Phát huy vai trò của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng, góp ý văn kiện đại hội đảng các cấp

Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, có ý nghĩa định hướng chiến lược công cuộc đổi mới, phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Việc tham gia xây dựng, góp ý Văn kiện Đại hội Đảng vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi không chỉ của đảng viên, tổ chức đảng, mà còn của các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ) và các tầng lớp nhân dân.
 Trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020 nhân Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV_Ảnh: TTXVN
Một số kết quả nổi bật trong giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng, góp ý văn kiện đại hội đảng các cấp của Hội trong thời gian qua

Một là, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo thực hiện khâu đột phá của nhiệm kỳ XII (2017 - 2022) về “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ”, tích cực góp phần xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan tới phụ nữ và bình đẳng giới.

Từ năm 2014 - 2018, các cấp Hội đã chủ trì 15.415 cuộc giám sát chuyên đề; tham gia 55.679 đoàn giám sát, khảo sát của cấp ủy đảng các cấp, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức 21.832 hội nghị phản biện, gửi 37.970 văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền. Kết quả từ giám sát và phản biện xã hội, các cấp Hội đã tham mưu đề xuất thành công 119 chính sách, chương trình liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và tổ chức Hội(1). Các góp ý, phản biện của Hội về nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lao động nữ và bình đẳng giới đã được tiếp thu thành công trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); kiến nghị của Hội về lồng ghép giới xuyên suốt các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được tiếp thu trong Nghị quyết số 88/2019/QH14(2) và Nghị quyết số 12/NQ-CP(3), đặc biệt là còn được thể hiện tập trung trong Dự án số 8 của Chương trình này về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Hiện nay, Hội cũng đang tích cực góp ý trong xác định các vấn đề, chỉ tiêu về giới cần giải quyết trong Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Hai là, Hội đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa hội viên, phụ nữ với Đảng, Nhà nước trong phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thông qua nhiều hình thức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, như: tổ chức các diễn đàn, đối thoại để hội viên, phụ nữ thảo luận, trình bày nguyện vọng, nêu kiến nghị với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham mưu tổ chức 664 cuộc đối thoại(4) trực tiếp giữa phụ nữ với cấp ủy, chính quyền địa phương. Thông qua đối thoại, nhiều ý kiến được cấp ủy đảng, chính quyền tiếp thu phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành, bổ sung, điều chỉnh và ban hành các chính sách bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Ba là, đối với văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có văn bản góp ý đề nghị xem xét, bổ sung 4 nội dung: 1- Đánh giá về vai trò, sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân (nông dân, công nhân, phụ nữ) vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội 5 năm vừa qua; 2- Đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cũng như xác định rõ chỉ tiêu về bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế (các chỉ tiêu về giới, tỷ lệ đào tạo nghề cho phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ hưởng các dịch vụ gia đình, y tế); 3- Đánh giá tình hình liên quan đến vấn đề gia đình; 4- Xem xét nội dung liên quan đến vấn đề phụ nữ trong mục XII “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” trên cơ sở quan điểm coi phụ nữ là chủ thể, đồng thời là nguồn lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần có cơ chế, chính sách để tạo cơ hội, điều kiện cho phụ nữ phát huy thế mạnh trong xã hội.

Hội đã tổ chức các hội thảo khoa học để góp ý xây dựng văn kiện đại hội đảng, sớm ban hành các văn bản cần thiết(5) nhằm chỉ đạo việc tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong các cấp Hội Phụ nữ và định hướng đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó, tập trung đóng góp vào mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trong các dự thảo văn kiện nhằm đề xuất và bảo đảm các vấn đề liên quan đến phụ nữ, gia đình và vấn đề bình đẳng giới được thể hiện phù hợp với đường lối phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ. Đồng thời, để việc tham gia góp ý bảo đảm tập trung, có chiều sâu, Trung ương Hội đã nghiên cứu dự thảo văn kiện, lựa chọn 4 chủ đề tập trung góp ý (phát huy quyền làm chủ của phụ nữ thông qua thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Hội LHPN Việt Nam; kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do quốc tế thế hệ mới; nâng cao năng lực đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao) nhằm bảo đảm lựa chọn các nội dung có chiều sâu, phát huy được sự tham gia đóng góp của các tầng lớp phụ nữ. Với 4 chủ đề này, Hội LHPN Việt Nam không chỉ phát huy vai trò của các cấp Hội, hội viên phụ nữ các cấp mà Hội còn chú trọng phát huy vai trò của hai tổ chức thành viên là Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam. Các cấp Hội đã tích cực, chủ động tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng trong cán bộ và hội viên, phụ nữ cả nước với chủ đề: “Giữ trọn niềm tin theo Đảng”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; theo dõi, nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và tổ chức các hoạt động lấy ý kiến hội viên, phụ nữ vào dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Với nhiều hình thức, nhiều cấp độ, như hội nghị đảng viên, tọa đàm chuyên gia, hội nghị lấy ý kiến trong lực lượng nữ trí thức, nữ doanh nhân, hội nghị phản biện xã hội..., các cấp Hội đã lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết của các tầng lớp phụ nữ, tiếp thu và tổng hợp đề xuất đối với các cấp ủy địa phương, góp phần vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông của Hội, Nhà xuất bản Phụ nữ, Cổng thông tin điện tử của Trung ương Hội, Báo Phụ nữ Việt Nam, đã đăng tải các nội dung yêu cầu lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp phụ nữ vào dự thảo văn kiện, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề (đặc biệt là chuyên đề “Màu cờ tôi yêu” với chủ đề “Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” trên Báo Phụ nữ Việt Nam).

Tuy nhiên, việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định, như: 1- Các cấp Hội còn gặp nhiều khó khăn trong giám sát đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu và trong phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Hội LHPN cơ sở thường khó lựa chọn được nội dung giám sát thiết thực và trong phát hiện, kiến nghị, theo dõi việc tiếp thu các vấn đề sau giám sát; 2- Việc nghiên cứu chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để phản biện xã hội, tham gia xây dựng, góp ý văn kiện đại hội đảng bộ các cấp đôi khi còn chưa sâu, thiếu tính dự báo nên chất lượng chưa cao; 3- Tính chủ động của Hội LHPN ở một số nơi trong thực hiện phản biện xã hội, đề xuất chính sách, góp ý vào dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp chưa cao; chưa có nhiều ý kiến  góp ý và được tiếp thu liên quan đến các vấn đề của phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và tổ chức Hội...

Một số định hướng và giải pháp chủ yếu mà các cấp Hội cần tập trung thực hiện trong giám sát, phản biện xã hội và xây dựng, góp ý Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII trong thời gian tới

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam góp ý về lĩnh vực khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao thể hiện trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng_Ảnh: phunuvietnam.vn. 
Thứ nhất, tập trung giám sát các vấn đề phụ nữ quan tâm, phản biện xã hội đối với các lĩnh vực thiết yếu, nhất là các dự án luật, chương trình, đề án liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới, những quy định lồng ghép giới trong các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm cơ sở thực tiễn để các cấp Hội tham gia góp ý có hiệu quả vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội chủ động triển khai thực hiện các quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là các quy định về giám sát và phản biện xã hội. Cán bộ Hội cần nâng cao nhận thức về chức năng đại diện của tổ chức Hội, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, thể hiện rõ bản lĩnh, chính kiến để làm tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Phát huy vai trò làm chủ của hội viên, phụ nữ; tuyên truyền để phụ nữ hiểu được quyền, trách nhiệm và tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến Văn kiện Đại hội Đảng.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy trí tuệ, dân chủ, tạo sự đồng thuận và thể hiện nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ trong xây dựng và hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng thông qua tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thu thập, phản ánh ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên, phụ nữ vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là tập trung góp ý vào định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu trong dự thảo Văn kiện nhằm đề xuất và bảo đảm các vấn đề liên quan đến phụ nữ, gia đình và vấn đề bình đẳng giới, với các giải pháp cụ thể sau:

- Tổ chức nhiều diễn đàn, nhiều buổi sinh hoạt cho hội viên, phụ nữ đóng góp ý kiến với các hình thức đa dạng, phù hợp; trong đó, tôn trọng vai trò định hướng của tổ chức Hội nhằm cung cấp thông tin đầy đủ giúp chị em phụ nữ nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu các vấn đề thiết thân liên quan đến phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới; qua đó, nâng cao chất lượng góp ý xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

- Tăng cường huy động ý kiến của mạng lưới các chuyên gia, các nhà khoa học trong từng lĩnh vực, tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đóng góp của đại diện các nhóm nữ trí thức, nữ doanh nhân, các chuyên gia về giới, gia đình, phụ nữ và trẻ em để có căn cứ thực tiễn trong góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

- Tổ chức hội nghị trực tuyến để trao đổi và lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng của các cấp Hội trong cả nước; tuyên truyền và mở chuyên mục tiếp nhận các ý kiến của hội viên, phụ nữ góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng trên Cổng thông tin điện tử của Hội, Báo Phụ nữ Việt Nam; tổng hợp, phản ánh đầy đủ ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các nhóm phụ nữ khác nhau vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Thứ ba, các cấp Hội cần chủ động, sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến, triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp đến các tầng lớp phụ nữ và nhân dân, bảo đảm nghị quyết sớm được đi vào cuộc sống; đồng thời, bám sát các chủ trương, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội đảng các cấp làm định hướng trong xây dựng văn kiện đại hội phụ nữ các cấp, cũng như trong xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ công tác hội.

Thứ tư, coi trọng việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, cũng như việc tiếp thu ý kiến của tổ chức hội trong quá trình góp ý, xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp; thường xuyên đánh giá tính đúng đắn, khoa học, hợp lý của các vấn đề mà Hội kiến nghị, đề xuất để tiếp tục rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ này trong những giai đoạn tiếp theo.

Thứ năm, tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn làm cơ sở để Hội không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, mà còn tham mưu cho Đảng về các phương thức, cơ chế hiệu quả nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh./.

------------------------

(1) Báo cáo 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”

(2) Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019,  của Quộc hội, phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, đề ra một trong những mục tiêu là thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

(3) Nghị quyết số 12/NQ-CP, ngày 15-2-2020, của Chính phủ, “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, các bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng Dự án số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”

(4) Theo báo cáo số 460/BC-ĐCT, ngày 31-12-2019, của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, “Về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII”

(5) Kế hoạch số 755/KH-ĐCT, ngày 26-2-2020, “Về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong các cấp Hội Phụ nữ đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; Công văn số 4554/CV- ĐCT, ngày 7-7-2020, “Về định hướng tham gia góp ý văn kiện đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Theo HÀ THỊ NGA/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều