Nhìn lại 2021: Ứng dụng công nghệ thông tin - điểm nhấn trong hoạt động của Tòa án

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án là xu hướng tất yếu, mang lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí, thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn, áp lực, trong năm 2021, ngành Tòa án đã có nhiều giải pháp, đạt những kết quả nổi bật, nhất là trong áp dụng công nghệ thông tin như: phiên tòa trực tuyến, ứng dụng "trợ lý ảo"... 

Quang cảnh phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Ảnh (tư liệu - minh họa): TTXVN 

Trợ lý ảo - thư ký cho các thẩm phán

Những năm trước, Tòa án đưa vào nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả đã trở thành điểm nhấn, như công khai bản án, án lệ trên cổng thông tin điện tử. Đến nay, toàn ngành đã công bố hơn 680.000 bản án, quyết định; 43 án lệ với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 100 triệu lượt, hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định.

Mới đây, tiếp tục đẩy mạnh công nghệ thông tin, Tòa án nhân dân Tối cao đã đưa vào hoạt động 4 ứng dụng gồm: "Trợ lý ảo"; Trung tâm giám sát điều hành Tòa án nhân dân Tối cao; Nền tảng xét xử trực tuyến; Trung tâm tư liệu và Thư viện. Đây là các ứng dụng nhằm tạo ra kho tri thức khổng lồ cho các Thư ký, Thẩm phán có thể nghiên tự nghiên cứu, tự học để nối dài kiến thức của mình. Trong đó, phần mềm trợ lý ảo được xem là bước tiến lớn, điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin của Tòa án.

"Trợ lý ảo đóng vai trò như một người thư ký làm việc thường xuyên với các thẩm phán, sẽ tư vấn ứng dụng pháp luật, đến điều khoản pháp luật cho các thẩm phán. Chúng ta sẽ sử dụng trợ lý ảo này trong vòng 2 năm, khi ứng dụng "trợ lý ảo" hoàn thiện hơn sẽ mở rộng phạm vi ứng dụng", Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Giai đoạn 1, "trợ lý ảo" cung cấp 4 dịch vụ: giới thiệu điều luật, hệ thống luật để các Thẩm phán áp dụng; giới thiệu những án lệ liên quan đến vụ án để vận dụng xét xử; những vấn đề trong giải đáp nghiệp vụ; đưa ra các vụ án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo.

Khi mở rộng ứng dụng, tòa án cho phép người dân sử dụng "trợ lý ảo" làm tư vấn pháp lý. Khi người dân gặp tình huống pháp lý tương tự (các vụ án tương tự tòa đã xét xử) vụ án của mình, họ sẽ tự tham khảo từ "trợ lý ảo" để đưa ra quyết định có nên tiếp tục kháng cáo, khiếu kiện hay không... Tòa án cũng sẽ nghiên cứu để người dân sử dụng "trợ lý ảo" như là một dịch vụ tư pháp công để nâng cao trình độ pháp lý cho người dân.

Theo Tòa án, "trợ lý ảo" là phần mềm có khả năng thực hiện các yêu cầu tìm kiếm thông tin nhanh dựa trên câu hỏi, khẩu lệnh của thẩm phán nhằm hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm, rút ngắn thời gian xử lý vụ việc. "Trợ lý ảo" giao tiếp bằng cả tiếng nói và chữ viết, không chỉ hoạt động như một "thư ký" tòa án mà còn hướng dẫn áp dụng pháp luật cho từng tình huống xét xử. Ví dụ, một vụ tranh chấp đất đai xảy ra năm bao nhiêu sẽ được hướng dẫn áp dụng pháp luật của giai đoạn nào, cụ thể ra sao.

Tương lai, "trợ lý ảo" được kỳ vọng có khả năng "hỗ trợ đoán định tư pháp". Người dùng lúc này chỉ cần nạp dữ liệu về hành vi, tình huống pháp lý... để hệ thống trả lời trường hợp này phạm tội danh hoặc thuộc tranh chấp dân sự dạng nào. Ngoài thẩm phán, người dân cũng có thể tham khảo kết quả này để quyết định có khởi kiện ra tòa hay chọn hình thức khác như hòa giải, nhờ trọng tài...

Bên cạnh đó, việc xây dựng "trợ lý ảo" là cách số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xử án các thẩm phán, cán bộ tòa án. Những kiến thức đó cần được truyền lại bằng công nghệ thông tin để các thế hệ sau kế thừa, tham khảo.

Là cơ quan phối hợp trong triển khai "trợ lý ảo", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, số lượng văn bản pháp luật ngày càng nhiều và được sửa đổi, bổ sung thường xuyên. Bên cạnh đó, số lượng vụ việc Tòa án cần xử lý hàng năm rất lớn và tiếp tục gia tăng. Chỉ riêng năm 2020 các Tòa án đã thụ lý hơn 600 nghìn vụ việc. Nhằm hỗ trợ các cán bộ ngành Tòa án làm việc hiệu quả hơn, giảm thiểu các tai nạn pháp lý, nghiệp vụ, rất cần một trợ lý am hiểu luật pháp, làm việc 24/7 và lúc nào cũng bên cạnh. Vì Tòa án là một chuyên ngành hẹp nên làm cho trợ lý ảo ngành Tòa án trở nên thật thông minh là một công việc không hề khó. Càng dùng nhiều thì trợ lý này sẽ càng thông minh và trợ giúp càng đắc lực.

Hướng tới Tòa án điện tử

Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 hiện diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội, do đó, hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị ảnh hưởng. Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Để kịp thời thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động xét xử, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao đã xây dựng chủ trương tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Sau nhiều lần chỉnh lý, hoàn thiện, ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Việc áp dụng xét xử trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng nhằm đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn luật định; góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, hiện nay, luật tố tụng nước ta (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) chỉ quy định xét xử trực tiếp, không quy định xét xử trực tuyến. Vì vậy, có thể khẳng định, xét xử trực tuyến là phương thức xét xử mới chưa được quy định trong luật tố tụng Việt Nam.

Đặc điểm đặc trưng của xét xử trực tuyến là xét xử mà không cần tiếp xúc trực tiếp giữa những người tham gia phiên tòa và vì vậy, họ không cần phải có mặt tại phòng xử án. Đây là giải pháp đột phá nhằm góp phần thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra toàn cầu và tại Viêt Nam.

Có thể lấy ví dụ, trong đợt dịch đợt 4 vừa qua, Tòa cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo khẩn về việc yêu cầu tạm dừng các phiên tòa xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm, bắt đầu từ ngày 9/6/2021 đến khi có thông báo mới. Với quy định không tập trung quá 5 người, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng buộc phải thông báo hoãn nhiều phiên xét xử. Việc tạm dừng các phiên tòa đã ảnh hưởng đến công tác xét xử cũng như quyền lợi của bị can, bị cáo, đương sự và người liên quan. Để giải quyết tình thế này, liên ngành tố tụng thành phố Thủ Đức thống nhất đưa ra phương án sẽ đề xuất cấp trên chấp thuận chủ trương cho thí điểm xét xử trực tuyến những vụ án hình sự đối với các bị cáo đang bị tạm giam tại nhà giam giữ của Công an thành phố Thủ Đức, góp phần hạn chế rủi ro lây nhiễm trong bối cảnh dịch COVID-19.

Để giải quyết tình hình trên, giải pháp tổ chức xét xử trực tuyến, phiên tòa trực tuyến là rất cần thiết, quan trọng và cấp bách, vừa đảm bảo công tác xét xử đúng tiến độ. Phiên tòa trực tuyến cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng... vẫn tham gia phiên xử tại phòng xét xử của Tòa án; các bị cáo bị xét xử sẽ vẫn ở nơi giam giữ và có đường truyền trực tiếp với nơi tạm giam của bị cáo để tiến hành thủ tục xét xử bình thường. Xét xử trực tuyến có thể áp dụng cho cả vụ án đơn giản hoặc phức tạp, vụ có nhiều hoặc ít bị cáo, nếu các thủ tục tố tụng và công tác xét xử được đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, xét xử trực tuyến đã xuất hiện ở một số nước như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Singapore...

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, cá nhân ông và Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Bởi lẽ, hiện nay nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử, số hóa các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật… trong hoạt động tại Tòa án, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong khả năng tiếp cận công lý, hoạt động quản lý và xét xử của Tòa án được nhanh chóng.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ luật sư, theo ông Hoài, việc chuyển sang hình thức xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự là cần thiết nhưng vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục mà Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định, trong đó vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi xét xử trực tuyến phải được chú trọng một cách đặc biệt. Ngoài ra cũng cần lưu ý về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, mạng internet, nhất là ở những vùng còn khó khăn, miền núi, dân tộc để đảm bảo việc liên thông giữa Tòa án với các chủ thể khác tham gia phiên tòa, cơ sở giam giữ.

Về lộ trình xây dựng chuyển đổi số và Tòa án điện tử, Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, giai đoạn 2021-2022, hoàn thiện nền tảng pháp lý; xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử; đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống công nghệ thông tin hiện có; triển khai một số nhiệm vụ trong hạng mục phát triển hạ tầng số; bảo đảm nguồn lực triển khai tòa án điện tử.

Giai đoạn 2023-2024, tập trung hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng số trong toàn hệ thống Tòa án; phát triển các hệ thống công nghệ thông tin số, cơ sơ dữ liệu quốc gia về hồ sơ vụ án và các dịch vụ công của tòa án; tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn lực triển khai tòa án điện tử và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Giai đoạn 2025 và các năm tiếp theo, triển khai đồng bộ các hoạt động tố tụng và từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết các vụ việc bằng hình thức điện tử; tiếp tục hoàn thiện nền tảng pháp lý, các hệ thống công nghệ thông tin trên cơ sở tổng kết thực tiễn triển khai tòa án điện tử trong các giai đoạn từ năm 2021-2024 làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện tòa án điện tử tiến tới xây dựng Tòa án số.

Theo Xuân Tùng (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều