Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

(Mặt trận) - Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thanh Hóa đang gặp phải khó khăn cho phát triển sản xuất và đời sống Nhân dân. Do đó, rất cần những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tiến trình thực hiện mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Với diện tích tự nhiên 11.120 km2, dân số trên 3,5 triệu người, Thanh Hóa là tỉnh rộng thứ năm cả nước, có rừng, đồng bằng và biển, là vị trí mở thuận tiện cho việc giao lưu trong nước và quốc tế. Những năm gần đây, Thanh Hóa đã và đang nổi lên như là một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm “Hỗ trợ tối đa cho hoạt động đầu tư sản xuất”, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã thường xuyên tập trung thực hiện các giải pháp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các dự án đầu tư đạt kết quả tích cực.

Công tác cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện đã rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đều cải thiện. Môi trường đầu tư đã khai thông các dòng vốn đầu tư xã hội, thể hiện ở sự gia tăng dư nợ tín dụng ngân hàng, gia tăng vốn thông qua các dự án đầu tư trực tiếp (FDI, DDI) được cấp phép và vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập.

Thanh Hóa đã xúc tiến đầu tư thành công một số dự án lớn, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau, như: giai đoạn 2 Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn; tổng kho dầu thô (Kuwait); Khu liên hợp dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thọ Xuân của Tập đoàn FLC; các dự án du lịch quy mô lớn của Tập đoàn SunGroup… Riêng trong năm 2018, toàn tỉnh đã có 3.222 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 17.500 tỷ đồng, tăng 4% về số doanh nghiệp và 6,4% về vốn so với các năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn tỉnh hiện nay lên 12.523 doanh nghiệp; GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.990 USD1.

Ngành công nghiệp có sự tăng trưởng nhanh chóng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 95.065 tỷ đồng năm 2018. Công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, bình quân hằng năm tăng 20,1%, vượt kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay; năm 2020 đạt 144.532 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015. Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp mới, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong ba dự án công nghiệp lớn nhất cả nước); triển khai xây dựng một số dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới.

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và sản xuất tiểu thủ công nghiệp được quan tâm phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Theo thống kê, năm 2018 sự tăng trưởng ngành công nghiệp, giá trị sản xuất đạt 95.065 tỷ đồng, tăng 34,2% do có thêm các sản phẩm mới của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn và một số sản phẩm công nghiệp, như: Quần áo may sẵn, xi măng, điện sản xuất, thủy sản đông lạnh chế biến, thuốc lá bao, giầy xuất khẩu...

Ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 94.270 tỷ đồng, tăng 13,3% so với các năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,76 tỷ USD, tăng 36,1%. Hoạt động du lịch có 8.250 nghìn lượt khách, tăng 15,3%; hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư mạnh mẽ, chất lượng các dịch vụ được nâng lên. Các dịch vụ về vận tải, bưu chính - viễn thông, ngân hàng... có bước phát triển nhanh, mở rộng loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng bình quân hằng năm đạt 12,14%; năm 2020 đạt 64.821 tỷ đồng. Các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu2.

Tăng trưởng và phát triển kinh tế đi liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu ngành kinh tế. Cơ cấu kinh tế theo ngành của tỉnh Thanh Hóa chuyển dịch theo hướng khá hợp lý, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ tăng lên trong GDP. Hoạt động sản xuất ngành nông nghiệp được tỉnh chú trọng tái cơ cấu, hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; chuyển đổi 4.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn.

Bên cạnh khu vực kinh tế nhà nước, đến nay đã có đầy đủ các thành phần kinh tế hoạt động theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ và tạo động lực cho nhau để phát triển. Các thành phần kinh tế đã phát huy tiềm năng và thế mạnh để phát triển. Trong lĩnh vực công nghiệp, khu vực kinh tế ngoài nhà nước ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP (chiếm 36%); khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, chiếm khoảng trên 54% GDP. Khu vực kinh tế nhà nước đang được tổ chức lại, đổi mới và đảm bảo giữ vai trò chủ đạo.

Nỗ lực vượt qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, từ sớm, từ xa, có trọng tâm, trọng điểm, năm 2021 Thanh Hóa vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,58%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,66%; dịch vụ tăng 3,59%; thuế sản phẩm tăng 2,32%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có bước phát triển và khá toàn diện, giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm. Năm 2021, có thêm 3 đơn vị cấp huyện, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã, tăng 0,2 tiêu chí so với năm 2020. Có thêm 89 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng. Hoạt động sản xuất công nghiệp cơ bản thích ứng an toàn, linh hoạt với diễn biến dịch Covid-19, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 ước tăng 16,93% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, song hoạt động thương mại vẫn duy trì ổn định, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 11,7%, doanh thu vận tải tăng 14,6%.

Trong lãnh đạo và điều hành, tỉnh luôn đảm bảo tính bao quát, toàn diện nhưng lại có trọng tâm trọng điểm. Tỉnh xác định rõ nhiệm vụ trước mắt, cũng như lâu dài, gắn với cá thể hóa, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân. Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả tích cực; công tác y tế được quan tâm đầu tư, nhiều kỹ thuật cao trong khám, điều trị bệnh được đưa vào áp dụng tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thực hiện kịp thời. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm.

Mặc dù có sự tăng trưởng kinh tế nhanh, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch so với thời gian trước, song phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu tính bền vững. Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm; xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng hóa gia công, sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm cao hơn các lần trước. Xuất hiện đứt gãy một số chuỗi cung ứng, nhất là ở giai đoạn đầu của đợt dịch bùng phát trong tháng 7/2021; có những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Xuất khẩu có xu hướng chậm lại; tình trạng nhập siêu có khả năng tiếp diễn. Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát, một bộ phận người dân mất hoặc thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn…

Để tạo bước phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thanh Hóa tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành để sớm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống. Đặc biệt, khẩn trương phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội để sớm phát huy hiệu quả của các chính sách trong thời gian nhanh nhất, tạo xung lực mới cho phát triển của tỉnh. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch theo hướng đồng bộ, đảm bảo mối liên kết trong nội bộ vùng, giữa các vùng trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.

Hai là, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, đề án, kế hoạch, đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt, trong đó tích hợp đầy đủ các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch sử dụng đất, khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các quy hoạch trước đây. Hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách mới, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Ba là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khả năng thích ứng; khơi dậy nội lực, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh. Thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng; phát triển các vùng nguyên vật liệu trên địa bàn để chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh.

Bốn là, tập trung thu hút, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, tạo thương hiệu lớn trên thị trường sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, trọng điểm là các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ số và chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương; đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao chất lượng, môi trường sống nông thôn.

Năm là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động, tạo năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; từng bước hình thành một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với khôi phục các nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.

Sáu là, đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt là ngành Y tế phải thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình, chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện sớm, truy vết thần tốc, cách ly nhanh, xử lý dứt điểm, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Tập trung chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, cử tri và Nhân dân quan tâm, như: ô nhiễm môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khai thác khoáng sản trái phép; quản lý đất đai; giải phóng mặt bằng các dự án; vi phạm quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; nợ đóng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp; xe ô tô chở quá tải trọng quy định…

Bảy là, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng những thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng, kiến thức, am hiểu công nghệ.

Chú thích:

1,2. Tỉnh ủy Thanh Hóa, Báo cáo số 566-BC/TU ngày 16/10/2020 (Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Nguyễn Thị Phương

ThS, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều