Những con số biết khóc

Năm 2017, hơn 2.000 trẻ bị tử vong vì đuối nước, hơn 450 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, hàng nghìn trẻ bị hành hạ nghiêm trọng… Các em quá “thấp cổ bé họng” để kêu cứu, có thể chỉ biết khóc khi đau đớn, sợ hãi. Thậm chí, có em không còn cơ hội cất tiếng khóc…

Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em 2018 là “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”, đặc biệt là trong thế giới công nghệ số. Nhưng nơi nào an toàn cho trẻ khi những cạm bẫy rình rập, bủa vây các em khắp nơi, kể cả gia đình hay trường học???

Mới vào hè 2018 đã có hàng chục trẻ tử vong khi bơi ở ao hồ (ảnh minh họa).

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH năm 2017, hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Chỉ trong tháng 5.2018, vừa vào hè, đếm sơ sơ đã có vài chục trẻ tử vong khi tắm, vui chơi ở ao hồ. Khẩu hiệu: “Cần tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước” năm nào cũng được tuyên truyền, nhưng rồi nỗi đau trẻ em tử vong liên tục do đuối nước vẫn cứ tiếp diễn.

Bộ Công an cũng vừa cung cấp thông tin chua xót, năm 2017 phát hiện 446 vụ hiếp dâm trẻ em (tăng gần 5,2% so với năm 2016), 8 vụ cưỡng dâm trẻ em (tăng 14,3% so với năm 2016). Nạn nhân bị xâm hại tình dục chủ yếu là các bé gái (chiếm trên 80%); đối tượng xâm hại phần lớn chưa có tiền án, tiền sự, thường có mối quan hệ quen thân với nạn nhân. Và chắc chắn còn nhiều vụ xâm hại tình dục mà gia đình giấu nhẹm đi, thậm chí trẻ em hoặc chính cha mẹ còn không nhận thức được đó là xâm hại tình dục mà tố cáo.

Cũng theo đại diện Bộ LĐTBXH, mỗi năm khoảng 2.000 trẻ bị bạo lực, xâm hại thân thể nghiêm trọng mà người đánh đập các em cũng rất thân quen như bố mẹ, họ hàng, thày cô… Tuy nhiên, theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) năm 2017, con số trẻ em Việt Nam bị bạo lực còn lớn hơn rất nhiều. UNICEF cho biết, khoảng gần 70% (68,4%) trẻ ở độ tuổi từ 1-14 được báo cáo là từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà; khoảng 20% trẻ em gái và trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường… Trong giai đoạn 2011-2015, 5.300 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là với trẻ em gái, đã được báo cáo.

Trẻ bị bạo hành ở nhóm trẻ Mẹ Mười (quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Trẻ em có thể tìm thấy sự an toàn ở đâu khi hàng loạt vụ đánh đập trẻ em dã man ở trường học bị phanh phui. Những đứa trẻ còn đang đóng bỉm bị các cô giáo mầm non xách lên như con búp bê vải, bịt mồm, nhét cơm hay tát, đạp, đánh đập bằng bất cứ vật dụng gì các cô có trong tay. Có đứa trẻ bị bố và mẹ kế đánh đập dã man, nuôi nhốt, cấm đi học ngay giữa Thủ đô suốt 2 năm mà không ai biết.

Trẻ em làm sao được bảo vệ khi nhiều người vẫn làm ngơ trước bạo lực trẻ em, coi như hành vi “dạy dỗ” và thủ phạm các vụ xâm hại tình dục trẻ em lại được pháp luật xử “nới tay”. Gần đây, kẻ dâm ô trẻ em Nguyễn Khắc Thủy (Vũng Tàu) được giảm án từ 3 năm tù xuống 18 tháng tù treo với các lý do hài… không cười nổi: Tuổi cao, từng là cán bộ ngân hàng... Khi pháp luật không nghiêm trị tội xâm hại tình dục, thì làm sao răn đe những kẻ đang rắp tâm phạm tội. Và trẻ em vẫn như “cá nằm trên thớt” khi những kẻ làm hại mình là người thân, người quen, là chú bác, ông bà đáng kính?

Tại Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em 2018 vừa diễn ra, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã yêu cầu các cơ quan đoàn thể và mỗi cá nhân cùng hành động lan tỏa những việc làm tốt vì trẻ em bằng chính trái tim yêu thương của mình, với khẩu hiệu hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em.

Khẩu hiệu hay hành động yêu thương là điều trẻ em cần. Nhưng nếu pháp luật không nghiêm minh, người thi hành pháp luật không chính trực, công bằng, khiến những kẻ xâm hại, bạo hành trẻ bị trừng trị thích đáng thì khó có thể tạo dựng cho trẻ một môi trường an toàn từ nhà, tới trường, ra ngõ.

Theo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều