình, dự án, đề án1. Nhiều ý kiến góp ý của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên cử đại diện cơ quan tham gia trực tiếp các hoạt động nghiên cứu, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị định với tư cách là thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập và với vai trò thành viên Hội đồng thẩm định thuộc Bộ Tư pháp đối với nhiều dự án luật, văn bản dưới luật để đóng góp tiếng nói của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong quá trình xây dựng dự thảo chính sách của cơ quan có thẩm quyền, nhất là với những nội dung có liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhiều tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức hoạt động góp ý hiệu quả, có chiều sâu.

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với khoảng từ 30 đến 50 dự án luật, pháp lệnh và nghị định. Trong đó, có nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị định có liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng, như: Hiến pháp năm 20132, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Tố cáo, Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập... nhiều ý kiến góp ý vào các quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; về tăng cường giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và nhân dân đối với cán bộ, công chức trong phòng, chống tham nhũng... đã được cơ quan soạn thảo, ban hành tiếp thu, thể hiện trong các văn bản. Đặc biệt, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia phối hợp cùng Ban Dân vận Trung ương nghiên cứu, dự thảo và trình Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013), Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013), đây là những cơ sở rất quan trọng để các cơ quan nhà nước thể chế hóa thành các quy định pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là cơ sở chính trị để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác giám sát, phản biện, nhất là đối với các tổ chức đảng và đảng viên (đã ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...).

Một trong những kết quả quan trọng trong việc tham gia và giám sát công tác xây dựng chính sách, pháp luật là việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội. Ở Trung ương, trong những năm gần đây, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức được nhiều cuộc phản biện xã hội đối với các dự án luật. Các dự án luật, các đề án được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân; đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm, như: Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật về Hội; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi),... với thành phần tham gia hội nghị phản biện xã hội là các chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực có liên quan đến nội dung phản biện. Sau Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan, tổ chức có dự thảo được phản biện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản. Văn bản phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực3. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội cũng tổ chức phản biện xã hội nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phản biện xã hội nhiều dự thảo luật, dự thảo báo cáo quan trọng liên quan đến một số nội dung về phòng, chống tham nhũng; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phản biện xã hội những dự thảo văn bản liên quan đến chính sách, việc làm của Thanh niên; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phản biện dự thảo liên quan đến chính sách nông dân, nông thôn...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thực hiện Lễ ký Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 6/2017. Ảnh: TTXVN. 

Trên cơ sở các thông tin, ý kiến ghi nhận được từ các hội nghị phản biện xã hội và đối chiếu với những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề góp ý, phản biện xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã lựa chọn, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung hợp lý vào dự thảo luật, dự thảo đề án. Nhìn chung, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Các kiến nghị cụ thể thông qua hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã thiết thực góp phần làm giảm các “kẽ hở” có thể phát sinh tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện trong thực tế. Ở địa phương, căn cứ hướng dẫn hàng năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, căn cứ kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án của địa phương, trên cơ sở điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đã lựa chọn nội dung, vấn đề phản biện xã hội, phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm để tiến hành phản biện xã hội theo định hướng: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tập trung phản biện dự thảo các chính sách, pháp luật; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã tập trung phản biện xã hội các dự thảo chương trình, đề án có liên quan trực tiếp đến nhân dân ở địa phương mình.

Phòng, chống tham nhũng thông qua việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền

Ngay khi Quyết định số 218 - QĐ/TW của Bộ Chính trị có hiệu lực, các địa phương đã triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức hội nghị, gửi văn bản dự thảo, góp ý tại hội nghị giao ban với cấp ủy, các cuộc họp với chính quyền, thông qua tiếp xúc cử tri, qua tiếp xúc với người đứng đầu... Nội dung chủ yếu tham gia góp ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền cùng cấp, trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp còn thực hiện việc góp ý thường xuyên, đột xuất, định kỳ, về hoạt động của cơ quan, tổ chức đảng, chính quyền và góp ý đối với cán bộ đảng viên. Để thực hiện tốt nội dung góp ý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chú trọng phân công cán bộ, lãnh đạo trực tiếp tiếp nhận và tổng hợp ý kiến của các tổ chức thành viên, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân.

Một trong những nội dung quan trọng trong việc tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại địa phương là việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị với các tầng lớp nhân dân ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Từ năm 2014 đến nay, được thực hiện thường xuyên ở cả ba cấp, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, qua đó kịp thời điều chỉnh những chủ trương, chính sách phù hợp, mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Hàng quý phản ánh thông qua Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở từng cấp. Quý I và quý III hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có báo cáo về tình hình và ý kiến của nhân dân gửi Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch nước và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có nhiệm vụ phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tại các kỳ họp Quốc hội. Định kỳ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân địa phương gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để thông báo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp về những vấn đề của địa phương. Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quyền và trách nhiệm của mình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của thành viên và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới để phản ánh, kiến nghị với các cơ quan của Đảng, Nhà nước cùng cấp. Trong hầu hết các báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những năm qua đều đã phản ánh được ý kiến, kiến nghị của cử tri về tình trạng tham nhũng, các vụ việc liên quan đến tham nhũng và kiến nghị các cơ quan liên quan có các giải pháp và giải quyết những nội dung liên quan đến tham nhũng mà cử tri và nhân dân kiến nghị4.

Tham gia xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cử người tham gia vào Ban soạn thảo và Tổ biên tập Đề án xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tham gia vào các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định hưỡng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập, trực tiếp góp ý vào nhiều nội dung của dự án luật. Các ý kiến phản biện, góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hầu hết đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ.

Chú thích:

1. Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật Thú y; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dự thảo Nghị định về chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp; Luật Dân quân tự vệ; Luật Căn cước công dân; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu; Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư; Luật Đặc xá...

2. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tập hợp tổng hợp được hơn 8 triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 rất phong phú, sâu sắc với nhiều khía cạnh khác nhau, thể hiện tính nghiêm túc, khách quan, các ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó có rất nhiều nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu trong và ngoài nước, các chức sắc tôn giáo rất tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến trách nhiệm, khoa học và phù hợp với thực tiễn.

3. Báo cáo số 3544/MTTW-BTT phản biện xã hội Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Báo cáo số 30 /BC-MTTW-HĐTVKHGDMT ngày 7/2/2018, của Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường đã tổ chức Hội nghị phản biện Đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài; Báo cáo số 5543/MTTW-BTT ngày 5/9 /2018 phản biện xã hội Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

4. Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII và Quốc hội Khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tới Quốc hội về những nội dung liên quan đến tham nhũng, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý.

Nguyễn Duy Khánh

ThS, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều