Nguyên nhân nào gây sạt lở đất?

Các hoạt động tạo ra mất chân, mất ổn định sườn dốc là nguyên nhân kích hoạt khiến  sạt lở đất có thể xảy ra.

Đó là nhận định do ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều tối 30/10, về nguyên nhân gây ra những vụ sạt lở đất, lũ ống và lũ quét trong thời gian gần đây.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Công Thành, đợt thiên tai vừa qua khốc liệt hơn thiên tai lịch sử đã xảy ra năm 1999 ở khu vực miền Trung với 4 trận bão liên tiếp. Cơn bão số 9 là cơn bão mạnh nhất 20 năm vừa qua, mưa lũ kéo dài đã gây ra những điểm có lượng mưa lớn hơn năm 1999. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương và thông tin kịp thời đã giúp giảm nhiều thiệt hại so với năm 1999.

Với tác động của con người cùng thiên tai, ông Thành cho rằng miền Trung là khu vực đồi núi cao, địa chất có nhiều đất đá cổ nứt nẻ, có nhiều đất sét, hết sức bất lợi, nên mưa lớn và mưa lâu ngày chứa trong lớp phong hóa này trở nên nhão và có lực trượt kéo xuống phía dưới.

“Ngoài ra, các hoạt động dân sinh, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển, xây dựng nhà ở, trường học, đường, trong đó có xây dựng các nhà máy thủy điện để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước…đây cũng là hoạt động khiến cho mất ổn định sườn dốc, là nguyên nhân kích hoạt khiến tai họa có thể xảy ra”, ông Thành giải thích.

Đối với những ý kiến cho rằng mất rừng là một trong những nguyên gây nên sạt lở đất, thì theo ông Thành cần phải đánh giá trong từng trường hợp cụ thể, vì có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

“Trong vụ sạt lở đất vừa xảy ra tại thủy thủy điện Rào Trăng 3 thì công trình thủy điện đang xây dựng, đang trong quá trình cắt vào sườn núi thì xảy ra sự cố đáng tiếc này”, ông Thành thông tin.

Đánh giá tác động môi trường với các dự án thủy điện nhỏ, ông Thành cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn đánh giá yếu tố tác động đặc thù như rừng, thảm thực vật, đa đạng sinh học, dòng chảy tối thiểu mà thủy điện phải trả lại cho hạ du, các đập thủy điện và các yếu tố liên quan khác.

Theo ông Thành, Luật Lâm nghiệp đã có các quy định rất chặt chẽ cho việc chuyển đổi đất rừng, nên đối với việc bảo đảm rừng, phát triển rừng thì một số nhà máy thủy điện đã bắt đầu nâng cao nhận thức, vừa giữ nguồn sinh thủy cho khu vực nhà máy, vừa bảo đảm tránh sạt lở đất.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, để giảm thiểu nguy cơ xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan đã tham mưu cho Chính phủ loại bỏ 472 thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch. Tuy nhiên, với 213 điểm có thể xây dựng thủy điện cần phải được đánh giá, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để vừa bảo đảm sự phát triển môi trường bền vững, vừa tránh được những rủi ro thiên tai.

Theo Thùy Chi/Baochinhphu.vn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều