Một số quy định mới về MTTQ Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

(Mặt trận) - Ngày 17/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào Chủ nhật (ngày 23/5/2021). Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để tổ chức cuộc bầu cử. Ở nước ta, trước mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Quốc hội đều tiến hành sửa Luật Bầu cử. Tuy nhiên, ở kỳ bầu cử lần này Quốc hội không sửa đổi Luật Bầu cử, mà chỉ ban hành những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cho phù hợp với thời điểm tổ chức ngày bầu cử.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo quy định của pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia cuộc bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Liên quan trực tiếp đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì ngoài Luật Bầu cử, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có các hướng dẫn cụ thể quy định tại:

(1) Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung (gọi tắt là Nghị quyết số 1186).

(2) Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (gọi tắt là Nghị quyết liên tịch số 09).

(3) Thông tri số 13 /TTr-MTTW-BTT ngày 19/1/2021 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (gọi tắt là Thông tri số 13).

(4) Thông tri số 12/TT-MTTW-BTT ngày 18/1/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử

Về cơ bản, những quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử không thay đổi. Thực tế các kỳ bầu cử vừa qua cho thấy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp để thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Để nâng cao vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Thông tri số 13 /TTr-MTTW-BTT đã cụ thể hóa hơn trách nhiệm của các tổ chức này. Theo đó, căn cứ vào cơ cấu, thành phần, số lượng của các tổ chức phụ trách bầu cử được quy định tại mục 2 Chương 3 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cử đại diện lãnh đạo tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; bảo đảm đủ cơ cấu, thành phần của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Đối với các địa phương không có đơn vị hành chính cấp xã, việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/1/2021 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tổ chức các hội nghị hiệp thương

So với các quy định của kỳ bầu cử năm 2016 thì các bước của quy trình hiệp thương không thay đổi. Để nâng cao chất lượng của các hội nghị hiệp thương, đảm bảo nguyên tắc dân chủ thì Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN còn quy định thêm về trường hợp những người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri và hướng dẫn về số dư người ứng cử.

Việc không đưa vào danh sách để hiệp thương đối với những trường hợp người ứng cử không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi công tác hoặc nơi làm việc, nơi cư trú. Nội dung này được thể hiện tại 4 điều của Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN, đó là:

+ Khoản 3 Điều 9: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác.

+ Khoản 3 Điều 14: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác.

+ Khoản 1 Điều 26: Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo bằng văn bản để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. Trường hợp đặc biệt ở đây là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị...

Về số dư người ứng cử, Nghị quyết liên tịch số 09 và Thông tri số 13 đã bổ sung hướng dẫn cụ thể về số dư người ứng cử để làm cơ sở cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức lưu ý trong quá trình giới thiệu, hiệp thương, tránh tình trạng tại các hội nghị hiệp thương lần thứ hai, thứ ba không có đủ số dư người ứng cử để hội nghị xem xét lựa chọn. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động đề nghị và thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp dự kiến phân bổ giới thiệu người ứng cử để danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 Điều 57 và khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc quy định cần có số dư là cần thiết. Để đảm bảo số dư tối thiểu trong danh sách người ứng cử theo quy định tại khoản 6 Điều 57 và khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử thì Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN đã bổ sung quy định tại 4 điều. Theo đó, khoản 4 Điều 25 và khoản 2 Điều 27 của Nghị quyết liên tịch quy định có tính nguyên tắc là phải có số dư lớn hơn quy định trước khi trình ra hội nghị hiệp thương lần ba. Còn trước hội nghị hiệp thương lần hai không nên quy định cụ thể, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc "đảm bảo số dư cần thiết" (khoản 4 Điều 17 và khoản 2 Điều 19) để tăng cường tính chủ động, linh hoạt của các cấp tổ chức hiệp thương. Các cấp ủy, chính quyền và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương để lập danh sách người ứng cử sao cho số dư cuối cùng trước hội nghị hiệp thương lần ba phải bảo đảm lớn hơn luật định.

Tổ chức hội nghị cử tri

Việc tổ chức hội nghị cử tri thực hiện theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN; Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần bảo đảm: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cư trú thường xuyên tại địa phương; phối hợp với các đoàn thể nhân dân thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nghị cử tri, quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia hội nghị cử tri; bảo đảm cơ sở vật chất, chỗ ngồi cho cử tri; thông báo đầy đủ, sớm trước 5 ngày về người ứng cử, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị cử tri, thông tin tóm tắt tiểu sử của người ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết; bảo đảm cử tri đến tham dự đúng thành phần, đủ số lượng theo quy định tại Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử

Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử trong các kỳ vừa qua còn một số vướng mắc như Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri, số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của người ứng cử không đồng đều, thời gian vận động bầu cử ở mỗi địa phương là khác nhau. Vì vậy, trong Thông tri số 13/TT-MTTW-BTT đã có những hướng dẫn cụ thể. Theo đó:

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp đặc biệt do điều kiện khách quan mà Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chủ trì, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phải cử cán bộ của mình tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm chủ động nắm tình hình và bảo đảm cho hội nghị tiếp xúc cử tri được thực hiện an toàn, đúng luật.

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện các nội dung: Xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri; Thông báo kịp thời bằng văn bản ít nhất trước 7 ngày cho những người ứng cử về thành phần, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để người ứng cử chủ động sắp xếp thời gian, liên hệ với địa phương tổ chức hội nghị về việc tham dự.

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần có sự thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp về số cuộc tiếp xúc cử tri, trên cơ sở đó thông báo cho người ứng cử để người ứng cử chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất là 10 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 28/4/2021) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24h (trước 7h00 ngày 22/5/2021).

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành chung một thời điểm, nhiều việc phải tiến hành đồng thời, việc triển khai rất khẩn trương. Do đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần nắm vững quy định của pháp luật, bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban bầu cử địa phương để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử.

Phùng Thị Ngọc Yến

ThS, Ban Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều