Phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc

(Mặt trận) - Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng cao nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, dân số của tỉnh khoảng 320.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai các chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng vững chắc an ninh biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tháng 12/2022. 
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, tỉnh Bắc Kạn có: 34 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 67 xã khu vực III, 648 thôn đặc biệt khó khăn.

Với vị trí chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, vùng đồng bào dân tộc hiện nay đang là mối quan tâm hàng đầu của mọi cấp, mọi ngành của tỉnh trong việc hoạch định và thực hiện các Chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2022, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn đã chủ động phối hợp các sở, ngành tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân tộc và thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình. Trên cơ sở dự kiến nguồn vốn được giao, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản dự kiến thông báo vốn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022 và tham mưu xây dựng hoàn thiện dự thảo kế hoạch triển khai các dự án, tiểu dự án chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn, hàng năm làm cơ sở triển khai thực hiện ngay khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

Từ việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với các chương trình khác đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, điều kiện sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần, đi lại của người dân được tốt hơn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện lưới quốc gia, trên 90% số hộ được sử dụng điện lưới, gần 90% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã được phủ sóng điện thoại di động…

Thực hiện Kế hoạch số 820/KH-UBND ngày 30/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn năm 2022, trong 6 tháng đầu năm, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người có uy tín theo quy định. Phối hợp với các địa phương trao tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho người có uy tín năm 2021; tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định đưa ra, kiện toàn danh sách người có uy tín giai đoạn 2019 - 2023 sau khi sáp nhập các thôn theo Nghị quyết số 97/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tổ chức 4 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho gần 300 đại biểu người có uy tín. Báo cáo kết quả thực hiện biểu dương, tôn vinh người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2021.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Bắc”.
ẢNH: HẢI YẾN 

Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tổ chức biên soạn, phát hành 300 cuốn bản tin “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” để tuyên truyền tại cơ sở; phối hợp với Ban chỉ đạo các xã tổ chức 11 cuộc hội nghị phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cho các thành viên Ban chỉ đạo và nhóm nòng cốt tại các mô hình.

Bên cạnh đó, hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới và thực hiện chương trình truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 21/1/2022 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” và Chương trình “Truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trên cơ sở kết quả khảo sát của các huyện, tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn 2 xã có tỷ lệ biểu hiện xu hướng bất bình đẳng giới cao nhất của toàn tỉnh triển khai xây dựng mô hình điểm là xã Cổ Linh, xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) và tổ chức 2 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ tuyên truyền viên tại 2 mô hình điểm. Hội nghị tập huấn đã cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản, quan trọng về bình đẳng giới và hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng hòa giải các trường hợp bạo lực gia đình.

Việc thực hiện các chính sách y tế đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được quan tâm thực hiện. Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Đến nay, tổng số người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế chiếm gần 50% số người tham gia bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, người dân tộc thiểu số khác cũng được đảm bảo quyền lợi tham gia và cấp thẻ bảo hiểm y tế với các nhóm đối tượng khác nhau theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế như: Cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động; người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội... Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, khi sinh con đúng chính sách dân số được triển khai thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho bản thân người phụ nữ dân tộc thiểu số và chăm lo đến sự phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai.

Lĩnh vực văn hoá nói chung và di sản văn hoá nói riêng luôn được tỉnh quan tâm, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp tích cực, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc, đặc biệt là di sản văn hoá phi vật thể. Việc thực hiện các Dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm, như: Tổ chức khảo sát, kiểm kê, đánh giá và lập danh mục trang phục truyền thống của dân tộc Mông, Dao thuộc Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022; xây dựng mô hình Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính tại các huyện: Ngân Sơn, Pác Nặm, Ba Bể và Chợ Mới; điều tra, đánh giá di sản Lượn Cọi và tổ chức 4 lớp truyền dạy bí quyết thực hành di sản Văn hóa phi vật thể Lượn Cọi thuộc Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lượn Cọi” của người Tày huyện Pác Nặm; thực hiện sưu tầm, bảo tồn tri thức bản địa về chế biến men lá để nấu rượu của người Tày tỉnh Bắc Kạn; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Hát ru” của người Tày ở tỉnh Bắc Kạn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới

Một là, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, tập trung giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ làm; quy định trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu trong thực hiện chương trình.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có uy tín theo quy định. Trong đó tập trung thực hiện các nội dung: Chỉ đạo các địa phương xét đề nghị các cấp khen thưởng người có uy tín; chuẩn bị các điều kiện cần thiết đón đoàn đại biểu người có uy tín của các huyện, thành phố về gặp mặt các lãnh đạo tỉnh và tham quan mô hình trong và ngoài tỉnh.

Ba là, tiếp tục triển khai các hoạt động tại mô hình điểm và duy trì việc biên soạn và phát hành cuốn bản tin hàng quý; thực hiện công tác kiểm tra, tổng hợp đánh giá tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với 11 mô hình điểm và tổ chức tổng kết Đề án năm 2022.

Bốn là, xây dựng hoàn thiện hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu thống kê về thực trạng kinh tế, văn hóa - xã hội của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phục vụ quản lý, lưu trữ, khai thác và xử lý dữ liệu thu thập từ các cấp, đảm bảo khả năng tích hợp, đồng bộ, truy xuất, chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin liên quan đến công tác dân tộc.

Năm là, tiếp tục phối hợp với Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện các chuyên mục, tin bài tuyên truyền về các chương trình, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Biên soạn và phát hành cuốn Bản tin Công tác dân tộc và thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định nhằm kịp thời tổng hợp, báo cáo những vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Đinh Hồng Kiên

 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều