MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới

(Mặt trận) - Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, “Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến”, qua mỗi giai đoạn phát triển của tỉnh, luôn có dấu ấn quan trọng của công tác Mặt trận. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống của quê hương cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển.
MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đã triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh 

Để huy động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang xác định tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp là nội dung được đặt lên hàng đầu, là yêu cầu cần thiết, theo hướng thiết thực, sáng tạo, sâu rộng và hiệu quả.

Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi cán bộ Mặt trận phải tích cực và phải chủ động giúp cấp ủy Đảng lãnh đạo công tác Mặt trận; phổ biến và thực hiện chính sách của Đảng về Mặt trận”, “phải đi đường lối quần chúng, làm việc phải kiên nhẫn, phải tha thiết với công tác Mặt trận”; ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp (2019 - 2024), Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ động đề xuất với cấp ủy tăng cường công tác cán bộ chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đồng thời quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có năng lực, trình độ, uy tín; cơ cấu bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số trong cơ quan chuyên trách Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cấp huyện và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia Uỷ viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp ủy tăng lên. Hiện nay, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cấp huyện đều là Uỷ viên Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp; có 138/138 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã tham gia cấp uỷ cùng cấp, số lượng Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là người dân tộc thiểu số chiếm trên 56 %, tôn giáo chiếm 4,1%. Đội ngũ Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư hằng năm được kiện toàn thường xuyên và trẻ hoá về độ tuổi, có năng lực, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp sếp, điều chỉnh địa giới cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hướng dẫn kịp thời để Mặt trận Tổ quốc các xã có điều chỉnh địa giới, ổn định công tác tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Năm 2021, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với chính quyền và khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”, với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân”. Đề xuất tham mưu Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh với Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn giai đoạn 2021 - 2025; quy chế quy định rõ hơn về nguyên tắc phối hợp, chế độ làm việc, chế độ công tác và phương thức phối hợp theo sự chỉ đạo của cấp ủy. Đề xuất xây dựng Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 (với mục tiêu 3.820 hộ nghèo sẽ được tập trung xã hội hoá để hỗ trợ xây dựng nhà ở). Đó là những điểm mới so với những năm trước.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ động đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, có các buổi làm việc trực tiếp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội để nghe những nội dung cần tiếp tục có sự quan tâm tập trung chỉ đạo của cấp ủy; mời lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan dự các buổi làm việc để có sự phối hợp giải quyết các việc mới, việc khó, nghe những đề xuất kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân, từ đó có các giải pháp trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sát với thực tiễn. Định kỳ hàng quý và khi có việc đột xuất, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức giao ban với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Mặt trận Tổ quốc tỉnh giao ban làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Mặt trận Tổ quốc huyện, thành phố; có các buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình cụ thể, từ đó chỉ đạo, hướng dẫn, đề nghị phối hợp để đưa công tác Mặt trận đạt kết quả cao hơn.

Đồng thời, tham mưu với cấp ủy đặt hàng, giao các công việc có tính chất đột phá, đổi mới cho Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, người đứng đầu và cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận thực hiện những nội dung, phần việc trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đây cũng là điểm mới trong công tác Mặt trận. Theo đó, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh; 7/7 Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, 138 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện nội dung đột phá, đổi mới của cá nhân để nâng cao vai trò của người đứng đầu tổ chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Từng cán bộ Mặt trận tỉnh, cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện đăng ký thực hiện nội dung đột phá, đổi mới của cá nhân để nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất trong thực hiện nhiệm vụ và đảm nhận phần việc cụ thể ở cơ sở, các khu dân cư. Mặt trận Tổ quốc tỉnh hướng dẫn việc đổi mới nội dung sinh hoạt Ban Công tác Mặt trận; xây dựng Quy định cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội dự sinh hoạt định kỳ cùng với Ban Công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội ở khu dân cư.

Đẩy mạnh đoàn kết, tập hợp các tầng lớp Nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, chú trọng củng cố đội ngũ tuyên truyền viên, nắm tình hình và định hướng dư luận Nhân dân trên địa bàn, kịp thời báo cáo cấp ủy những vấn đề phức tạp. Duy trì thường xuyên hàng tháng chuyên trang, chuyên mục “Đại đoàn kết” trên Báo Tuyên Quang và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tuyên truyền qua các trang mạng xã hội, Zalo, Facebook, Fanpage, đặc biệt thông qua Trang thông tin điện tử Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tạo thành nền nếp cho Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn gửi tin bài hoạt động của công tác Mặt trận ở cơ sở, phản ánh về sự tham gia tích cực của Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, về tham gia giải quyết việc khó, việc mới… đã tạo thành phong trào thi đua giữa Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn (với phương châm có hoạt động mới có tin, bài tuyên truyền). Chủ động phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiếu số, đồng bào có đạo; phát huy vai trò của 1.247 người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động. Tổ chức các hội nghị gặp mặt, tặng quà các chức sắc tôn giáo nhân dịp lễ trọng. Đặc biệt, năm 2021, Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì tổ chức 7 hội nghị gặp mặt đại biểu tiêu biểu trong việc thực hiện nếp sống văn minh, có sự tham gia của lãnh đạo cấp ủy cùng cấp để ghi nhận biểu dương những người tiêu biểu uy tín và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, từ đó có các giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn.

Phát huy vai trò chủ trì, hiệp thương phối hợp hành động với các tổ chức thành viên và tăng cường phối hợp với chính quyền, ngành chức năng trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước

Công tác phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền và các sở, ngành chức năng được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực. Nội dung phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, phát huy được vai trò tích cực của từng tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; công tác phối hợp giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc được đổi mới; thể hiện rõ hơn vai trò chủ trì, tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận và những đặc thù cũng như thế mạnh của các tổ chức thành viên. Đến nay, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh duy trì và thực hiện có hiệu quả 16 chương trình phối hợp công tác với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, tiếp tục tổ chức ký kết 6 chương trình, kế hoạch phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động Nhân dân tình nguyện hiến trên 113.098m2 đất, tham gia hàng trăm ngàn ngày công lao động, đóng góp trên 437,7 tỷ đồng, qua đó đã góp phần thực hiện kiên cố hóa 1.004 km kênh mương; bê tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng; xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra); 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Tuyên Quang được Chính phủ công nhận đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia giải phóng mặt bằng, Nhân dân đã tình nguyện hiến 210.607m2 đất, đóng góp trên 18,3 tỷ đồng góp phần bê tông hóa trên 212 km đường giao thông nông thôn và thi công 38 cầu trên đường giao thông nông thôn; xây dựng nhiều tuyến đường hoa, đường điện “Thắp sáng đường quê”...

Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và sự vận động của cộng đồng đã tạo nguồn lực cùng với nhà nước thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm gần đây, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động, tiếp nhận được trên 54,33 tỷ đồng; đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 16.580 hộ nghèo trong tỉnh với số tiền trên 45,54 tỷ đồng... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 9,03% cuối năm 2020. Năm 2021, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và các nguồn hỗ trợ làm mới, sửa chữa 616 nhà ở cho hộ nghèo, với số tiền hỗ trợ trên 24,1 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn làm nhà ở cho hộ nghèo và hỗ trợ cộng đồng dân cư xây dựng công trình nước sạch với số tiền 4,2 tỷ đồng; tặng quà trị giá trên 5 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn…

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, tập trung cao độ, tham gia tích cực, có trách nhiệm công tác phòng, chống dịch và vận động Nhân dân hưởng ứng chương trình tiêm vaccine của tỉnh. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên 50 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và thiết bị y tế, nhu yếu phầm). Hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cho 8 tỉnh, thành phố; người dân Tuyên Quang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam và cán bộ làm việc tại các chốt kiểm dịch liên ngành. Tổ chức phát động 2 đợt cao điểm quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch. Phối hợp với các tổ chức thành viên vận động, tiếp nhận và vận chuyển trên 974 tấn nông sản giúp Nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do dịch trị giá gần 9 tỷ đồng; huy động được 1.976 đơn vị máu chuyển hỗ trợ các bệnh viện dã chiến miền Nam.

Thực hiện công tác chăm lo sự nghiệp giáo dục, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp thực hiện các giải pháp giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Với điều kiện của tỉnh, dân cư không tập trung, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, để thực hiện thành công, Mặt trận Tổ quốc đã chủ trì các cuộc họp, hiệp thương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội đảm nhận phần việc giúp đỡ cho trẻ. Mặt trận Tổ quốc đã vận động xã hội hoá trên 8 tỷ đồng để giúp đỡ cho trẻ... qua đó, đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ huy động vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Một điểm nổi bật ở Tuyên Quang đó là đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, Mặt trận Tổ quốc đã tiên phong trong công tác vận động Nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, đây là việc làm thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo cán bộ hội viên, đoàn viên, Nhân dân với nhiều hoạt động sáng tạo. Tổ chức cho Nhân dân, tăng, ni, phật tử tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đến nay, 100% khu dân cư ký cam kết thực hiện, thành lập và duy trì hoạt động của 2.368 tổ, nhóm tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư, vận động xã hội hóa xây dựng 4.533 bể, hố ủ rác hữu cơ, 2.886 lò, hố đốt rác tại hộ gia đình, khu dân cư, tổ chức các hội nghị để biểu dương mô hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào. Qua đó, tập hợp, đoàn kết và phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện của người dân, hộ gia đình cùng chung tay tổ chức các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường ngay tại mỗi gia đình, trường học, cộng đồng dân cư.

Đổi mới phương thức hoạt động tập trung cho cơ sở, gần dân, sát dân

Năm 2021, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ hướng dẫn vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia hoạt động với Nhân dân tại cơ sở. Theo đó, chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2021, đã có 9.000 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang tham gia hoạt động với Nhân dân (vào ngày thứ bảy, chủ nhật) cùng 50.000 lượt người dân tham gia giúp 53 hộ nghèo, cận nghèo sửa chữa nhà và làm nhà mới; tham gia vận chuyển, lắp đặt 14 km cấu kiện mương bê tông đúc sẵn; trồng, chăm sóc 70 km tuyến đường hoa; làm mới 52 km đường bê tông nông thôn; xây dựng 9,9 km tuyến đường thắp sáng đường quê… góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, tạo thêm tinh thần đoàn kết quân dân, sức mạnh đại đoàn kết và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên để Nhân dân làm theo.

Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực tham gia đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, vận động Nhân dân phát huy dân chủ, tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trong 5 năm qua, đã phối hợp tổ chức trên 300 cuộc đối thoại và năm 2021 tổ chức 122 hội nghị đối thoại để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp gặp gỡ, đối thoại với Nhân dân, qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo đồng thuận góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chủ trì và phối hợp tổ chức 757 cuộc giám sát; 85 hội nghị phản biện xã hội. Năm 2021, tổ chức 166 cuộc giám sát; thực hiện 186 cuộc phản biện xã hội. Các ý kiến tại các hội nghị phản biện xã hội và ý kiến tham gia bằng văn bản của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã được các cấp, ngành, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản đánh giá cao, tiếp thu chỉnh sửa, ban hành được Nhân dân đồng thuận hưởng ứng thực hiện.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện và nâng cao chất lượng, diện mạo đô thị, nông thôn, ngày càng đổi mới; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống, vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng được nâng lên.

Một số bài học kinh nghiệm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Thứ nhất, luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có quan điểm vững vàng, tiên phong về nhận thức, gương mẫu trong hành động, năng động sáng tạo, tâm huyết với công việc, gắn bó mật thiết với cơ sở, Nhân dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đủ năng lực, uy tín để vận động, tập hợp Nhân dân. Đặc biệt coi trọng củng cố, phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận, trẻ hoá đội ngũ để tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin trong thực hiện đa dạng hoá công tác tuyên truyền.

Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động tham mưu, đề xuất tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác Mặt trận. Tin tưởng và giao nhiệm vụ cụ thể cho Mặt trận đảm nhận. Nêu cao vai trò của các chi bộ ở cơ sở, định kỳ phân công chi uỷ dự sinh hoạt với Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Thứ ba, đa dạng hóa phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc theo hướng trọng tâm, trọng điểm vào những vấn đề, lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là những công việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng, thiết thực của người dân, từ đó, tạo sự đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, tăng cường đối thoại, tạo đồng thuận xã hội và thống nhất hành động vì mục tiêu xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh cho chính quyền nhân dân.

Thứ tư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chủ động, sáng tạo trong công tác và hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc cấp trên để triển khai công việc, phát huy dân chủ trong các tầng lớp Nhân dân.

Thứ năm, quan tâm thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những nhân tố điển hình để biểu dương, khen thưởng, lan tỏa trong cộng đồng.

Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống quê hương cách mạng. Đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII; Nghị quyết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ XIX. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Nguyễn Hưng Vượng

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều