Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quản trị quốc gia trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam

Đại dịch COVID-19 đặt ra cho nhân loại nhiều vấn đề đáng suy ngẫm, trong đó có sự thử thách đối với sự phù hợp, tính bền vững, khả năng ứng phó của các chế độ chính trị.
 Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 từ các doanh nghiệp.
“Với tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản”(1), có thể khẳng định thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 là minh chứng hùng hồn cho sự ưu việt của chế độ ta, trong đó có sự lãnh đạo sát sao của Đảng, chỉ đạo hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đây là các yếu tố mà cộng đồng quốc tế phải thừa nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, một số thế lực phản động vẫn cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “ăn may” hoặc “giấu dịch”. Một số nhà phân tích và bình luận phương Tây, với định kiến vốn có về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và các Đảng Cộng sản, cho rằng Việt Nam vận dụng “chế độ độc đảng toàn trị” nên dễ dàng thắt chặt kiểm soát, khoanh vùng dịch bệnh, đồng thời nhân dịp này kiểm soát truyền thông, báo chí, dư luận. Thoạt tiên, truyền thông các nước nói nhiều hơn đến các “nền dân chủ” thành công trong chống dịch như Hàn Quốc, Singapore… Đồng thời, họ cho rằng các nước Đông Á với tư duy Khổng giáo có thuận lợi về chính trị và xã hội hơn các nước phương Tây trong phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tiễn diễn ra ở các nước Đông Á và tại Việt Nam đã chứng minh nước ta có những đặc thù riêng, và cách làm của Việt Nam cuối cùng đã thuyết phục được cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới đang phải tái tư duy về mô hình quản trị quốc gia cũng như quản trị toàn cầu thời kỳ hậu COVID-19, thành công của Việt Nam chứng minh rằng mô hình quản trị hiệu quả cần phải lấy mục tiêu tối thượng là nhân dân, đồng thời phải hết sức coi trọng thực tiễn, đặc thù lịch sử - văn hóa, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Soi chiếu tính hiệu quả của mô hình quản trị Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 với các tiêu chí của “quản trị quốc gia tốt” do Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã thực sự phát huy được tính ưu việt của chế độ XHCN, vận hành hiệu quả hệ thống chính trị phục vụ các mục tiêu của đất nước.

8 TIÊU CHÍ QUẢN TRỊ TỐT VÀ SỰ ỨNG DỤNG Ở VIỆT NAM TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã phơi bày sự yếu kém của quản trị toàn cầu - “tập hợp các thể chế, quy định, chuẩn tắc và dàn xếp pháp lý nhằm quản lý quan hệ giữa các quốc gia và tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực vấn đề khác nhau”(2). Khi những kỳ vọng về “quản trị toàn cầu” để xử lý thách thức toàn cầusuy giảm, “quản trị quốc gia” đã thể hiện được tầm quan trọng trong việc xử lý khủng hoảng với một số mô hình quốc gia xử lý, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, toàn diện.

Khái niệm quản trị quốc gia đã xuất hiện từ những năm 1970. Xét một cách đơn giản, quản trị quốc gia (national governance) là thông qua các thể chế chính thức hoặc phi chính thức để kiểm soát, quản trị các nguồn lực của đất nước(3). Từ những năm 1990, quản trị quốc gia tốt (good governance) ngày càng được đề cập nhiều hơn. Hiện nay, có nhiều định nghĩa về quản trị quốc gia tốt từ các tổ chức kinh tế, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại đều mang 8 đặc điểm/tiêu chí căn bản: 1) “sự tham gia (participatory); 2) định hướng đồng thuận (consensus oriented); 3) trách nhiệm giải trình (accountable); 4) sự minh bạch (transparent); 5) sự kịp thời (responsive); 6) tính hiệu lực (effective) và hiệu quả (efficient); 7) tính bình đẳng và không loại trừ chủ thể nào (equitable and inclusive); 8) tuân thủ pháp quyền (follows the rule of law)(4). Trên thực tế, việc đánh giá thể chế các quốc gia thông qua 8 tiêu chí quản trị tốt còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, một số nhấn mạnh và có xu hướng thiên về nhân quyền, đa nguyên…. Một số khác đòi hỏi việc ứng dụng phải phù hợp với đặc thù của mỗi quốc gia.

ỨNG DỤNG THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI 8 TIÊU CHÍ QUẢN TRỊ QUỐC GIA TỐT

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia đã thể hiện năng lực ứng phó và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, được thế giới đánh giá cao. Thậm chí, truyền thông và các chuyên gia quốc tế còn cho rằng Việt Nam là “một hình mẫu trong cuộc chiến chống COVID-19 với chi phí thấp”(5). Xem xét theo 8 tiêu chí quản trị tốt, có thể thấy Việt Nam đã vận dụng nhuần nhuyễn và phù hợp thực tiễn của đất nước để đạt được và thậm chí vượt hơn các tiêu chí quốc tế.

Một là, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc (sự tham gia - participatory).

Ngay từ những ngày đầu khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã sớm xác định được chiến lược cụ thể để kịp thời ứng phó với dịch COVID-19. Là một nước có đường biên giới sát với Trung Quốc - nơi bùng phát dịch COVID-19, nhưng Việt Nam không hề bị bất ngờ, đã chủ động huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trên toàn quốc cùng phòng chống dịch. Hàng loạt văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ được ban hành, nhiều phương án, biện pháp phòng chống được triển khai nhằm nhắc nhở người dân mức độ nguy hại của dịch bệnh, đồng thời nâng cao nhận thức và sự đồng thuận, thống nhất giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương(6).Cùng với đó, Đảng và Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Các hoạt động phòng chống dịch không chỉ được thực hiện bởi ngành y tế, mà còn có sự tham gia của lực lượng vũ trang, ngành ngoại giao, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương. Với mục tiêu rõ ràng “vì sức khỏe của nhân dân”, các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ được nhân dân ủng hộ, chung tay thực hiện. Người dân không chỉ trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch mà còn chủ động đẩy mạnh hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội mà Đảng và Chính phủ đề ra. Các tờ báo nước ngoài, chẳng hạn như nhật báo Hampshire của Mỹ ngày 11/5, đã có những nhận xét về sự tham gia nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ của Việt Nam từ lãnh đạo, đến các ban ngành và tới nhân dân(7). Báo The Nation nhận xét, do sự huy động hàng loạt tất cả các nguồn lực, không gì lạ khi chính phủ gọi chiến dịch chống dịch COVID-19 là “Cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 2020”.

Hai là, Việt Nam đã tạo ra khuôn khổ hành lang pháp lý và thể chế đối phó với dịch bệnh, đồng thời nhấn mạnh bảo vệ quyền con người - (follows the rule of laws).

Để đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đã có khung pháp lý và thể chế tương đối đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả. Về pháp lý, có thể khẳng định, các chỉ đạo, bước đi trong công tác lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đều dựa trên cơ sở đánh giá thực tiễn và luật pháp (đơn cử là Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ 1/7/2008.). Về thể chế, Ban Chỉ đạo quốc gia được thành lập và được xem cơ quan chỉ đạo cao nhất cho chiến dịch phòng chống COVID-19 với phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Trong thời gian đối phó với đại dịch COVID-19, Nhà nước đã đưa ra nhiều văn bản cấp thiết đối với tình hình, trong đó có Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch bệnh trên cả nước, đồng thời bắt buộc thực hiện các quy định trong các văn bản, chỉ thị của Thủ tướng(8). Các văn bản này được xác định là văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc mọi người phải tuân theo, áp dụng trên phạm vi cả nước, người nào vi phạm các quy định thì phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp địa phương theo thẩm quyền của mình cũng đưa ra những quyết định để người dân nghiêm chỉnh thực hiện. Chẳng hạn, đầu tháng 4/2020, Sở Tư pháp Hà Nội đã công bố mức phạt đối với những hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19, mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng hoặc có thể bị xử lý hình sự. Có thể thấy rằng, những khuôn khổ được đưa ra cùng với những hình thức xử lý vi phạm phù hợp với pháp luật và yêu cầu chống dịch đã tạo nên thói quen tốt cho người dân trong nước để đối phó với tình hình dịch bệnh. Trên thực tế, việc thi hành của người dân luôn được theo sát chặt chẽ, và đa số người dân luôn tuân thủ đúng quy định.

Đồng thời, với mục tiêu vì sức khỏe, tính mạng nhân dân, Việt Nam đã dành ưu tiên cao nhất cho quyền con người, đặc biệt “quyền được sống”, trong đó quan tâm đầy đủ đến các cộng đồng thiểu số thông qua những biện pháp rất nhân văn. Chính phủ đã cung cấp nhiều chuyến bay để đưa người Việt ở nước ngoài về Tổ quốc. Người lao động trong nước được quan tâm sâu sắc thông qua những chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó, cắt giảm nhiều lệ phí để tạo điều kiện cho người lao động. Nhiều biện pháp hỗ trợ được ban hành và nhanh chóng đi vào cuộc sống, trong đó có những sáng kiến hay, cử chỉ đẹp như máy ATM phát gạo từ thiện dành cho người nghèo được đặt ở nhiều nơi.

Ba là, mọi thông tin liên quan đến dịch COVID-19 và hoạt độngphòng, chống dịch của chính phủ được công bố đầy đủ, cập nhật, rõ ràng, dễ truy cập và dễ hiểu đối với mọi người dân – (Transparent).

Một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới sự thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam chính là việc thông báo đầy đủ, chính xác về hoạt động phòng, chống và số ca nhiễm, số ca điều trị khỏi. BBC từng đưa tin các số liệu về COVID-19 do chính phủ Việt Nam công bố thấp tới mức nhiều người nghi ngờ liệu các con số này có chính xác hay không. Thậm chí, Reuters còn đi thăm dò các nhà tang lễ để xem có số người chết tăng vọt hay không. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh sự minh bạch, chính xác trong thông tin mà Việt Nam đưa ra. Giới ngoại giao và y tế quốc tế đều nhất trí cho rằng, không có lý do gì để đặt nghi vấn về vấn đề này(9).  Theo Huong Le Thu, nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, các tổ chức quốc tế, các nhà dịch tễ học nước ngoài, thậm chí Đại sứ Australia tại Hà Nội đều tin tưởng vào các số liệu của Việt Nam. Rõ ràng Việt Nam đã đề cao tính minh bạch trong cung cấp thông tin đến người dân(10).

Về mặt nhận thức, Việt Nam nhận thức rõ yếu tố quan trọng trong phòng chống dịch là thông tin phải minh bạch để người dân không hoang mang. Bưng bít thông tin sẽ dẫn tới kém hiệu quả trong phòng chống dịch.Về mặt triển khai, ngay từ đầu, chính phủ Việt Nam đã truyền đạt rộng rãi tới người dân về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, khẳng định rõ: COVID-19 không chỉ là một bệnh cúm, mà là một căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng, vì vậy mọi người được khuyên không nên tự gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.

Không chỉ thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình dịch bệnh cho người dân và quốc tế, Việt Nam còn sáng tạo các phương thức truyền thông mới. Hàng ngày, các bộ phận khác nhau của chính phủ Việt Nam - từ lãnh đạo đến Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và chính quyền địa phương - đều nhắn tin cho công dân. Chi tiết về các triệu chứng nhiễm bệnh và biện pháp bảo vệ được truyền đạt qua văn bản đến điện thoại di động trên cả nước. Chính phủ cũng đã hợp tác với các dịch vụ mạng xã hội như Zalo, Facebook… để cập nhật thông tin. Các thành phố treo áp phích nhắc nhở người dân nâng cao ý thức trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

Bốn là, Việt Nam có những quyết sách nhanh chóng, kịp thời và quyết liệt - (responsive).

Thành công của Việt Nam trong việc đối phó với đại dịch được cho là nhờ một số biện pháp quyết đoán. Ngay từ đầu và suốt trong thời gian chống dịch, Việt Nam đã có những chỉ thị, quy định kịp thời từ Trung ương đến địa phương với nhiều biện pháp toàn diện và triệt để. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ Việt Nam đưa ra những chỉ thị, nghị định, mang tính hành động nghiêm khắc, quyết liệt. Ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra; ngày 16/3/2020, yêu cầu tất cả mọi người thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người; ngày 18/3/2020, Thủ tướng quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch; ngày 31/3/2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch COVID-19, theo đó cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày. Ngày 15/4, khi lệnh cách ly kết thúc, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu 28 tỉnh, thành phố có “nguy cơ cao” và “nguy cơ” tiếp tục cách ly xã hội ít nhất đến hết ngày 22/4/2020. Sau ngày 22/4, số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam liên tục không tăng, lệnh dỡ bỏ cách ly được thông qua. Tuy nhiên mọi tình hình hoạt động vẫn đặt trong kiểm soát, ngày 24/4/2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Đất nước chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế xã hội(11). Đồng thời, để an dân, đẩy mạnh tinh thần chống đại dịch, cũng như đẩy lùi những khó khăn về mặt kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành những chính sách, nghị định về hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống nhân dân và phát triển doanh nghiệp; Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nếu như so với nhiều quốc gia khác, khi dịch bệnh bùng phát mới ban hành các chỉ thị, quy định về phòng chống dịch bệnh thì Đảngvà Nhà nước Việt Nam đã hành động quyết liệt ngay từ đầu cùng những biện pháp mang tính bắt buộc thi hành. Việc ban hành nhanh chóng, kịp thời và đúng đắn những quy định mang tính pháp luật đã đáp ứng được mức độ phát triển của dịch bệnh tại Việt Nam. Ngoài việc đáp ứng quy định về phòng, chống dịch bệnh lây lan, Việt Nam còn ban hành những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân yên tâm chống dịch, điều này cũng tạo đà cho việc đẩy lùi dịch bệnh trên phạm vi cả nước, là biện pháp trấn an tinh thần cho người dân và doanh nghiệp. Ở một số quốc gia kiểm soát dịch tốt cũng nhờ ban hành triệt để các quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh, như Ấn Độ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc,… Tuy nhiên, việc có những chính sách hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì vẫn chưa kịp thời và rõ ràng như Việt Nam.

Năm là, Việt Nam đã tạo ra được sự đồng thuận trong xã hội - (concensus).

Sự đồng thuận xã hội được hiểu là sự ủng hộ, đồng lòng của toàn thể xã hội đối với các hành động của chính phủ. Sự đồng thuận xã hội được tiếp cận theo ít nhất hai hướng: 1) Sự đồng thuận trong nội bộ các cơ quan, ban ngành; 2) Sự ủng hộ của người dân đối với các hành động của chính phủ. Thứ nhất, giữa các bộ, ban ngành của Việt Nam đã có sự phân công, phối hợp rõ trong phòng chống dịch. Thực hiện các chỉ thị Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các bộ, ban ngành, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế(12), thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các chức năng nhiệm vụ của ngành với tinh thần đồng thuận cao. Thứ hai, sự đồng thuận xã hội được thể hiện ở sự ủng hộ của người dân đối với các chỉ đạo của chính phủ. Cụ thể là việc người dân chấp hành nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng, trong đó có những biện pháp rất mới, nghiêm khắc như giãn cách xã hội, cách ly khu vực… Đồng thời, sự ủng hộ, niềm tin của nhân dân còn thể hiện rõ nét qua việc quyên góp tiền, hiện vật để chung tay cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh. Theo thống kê mới nhất của Công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường uy tín YouGov (có trụ sở tại Anh), 97% người Việt Nam tin tưởng chính phủ đang xử lý dịch COVID-19 tốt và 90% tin tưởng vào những phương tiện truyền thông nước nhà đăng tải về dịch bệnh(13). Theo đó, Việt Nam dẫn đầu trong danh sách các nước mà YouGov tiến hành nghiên cứu. Các nghiên cứu, điều tra của nhiều tổ chức quốc tế trước đó cũng đều cho kết quả tương tự với việc Chính phủ Việt Nam luôn đạt được sự tín nhiệm cao của người dân.

Sáu là, Chính phủ Việt Nam đưa ra những quyết sách tạo sự công bằng và không loại trừ chủ thể nào - (equitable and inclusive).

Trong ứng phó với dịch bệnh, Việt Nam đã có cách tiếp cận công bằng với mọi đối tượng khác nhau trong xã hội, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo.

Các chỉ thị của Đảng và Chính phủ đều bảo đảm để mọi người dân đều được tiếp cận với các cơ sở, dịch vụ y tế và vật tư y tế, đặc biệt là khẩu trang, bảo hộ, cồn rửa tay sát khuẩn khi dịch bệnh xảy ra. Về việc điều trị, để bảo đảm việc tiếp cận điều trị cho tất cả mọi người, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A - là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, những người mắc bệnh dịch này sẽ được khám và điều trị miễn phí. Trong bối cảnh ở nhiều quốc gia trên thế giới bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị COVID-19, đây là nỗ lực đầy nhân văn của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị COVID-19 cho tất cả bệnh nhân.

Xét từ góc độ pháp lý, theo quy định của pháp luật Việt Nam, người bệnh được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh sẽ không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội và được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nêu rõ hành vi phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người bệnh là hành vi bị nghiêm cấm(14).

Trên thực tế, xét về mức độ lây nhiễm COVID-19, mọi người đều như nhau. Tuy nhiên, xét về khả năng dễ mắc COVID-19 thì một số nhóm có thể phải chịu rủi ro nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong cao hơn như: người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (tim mạch, huyết áp, hen, tiểu đường...). Do vậy, nhóm đối tượng này được quan tâm bảo vệ và hỗ trợ để phòng ngừa y tế tốt hơn. Đồng thời, trên phương diện kinh tế - xã hội, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng sớm có các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết các khó khăn về kinh tế để hỗ trợ người dân cũng như các doanh nghiệp.

Bảy là, các quyết sách của chính phủ Việt Nam đã phát huy hiệu lực và đạt hiệu quả cao - (effective, efficient).

Quản trị tốt có nghĩa là các tiến trình và thể chế đem lại những kết quả đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong khi chỉ tiêu tốn các nguồn lực ở mức tối thiểu(15). Ở đây có thể hiểu là phải đáp ứng đủ hai mặt về hiệu lực và hiệu quả.

Về mặt hiệu lực, trong thời gian qua, việc ban hành các khung pháp lý cơ bản có tính hiệu quả cao. Một số vấn đề phát sinh do thực tiễn mà COVID-19 đặt ra quá mới, nhưng đã được Đảng và Nhà nước xử lý triệt để. Có thể kể đến với Chỉ thị 16/CT-TTg, có một số điểm đã được nêu trong văn bản nhưng có một số thành phần hiểu sai và không thực hiện đúng theo Chỉ thị. Chính phủ đã ngay lập tức đưa ra Hướng dẫn thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg bằng văn bản số 2601/VPCP-KGVS(16). Đồng thời, Chính phủ và chính quyền các cấp đã thi hành các biện pháp nghiêm khắc đối với những thành phần không thực hiện đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật đã đưa ra. Quá trình điều tra, truy tố các đối tượng này đều được áp dụng theo thủ tục rút gọn để nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử, nhằm kịp thời răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân tự giác chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Về mặt hiệu quả, kết quả đạt được trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm nhất các nguồn lực. Cùng những biện pháp quyết liệt ngay từ khi dịch bùng phát, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng kể. Đó là quốc gia có tỷ lệ nhiễm thấp và không có trường hợp tử vong, được các nước khen ngợi và đánh giá cao. Về cách thức, Việt Nam đã lựa chọn chiến lược chống COVID với chi phí thấp, tiết kiệm các nguồn lực. Thay vì xét nghiệm đại trà, Việt Nam tập trung phát hiện nhanh các ca nhiễm, khoanh vùng và tìm kiếm các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh cho đến lớp thứ 4 (F4) để cách ly. Hơn nữa, đối với người dân, chi phí điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện đều do bảo hiểm y tế chi trả. Người đi cách ly tập trung được miễn chi phí. Tại những khu vực bị phong tỏa, kinh phí từ ngân sách nhà nước giúp cung cấp thực phẩm miễn phí (Hà Nội) hoặc cấp tiền (40.000 đồng/người/ngày - Vĩnh Phúc)(17)...

Là quốc gia có hệ thống y tế không bằng các nước phát triển như Châu Âu, Mỹ, nhưng với chiến lược thông minh và hiệu quả của mình, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tám là, trong ứng phó với dịch COVID-19, trách nhiệm giải trình được thể hiện qua trách nhiệm trong nội bộ và trách nhiệm đối với xã hội - (accountable).

Thứ nhất, trách nhiệm trong nội bộ được nêu rõ trong các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ. Chẳng hạn, chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng nêu rõ: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục (...) đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch”(18). Theo đó, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, giải trình với Chính phủ, Thủ tướng các vấn đề trong quá trình phòng chống dịch bệnh. Trên thực tế, các bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương đã thực hiện rất tốt, nghiêm túc các chỉ đạo nêu trên, thể hiện rõ nét qua kết quả đạt được. Ngoài ra, trách nhiệm giải trình còn thể hiện ở cách thức xử lý các vi phạm của người đứng đầu các đơn vị trong quá trình chống dịch, tiêu biểu nhất là vụ việc điều tra và khởi tố Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội do sai phạm trong quá trình mua hệ thống Real Time PCR tự động xét nghiệm COVID-19.

Thứ hai, trách nhiệm đối với xã hội được thể hiện thông qua trách nhiệm của bộ máy chính quyền đối với xã hội, cụ thể là trách nhiệm giải trình đối với người dân về các biện pháp được thực thi. Trên thực tế, trong thời gian phòng chống dịch, các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra đều có căn cứ vững chắc về pháp lý và yêu cầu của thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Một số biện pháp mới, chưa từng có (như giãn cách xã hội, cách ly khu vực…) đều được giải thích cặn kẽ, đầy đủ, do đó được người dân tuân thủ nghiêm túc.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM RIÊNG CÓ CỦA VIỆT NAM

Bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chí quản trị quốc gia tốt một cách linh hoạt, phù hợp đặc thù đất nước, Việt Nam có một số đặc thù, đó là sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống dân tộc và kinh nghiệm vượt khó khăn, thách thức. Đây là những đặc điểm giúp cho việc ứng dụng các tiêu chí quản trị quốc gia hiệu quả hơn, phù hợp và hài hòa hơn.

Về sự lãnh đạo của Đảng, từ khi ra đời, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu và lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, đặt lợi ích của nhân dân làm mục tiêu tối thượng. Trong những lúc cam go, nghặt nghèo nhất, chính vì giải quyết phù hợp mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc nên Đảng đã tập hợp được đông đảo sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trong đại dịch COVID-19, với mục tiêu “tất cả vì sức khỏe, tính mạng nhân dân”, công cuộc phòng, chống đại dịch đã được sự ủng hộ, đồng tâm nhất trí của đồng bào cả ở trong và ngoài nước. Trên chặng đường 90 năm qua, Đảng cũng đã chứng tỏ bản lĩnh và khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam khi đương đầu với những thách thức to lớn. Với nhận định sắc bén về thời cơ, sự chuẩn bị lực lượng kỹ càng, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, đập tan chế độ thực dân phong kiến, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Cũng với bản lĩnh và khả năng lãnh đạo tài tình đó, Đảng đã lãnh đạo cả dân tộc đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, giành chiến thắng trước những đối thủ mạnh mẽ, hung bạo nhất. Trong xây dựng đất nước, trước những thách thức to lớn cả ở trong nước và trên thế giới vào cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Đảng một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh và khả năng lãnh đạo của mình, tiến hành công cuộc đổi mới, làm nên một Việt Nam “chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm năng, uy tín và vị thế như ngày nay”. Kiên định mục tiêu và lý tưởng vì nhân dân, với bản lĩnh và khả năng lãnh đạo đã được chứng minh trong những giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc, Đảng đã dành trọn niềm tin của nhân dân. Bởi vậy, khi Đảng cất lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc”, toàn thể nhân dân đã tin tưởng tuyệt đối, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối, biện pháp mà Chính phủ đề ra.

Một đặc trưng khác là truyền thống rất đặc thù của dân tộc Việt Nam: yêu nước, nhân văn và đoàn kết một lòng khi đất nước gặp khó khăn, thách thức. Dân tộc nào cũng yêu nước, song với đặc điểm hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, kiên trì đấu tranh vì độc lập tự do, giữ gìn bản sắc dân tộc, lòng yêu nước của người Việt Nam là đặc điểm rất nổi trội, nó gắn liền với tinh thần đoàn kết, “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại sôi nổi, kết thành làn sóng…”. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và niềm tin với Đảng đã tạo thành sự đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, cả nước chung tay chống dịch, từ lãnh đạo cao nhất đến trẻ em, cụ già. Đồng thời, tính nhân văn, nhân nghĩa, sự tử tế được bộc lộ và phát huy cao độ. Những nghĩa cử đùm bọc lẫn nhau vừa tạo ra sức chống chịu dẻo dai, vừa là nguồn động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tạo ra niềm tin to lớn đối với đồng bào ở xa Tổ quốc cũng như bạn bè quốc tế.

Với vị trí chiến lược ở khu vực, trong lịch sử của mình, Việt Nam luôn đứng trước các thách thức to lớn, cả địch họa lẫn thiên tai. Đặc điểm địa-chiến lược đó cũng trui rèn cho dân tộc Việt Nam khả năng chống chịu, vượt mọi khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển. Trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm xử lý thành công bệnh dịch chết người SAR năm 2003 cũng như các bệnh dịch như H1N1, MERS-CoV… Đặc điểm này giúp Việt Nam có được sự ứng biến nhanh chóng, khả năng chịu đựng bền vững, sự vận hành hệ thống quản trị một cách linh hoạt và hiệu quả.

PHÁT HUY TRONG CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN

Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 một mặt khẳng định những giá trị trường tồn mang tính đặc thù của cách mạng Việt Nam, mặt khác cũng khẳng định khả năng quản trị quốc gia của Đảng ta theo đúng các tiêu chí của Liên hợp quốc, được vận dụng phù hợp với đặc thù đất nước. Đây là những giá trị cần được phát huy trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch, đồng thời vẫn phải phòng ngừa cho làn sóng tái nhiễm như đã xảy ra ở một số nước.

Trước hết, việc lãnh đạo toàn dân vượt qua thách thức toàn cầu chưa từng có đã một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trước nay có ý kiến cho rằng, Đảng đã hoàn thành sứ mệnh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước, rằng Đảng không có khả năng lãnh đạo phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thành tựu của hơn 35 năm đổi mới và thành công chống đại dịch vừa qua khẳng định tầm nhìn, khả năng lãnh đạo, quản trị quốc gia của Đảng, chèo lái đất nước đi qua khủng hoảng tài chính 1997, khủng hoảng kinh tế - tài chính 2008 và thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có là đại dịch COVID-19.

Với bản lĩnh, tầm nhìn và khả năng lãnh đạo được chứng minh bởi thực tiễn, và đặc biệt là với mục tiêu bất biến tất cả vì lợi ích của nhân dân, Đảng đã giành trọn niềm tin của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên nền tảng thành công hôm nay, nhân dân hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng vào việc hướng tới mục tiêu 100 năm của Đảng và 100 năm nước Việt Nam mới. Đây là ưu thế to lớn của Đảng ta và cũng là của đất nước ta, bởi lẽ đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhiều xã hội bị đứt gãy, niềm tin bị đổ vỡ, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân dân bị đổ vỡ.

Với niềm tin và mục tiêu chung của toàn dân tộc, Đảng có điều kiện thuận lợi hơn trong công cuộc huy động sức mạnh đại đoàn kết. Các thành tựu của Đảng và đất nước trong 90 năm qua, gần đây nhất là thành công trong phòng, chống đại dịchCOVID-19, đã cho thấy tầm vóc của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc chiến chốngCOVID-19, đồng bào ở xa Tổ quốc cũng một lòng hướng về đất nước, ủng hộ, tự hào trước thành công của Việt Nam, trước sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Đồng thời, những nỗ lực của Việt Nam đã giành được sự công nhận, đánh giá cao của thế giới. Đặt qua một bên những lời khen ngợi như “kỳ tích”, “không thể ngờ”, “bài học quý báu”, “hình mẫu”, chiến thắng đại dịch COVID-19 mang lại cơ hội to lớn về quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế đất nước. Thế giới nhìn nhận Việt Nam với một thể chế ổn định, quản trị tốt, một nền kinh tế có sức chịu đựng và ứng biến linh hoạt, một nền văn hóa nhân văn, một đất nước tươi đẹp, an toàn, một dân tộc tử tế. Đại dịch COVID-19 có thể làm đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu, định hình lại toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. song những giá trị nói trên là bất biến và bất cứ đối tác nào cũng mong muốn làm bạn, nhà đầu tư nào cũng cần đến để làm ăn lâu dài.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cho mọi mặt đời sống nhân loại. Đáng chú ý, việc ứng phó với đại dịch đã cho thấy khả năng quản trị quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Lâu nay, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc về bản chất của chế độ ta, tính hiệu lực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta. Với thành công của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, chúng ta đã chứng minh hùng hồn tính ưu việt của chế độ, khả năng quản trị quốc gia tốt, bản lĩnh và khả năng ứng phó với thách thức của Đảng và Nhà nước ta. Soi chiếu với các tiêu chí quản trị quốc gia tốt của Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam không những đáp ứng đầy đủ, mà còn vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với đặc thù đất nước và thực tiễn dịch bệnh. Đặc biệt, những đặc điểm riêng có của Việt Nam gồm sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống dân tộc và kinh nghiệm, khả năng ứng phó thách thức là những yếu tố mang tính then chốt để Việt Nam vượt qua thách thức toàn cầu chưa từng có. Thành công trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ cả về lý luận và thực tiễn rằng toàn Đảng, toàn dân ta đang đi đúng hướng trong việc xây dựng chế độ XHCN mang đặc điểm Việt Nam./.

________________________

(1) Dẫn theo lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

(2) Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp (chủ biên): Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Khoa QHQT - Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, TP. HCM, 2013.

(3) Huther, Jeff, and Anwar Shah, “A Simple Measure of Good Governance”, Policy Research Working Paper 1894 (1996), World Bank, Washington, D.C (http://documents.worldbank.org/curated/en/673221468766535925/128528322_20041117142109/additional/multi-page.pdf).

(4) UNESCAP, What is Good Governance?, https://www.unescap.org/sites/default/files/good-governance.pdf

(5) Mai Linh: Chống dịch COVID-19 của Việt Nam qua con mắt người nước ngoài, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, ngày 6/4/2020 (http://m.tapchiqptd.vn/vi/tin-tuc-thoi-su/chong-dich-covid-19-cua-viet-nam-qua-con-mat-nguoi-nuoc-ngoai-15314.html, truy cập ngày 19/5/2020).

(6) Thành công của Việt Nam và tinh thần đoàn kết cùng chống dịch COVID-19, Báo Nhân dân, ngày 12/05/2020 (https://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44444502-thanh-cong-cua-viet-nam-va-tinh-than-doan-ket-cung-chong-dich-covid-19.html, truy cập ngày 19/05/2020).

(7) Việt Nam tạo kỳ tích về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 14/5/2020 (https://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44456502-viet-nam-tao-ky-tich-ve-phong-chong-dich-covid-19.html, truy cập ngày 14/5/2020).

(8) Lê Hoàng, Thanh Loan: Phạt người ra đường không đúng nội dung cho phép là cần thiết, có căn cứ pháp luật, Luật sư Việt Nam, ngày 4/4/2020 (https://lsvn.vn/truong-hop-nao-bi-xu-phat-khi-ra-duong-khong-dung-noi-dung-cho-phep-trong-mua-dich-covid-19.html, truy cập ngày 15/5/2020).

(9) Thành Đạt: Báo Anh: Việt Nam chống dịch thành công nhờ hành động quyết liệt từ sớm, Dân trí, ngày 17/5/2020 (https://dantri.com.vn/the-gioi/bao-anh-viet-nam-chong-dich-thanh-cong-nho-hanh-dong-quyet-liet-tu-som-20200516180225761.htm, truy cập ngày 17/5/2020).

(10) Thành Đạt: Báo Australia: Nhiều nước “mơ ước” thành công chống dịch của Việt Nam, Dân trí, ngày 14/5/2020 (https://dantri.com.vn/the-gioi/bao-australia-nhieu-nuoc-mo-uoc-thanh-cong-chong-dich-cua-viet-nam-20200513154632391.htm?fbclid=IwAR2e8HlNaQMhbvVaWP5ezjaPrcLVazo-EbHRty_NybIBcJifLl26_FAh9ks, truy cập ngày 14/5/2020).

(11) Bộ Y tế: Cuộc chiến chống dịch covid-19 Việt Nam: 100 ngày nhìn lại, ngày 4/5/2020 (http://bachmai.gov.vn, truy cập ngày 19/5/2020).

(12) Lê Đức Thuận: Cả nước cùng chung sức, đồng lòng chống dịch COVID-19 (http://special.vietnamplus.vn/ca-nuoc-chong-covid19, truy cập ngày 15/5/2020).

(13) https://tuoitre.vn/viet-nam-dung-dau-ti-le-dan-tin-tuong-chinh-phu-va-bao-chi-trong-chong-dich-covid-19-20200521170635029.htm

(14) Trần Linh Huân: Bảo vệ quyền lợi của người bị nhiễm COVID-19 theo quy định của pháp luật Việt Nam, Lập pháp, ngày 6/5/2020 (http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210488, truy cập ngày 15/5/2020).

(15) Vũ Công Giao (2017): Một số vấn đề lý luận về quản trị tốt, Tạp chí tổ chức nhà nước (https://tcnn.vn/news/detail/36119/Mot_so_van_de_ly_luan_ve_quan_tri_totall.html).

(16) Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, truy cập ngày 19/5/2020 tại http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202004/huong-dan-thuc-hien-chi-thi-16-cua-thu-tuong-ve-phong-chong-dich-covid-19-2477496/.

(17) Kim Thoa: Việt Nam miễn phí điều trị COVID, các nước ra sao?, truy cập 19/5/2020 tạihttps://tuoitre.vn/viet-nam-mien-phi-dieu-tri-covid-19-cac-nuoc-ra-sao-20200311075720642.htm.

(18) Báo chính phủ: Thủ tướng chỉ thị tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, ngày 25/4/2020 (http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-chi-thi-tiep-tuc-cac-bien-phap-phong-chong-dich-COVID19-trong-tinh-hinh-moi/394017.vgp, truy cập ngày 15/5/2020).

Theo TS. Lê Hải Bình/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều