MTTQ các cấp tỉnh Hưng Yên tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền - Thực tiễn và bài học kinh nghiệm

(Mặt trận) - Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh ủy, sự phối hợp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hưng Yên đã thực hiện có hiệu quả công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn tại tỉnh Hưng Yên, bài viết rút ra các bài học kinh nghiệm về công tác này.
Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận các cấp tỉnh Hưng Yên.

Thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy về lãnh đạo, tổ chức cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực, chủ động tham gia, góp phần xứng đáng vào thành công chung của cuộc bầu cử; bảo đảm dân chủ, đúng luật, tiết kiệm, an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổng số cử tri đi bầu đạt 98,03%; bầu được 7 đại biểu Quốc hội, 53 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 323 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 4.005 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; không có đơn vị bầu cử nào phải bầu lại. Tổng kết công tác bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực, chủ động phối hợp với ngành chức năng, tổ chức thành viên, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp ủy, chính quyền; Kế hoạch số 93a/KH-UBND, ngày 31/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc giải tỏa công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép... Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phong trào thi đua, từ năm 2016 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã lồng ghép trên 1.200 buổi tuyên truyền cho trên 110.000 lượt người tham dự.

Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì phối hợp với ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát 10 cuộc về các nội dung: công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức thu, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động trong tổ thu gom rác; thực hiện Luật Đất đai trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh; công khai kết luận sau thanh tra.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh ký kết: Quy chế phối hợp công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chương trình phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2017 - 2020; Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm đến năm 2020.

Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh tới cơ sở phối hợp tham gia giám sát cùng đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các Ban chỉ đạo các cấp thực hiện tốt công tác giám sát theo chức năng, nhiệm vụ quy định, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các chính sách an sinh xã hội, cải cách hành chính, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; giám sát các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân với cử tri… Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân về quyền và trách nhiệm trong giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc các cấp về thực hiện phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận phối hợp duy trì các hòm thư góp ý, tố giác tội phạm ở cộng đồng dân cư.

Các Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên được củng cố kiện toàn, phát huy vai trò trong giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; quản lý đất đai; kiến thiết xây dựng công trình phúc lợi; giải quyết khiếu nại tố cáo... Từ năm 2016 đến nay, các Ban Thanh tra nhân dân giám sát 2.605 cuộc, phát hiện kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 690 vụ việc, thu hồi cho Nhà nước 993 m2 đất và 15 triệu đồng... Qua hoạt động giám sát từ tỉnh đến cơ sở đã góp ý, kiến nghị với cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật. Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp nhận 1.344 đơn, thư khiếu nại, tố cáo các loại; kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và giám sát quá trình giải quyết. Ban Công tác Mặt trận phối hợp hoà giải thành công 3.595/4.293 vụ việc (tỷ lệ 83,7%), góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ địa bàn dân cư.

Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, văn bản dự thảo của các ngành, các cấp; dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng các cấp... chú trọng nội dung liên quan tới quyền, nghĩa vụ của công dân và chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 5/5/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thực hiện Quyết định số 2540-QĐ/TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng hướng dẫn nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Giai đoạn 2017-2020, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đối với 10 huyện, thị xã, thành phố; 154 lượt đơn vị cấp xã với tổng số 257.720 phiếu. Thông qua phiếu hỏi, người dân thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với những kết quả xây dựng nông thôn mới mà cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện. Việc đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới được Mặt trận Tổ quốc các cấp tiến hành bảo đảm dân chủ, khách quan, phản ánh trung thực nhận xét, đánh giá của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Với sự tham gia tích cực, chủ động, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc các cấp, năm 2020, Hưng Yên trở thành tỉnh thứ 3 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (sau các tỉnh Nam Định và Đồng Nai) và là tỉnh đầu tiên thực hiện lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với Hội đồng nhân dân thực hiện tốt công tác tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với cử tri và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ảnh với cấp ủy, chính quyền. Từ năm 2016 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp tổ chức 2.586 hội nghị, với 293.605 lượt cử tri tham dự, có 14.201 ý kiến tham gia. Các cuộc tiếp xúc cử tri được bố trí tới địa bàn cơ sở, lắng nghe được nhiều ý kiến của cử tri trực tiếp sản xuất. Mặt trận Tổ quốc các cấp kịp thời tổng hợp phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân các cấp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở tỉnh Hưng Yên còn tồn tại một số hạn chế: Công tác giám sát, phản biện xã hội chưa ngang tầm với nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra. Chưa phát huy hết vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong thực hiện công tác phản biện xã hội. Việc nắm bắt tình hình Nhân dân có lúc, có nơi, có việc còn chưa đầy đủ, kịp thời. Hiệu quả hoạt động của một số Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hưng Yên cần tích cực, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, ngành chức năng, các tổ chức thành viên thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, cần xây dựng và thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy có hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban công tác Mặt trận. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”.

Ba là, phối hợp tổ chức tốt các Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước và sau các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tổng hợp, phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri và Nhân dân đến Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời theo dõi, giám sát việc giải quyết. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp nhận, nghiên cứu, kịp thời chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; theo dõi, giám sát việc giải quyết và trả lời công dân.

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các phong trào: “Đoàn kết - sáng tạo”, “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, “Xây dựng khu dân cư 3 không”; tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, theo phương châm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Năm là, phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân, quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, mọi việc làm đều vì lợi ích của dân, chống mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, đi ngược lại với lợi ích của Nhân dân, xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, thu hút mọi nguồn lực, trí tuệ của toàn dân, toàn xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đỗ Đức Quân

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều