Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

(Mặt trận) - Vùng trung du và miền núi Bắc bộ có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đồng bào các dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi “phên dậu” phía Bắc của Tổ quốc. Bài viết đề xuất một số giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới.
Đồng bào dân tộc Dao thu hoạch lê - một cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo_Ảnh: TTXVN 
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, có tổng diện tích khoảng hơn 95 nghìn km2, với dân số khoảng gần 12 triệu người, chiếm gần 29% diện tích và gần 13% dân số của cả nước. Đây là vùng “phên dậu” phía Bắc của Tổ quốc có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh với chiều dài đường biên giới giáp với Trung Quốc là 1.273km, với Lào là 610 km.

Nói đến vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là nói đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây là vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống nhất cả nước, với gần 7 triệu người, chiếm gần 50% tổng dân số người dân tộc thiểu số trong cả nước và chiếm 50% dân số toàn vùng. Trong đó có 11/14 tỉnh trong vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm trên 50%. Cụ thể như: đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng chiếm 92,7%; Hà Giang: 88,5%, Bắc Kạn: 88,3%, Sơn La: 84,7%, Lai Châu: 84,5%, Lạng Sơn: 84,3%; Điện Biên: 84,2%, Hòa Bình: 75,9%, Lào Cai: 66,3%, Tuyên Quang: 57,1%, Yên Bái: 56,2%.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi “phên dậu” của Tổ quốc như: Nghị quyết số 37-NQ/TW; Kết luận số 26/KL/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ” và gần đây nhất Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong vùng. Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu và 21 chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của vùng đến năm 2030, trong đó có một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-9%; quy mô kinh tế vùng đến năm 2030 đạt 2.100 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2-3%/năm, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 54-55%.

Tuy nhiên, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ hiện vẫn là vùng “lõi nghèo” của cả nước. Quy mô nền kinh tế toàn vùng còn nhỏ lẻ, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, tính liên kết thấp, sản phẩm chế biến từ nông lâm sản, hiệu quả chưa cao, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Theo Báo cáo điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số vào tháng 7/2019 của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục thống kê, nhiều dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao nhất cả nước như: La Hủ 85,9%, Mông 82,9%, Khơ Mú 62%, Lô Lô 59,3%, Xinh Mun 54,6%, Hà Nhì 50,9%... Tỷ lệ hộ thiếu nước sinh hoạt trong 12 tháng chiếm tỷ lệ cao ở các dân tộc thiểu số trong vùng như: Lô Lô 73,88%, La Hủ 68,65%, Khơ Mú 68,2%, La Ha 67,72%, Kháng 57,24%, Mông 53,63%... Đồng thời, đây là vùng có nhiều thôn, xã đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ cao theo Quyết định số 582/QĐ-TTg) như: Lạng Sơn còn 226 xã với 1.125 thôn đặc biệt khó khăn. Tương tự: Hà Giang 195 xã với 1.408 thôn, Cao Bằng 199 xã với 1.598 thôn, Lào Cai 164 xã với 1.007 thôn, Bắc Kạn 122 xã với 607 thôn... giao thông đi lại khó khăn, hiện vẫn còn hơn 100 xã chưa có đường giao thông được cứng hóa như: Lạng Sơn 33 xã, Cao Bằng 31 xã, Sơn La 18 xã, Yên Bái 2 xã, Điện Biên 11 xã, Tuyên Quang 5 xã, Hà Giang 3 xã....

Việc xây dựng nông thôn mới còn chậm so với cả nước; các hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả; các cơ sở công nghiệp hoạt động cầm chừng; công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp chưa được coi trọng. Hiệu quả lồng ghép các chương trình, dự án về công tác giảm nghèo chưa cao; các nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình quốc gia giảm nghèo còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu, nguồn lực huy động từ cộng đồng dân cư còn thấp; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; các chính sách hỗ trợ dân tộc còn dàn trải, manh mún, nhiều chính sách không đồng bộ, thiếu kết nối, thời gian thực hiện ngắn.

Nhiều chính sách và chương trình giảm nghèo có sự trùng lặp về nội dung hỗ trợ, về địa bàn và đối tượng thụ hưởng. Chương trình 135 nếu so với Nghị quyết 30a cho thấy 80% số xã của huyện theo Nghị quyết 30a là xã thuộc chương trình 135 và có 46% số xã theo Chương trình 135 thuộc Nghị quyết 30a. Đồng thời cũng có sự trùng lặp trong nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất. Do có quá nhiều chính sách, chương trình tập trung vào một lĩnh vực, nhất là vùng đặc biệt khó khăn dẫn đến tình trạng manh mún chính sách, chỉ có một số rất ít chính sách có quy mô đầu tư lớn, còn lại chủ yếu là chính sách nhỏ lẻ và ít nhiều mang tính chắp vá.

Hiện nay, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Sự chuyển biến kinh tế mới tập trung ở những nơi gần đường giao thông, có điều kiện thuận lợi cho giao lưu hàng hoá. Diện phủ sóng truyền thanh, truyền hình còn thấp. Một số cơ sở Đảng, chính quyền, Mặt trận ở cơ sở và các tổ chức đoàn thể hoạt động còn yếu. Đội ngũ cán bộ ở một số nơi còn nhiều hạn chế về năng lực vận dụng các chủ trương, chính sách vào điều kiện cụ thể ở địa phương. Ở trung tâm các xã biên giới tuy đã có các trường lớp giáo dục phổ thông, nhưng do các bản làng ở rất phân tán, đi lại khó khăn nên tỷ lệ trẻ em thất học, tái mù chữ còn cao. Mạng lưới y tế cơ sở ở các xã còn thiếu, yếu, nhiều nơi không hoạt động thường xuyên, tỷ lệ người được khám chữa bệnh rất thấp, tỷ lệ sinh đẻ cao. Một số vùng phong tục tập quán còn lạc hậu. Hiện tượng truyền và theo đạo trái pháp luật như “Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”, Tà đạo “Giê Sùa” “Bà cô Dợ”... vẫn là vấn đề đáng quan tâm ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” “dân tộc”, “dân chủ, “nhân quyền” để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Tình hình tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong các vùng dân tộc và tình trạng di cư tự do, vượt biên trái phép, mua bán người, vận chuyển ma túy, buôn bán hàng lậu qua biên giới còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong vận động người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh của vùng trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp vùng dân tộc miền núi và trung du Bắc bộ cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước nhằm chuyển hóa thành chính sách, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, tập trung mọi nguồn lực chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đồng bào, góp phần củng cố niềm tin giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước trên cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng dân tộc. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền, kết hợp các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình với việc trang bị tài liệu, tờ rơi, Đội thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hội thi, đối thoại tiếp xúc của cán bộ Mặt trận với đồng bào… Đặc biệt coi trọng hình thức phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người có uy tín tiêu biểu và các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp ở vùng dân tộc thiểu số, thông qua “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư” dịp 18/11 hàng năm và các lễ, hội của đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi.

Hai là, chủ động tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nhiệm vụ của Mặt trận trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của chính quyền các cấp. Xây dựng những mô hình, điển hình trong tổ chức và cá nhân ở từng khu dân cư, từng dân tộc, trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhằm thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong các lĩnh vực về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, xây dựng trang trại, hợp tác xã, mô hình tự quản giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc chủ trì, phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức đoàn thể quần chúng, động viên, tập hợp thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, đáp ứng đúng nguyện vọng và sự mong đợi của đồng bào các dân tộc. Phát huy nội lực, vai trò tự quản tại các khu dân cư, động viên ý thức tự vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, tích cực đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, quan tâm tập huấn, phổ biến chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ vốn, khuyến khích đồng bào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng tiểu vùng, từng địa phương. Vận động đồng bào giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống về văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Ba là, phối hợp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách về dân tộc và công tác dân tộc trên cơ sở chủ động giám sát và chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rà soát, giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành, tập trung là các chính sách về xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế, môi trường và văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban Mặt trận các cấp; phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và Ban Thanh tra nhân dân, tăng cường công tác giám sát đầu tư cộng đồng ở các khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách về dân tộc và công tác dân tộc. Phối hợp tham gia thực hiện hiệu quả công tác phản biện xã hội thông qua việc tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc; chương trình, kế hoạch về xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với những dân tộc có tỷ lệ phát triển dân số thấp. Quan tâm sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời tập hợp ý kiến, kiến nghị của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là kiến nghị của các vị Ủy viên Ủy ban, người có uy tín tiêu biểu là người dân tộc thiểu số để kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội về những vấn đề liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc. Tập trung triển khai, thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Bốn là, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước về hội nhập quốc tế, tham gia tuyên truyền về hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam để thu hút thêm nguồn lực góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ người nghèo, hoạt động nhân đạo từ thiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chương trình phối hợp giữa Mặt trận với Bộ đội Biên phòng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và chương trình “Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nâng bước em đến trường” gắn với việc bảo vệ chủ quyền biên giới và an ninh quốc gia với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, vận động đồng bào ở vùng biên giới thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, tăng cường các mô hình kết nghĩa, tự quản; phối hợp giải quyết tốt quan hệ giữa các dân tộc thiểu số trong nước với đồng tộc, thân tộc ở nước ngoài; tham gia xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Năm là, phát huy tốt vai trò của người có uy tín là người dân tộc thiểu số trong công tác vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn an ninh, đường biên, mốc giới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc hiểu rõ sự quan tâm và chăm lo của Đảng và Nhà nước, vạch trần những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo gây kích động, chia rẽ giữa các dân tộc ở nước ta. Tăng cường kết nghĩa giữa các ngành, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang với các xã, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nắm chắc mọi diễn biến tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Không để xảy ra biểu tình, gây bạo loạn, gây rối trật tự trị an, đảm bảo sự ổn định chính trị và phát triển bền vững đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Sáu là, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo quy định. Đồng thời, có chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần đổi mới tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vũ Đăng Minh

Trưởng Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều