Nhân sự Đại hội Đảng: Mỗi lá phiếu phải “dĩ công vi thượng”

Nếu như mỗi người không thể hiện đúng tinh thần, trách nhiệm trong lựa chọn nhân sự thì chính mình, gia đình mình sẽ bị tác động.

Đến thời điểm này, nhiều tổ chức Đảng đã tiến hành xong đại hội Đảng cấp cơ sở và đang tiến hành Đại hội cấp trên cơ sở, bầu ra cấp ủy khóa mới. Có một vấn đề đang được dư luận quan tâm, cần phải được nhìn nhận nghiêm túc, thấu đáo, đó là việc sử dụng những lá phiếu bầu có thực sự khách quan, công tâm, tỉnh táo vì việc chung hay không? Làm gì để mỗi đảng viên ứng xử một cách phù hợp, thực sự công tâm và nghiêm túc khi thực hiện quyền lựa chọn cao nhất của mình thông qua lá phiếu?

Về vấn đề này, phóng viên phỏng vấn ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

PV: Khi nói về giá trị của lá phiếu, Bác Hồ đã nói: Lá phiếu tuy khuôn khổ bé nhỏ nhưng giá trị của nó thì vô cùng lớn. Ông nghĩ sao về giá trị lớn lao này?

Ông Lê Thanh Vân: Lá phiếu có giá trị vô cùng lớn lao, vì nó là sự ủy nhiệm quyền lực của nhân dân. Qua sự ủy nhiệm quyền lực đó, họ tín thác vào những vị đại biểu mà họ bầu ra để thay mặt họ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Trong Đại hội Đảng các cấp bầu ra các Ban Chấp hành, các cơ quan lãnh đạo và những người đứng đầu các tổ chức đảng thay mặt họ quyết định những vấn đề quan trọng nhất ở địa phương.

PV: Ông nghĩ sao về tinh thần “dĩ công vi thượng” trước mỗi lá phiếu?

Ông Lê Thanh Vân: Tinh thần "dĩ công vi thượng" có nghĩa phải đặt việc công lên tất thảy. Việc công ở đây là việc Đảng, việc nước, việc của địa phương. Cụ thể ở đây là tinh thần, thái độ, trách nhiệm của mỗi đại biểu trước mỗi việc công như thế nào. Nếu vì phe nhóm, vì lợi ích để bầu sai lệch đi thì không còn "dĩ công vi thượng" nữa, làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của việc bầu cử trong Đảng, trong Nhà nước. Mỗi lá phiếu phải phản ánh được tinh thần dĩ công vi thượng là một mục tiêu rất chính đáng.

Vấn đề đặt ra là làm sao kiểm soát được trách nhiệm của họ, nếu như tinh thần "dĩ công vi thượng" không phản ánh được trong bỏ phiếu quyết định nhân sự, thực hiện sai quyền mà nhân dân tín thác cho họ thì họ phải chịu kỷ luật Đảng. Có như vậy mới ràng buộc trách nhiệm của họ.

PV: Lá phiếu là biểu hiện cụ thể của quyền lực nhưng phải trong khuôn khổ. Cũng có quan điểm cho rằng việc bầu cử chỉ là lấy lệ, là hình thức bởi công tác nhân sự đã xong hết rồi. Soi chiếu theo nguyên tắc tổ chức của Đảng, ông nghĩ sao về nhận thức này?

Ông Lê Thanh Vân: Có người cho rằng nhân sự đã được chuẩn bị, được lựa chọn rồi, “ván đã đóng thuyền” thì ý kiến của mình có tiến cử thêm ai đó cũng chẳng nhằm nhò gì. Đó là một phản ánh về tâm lý và cũng chính tâm lý đó hạn chế quyền đề cử, tiến cử nhân tài của cá nhân, tập thể. Và đó cũng là một tâm lý ỷ lại, trông chờ, dựa dẫm, thậm chí là bỏ mặc cho cấp ủy trong lựa chọn nhân sự. Như thế tính mở rộng, chất lượng trong lựa chọn nhân sự sẽ thu hẹp.

PV: Ông nghĩ sao về thực tế còn tồn tại hiện nay đó là “mũ ni che tai” trong quá trình bỏ phiếu?

Ông Lê Thanh Vân: “Mũ ni che tai” trong bỏ phiếu đó là tình trạng thờ ơ, thiếu trách nhiệm, buông xuôi, giữ mình cho tròn trịa, không dám đụng chạm. Cha ông có câu như một phương ngôn trong phép trị quốc, đó là: Kiến quốc dĩ giáo dục vi tiên/ Cầu trị dĩ nhân tài vi cấp. Có nghĩa khi khai mở đất nước thì phải coi dân trí là quan trọng bậc nhất, nên phải chú trọng nền tảng số 1, ưu tiên hàng đầu đó là giáo dục. Nhưng khi đã xây dựng, kiến thiết Tổ quốc thì phải coi nhân tài là gốc.

Vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, tham quyền cố vị, người ta tìm cách triệt hạ nhân tài để cố giữ quyền lực của mình nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, cho lợi ích nhóm mà bỏ rơi lợi ích Tổ quốc và nhân dân là một tội rất lớn đối với đất nước, với dân tộc.

Theo tôi, để việc bầu cử thực sự trở nên ý nghĩa và buộc mọi người có trách nhiệm "dĩ công vi thượng" thì phải rào chắn lại các quy định cho chặt chẽ và nghiêm trị những người lạm dụng quyền lực. Làm sao xử lý tội phạm về tổ chức cán bộ, nhân sự phải nặng hơn tội phạm về tham nhũng, bởi vì tham nhũng quyền lực, sự công phá của nó ghê gớm hơn rất nhiều lần tham nhũng về kinh tế.

PV: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Cần chống tư tưởng cục bộ địa phương, cánh hẩu, lợi ích nhóm. Theo ông, làm thế nào để nhận diện?

Ông Lê Thanh Vân: Phát hiện ra chiêu trò để chạy phiếu bầu tuy dễ mà khó. Dễ ở chỗ ai cũng nhìn thấy, ai cũng biết; nhưng khó ở chỗ không ai đủ dũng khí để tố cáo, bóc trần việc này ra. Vì sao? Vì họ bị trù dập và cũng do ít người đủ dũng khí nên họ bị cô đơn.

Đó chính là mặt trái của cơ chế chưa đủ sức răn đe để trừng trị những kẻ vi phạm, thậm chí những kẻ vi phạm còn lợi dụng việc này để trừng trị lại những người tích cực đấu tranh.

PV: Theo ông, mỗi đảng viên cần làm gì để nhận thức được đúng việc hệ trọng của việc bầu cấp ủy, công tâm, sáng suốt trong bầu cử để lựa chọn được những người thực sự xứng đáng, những người thực đức, thực tài, phụng sự sự nghiệp chung của quốc gia, dân tộc?

Ông Lê Thanh Vân: Khi được kết nạp vào Đảng, đảng viên đã tuyên thệ trước cờ Đảng từ mục tiêu, động cơ phấn đấu cho đến sự hy sinh của mình đối với công việc chung của Đảng. Nếu như mỗi người không thể hiện đúng tinh thần, trách nhiệm trong lựa chọn nhân sự thì chính mình, gia đình mình sẽ bị tác động. Bởi vì bầu ra một nhân sự sai lầm thì tác động đến chính sách, tổ chức thực hiện chính sách, tác động đến lợi ích chung, trong đó có mình.

Trên hết, mỗi đảng viên cần nhớ lại lời thề vào Đảng để thực hiện tốt chức trách của mình. Để nhắc nhở mỗi đảng viên thực hiện nghiêm, đúng lời thề vào Đảng thì cần có công cụ để xử lý vi phạm, đủ sức răn đe để thức tỉnh họ.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV1

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều