Phát huy vai trò người cao tuổi tham gia xây Đảng, chính quyền ở cơ sở

(Mặt trận) - Trong những năm qua, các cấp Hội Người cao tuổi ở các địa phương đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Hội Người cao tuổi ở cơ sở đã tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các hoạt động dân chủ ở cơ sở, góp ý kiến, đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc. Những việc làm đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Hội Người cao tuổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Trong hệ thống chính trị ở cơ sở, người cao tuổi có vai trò, vị trí quan trọng và thực tế đã và đang phát huy vai trò nòng cốt tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, đặc biệt có đóng góp ngày càng hiệu quả trong tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở cơ sở.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao Bằng khen cho người cao tuổi tiêu biểu cơ sở khu vực Tây Bắc, tháng 10/2017.  
Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị do cấp ủy Đảng, Mặt trận tổ chức, các đợt tiếp xúc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, người cao tuổi luôn trách nhiệm thẳng thắn, phản ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, kiến nghị nhiều giải pháp tham gia chống tham nhũng, tiêu cực, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều người cao tuổi có kinh nghiệm, uy tín xã hội, sẵn sàng đảm nhận các công việc của địa phương, góp phần tích cực xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Theo báo cáo rà soát năm 2021 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,99 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số và dự báo trong vòng 16 - 18 năm nữa Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Vì vậy, quan tâm, thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi; phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng của người cao tuổi là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chính sách của Đảng, Nhà nước ta, trong đó, đặc biệt cần có giải pháp thiết thực, phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động. Đây cũng là một trong những mục tiêu chung được xác định tại Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021. Hiện nay, cả nước có hơn 656.000 Người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hoà giải cơ sở, có 300.150 người cao tuổi tham gia các Tổ an ninh nhân dân phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI về phát huy mạnh mẽ vai trò Người cao tuổi tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp Hội Người cao tuổi ở cơ sở tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người cao tuổi về nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng kế hoạch, chủ động tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tạo điều kiện để Người cao tuổi phát huy bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm và phẩm chất tốt đẹp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Hội Người cao tuổi, người cao tuổi Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hăng hái thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”. Để Hội tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với người cao tuổi, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp, ngành cũng cần chú trọng đề cao vai trò nòng cốt của Hội Người cao tuổi Việt Nam nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp hội, người cao tuổi. Phát huy vai trò của các cấp hội trong thực hiện thiết thực, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi”; phát huy khả năng của người cao tuổi “Tự thân vận động, tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm”; trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”…  tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến người cao tuổi; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ, Nhân dân trong cộng đồng dân cư chấp hành thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá của địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, đến đời sống, sản xuất và quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm, về âm mưu, phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch... tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh nông thôn và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; đồng hành với chính quyền các cấp trong xây dựng niềm tin và sự hài lòng của người dân đối với công tác quản trị, quản lý dân cư, quản lý xã hội trên địa bàn, thực sự phục vụ cuộc sống của Nhân dân.

Hai là, Hội Người cao tuổi ở cơ sở cần tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn, động viên Nhân dân tích cực đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, giúp xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Người cao tuổi vững vàng trước những tác động từ bên ngoài, những biến động trong khu vực và thế giới, là cơ sở đảm bảo tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại từng địa phương, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái trong Đảng.

Ba là, người cao tuổi thực hiện nêu gương trong phê bình và tự phê bình, góp ý kiến xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò tích cực của Người cao tuổi trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát cán bộ, công chức theo luật định. Hội Người cao tuổi là nơi tin cậy để người dân phản ánh, tố giác tội phạm, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, kịp thời phát hiện những cán bộ, đảng viên tiêu cực, quan liêu, đề nghị xử lý nghiêm theo pháp luật để củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, Hội Người cao tuổi ở cơ sở tham mưu chủ trì tổ chức các hội nghị tham gia xây dựng Đảng, tập trung vào 3 nội dung chủ yếu là: Sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương; Sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với các đoàn thể chính trị - xã hội; Phẩm chất đạo đức, mối quan hệ của đảng viên với quần chúng… Hội nghị mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền tham dự và đối thoại trực tiếp với các đại biểu người cao tuổi dự hội nghị.

Năm là, Hội Người cao tuổi cơ sở phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên, phát huy vai trò người cao tuổi trong công tác phát triển đảng viên, tham gia đóng góp, bổ sung các văn kiện Đại hội Đảng. Triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực các chương trình phối hợp hoạt động của Hội với các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở; phát huy vai trò tích cực, trí tuệ của người cao tuổi tham gia phản biện các dự án sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, các văn bản pháp quy, các chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương; chủ động tham gia xây dựng, phối hợp xin ý kiến Nhân dân về các nội quy, quy ước, hương ước ở khu dân cư ngay từ dự thảo văn bản.

Sáu là, Hội Người cao tuổi cơ sở cần giữ mối liên hệ thường xuyên với những người cao tuổi có uy tín, động viên người cao tuổi tham gia những công việc, những vị trí công tác của các tổ chức phù hợp với khả năng của người cao tuổi, chủ động phát hiện, tham mưu và giới thiệu những người cao tuổi tích cực và có khả năng tham gia vào các hội đoàn thể, như: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Chữ Thập đỏ, Khuyến học, Cựu giáo chức, Cựu thanh niên xung phong… tổ hòa giải, thanh tra nhân dân ở khu dân cư hoặc cơ cấu vào Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

Bảy là, Ban đại diện, Hội Người cao tuổi các cấp cần kịp thời phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, phổ biến kinh nghiệm của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng các đoàn thể vững mạnh ở các địa phương.

Công tác vận động, tập hợp và phát huy vai trò của người cao tuổi cần được các cấp chính quyền địa phương, cơ sở chăm lo và xây dựng, nhất là đội ngũ người cao tuổi là các nhà khoa học, nhà quản lý, các già làng, trưởng bản, người có uy tín... làm nòng cốt tham gia xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở.

Tài liệu tham khảo

1.   Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2006.

2.   Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011.

3.  Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016.

4.  Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021.

5.  Nguyễn Thu Hà, Hoàng Thị Hải Yến: Công tác xã hội với người cao tuổi, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 2022.

Vũ Dương Châu

 Nguyên Trưởng Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều