Một số nhóm giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hơn 10 năm qua cho thấy, phụ nữ đã có rất nhiều đóng góp tích cực, đặc biệt là trong phát triển giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Trên cơ sở khảo sát thực tiễn, bài viết khẳng định, phụ nữ đóng một vai trò nòng cốt, quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới bằng những cách làm hay và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; đồng thời đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến dự lễ bàn giao máy lọc nước tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang, tháng 12/2018. 

Nâng cao nhận thức của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Thứ nhất, bản thân phụ nữ cần xác định vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.

Thực tế cho thấy, trong xây dựng nông thôn mới, trên mỗi con đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, những gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc hay những mô hình kinh tế... đều có sự tham gia tích cực của người phụ nữ. Vì thế, để phát huy tối đa vai trò của mình, phụ nữ cần chủ động, tự giác tích cực hơn nữa trong các phong trào thi đua như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với phong trào “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" nhằm nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong hành động, không ngừng tiến bộ trong lao động sản xuất, trong rèn luyện phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và ý chí phấn đấu vươn lên để khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ, phát triển, phát huy thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời nâng cao hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân và phụ nữ tham gia quá trình xây dựng nông thôn mới.

Về nội dung tuyên truyền

Một là, cần tuyên truyền thay đổi nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ lãnh đạo, hội viên, phụ nữ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, nhất là ở một số địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính cao như: Đắk Nông (106,4 nam/100 nữ), Lạng Sơn (104,5 nam/100 nữ), Bắc Kạn (104 nam/100 nữ)…1, phòng chống bạo lực trong gia đình; kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội… Nhằm tạo sự thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới.

Hai là, tập trung tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân, phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò người vợ, người mẹ, “người thầy đầu tiên” trong tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con tốt.

Ba là, để công tác tuyên tuyền đạt hiệu quả, cần tăng cường vận động hội viên, phụ nữ tham gia các phong trào do Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phát động. Thường xuyên tham gia sinh hoạt chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ; nghe nói chuyên đề; tham gia các cuộc thi tìm hiểu, các hội thi; các buổi hội thảo, tọa đàm; biểu dương gương người tốt, việc tốt… Các cấp Hội Phụ nữ cần tăng cường động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực học tập nâng cao trình độ, nhận thức.

Bốn là, cần tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ nữ tích cực học tập, nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong lao động, sản xuất, kinh doanh... nhằm tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bền vững. Để khuyến khích phụ nữ nông thôn lập nghiệp, phát triển kinh doanh, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, mô hình đào tạo nghề. Thực hiện công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề, việc làm đối với người lao động, nhất là lao động nữ ở nông thôn.

Về hình thức tuyên truyền

Để những nội dung của Chương trình dễ hiểu, dễ nhớ, điều quan trọng là cần có những biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” bằng tài liệu, sách báo và qua hệ thống loa phát thanh của xã, thôn, xóm; tuyên truyền gương người tốt việc tốt, cách làm hay, mô hình tốt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, học và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, vì “Phát huy là làm cho cái hay, cái tốt tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở thêm”2 tức là làm cho những cái tốt, cái đẹp ngày một lan tỏa để lấn át những cái ác, cái xấu. Mặt khác, cũng cần bảo tồn - nghĩa là “giữ lại không để cho mất đi”3, nhân rộng điển hình tiên tiến, tiêu biểu. Hơn nữa, hình thức tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt định kỳ của chi hội phụ nữ (4 kỳ/năm) cần được thực hiệu quả hơn nữa.

Tiếp nữa, cần đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nhận thức cho phụ nữ về ứng dụng khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất hiện đại.

Thực trạng có tới 81,6% lao động nữ chưa qua đào tạo đã dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp thu các kiến thức khoa học - kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất. Vì vậy, để phụ nữ thực sự làm chủ quá trình sản xuất, cần tạo điều kiện cho phụ nữ học tập nâng cao trình độ, kiến thức khoa học và công nghệ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn; bằng cách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản. Cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động kinh tế nông thôn, tập huấn sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm phát huy sức lực, trí tuệ và sự sáng tạo của phụ nữ trong lao động. Đây là giải pháp hàng đầu, mang tính lâu dài nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới một cách tối đa. Để thực hiện tốt giải pháp này cần xây dựng những khung chương trình đào tạo, tập huấn cụ thể, chất lượng; trong đó, cần xác định đúng đối tượng, nội dung và phương pháp tập huấn cho phù hợp với đặc thù ngành nghề, điều kiện hoàn cảnh địa phương.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ.

Để có nguồn nhân lực nữ đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trước hết, cần xây dựng chính sách phù hợp, thuận lợi để tạo điều kiện cho phụ nữ yên tâm cống hiến. Chiến lược tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực nữ phải dựa trên quy hoạch tổng thể trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia, trên cơ sở xác định những ngành, những lĩnh vực phù hợp để phát huy được thế mạnh của phụ nữ. Cần có những chính sách ưu tiên cụ thể khuyến khích tài năng nữ phát triển để họ vừa hoàn thành tốt các công việc xã hội, vừa thực hiện tốt công việc gia đình. Đặc biệt, phải có tỷ lệ nhất định phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các cấp.

Khi thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, cần ý thức sâu sắc được rằng, phát huy vai trò của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, tăng cường công tác cán bộ nữ là một trong những nội dung của nhiệm vụ giải phóng phụ nữ. Thông thường phụ nữ phải mất trung bình khoảng 10 - 15 năm tập trung dành thời gian nuôi con nhỏ. Vì thế, cần phân chia chương trình đào tạo thành những khoá ngắn ngày, tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho học viên nữ trong thời gian học tập trên cơ sở quán triệt để họ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong suốt quá trình học tập.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nội dung mang tầm chiến lược. Vì thế, bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cần chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho phụ nữ để phục vụ công tác tốt hơn, tránh chạy theo bằng cấp, chứng chỉ hay chỉ để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh... Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ nữ sau khi được đề bạt, bổ nhiệm có tư tưởng cầm chừng, ít chuyên tâm tới nhiệm vụ chuyên môn, hoặc chưa thường xuyên tự giác học tập nâng cao trình độ.

Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đa dạng hóa các nguồn lực nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là phụ nữ nghèo, cận nghèo.

Cần không ngừng huy động các nguồn lực từ cộng đồng và đẩy mạnh hoạt động mô hình câu lạc bộ “Nữ doanh nhân” để hỗ trợ nữ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, kiến thức quản lý doanh nghiệp, đăng ký sở hữu trí tuệ... để mở rộng, đầu tư phát triển sản xuất, ngành nghề, kinh doanh - dịch vụ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Để các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có điều kiện phát triển kinh tế, cần huy động nhiều nguồn lực: Xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Hướng dẫn phát triển mô hình ngành nghề phụ, vận động phụ nữ tham gia các lớp dạy nghề tại địa phương.

Mặt khác, cần tiếp tục rà soát và tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn phát triển kinh tế; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương nâng mức vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Việc bình xét cho vay tại các tổ, thôn, xóm cần đảm bảo công khai, dân chủ và đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư, chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực cho nhóm phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn, nơi thu hồi đất nông nghiệp, hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới, ổn định cuộc sống; dạy nghề, tư vấn việc làm; hỗ trợ tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tập trung rà soát, nắm bắt số hộ nghèo, tạo điều kiện để phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo được vay vốn với mức cao hơn với lãi xuất ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Thứ ba, đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ phát huy vai trò của mình trong xây dựng và thực hiện chính sách trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội.

Trên lĩnh vực kinh tế: Các cấp sở, ban, ngành cần tiếp tục thực hiện “Mục tiêu thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm”, “Chiến lược bình đẳng giới”, trong đó thực hiện mục tiêu tổng quát là ổn định và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ. Trong đó lĩnh vực kinh tế - lao động, việc làm được nêu lên hàng đầu, cụ thể là đảm bảo việc làm đi đôi với xóa đói giảm nghèo, tăng cường thúc đẩy thực hiện chính sách đối với lao động nữ, tăng cường đào tạo tay nghề và khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế cho phụ nữ…

Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được hưởng ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật. Lao động nữ khu vực nông thôn cần được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

Tích cực đổi mới phương thức hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bằng cách tập trung xây dựng các mô hình liên kết, liên doanh giúp phụ nữ tiếp cận với thị trường, sản xuất hàng hóa. Tập trung hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tùy tình hình thực tế có thể phát triển các làng nghề truyền thống - ngành, nghề có thế mạnh của địa phương, đặc biệt là những vùng có ngành nghề truyền thống gắn liền với bàn tay khéo léo của phụ nữ như nghề nón lá, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa…

Muốn làm được điều đó cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách kinh tế vùng miền để tận dụng lợi thế, thu hút và giải quyết việc làm cho lao động, trong đó có lao động nữ. Hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh giao lưu, hội nhập. Quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nữ, nhất là ở khu vực nông thôn thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn, vệ sinh lao động.

Trên lĩnh vực chính trị: Thực hiện nguyên tắc bình đẳng về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm. Thực tế, việc quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới 5 tuổi đã kéo độ tuổi quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm của nữ dừng ở tuổi 50. Hiện nay, Trung ương đã quy định kéo dài tuổi công tác (tiếp tục được giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) nhưng chỉ áp dụng đối với một nhóm đối tượng rất nhỏ là các nữ thứ trưởng và tương đương trở lên: nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học (mà không giữ chức vụ). Cần chủ động phát hiện, giới thiệu, tham mưu trong công tác cán bộ từ công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ trên cơ sở đảm bảo yêu cầu, khả năng hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tạo nguồn cán bộ nữ và bảo đảm chất lượng. Trong các tổ chức Đảng, mỗi cấp ủy viên phải có trách nhiệm phát hiện, đánh giá, giới thiệu nguồn cán bộ nữ để đưa vào quy hoạch. Bảo đảm tỷ lệ nữ trong quy hoạch phải tương ứng với tỷ lệ nhân lực nữ và tỷ lệ đảng viên nữ trong cơ quan, đơn vị. Việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng cán bộ cũng phải tuân thủ cơ cấu tỷ lệ trên. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu tiên, khuyến khích, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ nữ trong quá trình phấn đấu.

Mặt khác, cần nâng cao vị thế và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong việc xây dựng và bảo vệ quyền lợi cho giới nữ. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức này đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, để tiếng nói của họ có trọng lượng hơn.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tiếp tục phát triển giáo dục - đào tạo, tăng cường đào tạo, từ dạy nghề đến đại học cho nữ giới ở các độ tuổi, sao cho tỷ lệ nữ được học đạt xấp xỉ so với nam giới (vào cuối năm 2020). Phụ nữ cần được bình đẳng trong hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin; trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế; trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.

 Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng các mô hình sinh hoạt tổ nhóm hoặc câu lạc bộ phụ nữ; tổ chức các diễn đàn trao đổi về bình đẳng giới; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu luật... nhằm thu hút, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nam giới về bình đẳng giới. Trong đó, tập trung vào các nội dung như chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi giữa vợ và chồng, đặc biệt là vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục con cái, phòng chống bạo lực gia đình. Khuyến khích phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, quan tâm, ủng hộ giúp đỡ những phụ nữ khó khăn, yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời ủng hộ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo gắn với phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới.

Đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị

Thứ nhất, củng cố tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính nói chung và chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng đòi hỏi chúng ta phải tinh lọc, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị. Cần thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả dựa vào tình hình thực của từng địa phương.

Để phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ, phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cán bộ, người đứng đầu phải luôn gương mẫu, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Từng bước khắc phục biểu hiện “hành chính hóa”, “công chức hóa” cán bộ. Đa dạng hóa nội dung hoạt động nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thiết thực của phụ nữ. Đổi mới công tác chỉ đạo, lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Tổ chức Hội Phụ nữ các cấp, nhất là ở cơ sở cần thực hiện tốt quyền làm chủ, đấu tranh bảo vệ những lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình. Vì vậy, Hội Phụ nữ các cấp cần chủ động phối hợp với các ngành tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho công tác phụ nữ được thực hiện tốt.

Cùng với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách, các cấp Hội cần đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước và quản lý tài chính. Chủ động và tự chủ thực hiện tốt kinh phí khoán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Tăng cường đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Hội theo Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội”.

Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, vận động; giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền để phát huy vai trò phụ nữ đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Đối với công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của phụ nữ về xây dựng nông thôn mới, cần đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền như: Tập huấn, hội thảo, hội thi... để thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể tạo sự đồng bộ trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình; kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt; giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ tuổi vị thành niên.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng đóng góp công sức, kinh phí xây dựng công trình xử lý rác thải, phòng, chống ô nhiễm môi trường; xây dựng trạm y tế đạt chuẩn, nhà văn hóa thôn, xóm.

Đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện giám sát, phản biện đảm bảo đúng nguyên tắc. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực giám sát, phản biện cho cán bộ Hội. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội. Đồng thời, tổ chức đối thoại định kỳ hằng năm giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp với cán bộ, hội viên phụ nữ. Thực hiện tốt Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên”. Hơn nữa, cần chú trọng đầu tư cho công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo, thu hút sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, tư vấn làm cơ sở cho giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp với toàn bộ hệ thống chính trị để tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tốt vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới.

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phải chủ động căn cứ Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong từng giai đoạn để đề ra những kế hoạch, chương trình nâng cao chất lượng sống cho chị em phụ nữ. Để công tác phối hợp được hiệu quả thì Ban Chỉ đạo các cấp Hội cần được liên tục kiện toàn, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để địa phương thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện cần linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương và có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải gây lãng phí.

Để thực hiện những tiêu chí khó như tiêu chí môi trường, văn hóa…, các cấp Hội cần tăng cường thông tin phối hợp giữa các sở, ngành. Thường xuyên giao ban, giải quyết linh hoạt và đúng nguyên tắc các kiến nghị của phụ nữ ở địa phương. Phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, tránh chồng chéo. Từ đó, Hội sẽ có những kế hoạch và chương trình để cụ thể hóa đường lối, chủ trương đã đề ra. Đồng thời, có trách nhiệm tham mưu, giám sát, phản biện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trên thực tế, việc thực thi các tiêu chí (nhất là các tiêu chí có sự tham gia tích cực của nhiều phụ nữ như văn hóa, trường học, môi trường, y tế, thu nhập, giảm nghèo...) là hết sức khó khăn. Do đó, Hội Phụ nữ cần chủ động tham mưu cho các sở, ngành để có những chính sách đặc thù gắn với điều kiện cụ thể của địa phương. Chẳng hạn, cơ cấu huy động nguồn vốn cần phải linh hoạt hơn, cơ cấu vốn đầu tư từ Nhà nước phải chiếm tỷ lệ cao hơn, giảm gánh nặng từ phía người dân, nhất là nhóm phụ nữ nghèo.

Thứ tư, nâng cao năng lực công tác cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.

Để phát huy vai trò của người phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân… theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp.

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, đặc biệt là đội ngũ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã, các chi, tổ trưởng phụ nữ nhằm phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp. Chủ động phát hiện, giới thiệu, tham mưu với cấp ủy, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tạo điều kiện phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ nữ cơ sở, đồng thời quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ nữ, phát triển đảng viên nữ nhằm tăng tỷ lệ cán bộ nữ.

Bên cạnh đó cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ hội viên các cấp, nhất là cán bộ Hội trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới.

Trần Hải Hà

TS, Học viện Cán bộ TP.HCM

Chú thích:

1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, Nxb. Thống Kê, tháng 12/2019.

2,3. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng. 1997, tr.742, 37.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều