Người chiến sĩ Công an phải là hiệp sĩ bảo vệ nhân dân

(Mặt trận) - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/2020), phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Trung tá Đào Trung Hiếu (Nhà văn, Nhà báo, Chuyên gia tội phạm học - Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an) về những kỷ niệm nghề nghiệp đáng nhớ và hành trình đưa ký ức tái hiện trong series phim truyền hình Cảnh sát hình sự tựa đề “Bão ngầm” mà anh là tác giả kịch bản kiêm Phó đạo diễn. Trung tá Đào Trung Hiếu cũng là người đã có gần 20 năm trực tiếp chiến đấu với tội phạm trong lực lượng cảnh sát hình sự.    
 

Nhà văn Đào Trung Hiếu

Phóng viên: Xin chào Nhà văn Đào Trung Hiếu, được biết dự án sản xuất series phim Cảnh sát hình sự tựa đề “Bão ngầm” của anh đã đi được một nửa chặng đường, dự kiến sẽ lên sóng truyền hình vào cuối năm nay, xin anh chia sẻ đôi chút với độc giả về dự án phim này?

Nhà văn Đào Trung Hiếu: Vâng, bộ phim truyền hình nhiều tập tựa đề “Bão ngầm” do tôi viết kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của mình và làm Phó đạo diễn có dung lượng khoảng 60 tập. Bộ phim do doanh nhân Trịnh Minh Phúc - Công ty TNHH Hoàng Trà My ở tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, Hãng phim Phương Sáng (TP Hồ Chí Minh) là nhà sản xuất.

Phim có tổng mức đầu tư rất lớn, vì được sản xuất như phim chiếu rạp, với hệ thống thiết bị quay phim 4K, hiện đại nhất ở Việt Nam hiện nay. Dàn diễn viên trong phim quy tụ những ngôi sao hạng A trong làng điện ảnh Việt, như NSND Trần Nhượng, NSND Nguyễn Hải, các diễn viên đang nổi như Hà Việt Dũng, Cao Thái Hà, Thanh Bi... Đặc biệt, phim được Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo nội dung; Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ làm cố vấn văn học; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái (Tổng biên tập Tạp chí CAND), Đại tá Vũ Văn Hậu - Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, Bộ Công an) làm cố vấn nghiệp vụ; Đại võ sư Ngô Xuân Nhuần (Phó Chủ tịch Liên Chi hội Di sản võ cổ truyền tỉnh Nghệ An) làm Tổng chỉ đạo võ thuật. 

Sau hơn 1 năm bấm máy ở gần 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các tỉnh Tây Nguyên... đến nay chúng tôi đã hoàn thành khâu sản xuất tiền kỳ, bước vào giai đoạn làm hậu kỳ kéo dài khoảng 4 tháng. Dự kiến đến tháng 12 tới đây phim có thể lên sóng truyền hình.

Phóng viên: Từng có nhiều năm trực tiếp chiến đấu với tội phạm tại các đơn vị nghiệp vụ của ngành Công an, khi trở thành một nhà văn, nhà báo, anh đã đưa vào văn học, báo chí và điện ảnh những chất liệu gì cho các sáng tác của mình?

Nhà văn Đào Trung Hiếu: Bản thân tôi có may mắn được trải nghiệm gần 20 năm trong lực lượng cảnh sát hình sự, đã trực tiếp điều tra tội phạm về ma tuý, điều tra trọng án, điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao...

Quá trình công tác đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Cùng đồng đội, bản thân tôi đã lập được một số chiến công, được Thủ tướng Chính phủ 2 lần tặng Bằng khen, Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo Công an các địa phương tôi từng công tác tặng nhiều bằng khen, giấy khen...

Trở thành một nhà văn, nhà báo sau bước chuyển đổi công việc khá đột ngột, các sáng tác văn học, nghệ thuật hay báo chí của tôi hiện nay đều tập trung khai thác mảng đề tài an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và hình tượng người chiến sĩ CAND.

Với lợi thế hiểu biết sâu sắc và tường tận về thế giới tội phạm ở nhiều lĩnh vực, về hoạt động điều tra tội phạm, có cảm xúc thật của một người làm nghề... nên các sáng tác của tôi đều khai thác tối đa miền hiểu biết, vốn trải nghiệm của mình sau gần 20 năm trực tiếp chiến đấu.

Tôi đã dành nhiều tâm sức, thời gian để kể lại bằng ngôn ngữ văn học, báo chí hay điện ảnh về cuộc đấu tranh cam go với tội phạm của các chiến sĩ CAND, kể về cuộc sống, sự hy sinh thầm lặng của họ... với mong muốn để xã hội hiểu hơn, thêm tin yêu và ủng hộ những người lính trên mặt trận thầm lặng này. Động lực thúc đẩy tôi cầm bút, đó là lòng tri ân với ngành Công an, đã cho tôi cơ hội để sống một tuổi thanh xuân sôi nổi, có ý nghĩa, khi được cống hiến sức trẻ vào sự nghiệp bảo vệ bình yên cuộc sống, bảo vệ người dân khỏi những tai ương đến từ tội phạm. 

Tôi còn viết với nỗi khắc khoải nhớ nghề cũ, bạn xưa, tri ân đồng đội đã cùng tôi vào sống, ra chết, chia lửa cho nhau trong những thời khắc dữ dội ở các trận đánh với tội phạm ma tuý, tội phạm hình sự...

Phóng viên: Nhà văn có thể chia sẻ những kỷ niệm nghề nghiệp khó quên của mình?

Nhà văn Đào Trung Hiếu: Vâng, chuyện nghề nghiệp của lính chiến chúng tôi thì rất nhiều. Trong chuyên mục “Trinh sát kể chuyện” trên ấn phẩm chuyên đề Cảnh sát toàn cầu (tháng) do tôi “giữ” hiện nay, rất nhiều vụ án, chuyên án đáng nhớ được tôi kể lại. Trong quá trình công tác ở lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra tội phạm trước đây, tôi gắn bó chủ yếu với lĩnh vực điều tra tội phạm ma tuý, điều tra trọng án, điều tra tội phạm công nghệ cao, nên kỷ niệm thời hoa lửa cũng liên quan đến các nhóm tội phạm này. 

 

Đoàn làm phim "Bão ngầm"

Trong một số chuyên án triệt xoá các đường dây tội phạm về ma tuý, tôi không thể quên thời khắc nằm trong hang ổ của chúng để thực hiện những nhiệm vụ bí mật, những biện pháp trinh sát chuyên sâu nhất của ngành...Vì khi đó, tính mạng người lính ở giữa lằn ranh sống chết. Chỉ một sơ sảy, hay thiếu tỉnh táo, cái giá phải trả sẽ là sự sống. Những cảm xúc ấy đã hằn vào óc dù bao năm tháng đã qua, và được tôi tái hiện trong tiểu thuyết và kịch bản phim “Bão ngầm”. Tất nhiên, tôi phải “giấu” đi những thứ thuộc về bí mật nghiệp vụ. 

Trong “bộ môn” điều tra trọng án, tôi đã tham gia nhiều cuộc truy xét thủ phạm giết người, cướp tài sản, hiếp dâm... trên địa bàn Hà Nội, Yên Bái. Trong đó, có một chiến công vang dội của lực lượng cảnh sát hình sự Thủ đô mà tôi may mắn là nhân tố dẫn đến thắng lợi. Đó là cuộc điều tra, truy tìm hung thủ đã giết chết cả một gia đình tại thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội vào ngày 25/1/2008. Khi đó tôi là điều tra viên của Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội. Do những khó khăn khách quan mà hoạt động điều tra sau hơn 1 năm lâm vào câu dầm, bế tắc. Vụ án “thối” - (không làm rõ được thủ phạm) trong sự day dứt khôn nguôi của lực lượng Công an Hà Nội, mặc dù đã rất cố gắng. Sau bao tháng ngày kiên trì đeo bám công việc, đến cuối năm 2008, từ nguồn tin trinh sát của mình, tôi đã tìm ra manh mối của thủ phạm và bước vào hành trình thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý tội phạm. Để tìm ra những chứng cứ để bắt thủ phạm của vụ án này, tôi đã thức trắng gần 2 tháng trời để nghiên cứu các tài liệu liên quan, đánh giá phân tích, truy tìm con người, củng cố hồ sơ, tính toán các biện pháp buộc đối tượng bộc lộ. Thời gian cao điểm trong chuyên án, tôi chỉ có thể chợp mắt khi ngồi trong xe ô tô. Cùng với đồng đội ở ngôi nhà số 7 Thiền Quang, sau những nỗ lực vô bờ bến, cuối cùng chúng tôi đã kết thúc hoàn hảo chuyên án 265 C, với 3 kẻ thủ ác sa lưới pháp luật và đền tội. 

Trong lĩnh vực điều tra tội phạm công nghệ cao, chuyên án nổi tiếng dẫn đến bằng khen Thủ tướng của tôi, là hành trình bóc gỡ, triệt xoá đường dây, ổ nhóm tội phạm người Malaysia gây án tại Hà Nội bằng thẻ tín dụng giả. Chuyên án vắt qua 2 năm (2011-2012), chúng tôi lần lượt đón lõng, bắt ngay tại trận nhiều tốp “tội phạm ngoại” cùng tang vật, phương tiện phạm tội. Trận đánh hoàn hảo đến mức chúng tôi được chính các đối tượng khen, rằng: “Công an Việt Nam giỏi quá, chúng tôi đã đi khắp thế giới gây án mà không bị bắt”! (Cười).

Phóng viên: Từng là lính trận trong nhiều năm, theo anh điều gì là động lực nâng bước chân cho những người trinh sát vượt lên trên mọi khó khăn, vất vả, gian khổ, hy sinh để làm tròn sứ mệnh của mình?

Nhà văn Đào Trung Hiếu: Điều đúng với tôi, cũng như đồng đội, đó là khi đau cùng nỗi đau của nạn nhân trong các vụ án, niềm đau ấy sẽ biến thành động lực thúc giục, nâng bước cho họ vượt qua khó khăn, trở ngại để tìm công lý về cho người dân. Kẻ có tội, gây điều ác chống lại xã hội, chống lại con người phải bị trừng trị.

Đó là lẽ công bằng ở đời. Mỗi người sinh ra trên đời đều mang trên mình một sứ mệnh nào đó. Chúng tôi có nhiệm vụ vạch trần tội ác, đấu tranh với các thế lực đen tối, cường bạo để bảo vệ người dân vô tội.

Thực lòng, tôi luôn suy nghĩ về nghề của mình như thế kể từ lúc đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ CAND. “Sát cái sát là sinh” - diệt trừ cái ác để bảo vệ xã hội, bảo vệ người dân là sứ mệnh của những người lính như tôi. Người chiến sĩ Công an phải là hiệp sĩ bảo vệ nhân dân.

Phóng viên: Được biết hiện nay, anh còn là một chuyên gia phân tích tội phạm, thường lên sóng truyền hình và đi các nơi giảng bài, tư vấn, hướng dẫn người dân các kỹ năng chủ động phòng ngừa tội phạm, xin anh chia sẻ về công việc này?

Nhà văn Đào Trung Hiếu: Vâng, hiện tôi đang làm luận án Tiến sĩ Luật học, chuyên ngành tội phạm học và phòng ngừa tội phạm. Từ kinh nghiệm thực chiến trước đây kết hợp với lý luận khoa học đang lĩnh hội, tôi thường xuyên cộng tác với nhiều cơ quan báo chí, đài truyền hình để phân tích các vụ án đã xảy ra, lý giải nguyên nhân tội phạm và tư vấn các kỹ năng, giải pháp phòng ngừa xã hội. Tôi luôn nghĩ răng phòng ngừa tội phạm là khâu cơ bản, then chốt. Chi một đồng cho hoạt động phòng ngừa tội phạm, sẽ tiết kiệm được 99 đồng cho hoạt động điều tra tội phạm. Để người dân không trở thành nạn nhân, vừa qua tôi đã xuất bản tập 1 trong cuốn sách 3 tập: “Tội phạm - đọc vị và ứng phó”, với nội dung  phân tích phương thức, thủ đoạn gây án của các tội phạm phổ biến trong đời sống, tư vấn các mẹo mực, cách thức ứng phó khi đối mặt, những biện pháp chủ động phòng ngừa tội phạm xảy ra với mình. Đó là phòng ngừa chủ động từ khía cạnh nạn nhân tương lai của tội phạm.

 

Bìa cuốn sách “Tội phạm - đọc vị và ứng phó”

 

Nhà văn Đào Trung Hiếu trong một buổi giảng bài

Bên cạnh đó, tôi còn là giảng viên thỉnh giảng của 2 trường đại học về luật hình sự và khoa học điều tra tội phạm. Ngoài ra, tôi thường đi các trường học ở nhiều địa phương để chia sẻ, tư vấn cho học sinh, sinh viên các kỹ năng chủ động phòng chống tội phạm. 

Là người chiến sĩ CAND, dù ở bất kỳ cương vị, vai trò, nhiệm vụ nào, tôi luôn nghĩ trách nhiệm của mình là phải cống hiến trí tuệ, sức lực phụng sự xã hội, góp phần kiến tạo một xã hội an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn Nhà văn về cuộc trao đổi thú vị này.

PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều