Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

(Mặt trận) - Kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và chủ trương giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được đánh giá là thực hiện hiệu quả vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động và phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; huy động nguồn lực, cùng Nhà nước chăm lo cuộc sống cho nhân dân.

Tiếp tục góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tháng 11/2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên cơ sở kế thừa kết quả sau 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề ra các nội dung vận động Nhân dân thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Hội nghị nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “MTTQ Việt Nam thực hiện giám sát xây dựng nông thôn mới ở cơ sở hiện nay”, tháng 6/2022.

Những kết quả đạt được trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh”

Với chủ trương thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào, các cuộc vận động do Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam phát động như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường", cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Phương thức thực hiện là chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó gắn từng nội dung của Cuộc vận động với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, vận động Nhân dân tham gia, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân giám sát việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn dân cư. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình trong cả nước, qua đó không ngừng góp phần thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích Nhân dân làm giàu chính đáng

Nhân dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 làm đường giao thông.
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế; vận động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng. Điểm nổi bật trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đó là Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, hiến công để xây dựng giao thông nông thôn và các công trình dân sinh ở nông thôn. Trong 5 năm qua, Nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 26,7 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh; các địa phương đã huy động được hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Công tác giám sát xã hội xây dựng nông thôn mới bước đầu thực hiện có hiệu quả, nhất là giám sát thông qua đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới, giám sát các nguồn lực, giám sát thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn... đã phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và công tác an sinh xã hội thông qua Quỹ “Vì người nghèo” mang lại những kết quả thiết thực. Trong 5 năm (2016 - 2021), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo”. Năm 2017, tiếp nhận ủng hộ gần 399 tỷ đồng. Trong 2 năm (2020- 2021), dịch bệnh Covid - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động nguồn kinh phí ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19 với kinh phí cả nước trên 13.000 tỷ đồng, trong đó đóng góp cho Quỹ Vaccine hơn 1.000 tỷ đồng; hỗ trợ người dân khó khăn hơn 7.000 tỷ đồng, hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 hơn 3.000 tỷ đồng. Từ các kết quả vận động ủng hộ, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ người nghèo xây dựng và sửa chữa được 13.250 căn nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ hàng trăm nghìn người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất và được giúp đỡ về học tập; giúp đỡ hàng triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám chữa bệnh, xây dựng hàng trăm công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, khám chữa bệnh, nhà sinh hoạt cộng đồng...) và các hỗ trợ khác giúp đỡ cho người nghèo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phát huy truyền thống, tương thân tương ái

Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong xây dựng đạo đức, lối sống gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở mỗi cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu ở nhiều địa bàn nông thôn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng nâng cao... Thông qua hoạt động của các tổ tự quản, tổ hoà giải ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã không ngừng xây dựng và thắt chặt tình đoàn kết ở cộng đồng dân cư. Toàn quốc hiện có 6.102/11.027 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (55,3%); 68.222/113.607 thôn, ấp, bản và tương đương có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng (60%). Phong trào xây dựng xã hội học tập được phát triển mạnh, các mô hình “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Quỹ khuyến học, khuyến tài” đã được nhân rộng ở nhiều địa phương qua đó đã giúp cho nhiều trẻ em có cơ hội đến trường, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ngày càng cao ở địa bàn nông thôn. Cả nước hiện có hơn 11 nghìn trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng ở các xã, phường, thị trấn, góp phần quan trọng trong việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở địa bàn dân cư, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Công tác chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân luôn được quan tâm thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, chăm sóc sức khoẻ; phòng và chống dịch bệnh. Vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, hỗ trợ các hộ cận nghèo mua bảo hiểm y tế, góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt trên 80%. Để hỗ trợ người nghèo trong việc khám, chữa bệnh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Thiện tâm thuộc Tập đoàn Vingroup về thực hiện Chương trình phẫu thuật, điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, người có công với cách mạng tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Trong 5 năm, đã tiếp nhận và khám và điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, người có công với cách mạng tại hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec khám cho 8.685 ca bệnh với số tiền hỗ trợ trên 835,812 tỷ đồng. Đây là Chương trình từ thiện, nhân đạo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một trong những hoạt động rất thiết thực đối với bệnh nhân nghèo và người có công với cách mạng, chương trình đã mở ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhân nghèo và mang lại niềm tin hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo trong xã hội.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hai lần ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19" và “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, chỉ đạo tổ chức tiếp nhận và phân bổ nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động và giám sát công tác phòng, chống dịch từ cơ sở, phát huy hiệu quả vai trò của các “Tổ Covid cộng đồng” với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, vận động, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường

Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện đến địa bàn khu dân cư trong cả nước với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng... Các mô hình bảo vệ môi trường tiếp tục được triển khai và nhân rộng như “Khu dân cư tự quản môi trường”, “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Khu dân cư thực hiện hài hoà xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; vận động Nhân dân tích cực, tự giác tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ môi trường... Giai đoạn 2017 - 2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hỗ trợ 50/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mới, duy trì, nhân rộng 344 mô hình điểm bảo vệ môi trường, từ các mô hình điểm, đến nay các tỉnh, thành phố đã xây dựng mới, duy trì và nhân rộng được 40.626 mô hình trong toàn quốc. Hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức tôn giáo được triển khai tích cực, đã có 43/43 tổ chức tôn giáo hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng được 2.000 mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tôn giáo đã triển khai và đưa nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm của mình.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Quá trình thực hiện đã được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện như: Chương trình phối hợp số 09/CTrPH-MTTW-BCA giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Chương trình phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; Đề án “Vận động toàn dân tham gia, phát hiện tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”... Nhiều mô hình về đảm bảo an ninh trật tự đã được áp dụng và nhân rộng ở nhiều nơi như: mô hình “Khu dân cư an toàn lành mạnh”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Hàng rào an ninh”, “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Dòng họ an toàn”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Đội dân phòng”, “Nhóm nòng cốt”, “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”, “Khu dân cư lành lành mạnh không có tội phạm, ma túy”... đã góp phần giữ vững an ninh trật tự ở nhiều địa phương. Thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong 5 năm qua quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an và các ngành chức năng trên 468.000 nguồn tin có giá trị tố giác tội phạm; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã tiến hành cảm hóa giáo dục tại cộng đồng hơn 98.000 lượt người lầm lỗi, trong đó có hơn 62.000 lượt người đã tiến bộ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động giám sát trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề thiết thực, liên quan đời sống, việc làm của người dân nông thôn như: thực hiện chính sách, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; thực hiện các quy định về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở địa bàn nông thôn; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với hộ nghèo; giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Riêng về lĩnh vực giám sát xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức giám sát được 98.420 cuộc (trong đó, cấp tỉnh 2.308 cuộc; cấp huyện 12.256 cuộc; cấp xã 83.856 cuộc). Thông qua các hoạt động giám sát đã cùng với Chính phủ thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Công tác phản biện xã hội đạt kết quả bước đầu, các hoạt động phản biện xã hội chủ yếu tập trung vào nội dung, lĩnh vực mà Nhân dân, địa phương quan tâm, bức xúc. Trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức 82.865 cuộc phản biện xã hội với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân như: dự thảo quyết định quy định chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; đề án bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù… Riêng trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đã tổ chức phản biện 25.824 cuộc (trong đó, cấp tỉnh 1.563 cuộc; cấp huyện 3.290 cuộc; cấp xã 20.989 cuộc). Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành.

Kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua một lần nữa khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, về chủ trương giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nông dân. Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành thực hiện hiệu quả vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua của các đoàn thể vận động và phát huy vai trò Nhân dân tham gia tích cực các nhiệm vụ góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; huy động nguồn lực, cùng Nhà nước chăm lo cuộc sống cho Nhân dân, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn gặp nhiều khó khăn.

Một số giải pháp định hướng thực hiện cuộc vận động trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp 

Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ chủ trì thực hiện. Tăng cường phối hợp và thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên và các bộ, ngành chức năng thông qua việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp liên tịch về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Tập trung vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững thiết thực, trọng tâm theo hướng: 1) Chọn những tiêu chí phù hợp để người dân tích cực tham gia mà không đợi sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước (nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hoá, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội học tập…); 2) Vận động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững: Vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đỡ đầu các huyện nghèo, xã nghèo, khu dân cư nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, đến từng người dân về xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo cụ thể là: Tuyên truyền trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân để người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân hướng dẫn tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tổ chức giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo (trọng tâm là: giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; giám sát việc sử dụng nguồn lực xây dựng nông thôn mới bao gồm nguồn lực do Nhà nước hỗ trợ, nguồn lực xã hội hóa; giám sát quá trình bình xét, công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; nông thôn mới kiểu mẫu. Giám sát quy trình công nhận hộ nghèo được hưởng chính sách; giám sát việc sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo làm ăn, phát triển sinh kế…). Tham gia phản biện dự thảo các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch chương trình, dự án về xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo và những chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi.

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới để việc hài lòng của người dân ngày càng thực chất hơn, tỷ lệ người dân được hưởng thành quả của các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhiều hơn.

Năm là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham mưu với cấp uỷ Đảng, phối hợp với chính quyền và Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia để chọn nội dung, phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình về xây dựng nông mới, giảm nghèo bền vững ở các địa bàn khó khăn.

Nguyễn Quang Hòa

Thạc sĩ, Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều