Một số giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 và chăm lo cho người lao động tại các khu công nghiệp ở Việt Nam

(Mặt trận) - Tại Việt Nam, các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt trong khu công nghiệp được xác định là mắt xích xung yếu trong phòng, chống dịch bệnh.

Cả nước hiện có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động. Kinh nghiệm từ các đợt dịch trước cho thấy, các tỉnh/thành phố phải làm việc sát với doanh nghiệp ở trong khu công nghiệp, siết chặt các quy định phòng, chống dịch bệnh. Bởi nếu không may để xảy ra dịch bệnh trong các khu công nghiệp có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống của người lao động cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

 
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (thứ 3 từ trái qua) cùng đoàn công tác của Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Công ty CP Taekwang Vina Industrial, Biên Hòa, Đồng Nai, tháng 11/2020. Ảnh: Hạnh Dung 
Tình hình công nhân tại các khu công nghiệp trước nguy cơ lây nhiễm

Bắt đầu từ đợt dịch thứ ba ở Hải Dương đầu năm 2021, công nhân các khu công nghiệp đã trở thành đối tượng liên quan trực tiếp đến dịch Covid-19. Với đặc trưng cùng làm, cùng ăn, cùng di chuyển với mật độ tập trung cao, nguy cơ và tốc độ lây nhiễm là rất mạnh mẽ. Tại Hải Dương, chỉ riêng Công ty Poyun đã có tổng cộng 241 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, đã trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước của đợt dịch 3. Còn với đợt dịch thứ tư hiện nay, tại Bắc Giang, tính đến trưa ngày 18/5/2021, toàn tỉnh tỉnh ghi nhận hơn 400 ca dương tính, trong đó có 396 ca là công nhân các khu công nghiệp, lớn nhất là hai ổ dịch tại Công ty Shin Young và Công ty Hosiden Việt Nam (mỗi công ty trên dưới 200 lao động bị nhiễm) và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Một trong những nguyên nhân khiến đợt dịch thứ 4 diễn tiến mạnh hơn đợt dịch thứ 3 là bởi biến chủng SARS-CoV-2 lần này ở Bắc Ninh và Bắc Giang có nguồn gốc từ Ấn Độ, vốn có tốc độ lây lan nhanh, động lực mạnh hơn các biến chủng của Trung Quốc, Anh, Nam Phi, Brazil...  Do đó, không chỉ lây nhiễm trong khu công nghiệp mà khả năng lan ra cộng đồng là rất lớn.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm

Trước bối cảnh bùng phát dịch bệnh, từ 0 giờ ngày 18/5/2021, tỉnh Bắc Giang đã phải tạm đóng cửa bốn khu công nghiệp (Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng), cách ly xã hội toàn bộ huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng để thực hiện phòng, chống dịch. Tổng số lao động phải nghỉ việc là hơn 5 vạn người.

Các khu công nghiệp ở đồng bằng vốn được coi là xương sống kinh tế của địa phương. Do đó, với những đơn vị có công nhân mắc Covid-19, nếu không kiểm soát tốt thì ngày càng thêm nhiều ca dương tính, dẫn đến công nhân, chuyên gia phải cách ly, gây thiệt hại kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cả sự phát triển kinh tế của các tỉnh thành, thậm chí của vùng kinh tế và cả phạm vi quốc gia.

Chúng ta đã từng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong những quốc gia hiệu quả nhất trong ngăn chặn và khống chế dịch bệnh Covid-19. Do đó, giải pháp lúc này đó là cần phát huy những bài học từ quá trình phòng chống từ các đợt dịch trước đây. Cụ thể là phải thực hiện truy vết thần tốc, phát hiện đến đâu truy vết đến đó và quyết tâm với chiến lược chống dịch hiệu quả và tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đó là ngăn chặn, khoanh vùng, truy vết, cách ly và dập dịch.

Với chính quyền các địa phương có dịch, cần quyết liệt triển khai khoanh vùng dập dịch ngay trong các khu công nghiệp. Cần yêu cầu chủ doanh nghiệp phải đăng ký xét nghiệm cho người lao động, không chỉ một lần mà là định kỳ cho đến khi chấm dứt được hoàn toàn dịch trên địa bàn. Một bài học nữa ở Hải Dương trước đây là chính quyền huyện và ban quản lý các khu công nghiệp tổ chức các đoàn đi kiểm tra doanh nghiệp, có chấm điểm, cương quyết chỉ cho các doanh nghiệp an toàn mới được phép đi vào hoạt động trở lại.

Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động

Đối với công nhân, người lao động, vấn đề phải nghỉ việc do Covid-19 không chỉ là vấn đề biện pháp kỹ thuật về việc làm để phòng chống nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập, sinh kế của người lao động. Với quy định mới cách ly tập trung 21 ngày với F0, 14 ngày với F1, F2 và những khu vực phải phong tỏa do dịch bệnh, công nhân phải nghỉ làm đồng nghĩa sẽ không được doanh nghiệp trả lương, hoàn toàn không có nguồn thu nhập thay thế. Đặc biệt đối với lao động di cư đến từ ngoại tỉnh, lao động có con nhỏ phải nghỉ học, giáo viên các trường tư thục không được đứng lớp, không có việc làm… những khó khăn càng thêm bộn bề chồng chất.

Trong bối cảnh này, biện pháp tốt nhất mà doanh nghiệp có thể bảo vệ người lao động đó chính là tăng cường kiểm soát nội bộ, bảo vệ người lao động như những tài sản giá trị nhất của doanh nghiệp. Phải tăng cường kỷ luật lao động, kết hợp tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, nhận thức, thái độ, hành vi cho người lao động.

Đo thân nhiệt cho công nhân tại Công ty TNHH Hi Fashion Vina (huyện Tân Phú). 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện bảo hộ để vừa nâng cao năng suất lao động, vừa đảm bảo các yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần chia sẻ khó khăn với người lao động bằng việc tuân thủ các chính sách mà nhà nước đã quy định. Theo đó, Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực áp dụng từ 01/01/2021, quy định trường hợp NLĐ phải ngừng việc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm… theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiền lương ngừng việc do NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận với nhau theo quy định sau: (i) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu; (ii) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu vùng thực hiện theo NĐ 90/2019/NĐ-CP áp dụng từ 01/01/2021, dao động trong khoảng 3.070.000 đồng đến 4.420.000 đồng. Nếu doanh nghiệp đảm bảo thực thi được chính sách này, chắc chắn người lao động sẽ thêm gắn bó, tin tưởng, sẵn sàng đồng lòng cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Vai trò chăm lo thiết yếu của tổ chức Công đoàn

Với nhận định tại thời điểm này, cả nước có hơn 32.000 công nhân, lao động là F1, F2 đang bị cách ly, không có việc làm, thu nhập giảm sút nghiêm trọng, cuộc sống hết sức khó khăn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã và đang gấp rút triển khai các chương trình hỗ trợ bằng tiền mặt, chăm lo đời sống... để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động. Ở đợt bùng phát thứ ba (Hải Dương) và thứ tư (Bắc Ninh, Bắc Giang), Công đoàn Việt Nam đã luôn có mặt kịp thời tại các điểm nóng khi xuất hiện tình trạng bùng phát dịch bệnh tại các khu công nghiệp.

Ở Bắc Giang, đối với người lao động phải cách ly, không đến công ty đi làm được do quy định của địa phương, các tổ chức công đoàn cơ sở đã tham gia để doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật. Các cấp Công đoàn ủng hộ các địa phương cách ly, phong tỏa và cấp phát cho công nhân viên chức lao động 478.770 khẩu trang, 8.684 chai nước rửa tay sát khuẩn, 2.110 mặt nạ phòng, chống dịch, 10.000 chiếc quần áo phòng, chống dịch; ủng hộ nhu yếu phẩm (gạo, mì tôm, nước uống, sữa, rau củ quả...) và ủng hộ bằng tiền mặt, tổng trị giá 631.580.000 đồng.

Ở Bắc Ninh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tham mưu với Tổng Liên đoàn đề xuất với Chính phủ quy định về việc chi trả chế độ cho người lao động khi phải cách ly theo quy định bởi hiện nay người lao động khi phải cách ly, không những bị giảm thu nhập nghiêm trọng, còn phải phải chi trả tiền ăn (80.000đ/ người/ ngày), tiền xét nghiệm… Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã tích cực tham gia với người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo, quy định; có phương án kịp thời hỗ trợ người lao động trong các tình huống xảy ra. Cụ thể, các trường hợp F1, F2 phải nghỉ việc cần đảm bảo duy trì thu nhập, hỗ trợ tiền ăn tới các F1 phải cách ly tập trung. Đối với những trường hợp F2 phải cách ly tại nhà cần đảm bảo thu nhập để người lao động yên tâm, tự giác khai báo y tế khi tiếp xúc với các trường hợp F0, F1. Đối với những trường hợp là công nhân lao động ngoại tỉnh có con nhỏ phải nghỉ học, doanh nghiệp cần tạo điều kiện làm việc luân phiên, ca kíp hợp lý hoặc hỗ trợ một phần kinh phí gửi con; điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí làm việc theo ca, kíp, đảm bảo mọi người lao động đều có việc làm, ổn định thu nhập, duy trì cuộc sống, tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc để đảm bảo ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch, nhất là từ nay đến ngày bầu cử.

Ở cấp Trung ương, không kể ba đợt dịch trước, về tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, mỗi công nhân là F0 được hỗ trợ 3 triệu đồng. Các công nhân F1 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 1,5 triệu đồng. Các F2 và công nhân trong khu vực bị phong tỏa cách ly là 500 nghìn đồng. Đối với 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa trong đợt dịch này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng dành 1 tỷ đồng kinh phí công đoàn để hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức (mỗi đơn vị 100 triệu đồng).

Bên cạnh đó, hệ thống Công đoàn Việt Nam đã phát động lời kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ… chung tay, tiếp sức, ủng hộ giúp đỡ cho công nhân, lao động gặp khó khăn vì Covid-19. Ví dụ, Nhà hát kịch Việt Nam đã ủng hộ hàng trăm thùng mì tôm, các nhu yếu phẩm gửi đến các khu vực cách ly hay nơi NLĐ phải nghỉ việc do bị phong tỏa. Ở Bắc Ninh, sau 5 ngày kêu gọi, đã huy động được gần 200 triệu đồng tiền mặt và hiện vật gồm 740 suất quà, dược phẩm, khẩu trang... trị giá 133,5 triệu đồng. 

Công nhân phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” vượt qua đại dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công nhân, viên chức, lao động ở các khu công nghiệp cần tập trung vào 3 yêu cầu chính.

Thứ nhất, phải chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, duy trì nề nếp tác phong công nghiệp. Hình thành tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” trong lao động sản xuất để nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, phát huy sáng kiến sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để vừa duy trì, đảm bảo sản xuất.

Thứ hai, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt tuân thủ triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế về Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Ngoài tự ý thức, công nhân còn cần tổ chức tự theo dõi, tự giám sát lẫn nhau, để phát hiện dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc việc di chuyển đi, đến, đi qua vùng dịch.

Thứ ba, chia sẻ, đồng lòng, tin tưởng vào Nhà nước, các cơ quan Chính phủ, cùng các cơ quan quản lý trong mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt tránh hai trạng thái tâm lý tiêu cực. Một là tỏ ra buồn bã, chán chường, mất động lực lao động. Hai là bị dụ dỗ, lôi kéo, kích động với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, về các chính sách, giải pháp của Nhà nước, về quá trình ứng phó tạm thời với đại dịch của doanh nghiệp./.

TS. Nhạc Phan Linh

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều