Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở

(Mặt trận) - Qua 6 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, đến nay cả nước ghi nhận hiệu quả từ công tác này với tỷ lệ hòa giải thành công 80,9%. Thực tiễn công tác này cũng cho thấy vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Bài viết phân tích mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan tư pháp về hoạt động của các tổ chức thành viên trong thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở và những giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này.

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị đã làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam ngày 20/7/2020. Ảnh: Quang Vinh.

Trong các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở. Nghị quyết Trung ương 7/NQTW ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị đã khẳng định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động để thực sự là tổ chức tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, nơi thể hiện nguyện vọng và ý chí của các tầng lớp nhân dân; nơi thống nhất hành động giữa các thành viên, tham gia với chính quyền trong việc giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trong việc thực hiện dân chủ và đổi mới xã hội, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ chính quyền; tham gia quản lý xã hội, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng; góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước".

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, khu dân cư, nơi tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tổ chức, người có uy tín, tiêu biểu trong các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải cơ sở.

Vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở

Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở

Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở đến khu dân cư. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở, điển hình như: Thừa Thiên - Huế, An Giang, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An...; hướng dẫn lồng ghép tuyên truyền pháp luật hòa giải ở cơ sở trong các hội nghị Ủy ban, hội nghị giao ban định kỳ, hội nghị gặp mặt các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; lồng ghép trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải cơ sở thành một tiêu chí đánh giá thực hiện cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với ngành tư pháp cùng cấp tăng cường tổ chức nhiều hội nghị tập huấn pháp luật và các hội nghị chuyên đề hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tổ chức hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hoà giải viên, cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều tài liệu tập huấn, nhiều văn bản pháp luật được cấp phát đến “nhóm nòng cốt”, “câu lạc bộ pháp luật” và địa bàn khu dân cư.

 Đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở lồng ghép vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Nhiều địa phương đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật, nghị định, thông tư, kịp thời kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp thực thi hiệu quả, phát hiện và giải quyết nhanh các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở

Với phương châm phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ của lực lượng trí thức, cán bộ hưu trí, người có uy tín thường trú tại địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với chính quyền cùng cấp củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Theo báo cáo từ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến thời điểm hiện nay, toàn quốc có 96.896 tổ hoà giải với 601.312 hòa giải viên. Trong đó, cán bộ Mặt trận tham gia làm hòa giải viên là 128.091 người, Hội Liên hiệp Phụ nữ là 107.068 người, còn lại rất nhiều hòa giải viên là hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cán bộ làm công tác pháp luật nghỉ hưu… Đây là lực lượng đông đảo, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm trong cuộc sống, rất phù hợp làm công tác hòa giải ở cơ sở.

Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên được thực hiện thông qua các hội nghị tập huấn chuyên đề, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác hòa giải hàng năm... cũng như quan tâm cấp phát các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống thiết thực của nhân dân trong địa bàn dân cư như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… luôn được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chú trọng.

Việc bầu, công nhận, thôi làm nhiệm vụ hòa giải viên, bầu tổ trưởng tổ hòa giải ở nhiều địa phương được chuẩn bị bài bản hơn, tiến hành dân chủ theo quy định của pháp luật về hòa giải và dân chủ ở cơ sở. Hầu hết các nhân sự giới thiệu để bầu hòa giải viên đều am hiểu pháp luật, nhiều hòa giải viên có trình độ đại học, chuyên môn luật, có uy tín, có kinh nghiệm về hòa giải. Nhiều già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, người có uy tín, tiêu biểu tham gia làm hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải.

Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan tư pháp cùng cấp trong việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở

Sự phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan tư pháp cùng cấp từ Trung ương đến cơ sở đã có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Định kỳ hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở. Chủ động tổ chức kiểm tra công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở tại một số địa phương. Đồng thời, cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở do ngành Tư pháp chủ trì.

Phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức tốt các hội thi toàn quốc tìm hiểu về Luật Hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt là phối hợp tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ II, lần thứ III. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức trao 5 giải cho hòa giải viên xuất sắc trong vòng chung kết Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ III cho hòa giải viên giỏi là cán bộ Mặt trận cơ sở xuất sắc nhất, hòa giải viên giỏi trẻ tuổi nhất, hòa giải viên giỏi cao tuổi nhất, hòa giải viên có kỹ năng xử lý tình huống hòa giải xuất sắc nhất, hòa giải viên vượt khó… Hội thi là đợt sinh hoạt pháp luật sâu rộng tại cộng đồng dân cư, đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, là diễn đàn thiết thực và bổ ích để các hoà giải viên giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cơ sở, cũng là cơ hội nhằm biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở tại các địa phương được triển khai có hiệu quả. 63/63 tỉnh, thành phố trong 6 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đến nay các địa phương đã tiếp nhận tổng số 875.312 vụ việc, trong đó hòa giải thành: 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,9%; hòa giải không thành: 167.367 vụ việc. Nhiều địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao, như: Hậu Giang đạt 91,79%; Khánh Hòa: 92,54%... Đây là kết quả đáng ghi nhận của công tác hòa giải ở cơ sở, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong sinh hoạt, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai được giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, kết hợp đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan, ban, ngành đã nhân lên những giá trị đạo đức tốt đẹp tương thân, tương ái, kính trên, nhường dưới, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, vì cộng đồng, văn hóa xin lỗi... góp phần tích cực xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Hòa giải còn một số hạn chế, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở một số nơi thiếu sự chủ động, đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, cung cấp tài liệu pháp luật cho hòa giải viên chưa được thường xuyên, kịp thời. Một số nơi hoạt động hòa giải còn mang tính hình thức, chiếu lệ hoặc bị hành chính hóa làm mất đi ý nghĩa và bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận của hoạt động hòa giải. Nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn không thuộc phạm vi hòa giải chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào Công giáo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi khó vận động phụ nữ tham gia làm hòa giải viên, nhiều tổ hòa giải chưa đảm bảo cơ cấu hòa giải viên là nữ. Nhiều khu dân cư, việc họp dân bầu hòa giải viên gặp rất nhiều khó khăn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải cơ sở, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn ngay từ cơ sở.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện của chính quyền, phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc triển khai thực hiện. Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải, tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Hai là, kịp thời bổ sung, kiện toàn hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, lựa chọn những người tâm huyết, trách nhiệm, có ý thức xây dựng cộng đồng, có uy tín, kinh nghiệm trong cuộc sống và kiến thức pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Ba là, thực hiện tốt các giải pháp phát huy vai trò của hòa giải viên đã được bầu, công nhận. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên để cập nhật, nâng cao kiến thức cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.

 Bốn là, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động. Thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các hoà giải viên, đưa công tác hoà giải lồng vào các hoạt động phong trào khác của địa phương, như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...

Năm là, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Ngô Sách Thực

Thạc sĩ, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều