Nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp của Ban Công tác Mặt trận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

(Mặt trận) - Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, là nơi ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã triển khai các phong trào, các cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân thông qua Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở các khu dân cư. Trên cơ sở phối hợp với trưởng thôn, nhiều Ban Công tác Mặt trận đã xây dựng được các mô hình tự quản trong một số lĩnh vực, thu hút người dân tham gia, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của Nhân dân.

Tại cuộc gặp mặt các đại biểu tiêu biểu về dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khẳng định: “Lịch sử đã chứng minh, nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc ta là tính cố kết cộng đồng, là "tình đồng chí, nghĩa đồng bào", là tinh thần đại đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" luôn luôn có khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ sức mạnh cố kết cộng đồng điển hình, bền chặt nhất là sự đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng cư dân cùng sinh sống tại các thôn, làng, ấp bản, phum sóc... được minh chứng trong hàng ngàn năm lịch sử dân tộc và tồn tại đến ngày nay. Sự trường tồn được kết tinh bởi tính cộng đồng, sự liên kết các thành viên của các gia đình cùng chung sống gắn bó với nhau theo gia đình, dòng họ, làng bản... không phân biệt giới tính, lứa tuổi, tín ngưỡng, tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị xã hội trên cơ sở đồng thuận, đoàn kết nhằm giải quyết các mối quan hệ liên quan đến đời sống tâm linh, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự; mỗi thành viên trong cộng đồng ngoài chăm lo cho bản thân và gia đình mình còn phải có trách nhiệm nhằm đảm bảo lợi ích chung của các thành viên khác trong cộng đồng.

Tính cộng đồng của thôn, làng ấp, bản, buôn biểu hiện rất rõ nét và đa dạng, từ đó hình thành tâm lý cộng đồng bền vững đến ngày nay. Những nền tảng cơ bản để hình thành nên tính cộng đồng, sự cố kết và tâm lý cộng đồng đó là dựa trên sự cộng đồng về cư trú (cộng cư), cộng đồng về sở hữu và lợi ích (cộng lợi), cộng đồng về tâm linh (cộng mệnh) và cộng đồng về văn hoá (cộng cảm).

Ở nước ta, hệ thống chính trị được chia theo 4 cấp, gồm: Trung ương, tỉnh, huyện, xã và dưới xã đều có “cánh tay nối dài” của hệ thống chính trị ở khu dân cư, bao gồm: tổ chức đảng (chi bộ, tổ đảng); tổ chức chính quyền (thôn, ấp, cụm, khu phố...); Ban Công tác Mặt trận; các chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên, nông dân...

Ban công tác Mặt trận khu dân cư tổ 9 thị trấn Tân Bình (Yên Sơn) vận động nhân dân trồng hoa hai bên đường.            Ảnh minh họa - Nguồn Internet.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trên địa bàn cả nước có 129.896 khu dân cư (trong đó có 76.846 thôn và 53.050 tổ dân phố). Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, trên địa bàn khu dân cư có 3 chức danh là người hoạt động không chuyên trách gồm: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn (xóm, tổ dân phố); Trưởng Ban công tác Mặt trận, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và vai trò tuyên truyền, vận động, tập hợp của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Hoạt động của các tổ chức ở khu dân cư thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động thống nhất của hệ thống chính trị cấp xã nhằm phát huy quyền làm chủ của cộng đồng dân cư, không thoát ly, tách rời với sự quản lý của Nhà nước trên cơ sở nhằm phát huy vai trò tự quản của Nhân dân theo phương châm: “Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống của dân”.

Đối với hệ thống Mặt trận, theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, tại Điều 27 quy định cụ thể về Ban Công tác Mặt trận như sau: “Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố... (gọi chung là khu dân cư).

Cơ cấu của Ban Công tác Mặt trận bao gồm: Một số Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã cư trú ở khu dân cư; Đại diện chi ủy; Người đứng đầu của chi hội Người cao tuổi, chi hội Cựu chiến binh, chi hội Nông dân, chi hội Phụ nữ, chi đoàn Thanh niên, chi hội Chữ Thập đỏ... Một số người tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các dân tộc, tôn giáo...”1. Cơ cấu thành phần Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, trung bình mỗi Ban có 5 thành viên, tổng số thành viên Ban Công tác Mặt trận ở các địa phương là gần 100 nghìn người.

Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư là do Mặt trận cấp xã thành lập, là tổ chức tự quản có nhiệm vụ “là cánh tay nối dài” của công tác Mặt trận tại các khu dân cư thực hiện chức năng phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên; phối hợp với Trưởng thôn (làng, ấp, bản...), Tổ trưởng dân phố để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân; chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc các cấp; thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy Đảng và Ủy ban Mặt trận cấp xã; động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; phối hợp thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư trên cơ sở hương ước, quy ước.

Để thực hiện các nhiệm vụ theo điều lệ quy định, Trưởng Ban công tác Mặt trận có nhiệm vụ triệu tập, chủ trì các cuộc họp, thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần thiết và việc tổ chức hội nghị của thôn, tổ dân phố được vận dụng linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Thành phần hội nghị cơ bản là cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố.

Những nội dung chủ yếu được cử tri bàn và biểu quyết trong hội nghị thôn, tổ dân phố như: Kế hoạch phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương; xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” “Khu dân cư tiên tiến”, “Gia đình văn hóa”; phòng chống tệ nạn xã hội và xóa bỏ hủ tục lạc hậu; xây dựng và thực hiện quy chế, hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; tham gia các cuộc vận động ở địa phương; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, chỉ định Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố, thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng... thực chất là những hoạt động tự quản nhằm phát huy quyền làm chủ, đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân ở các khu dân cư.

Trong nhiều năm qua, thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động, điển hình như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Vì người nghèo”, do Mặt trận phát động; cuộc vận động “Lao động sáng tạo”, “Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” do Công đoàn phát động; cuộc vận động “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - Sạch - Đẹp”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động... mỗi tổ chức đều hướng dẫn các cấp triển khai xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư, gắn với công tác sơ, tổng kết, công tác thi đua, khen thưởng hằng năm.

Theo thống kê, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở các khu dân cư trên địa bàn cả nước đã xây dựng được 637.534 mô hình tự quản, với 23.460.795 thành viên tham gia với các tên gọi khác nhau trong các lĩnh vực như: “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư lành mạnh không có tệ nạn xã hội và tội phạm”; “Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu”; “Sạch làng, đẹp ruộng”; “Thắp sáng làng quê”; “Đường có hoa, nhà có số”; mô hình “Quỹ tiết kiệm xây dựng nông thôn mới” và các mô hình liên kết các hộ gia đình như “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Tổ hoà giải”, “Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải” mô hình “Xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo”, mô hình “Hũ gạo vì người nghèo”... Trong đó, mô hình tự quản liên quan đến lĩnh vực kinh tế có 288.921 mô hình, với 8.956.551 thành viên tham gia (trung bình khoảng 31 thành viên/1 mô hình); mô hình tự quản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự có 186.935 mô hình, với 6.916.595 thành viên tham gia (trung bình khoảng 37 thành viên/1 mô hình); mô hình tự quản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường có 87.345 mô hình, với 2.533.005 thành viên tham gia (trung bình 29 thành viên/mô hình); mô hình tự quản liên quan đến lĩnh vực thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh có 67.432 mô hình, với 4.585.376 thành viên tham gia (trung bình 68 thành viên/mô hình); mô hình tự quản liên quan đến các lĩnh vực hoạt động khác có 6.901 mô hình, với 469.268 thành viên tham gia (trung bình 68 thành viên/mô hình).

Mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp bản, phum sóc, tổ dân phố... chủ yếu do các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận, chi hội đoàn thể hoặc người tiêu biểu uy tín ở địa phương cơ sở đứng ra chủ trì, tập hợp, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân trong cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố có nguyện vọng, nhu cầu, mục tiêu, tâm huyết với phong trào ở khu dân cư cùng tham gia thực hiện. 

Trên cơ sở phối hợp với Trưởng thôn, nhiều Ban Công tác Mặt trận đã xây dựng được các mô hình tự quản trong một số lĩnh vực, thu hút, tập hợp được một bộ phận Nhân dân tham gia nên đã khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của Nhân dân, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư, bảo đảm an sinh xã hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng được lực lượng nòng cốt, kịp thời đề xuất, xử lý có hiệu quả các vụ, việc phức tạp ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng trọng điểm về an ninh quốc phòng đem lại cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh với những kết quả đạt được trong việc tập hợp, đoàn kết Nhân dân tham gia các hoạt động tự quản, các mô hình tự quản, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận còn một số tồn tại. Một số nơi, Ban Chấp hành Đảng bộ cấp cơ sở chưa quan tâm chỉ đạo, định hướng công tác phối hợp chặt chẽ giữa Trưởng thôn và Trưởng Ban Công tác Mặt trận trong việc vận động Nhân dân tham gia các hoạt động tự quản và các mô hình tự quản. Tình trạng một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật gần dân, sát dân, coi khu dân cư là cấp hành chính dưới mình nên tạo áp lực cho Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Vai trò phối hợp, thống nhất hành động giữa Ban Công tác Mặt trận với các chi hội đoàn thể và trưởng thôn ở các khu dân cư để vận động, phát huy tính tự nguyện, tự giác, tự quản, tự chịu trách nhiệm của Nhân dân ở cộng đồng dân cư chưa thống nhất. Công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra của hệ thống chính trị ở cơ sở trong triển khai thực hiện các hoạt động tự quản và các mô hình tự quản còn nhiều hạn chế; có các Ban Công tác Mặt trận chưa xây dựng quy chế hoạt động, chưa xây dựng bộ tiêu chí hay khung chuẩn để đánh giá chất lượng hoạt động các mô hình tự quản nhằm thu hút sự tự giác, tự nguyện, đồng thuận của người dân để mô hình có sức sống lâu dài. Một số nơi còn chưa rõ khái niệm về hoạt động tự quản ở khu dân cư với mô hình tự quản nhằm thực hiện các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước do Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát động.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, phát huy vai trò tự quản, đoàn kết, đồng thuận xã hội của từng người dân, từng hộ gia đình sinh sống ở các khu dân cư trên địa bàn cả nước, hệ thống chính trị các cấp cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

1. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở tại hơn 11 nghìn xã trên địa bàn cả nước cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lồng ghép các hoạt động tự quản ở khu dân cư thông qua vai trò của Trưởng Ban công tác Mặt trận để tập hợp, vận động sự tự nguyện, tự giác, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí tạo sự đồng thuận của cộng đồng. Về quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động sẽ linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế ở từng địa phương; phát huy tính chủ động, linh hoạt và sáng tạo của từng cộng đồng dân cư.

2. Xác định rõ khái niệm và bản chất của hoạt động tự quản ở khu dân cư với mô hình tự quản thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận, chính quyền và các tổ chức đoàn thể phát động. Tiếp tục kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức cộng đồng dân cư (thôn, làng, ấp, bản) nhằm phát huy vai trò tự quản trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

3. Nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với việc bình xét đánh giá các hoạt động tự quản, đánh giá hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy ước, hương ước của khu dân cư thông qua việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư” vào ngày 18/11 hằng năm, nhằm góp phần phát huy dân chủ, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, đồng thuận xã hội giữa các hộ gia đình tại các khu dân cư. Hệ thống Mặt trận các cấp cần định kỳ sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình điểm, biểu dương khen thưởng các khu dân cư và Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu trong thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát động.

Chú thích:

1. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2020.

Nguyễn Mạnh Quang - Phó Trưởng Ban Dân tộc,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều