Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo

(Mặt trận) - Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Bài viết phân tích thực trạng công tác kiểm tra, giám sát và một số giải pháp của Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cho cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ.

Tình hình công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng trong Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân thành 3 cấp: Đảng ủy Bộ là đảng ủy cấp trên cơ sở; các đảng ủy cơ sở và các chi bộ. Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy định số 215-QĐ/TW. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội đại biểu bầu 29 đồng chí vào Ban Chấp hành; Ủy viên Ban Thường vụ có 9 đồng chí; cơ cấu thường trực có Bí thư, 2 Phó Bí thư, trong đó có 1 Phó Bí thư trường trực chuyên trách. Từ khi Đại hội đến nay, số lượng cấp ủy viên có sự biến động nhất định do một số đồng chí chuyển công tác, tuy nhiên, Đảng ủy Bộ luôn nhanh chóng kiện toàn, đảm bảo đầy đủ số lượng.

Đảng bộ hiện có 7 đảng bộ cơ sở, trong đó: 3 đảng bộ thuộc cơ quan hành chính nhà nước, gồm: Đảng bộ Văn phòng Bộ, Đảng bộ Cục Hợp tác quốc tế và Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng; 3 đảng bộ thuộc đơn vị sự nghiệp, gồm Đảng bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Đảng bộ Học viện Quản lý giáo dục và Đảng bộ Viện Nghiên cứu, Thiết kế trường học; 1 đảng bộ là doanh nghiệp có vốn nhà nước là Đảng bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong 7 đảng bộ trên, có 3 đảng bộ nằm trong cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các đảng bộ khác nằm phân bố trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng số lượng ủy viên Ban Chấp hành các đảng bộ cơ sở là 45 đồng chí; tất cả có trình độ chuyên môn đều đạt từ đại học trở lên. Tính đến tháng 1/2018, trực thuộc 7 đảng bộ cơ sở có 65 chi bộ.

Trong thời gian qua, ý thức được tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy các cấp của Đảng bộ Bộ đã dành sự quan tâm nhất định đến việc nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Đảng ủy Bộ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số  491-NQ/ĐUB ngày 14/7/2017 về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; ban hành Quyết định số 671-QĐ/ĐUB ngày 18/1/2018 về các quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát cho cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Bộ”; tổ chức Hội thi “Tìm hiểu về công tác kiểm tra, giám sát” trong đó có phần thi trắc nghiệm trực tiếp trên máy tính dựa trên phần mềm Kiemtradangtest; tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát; cấp ủy các cấp đã kiểm tra, giám sát được hơn 60 lượt đối với các tổ chức đảng và hơn 200 lượt đảng viên từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay…

Trong khuôn khổ đề tài khoa học “Nghiên cứu phát triển năng lực kiểm tra, giám sát cho cán bộ cấp ủy trong Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo”, đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp trong Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo. Áp dụng bộ tiêu chí vào thực tiễn có thể thấy, năng lực kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng đa số ở mức đạt yêu cầu đề ra.

Những vấn đề đặt ra qua thực tế công tác kiểm tra, giám sát

Từ kết quả khảo sát thực trạng cho thấy, thực tế công tác kiểm tra của cấp ủy thuộc Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo còn những hạn chế sau:

+ Các chi bộ có phân công một đồng chí trong chi ủy phụ trách công tác kiểm tra, giám sát. Không nằm ngoài tình trạng trên, các đảng ủy cơ sở cũng phân công đảng ủy viên phụ trách các đơn vị. Tuy nhiên, với đặc thù cơ quan hành chính nhà nước, 100% cấp ủy làm công tác kiêm nhiệm, không ai được đào tạo chính quy chuyên ngành kiểm tra, giám sát, trong khi công việc chuyên môn đòi hỏi tần suất làm việc cao, dẫn đến việc đầu tư cho công tác kiểm tra, giám sát không nhiều, việc tập huấn về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hoặc nếu có cũng chỉ được tập huấn 1 buổi/nhiệm kỳ. Việc bồi dưỡng, tập huấn chủ yếu là phổ biến văn bản, hướng dẫn của cấp trên, chưa đi sâu phân tích văn bản, vận dụng xử lý các tình huống thiết thực, không đem lại hiệu quả cao.

+ Về xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát: Một số chi bộ, đảng ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Nội dung kiểm tra, giám sát chi ủy tham mưu giúp chi bộ chưa sát với tình hình thực tiễn của đơn vị; chưa tập trung nhiều vào nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, việc thực hiện nhiệm vụ do chi bộ phân công đôi chỗ còn thực hiện kiểm tra, giám sát không đầy đủ chương trình đã đề ra; thực hiện mang tính hình thức.

+ Về tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát: Về trình tự, thủ tục, nhiều chi bộ chưa nắm chắc các bước tiến hành kiểm tra, giám sát vẫn còn tình trạng làm theo kinh nghiệm, không tuân thủ quy trình, thủ tục.

+ Sự nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy theo Điều 30 Điều lệ Đảng còn lúng túng về nhận thức, nội dung, cũng như phương pháp tiến hành. Có đảng ủy báo cáo số lượng cả tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát nhiều, nhưng trên báo cáo thống kê thể hiện sự lúng túng trong xác định đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp tiến hành kiểm tra, giám sát, không phân định được đâu là nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, đâu là nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra.

+ Điều 30 Điều lệ Đảng đã chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng là phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, nhưng kết quả kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy còn hạn chế, mang tính hình thức, thiếu chiều sâu cả về phương hướng chỉ đạo, cũng như quá trình tổ chức thực hiện. Có nơi, có năm cấp ủy chỉ dừng lại ở việc xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát, mà không tiến hành kiểm tra, giám sát, có cấp ủy còn coi đó là nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra. 

Từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng hơn, sẽ tạo ra nhiều cơ hội, thuận lợi; đồng thời, cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngày càng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cần phải tập trung thực hiện quyết liệt hơn, tạo sự chuyển biến rõ rệt để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Do đó, nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của cấp ủy trong Đảng bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong Đảng bộ để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao là một nhiệm vụ cấp bách.

Kiến nghị một số giải pháp

Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã khẳng định: Kiểm tra, giám sát là nội dung quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, cần khắc phục những hạn chế và cần thiết phải có các giải pháp. Căn cứ các quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và thực trạng năng lực kiểm tra, giám sát của đảng ủy viên, cần có các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, những hạn chế về nghiệp vụ.  Tuy nhiên, các giải pháp này không chỉ dành riêng cho từng hạn chế mà nó còn dành cho phát triển cả các năng lực thành phần khác.

Để khắc phục những hạn chế trên, cấp ủy các cấp cần thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Một là, nâng cao nhận thức cho cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát. Để giải pháp này có hiệu quả cao, tránh hình thức thì cấp ủy cần căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị lựa chọn hoạt động. Nâng cao nhận thức của cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát có thể thực hiện qua nhiều hoạt động như: Cấp ủy tổ chức chuyên đề cập nhật thông tin mới; thông tin những vụ việc điển hình về kiểm tra, giám sát có tính chất thời sự, người thật việc thật, có tiếng vang lớn của Đảng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hay những vụ việc điển hình về kiểm tra, giám sát của cấp ủy bất kỳ (kinh nghiệm cho thấy hoạt động này thường được cấp ủy quan tâm, lắng nghe vì tính hấp dẫn và bổ ích, có tính giáo dục cao).

Hai là, lựa chọn nội dung về công tác kiểm tra, giám sát làm nội dung sinh hoạt chuyên đề của chi bộ. Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ, trong đó yêu cầu “Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, tùy điều kiện nhiệm vụ cụ thể, chi ủy cần lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Thực tế cho thấy, nhiều cấp ủy viên chưa hiểu hết chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; chưa nắm vững nhiệm vụ, thẩm quyền của chi bộ hay nhiệm vụ, thẩm quyền của cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Lựa chọn nội dung về công tác kiểm tra, giám sát như tìm hiểu về thẩm quyền của chi bộ trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng… làm nội dung sinh hoạt chuyên đề là hoạt động cần thiết, hữu ích… Để đưa nội dung về công tác kiểm tra, giám sát thành chuyên đề sinh hoạt, đảng ủy cấp trên có thể ban hành kế hoạch, trong đó xác định nội dung cụ thể, chỉ đạo cấp ủy cấp dưới thực hiện hoặc cấp ủy các cấp chủ động lựa chọn nội dung, chuẩn bị kế hoạch, lựa chọn hình thức sinh hoạt chuyên đề phù hợp, hấp dẫn để thực hiện.

Ba là, đổi mới công tác tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, trong đó chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và tổ chức tập huấn cho từng cấp ủy thành các lớp riêng. Thay đổi nội dung tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát chính là khảo sát, căn cứ trên nhu cầu thực tế của đối tượng được tập huấn, xem xét cấp ủy các cấp của Đảng bộ Bộ thiếu, yếu về hoạt động nào, cần tập huấn nội dung gì, trọng tâm là vấn đề gì, từ đó cấp ủy tổ chức hội nghị đặt nội dung cụ thể cho báo cáo viên chuẩn bị.

Bên cạnh việc đổi mới về nội dung, cần thiết phải có sự thay đổi về hình thức tập huấn. Thông thường, cách tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho cấp ủy là mời báo cáo viên cấp trên về truyền thụ kiến thức, đa số là truyền thụ một chiều. Sự thụ động trong lĩnh hội kiến thức cũng là một lý do khiến không hấp dẫn được các học viên. Để đổi mới hình thức tập huấn, nên tăng sự tương tác hai chiều giữa báo cáo viên và người được tập huấn, thay vì chỉ có một chiều người giảng - người nghe; tăng các bài tập tình huống, gắn với thực tế của cơ quan, đơn vị…

Ngoài ra, tổ chức lớp tập huấn riêng cho cấp ủy từng cấp cũng là cần thiết, do nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của chi ủy và đảng ủy có nhiều điểm khác nhau về nội dung thẩm quyền, đối tượng... Căn cứ vào nhiệm vụ, cấp ủy tổ chức tập huấn định hướng nội dung giúp cấp ủy có thêm kiến thức, kỹ năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát là hoạt động cần thiết nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát cho cán bộ cấp ủy các cấp, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu xã hội đặt tổ chức đảng phải thực hiện nhiệm vụ chính trị to lớn của mình. Trong điều kiện cấp ủy kiêm nhiệm tuyệt đối, việc hiểu và thực hiện tốt nghiệp vụ kiểm tra, giám sát là cần thiết hơn bao giờ hết.

Bốn là, cụ thể hóa nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại, xếp thi đua - khen thưởng đối với các tổ chức đảng và cấp ủy định kỳ hàng năm. Tiêu chí cần cụ thể, mang tính định lượng, trong đó lấy tỷ lệ hoàn thành khối lượng, tiến độ và hiệu quả công việc, kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát... làm thước đo đánh giá cấp ủy viên và tổ chức đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nên xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá thi đua từ đầu năm, coi đó là cơ sở để theo dõi, đánh giá cả quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cho cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Bộ. Trong thực tế, cấp ủy thường là lãnh đạo đơn vị, vừa bận rộn, vừa có tâm lý ngại tham gia các cuộc thi, nên thường cử đảng viên trong chi bộ tham gia. Để khắc phục được hạn chế này, khi xây dựng kế hoạch, thể lệ cuộc thi thì tổ chức đảng tổ chức cuộc thi, cần xác định rõ đối tượng chính tham gia thi là cấp ủy. Việc tổ chức các cuộc thi cũng cần đa dạng về nội dung, hấp dẫn về hình thức. Thay vì hình thức viết bài dự thi, Đảng ủy Bộ tiếp tục tổ chức hội thi tìm hiểu về công tác kiểm tra, giám sát theo hình thức trắc nghiệm trực tiếp trên máy tính và thi giải quyết tình huống thực tế của cơ quan, đơn vị. Tổ chức hội thi tìm hiểu cũng là giải pháp hữu ích, thiết thực, hấp dẫn để nâng cao được năng lực kiểm tra, giám sát cho cấp ủy.

Sáu là, cấp ủy tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện các quy trình, văn bản hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát phù hợp với tình hình thực tế của Đảng bộ, đúng thẩm quyền.

Vũ Thị Hạnh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều